Chúa Nhật 12.05.2024
Tông Đồ Người Loan Báo Tin Mừng

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN – Lễ trọng

Cv 1,1-11 • Tv 46,2-3.6-7.8-9 (Đ. c.6) • Ep 1,17-23 • Mc 16,15-20

Tin Mừng và Lời Chúa ngày 25 tháng một 2022 - Vatican News

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mác-cô

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Tông Đồ Người Loan Báo Tin Mừng

Từ “euaggelion” là gì? Tiếng Hy Lạp sử dụng căn ngữ “eu”, diễn đạt sự thiện hảo kết hợp với căn ngữ “aggelos” chỉ định hành động “đưa tin”.

Hy Lạp cổ đại sử dụng từ theo nghĩa tích cực, là tin mừng mang phúc lành cho dân, như việc loan báo sự ra đời của quân vương hay tin mừng chiến thắng. Sau đó, La Mã đã dùng từ “euggelion” trong ý nghĩa tôn giáo liên quan đến sự thờ phượng hoàng gia, như đăng quang của hoàng đế mới với tư cách là “Chúa và Đấng Cứu Rỗi”. Trong Kinh thánh tiếng Hy Lạp (bản LXX), từ “euaggelion” xuất hiện khoảng bốn mươi lần, dịch từ Do Thái BeSoRaH, có nghĩa là phần thưởng cho người loan báo tin vui hay chính việc loan báo tin vui (2 Sm 18,22; Is 52,7).

Phaolô đã dùng thuật ngữ “euaggelion” 60 lần (trên 76 trong Tân Ước). Đối với ngài, Tin Mừng chủ yếu không phải là một sứ điệp, mà là quyền năng cứu rỗi, qua nghịch lý Thập giá (1 Cr 1,17-2,5).

Thánh Marco, khi soạn tác phẩm của ngài khoảng năm 70, đã sử dụng 8 lần từ “euaggelion”, theo phong cách bình dị nhưng ý nghĩa sâu sắc như Phaolô. Ngài viết: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1) và đoạn kết Tin Mừng (Mc 16,15-20) hàm ẩn ba chiều kích Kitô giáo: Đức Tin, Đức Mến và Đức Cậy.

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thụ tạo” (Mc 16,15). Quyền năng cứu độ của Thiên Chúa dành cho toàn thể vụ trụ Thiên Chúa đã tạo dựng. Toàn năng của Thiên Chúa là Tình yêu tuyệt đối của Chúa Giêsu trong sự tin tưởng loài thụ tạo yếu hèn và tội lỗi.

Con người có khả năng thể hiện tình yêu Thiên Chúa theo cách nói của Marco: trừ quỷ có nghĩa mang lại phẩm giá con người, trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa; không sợ hãi các loài rắn độc dẫn đến cái chết, và chữa lành, hồi phục sự sống bị hủy hoại vì bệnh tật… Lễ Thăng Thiên nói rằng Thế giới mà chúng ta thường thấy bề trái như ác độc và tội lỗi, chính là nơi Tình yêu thể hiện, để đưa “mọi loài” đến Nước Trời (Mc 16,19-20).

Thánh Gioan Phaolô II, đã kêu gọi Giáo hội thực hiện Tân Phúc âm hóa, loan báo Tin Mừng luôn mới không chỉ cho các miền truyền giáo mà còn trong các nền văn hóa hậu Kitô giáo đã nhuốm màu thế tục. Ngài khơi dậy trong chúng ta, những người đã nhận phép Thánh tẩy, tinh thần và lòng nhiệt thành của các tông đồ sau Lễ Ngũ Tuần (Novo Millennio Ineunte, 40). Đời sống Kitô hữu là dấu chỉ Tin Mừng mà thánh Marco nhấn mạnh: tin tưởng, đừng sợ và hãy trỗi dậy. Amen.

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam