Chúa Nhật III Mùa Chay A – 2014: Kế hoạch thể hiện sự thật, sự sống và tình yêu trong gia đình

Điều cần làm tuần này là chúng ta sẽ hành động cụ thể như thế nào để tìm lại sự thật, sự sống, tình yêu cho gia đình. Các bài Thánh Kinh tuần này sẽ giới thiệu những hành động đó.

 Chúa Nhật III Mùa Chay A – 2014

Kế hoạch thể hiện sự thật, sự sống và tình yêu trong gia đình

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hai tuần qua chúng ta đã tìm hiểu bối cảnh đen tối của các gia đình thấy cần phải lên núi với Chúa Giêsu vì Người là con đường tình yêu dẫn đến sự thật và sự sống của Thiên Chúa để đổi mới gia đình. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những nhận thức về lý thuyết.

Điều cần làm tuần này là chúng ta sẽ hành động cụ thể như thế nào để tìm lại sự thật, sự sống, tình yêu cho gia đình. Các bài Thánh Kinh tuần này sẽ giới thiệu những hành động đó.

1. Tình trạng đói khát sự sống, sự thật, tình yêu trong gia đình

Tình trạng đói khát sự sống, sự thật, tình yêu trong gia đình diễn tả cách rất cụ thể qua các bài Thánh Kinh hôm nay.

1.1. Cơn khát sự sống

Cả cộng đồng dân tộc Do Thái đi trong sa mạc không có nước để giải khát. Sự sống của toàn thể gia đình bị đe doạ nặng nề: “Chúng tôi, con cái chúng tôi và súc vật của chúng tôi bị chết khát đến nơi rồi!” (x. Xh 17,3).

Chính Chúa Giêsu, là Thiên Chúa làm người, cũng cảm nghiệm được cơn mỏi mệt và nỗi khát khao đó của con người nên đã xin người phụ nữ Samari chút nước uống (x. Ga 4,6-7). Người là vị Thiên Chúa luôn cảm thông với gia đình nhân loại và khao khát tình yêu dù Người là sự thật và sự sống (Ga 14,6).

1.2. Cơn khát sự thật

Cơn khát nước sống này giúp ta hiểu về một nỗi khát khao còn căng thẳng và gay gắt hơn nhiều: cơn khát sự thật. Con người không còn biết sự thật về mình với ân huệ Thiên Chúa ban, nên Chúa Giêsu nhắc nhở: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban” (Ga 4,10). Con người không còn biết tình trạng thật của gia đình mình: “Chị nói ‘tôi không có chồng’ là phải, vì chị đã có 5 đời chồng rồi và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (Ga 4,17). Con người cũng không biết sự thật về Thiên Chúa nên cứ loay hoay bám víu vào một số tôn giáo, ý thức hệ, chủ nghĩa nào đó: “Các người thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi Samari này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết” (Ga 4,21-22).

1.3. Cơn khát tình yêu

Cơn khát gay gắt nhất đối với gia đình vẫn là cơn khát tình yêu, vì ai cũng muốn yêu thương và được yêu thương. Tình yêu là giá trị cao cả nhất con người cần tới nhưng cũng lại là thứ khó khăn nhất mà con người phải nuôi dưỡng và phát triển trong gia đình.

Những hiểu lầm, va chạm, xung đột giữa các thành viên trong gia đình diễn ra hằng ngày như muốn nói lên nỗi thất vọng của con người đối với tình yêu. Những hành động đánh đập, chửi mắng hoặc giữ một thái độ lạnh lùng, bất cần đến nhau gây nên bao đau khổ, uất hận cho chính những người mà đáng lý ta phải yêu thương hơn cả, đang làm cho con người tưởng chừng như bất lực trước cơn khát tình yêu này. Rồi nhiều người tưởng mình sẽ giải quyết được cơn khát khi đi tìm người khác để yêu thương bằng những cuộc phiêu lưu tình cảm, ly hôn, hoặc tìm quên trong những trò nghiện ngập đủ loại, nhưng cơn khát càng cháy bỏng trong lòng người.

2. Đường hướng giải toả những cơn khát

Các bài Thánh Kinh hôm nay như giới thiệu với chúng ta giải pháp hiệu quả đối với những cơn khát là gặp gỡ được Chúa Giêsu như người phụ nữ Samari trong bài Phúc Âm (x. Ga 4,5-42), hoặc như thánh Phaolô qua thư gửi giáo đoàn Rôma (x. Rm 5,1-2.5-8).

2.1. Vì Đức Giêsu Kitô là mạch nước hằng sống.

Người phụ nữ Samari đã xác tín: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đấng Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Đức Giêsu nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Ga 4,25-26).

Chúng ta cần phải gặp được Đức Giêsu vì Người là sự thật và sự sống. Người sẽ khơi lại mạch nước hằng sống trong lòng con người: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy, một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13-14).

2.2. Vì Đức Giêsu Kitô giải toả cơn khát sự thật

Người sẽ dạy chúng ta sự thật về Chúa Cha vượt lên trên các lễ nghi tôn giáo: “Giờ đã đến, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như thế” (Ga 4,23).

Chúa Giêsu đã ở lại Samari hai ngày để dạy dân chúng ở đó con đường sự thật và sự sống, dẫn họ đến ơn cứu độ. “Họ đã bảo người phụ nữ: Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng Cứu độ trần gian” (Ga 4,42).

2.3. Vì Đức Giêsu Kitô giải toả cơn khát tình yêu

Ân sủng cao quý nhất mà Đức Giêsu có thể ban cho con người đó là tình yêu Thiên Chúa và kèm theo biết bao hiệu quả tốt đẹp khác như ân sủng, bình an, hy vọng, sự công chính hoá, ơn cứu độ mà thánh Phaolô kể ra trong bài đọc II: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu Kitô đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta… Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,2.5-8).

3. Kế hoạch thể hiện sự thật, sự sống, tình yêu trong gia đình

Sự thật, sự sống, tình yêu mà Đức Giêsu mang đến cho gia đình không ở đâu xa. Chúng ta cũng không phải lên rừng, lội suối, tốn công, mất sức, hao tổn tiền bạc để kiếm tìm cho gia đình. Những thứ quý giá ấy ở ngay trong lòng ta, trên môi miệng ta, trong tâm trí ta. Ta chỉ cần kết hợp với Đức Giêsu là có thể thực hiện cho mọi người, mọi vật sống quanh mình. Chúng tôi xin đề nghị vài việc cụ thể sau đây:

3.1. Cuộc gặp gỡ đầu tiên trong ngày

Các thành viên trong gia đình chúng ta nên tập thói quen: ngay từ lúc sáng sớm thức dậy, hãy dành một vài phút để dâng ngày sống cho Chúa với quyết tâm chỉ nghĩ điều tốt đẹp phục vụ sự sống, chỉ nói lời chân thành phục vụ sự thật và chỉ làm việc tốt đẹp diễn tả tình yêu thương. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên với Đức Giêsu Kitô để nhận được nguồn sống, sự thật và tình yêu cho mọi hoạt động trong ngày.

Cả ngày sống như thế sẽ được định hướng giống như người phụ nữ và dân thành Samari sau khi gặp được Đức Giêsu Kitô. Mỗi hành vi ta làm bây giờ có một giá trị vô cùng và một uy lực phi thường vì được gắn chặt vào chương trình cứu độ của Người. Nhiều người, vì không bắt đầu ngày sống bằng cuộc gặp gỡ này, nên bị hụt hơi, không có nguồn lực tiếp sức.

Sau khi đánh răng, rửa mặt, soi mình trong gương để chải đầu hay trang điểm, ta hãy cười thật tươi và nói thầm với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Chúa, xin chúc lành cho ngày sống hôm nay. Xin cho con giữ mãi niềm vui Phúc Âm trong lòng con và chuyển nụ cười này cho mọi người”.

3.2. Thể hiện sự thật, sự sống và tình yêu trong gia đình

Tiếp theo ta nên tập thói quen “Chúc ngày sống tốt lành” cho những người đầu tiên ta gặp trong ngày. Nhiều dân tộc Á châu, Phi châu đã bắt chước lời chào này của dân Kitô giáo có từ hai chục thế kỷ qua. Các dân tộc nói tiếng Anh hay tiếng Pháp vẫn chào nhau đầu ngày bằng “Good morning” hay “Bon jour”. Những lời “cám ơn”, “xin lỗi” “chúc lành”, nụ cười, cúi chào người trên, hỏi thăm người dưới…chỉ tốn một vài giây nhưng thử hỏi chúng ta đã thực hiện được mấy lần cho người thân trong gia đình?

Những cử chỉ đó sẽ tạo nên một phong cách sống mới của gia đình Công giáo Việt Nam, nhất là nếu chúng ta biết hít thở Thần Khí khi nói những lời trên. Chắc chắn phong cách sống này sẽ mang lại niềm vui, bình an, hạnh phúc trong gia đình khi mỗi thành viên cảm thấy an ủi vì biết mình đang được quan tâm và yêu mến. Họ sẽ có động lực để vượt qua những khó khăn, thử thách và cả những cơn cám dỗ trong đời.

3.3. Cuộc gặp gỡ cuối ngày

Cuộc gặp gỡ cuối ngày với Đức Giêsu Kitô cùng các thành viên trong gia đình cũng rất quan trọng. Nhiều gia đình tổ chức những giờ kinh chung. Đây là hành động rất tốt nhưng chúng ta đừng biến cuộc gặp gỡ thành giờ đọc kinh, lần chuỗi Mân Côi theo kiểu độc thoại. Hãy để Chúa đối thoại với ta như người phụ nữ Samari va dân thành của bà khi Chúa ở lại với họ 2 ngày.

Chúng ta có thể dành ra chừng 10-15 phút để các thành viên cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu bằng những giây phút lặng yên sau khi đọc 1 đoạn Lời Chúa, sau một vài lời cám ơn, chia sẻ, nhắc nhở hay xin lỗi nhau vì hiểu lầm, nói lời tiêu cực… trong ngày. Rồi ta kết thúc bằng việc xin Chúa chúc lành cho giấc ngủ đêm và chúc nhau ngủ ngon.

Lời kết

Chắc chắn việc Phúc Âm hoá còn đòi hỏi chúng ta nhiều việc phải làm, nhiều điều phải học, nhiều kỹ năng sống phải tập như dân thành Samari. Nhưng điểm quan trọng vẫn là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và cùng giúp nhau gặp được Người vì một lần gặp được Người là mỗi người cũng như gia đình ta biến đổi. Vậy tôi đã gặp được Chúa Giêsu chưa và biến đổi như thế nào?