Chúa Nhật, 17.04.2022
Chứng Nhân Phục Sinh

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Cv 10,34a.37-43 • Tv 117,1-2.16ab và 17.22-23 (Đ. c.24) • Cl 3,1-4 • Ga 20,1-9

2022.03.22-PS01CN---Ga-201-9.jpg

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Gio-an

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Chứng Nhân Phục Sinh

Bà Maria ơi, bà đã thấy gì trên đường đi? Xin kể cho chúng tôi nghe!

Đó là điệp khúc quen thuộc trong Ca Tiếp liên của Lễ Phục Sinh.

Đó cũng là câu hỏi những người ngoài Kitô giáo đang đặt ra cho chúng ta, mỗi khi chúng ta cử hành lễ Phục Sinh. Đức tin Kitô giáo khẳng định Đấng sống lại đang hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu. Tuy vậy, đó lại là sự hiện diện vô hình huyền nhiệm. Nếu người thời nay không nhìn thấy Đấng Phục Sinh, thì họ lại có thể nhận ra Người nơi cuộc sống của các Kitô hữu. Chúng ta chỉ cử hành lễ Phục Sinh có ý nghĩa và hiệu quả, khi chúng ta chú trọng đến bổn phận giới thiệu và làm chứng cho Đấng Phục Sinh.

Phêrô là một mẫu gương điển hình trong sứ vụ này. Biến cố phục sinh đã làm thay đổi quan niệm của ông về Thầy mình. Ông hùng hồn mạnh dạn khẳng định: Chúa Giêsu đã trỗi dậy từ những kẻ chết. Để cho chứng từ của ông mang tính chính xác, ông còn nhắc đến những kỉ niệm với Thầy mình: đã cùng ăn cùng uống với Người.

Cảm nhận của hai tông đồ Phêrô và Gioan bên ngôi mộ trống cũng là cảm nhận của mỗi chúng ta khi mừng lễ Phục Sinh: Chúa Giêsu không bị lệ thuộc vào nấm mồ. Không gian tăm tối chết chóc không phải là nơi Chúa ngự. Ngôi mộ trống khẳng định: Người đã phục sinh! Người tín hữu hôm nay vẫn đang đứng trước một “ngôi mộ trống”, bởi tin là xác tín vào Đấng Vô hình. Tin cũng là “gặp gỡ” một Đấng mà mình không nhìn thấy. Vẫn còn đó ngôi mộ trống, như lời mời gọi người tín hữu không ngừng khám phá mỗi ngày, để trong cuộc đời, họ vẫn xác tín vào Chúa, giữa gian nan thử thách, luôn kiên vững, như thấy Đấng Vô hình” (x. Dt 11,27).

Ngôi mộ trống năm xưa cũng hướng chúng ta về một niềm hy vọng: những ai đã chết và đã được chôn trong mồ, nếu khi còn sống họ tin tưởng vào Chúa và yêu mến tha nhân, họ sẽ bước ra khỏi mộ tối để hưởng vinh quang bất diệt. Ngôi mộ chỉ là một trạm dừng trong hành trình về Nước Trời. Chẳng ai sinh ra rồi lưu lại nơi đó mãi mãi.

Để có thể làm chứng cho Đấng Phục Sinh, trước hết chúng ta phải gặp gỡ Người. Thánh Phaolô nói với chúng ta: gặp Đấng phục Sinh bằng thiện chí canh tân cuộc đời, như thế ta không còn thuộc về hạ giới nữa, nhưng thuộc về thượng giới. Hạ giới là nơi ta sinh ra, thượng giới là đích điểm ta hướng về. Đấng Phục Sinh đang chờ đợi chúng ta.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam