Chúa Nhật, 13.01.2019 – Tình Yêu Khiêm Cung

Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra…(Lc 3,21)

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Is 42, 1-4. 6-7 • Tv 103 • Cv 10, 34-38 • Lc 3, 15-16. 21-22

Lời Chúa

“Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Đấng Kitô không?”, Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Bản dịch của Uỷ Ban Phụng Tự, HĐGMVN
NS Trái Tim Đức Mẹ đánh máy vi tính
Nguồn: thanhlinh.net

Lời Chúa trong giờ kinh trong gia đình

Nguồn: tgpsaigon.net – Thu âm: Anh Tuấn

Nghe suy niệm Lời Chúa

Nguồn: chanlyviet.net – Đài Chân Lý Á Châu

Sống Lời Chúa: Tình Yêu Khiêm Cung

Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra…(Lc 3,21)

Khi bắt đầu ra mắt người dân trước một nhiệm kỳ mới, các nhà lãnh đạo thường hùng hồn phát biểu, đưa ra chương trình hành động, cách hành xử cũng như mục tiêu trong nhiệm kỳ của mình. Qua đó họ xây dựng hình ảnh cá nhân của mình sao cho thật đẹp, và thật ấn tượng.
Với Chúa Giêsu, khi bắt đầu sứ mạng công khai rao giảng triều đại Nước Thiên Chúa, đã không hề có lời lẽ hùng hồn, hoa mỹ nào. Cách Người xuất hiện lần đầu thật khác thường: đứng chung quanh hàng ngũ với những người tội lỗi để được Gioan làm phép rửa. Đây là hành động thật khó hiểu, nhưng chứa đựng ý nghĩa hết sức sâu sắc và thiết thực.
Chúa Giêsu đứng chung với tội nhân là một sứ điệp mạnh mẽ về tình yêu khiêm hạ. Người nói với mỗi người chúng ta rằng: Yêu thương là nên một, yêu thương là cúi xuống, và cúi xuống thật thấp để có thể “loan báo tin vui cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, giập nát, giải thoát những kẻ giam cầm”.
Kế hoạch yêu thương này đã được Người sống triệt đề và nhất quán trong suốt cuộc đời. Bởi yêu thương là cúi xuống nên người bên vực cô nhi quả phụ, chăm sót cho người đói khát, chữa lành mọi bệnh tật, chia sẻ thân phận với người tội lỗi, để rồi cuối cùng Người bị hành hạ và bị kết án tử hình một cách ô nhục không khác gì tội nhân.
Yêu thương là cúi xuống, Người mời gọi ta hãy học nơi Người “sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Nếu không có tình yêu, sẽ chẳng có khiêm nhường. Khi không có tình yêu, sẽ chẳng ai chịu hạ mình xuống để bị lôi ra làm trò cười, bị nhạo báng; sẽ chẳng ai chịu nổi sự khinh khi nhục mạ. Chỉ vì sự huỷ đến tận cùng nên Người đã chịu chết trên cây Thánh Giá, trở nên cớ vấp phạm cho người Do Thái và sự điên rồ đối với người Hy Lạp.
Quả vậy, yêu thương chính là cuối xuống thật gần.

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Lạy Chúa, xin cho con yêu Chúa hơn nơi người khổ đau, bị bệnh tật, bị bỏ rơi. Vì chỉ với người bị gạt bên lề xã hội như thế, con mới biết yêu thương của con có thật không.
Quyết tâm: Quan tâm, gần gũi những người nghèo.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam