Chúa Nhật II Mùa Chay A – 2014: Cuộc biến đổi gia đình

Gia đình giống như một chiếc xe chở nhiều người bị đứt thắng đang tuột dốc và có nguy cơ lao xuống vực thẳm. Tuần này, Giáo Hội giới thiệu hình ảnh Đức Giêsu dẫn các môn đệ lên núi cao rồi biến đổi hình dạng, toả sáng chói lọi trước mắt các môn đệ như dạy chúng ta bí quyết phục hồi và đổi mới gia đình.

 

Cuộc biến đổi gia đình

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong tuần I Mùa Chay chúng ta đã tìm hiểu bối cảnh xã hội của gia đình VN với những thử thách và cám dỗ. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều gia đình trên thế giới. Gia đình giống như một chiếc xe chở nhiều người bị đứt thắng đang tuột dốc và có nguy cơ lao xuống vực thẳm u tối của tan vỡ và chết chóc. Chính trong tuần thứ II Mùa Chay này, Giáo Hội lại giới thiệu hình ảnh Đức Giêsu dẫn các môn đệ lên núi cao rồi biến đổi hình dạng, toả sáng chói lọi trước mắt các môn đệ như dạy chúng ta bí quyết phục hồi và đổi mới gia đình.

Trong ít phút này chúng ta cùng tìm hiểu những nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy thoái gia đình và giải pháp Phúc Âm hoá để đổi mới gia đình.

1. Những nguyên nhân gây nên đổ vỡ và làm tan rã gia đình

Biết bao nhiêu cuộc hội thảo, hội nghị được tổ chức trên khắp thế cũng như ở VN để tìm ra những nguyên nhân gây đổ vỡ và làm tan rã gia đình. Chúng tôi xin tóm tắt vào 3 nguyên nhân chính sau đây:

1.1. Gia đình đánh mất giá trị sự sống

Sự sống là một mầu nhiệm mà con người chỉ có thể tìm được giá trị cao cả của nó nơi Thiên Chúa là nguồn của sự sống, nhưng con người đã quy sự sống của mình vào những gì tầm thường của vật chất, thoả mãn những đòi hỏi của một đời sống thực vật giống như cây cỏ, hoặc đời sống động vật chỉ ăn uống như con thú, hay chỉ là một con người tự nhiên với cơm bánh hằng ngày. Con người không nhận ra sự sống kỳ diệu, nhiệm mầu, siêu việt, vĩnh hằng của chính Thiên Chúa có thể được ban cho con người.

Chính vì thế, nhiều người không nhận ra giá trị của sự sống, cho sự sống là vô nghĩa, là phi lý nên mới coi thường sự sống của mình, tàn phá, huỷ hoại sự sống của mình cũng như người khác bằng đủ thứ nghiện ngập, bằng việc đánh đập, chửi rủa, thậm chí giết hại cả đứa con trong bụng mình… Con người vì thế đã đánh mất tương quan tốt đẹp mật thiết với người khác, và chỉ muốn khai thác bóc lột họ để thoả mãn cơn đói của mình. Con người đánh mất tình yêu giữa con người với con người để không còn nhận ra nhau là anh em ruột thịt, là xương thịt của nhau. Gia đình bây giờ trở thành một quán trọ để người ta sống tạm bợ với nhau, rồi sau đó lại đi tìm quán trọ khác.

1.2. Con người đánh mất giá trị tình yêu

Tình yêu cũng là một mầu nhiệm trong các mầu nhiệm khác của con người. Con người cố gắng diễn tả tình cảm thắm thiết của mình cho người khác nhưng chỉ bằng những nhịp đập tự nhiên của trái tim mình, chiều theo những dục vọng riêng tư nên con đường tình của con người luôn luôn dang dở. Con người không tìm về được với Thiên Chúa, là nguồn tình yêu của con người, cho nên con người đánh mất tình yêu chân thực với Thiên Chúa cũng như với nhau, dẫn đến các vụ ly hôn, ly thân, ngoại tình, phản bội nhau; dẫn đến những chuyện bồ nhí, vợ bé, xâm hại tình dục. Con người đánh mất tương quan với Thiên Chúa như con cái đối với người cha của mình nên cũng đánh mất luôn mối tương quan với người khác như là anh em của nhau.

1.3. Gia đình đánh mất giá trị sự thật

Con người chỉ nhìn thấy những hình ảnh mờ ảo bên ngoài chứ không nhìn sâu vào bản chất của sự vật, sự kiện, chỉ nhìn được những vỏ bọc của vật chất, nên con người không sống thực với lòng mình và không nhận ra được sự thật của vạn vật hay của người khác. Trong khi Chúa mời gọi ta khám phá ra sự thật của vạn vật quanh ta để có mối tương quan tốt đẹp với chúng như người anh lớn, chị lớn đối với các đứa em nhỏ trong gia đình thì con người lại cho vạn vật chỉ là những phương tiện để sống còn và khai thác chúng như một ông chủ tàn bạo, hà khắc. Con người đánh mất tương quan tốt đẹp giữa vạn vật với mình và làm tổn thương nặng nề đến gia đình khi các thành viên chỉ đi tìm tiền bạc, vật chất, lợi lộc cho riêng mình để sống giả dối với nhau.

Tóm lại, khi không còn nhận ra giá trị của sự thật, sự sống, tình yêu bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, con người huỷ hoại các mối tương quan của gia đình đối với vạn vật, với tha nhân và với chính Thiên Chúa khiến cho gia đình tan vỡ và bất hạnh.

2. Những giải pháp để loại bỏ những nguyên nhân gây nên đổ vỡ và tan rã gia đình

Cuộc biến hình trên núi hôm nay như là lời giải đáp cho những khó khăn mà gia đình đang gặp phải, đồng thời giới thiệu cho chúng ta những giải pháp để loại bỏ những nguyên nhân gây nên đổ vỡ và tan rã gia đình.

2.1. Cùng lên núi với Chúa Giêsu

Giải pháp đầu tiên là Chúa Giêsu mời gọi các thành viên trong gia đình, tượng trưng qua ba môn đệ, cùng đi với Người lên ngọn núi cao. Cùng đi với Chúa Giêsu thì chúng ta mới nhận ra được con đường sự thật và sự sống (x. Ga 14,6) để cứu thoát và biến đổi gia đình. Đây là con đường đi lên cao với những khó khăn, có thể làm chúng ta mệt mỏi, nhưng chắc chắn sẽ dẫn đến những kết quả lớn lao cho gia đình thay vì những bế tắc của bao nhiêu hội nghị trong mấy chục năm qua.

Cùng đi với Chúa Giêsu sẽ giúp chúng ta khám phá Người chính là sự thật toàn diện sẽ giải phóng con người khỏi ách nô lệ (x. Ga,31-32). Người chính là sự sống kỳ diệu sẽ làm cho mỗi người chúng ta trở thành Thiên Chúa giống như Người. Người cũng chính là tình yêu cụ thể của Chúa Cha ban cho muôn người muôn vật vì “Thiên Chúa yêu thương thế gian đã ban Con Một để những ai tin vào Con của Ngài sẽ được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Chúng ta được mời gọi cùng đi với Chúa Giêsu như Abraham trong bài đọc I (x. St 12,1-4a) đã được mời gọi: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi để đi đến vùng đất mới mà Ta sẽ chỉ cho người”. Chúng ta có dám đi lên núi với Chúa Giêsu để nhận được sự biến đổi hay không?

2.2. Cùng biến đổi với Chúa Giêsu

Hơn nữa, cùng đi với Chúa Giêsu, hay nói đúng hơn là cùng kết hợp thành một với Người, là chúng ta chắc chắn sẽ đổi mới được gia đình mình vì chúng ta nhận được sự thật, sự sống và tình yêu Thiên Chúa như những chất liệu nền tảng cho công cuộc đổi mới.

Trước hết, chúng ta đổi mới chính mình: chúng ta toả ánh sáng của sự thật, sự sống, sự thánh thiện, ân sủng, công lý, hoà bình, tình yêu trong đời sống giống với khuôn mặt sáng chói như mặt trời của Chúa Giêsu. Rồi chúng ta đổi mới được vạn vật khi tiếp xúc với mình như nhà cửa, xe cộ, quần áo, lương thực giống như y phục trắng tinh của Chúa Giêsu phát ra ánh sáng. Chúng ta cũng đổi mới được mối quan hệ với tha nhân giống như Phêrô xin dựng 3 lều để tất cả những người thuộc nhiều thế hệ cùng sống với nhau như một gia đình hạnh phúc: “Lạy Thầy, chúng con ở đây thật hay quá!”. Lúc đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được gia đình là một tổ ấm mà mọi người chia sẻ hạnh phúc, tình yêu, ân sủng cho nhau khi sống chung với nhau.

Nhưng, kết quả cao cả nhất là chúng ta đổi mới được mối quan hệ với chính Thiên Chúa, trở thành con cái yêu dấu của Chúa Cha và làm đẹp lòng Ngài. Chúa Cha sẽ chuyển thông cho chúng ta sức mạnh, tình yêu, nguồn ân phúc, nguồn chân thiện mỹ để chúng ta cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu, phi thường chuyển thông cho ta để ta chuyển thông cho người khác.

2.3. Phúc Âm hoá gia đình

Đó chính là việc Phúc Âm hoá. Phúc Âm hoá là hoá thành Phúc Âm. Tin Mừng hay Phúc Âm không phải chỉ là những chữ viết ở trong một cuốn sách Kinh Thánh, hay những bài học giáo lý mà chúng ta cần phải nhớ, hoặc những lý thuyết, chủ trương mà Giáo Hội yêu cầu chúng ta phải theo. Giáo Hội luôn luôn nhắc nhở chúng ta rằng Phúc Âm là một con người sống động, là chính Đức Giêsu, Ngôi Lời sống động của Thiên Chúa mà chúng ta phải mở lòng đón nhận, lắng nghe, yêu mến và kết hợp với Người để cuối cùng biến thành chính Người.

Thánh Phaolô trong bài đọc II (x. Tm 1,8-10) nhắc nhở chúng ta rằng: “Anh em hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng vì Chúa Giêsu chính là Tin Mừng, Chúa Giêsu đã tiêu diệt sự chết và đã dùng Tin Mừng làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử”.

Phúc Âm hoá là hoá nên Tin Mừng. Mỗi thành viên trong gia đình chúng ta cần phải trở nên Tin Mừng sống động của Chúa Giêsu, bằng cách gắn bó với nhau, gắn bó với muôn người muôn vật để làm cho tất cả cảm nghiệm được niềm vui, sự sống, sự thật, tình yêu mà Chúa Cha ban cho chúng ta là con cái của Ngài.

Lời kết

Lúc đó, gia đình Công giáo chúng ta trở thành một gương mẫu cho những gia đình khác và giúp cho gia đình dân tộc này, đang có nguy cơ tan rã và huỷ hoại, sẽ trở thành vững mạnh và tốt đẹp mãi mãi.