Chúa Nhật III Phục Sinh B 2024: Chúa Giêsu Phục Sinh cứu độ thế giới

Vũ trụ vật chất từ nay mang một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ. Cuộc xung đột giữa tinh thần và vật chất đã được Đức Giêsu Phục Sinh hoá giải. Chúng ta được mời gọi thay đổi thái độ đối với vũ trụ vạn vật, với tài sản ta có, thay vì khinh thường, hay tôn thờ vạn vật, chúng ta yêu thương và đối xử với chúng như những người em nhỏ của mình trong đại gia đình Thiên Chúa.

Chúa Nhật III Phục Sinh B 2024

Chúa Giêsu Phục Sinh cứu độ thế giới

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúa Giêsu Phục Sinh làm cho từng giây phút sống của con người có ý nghĩa cao cả và giá trị vĩnh hằng. Người không chỉ cứu độ loài người, mà còn cứu độ toàn thể vũ trụ và hoá giải được cuộc xung đột căng thẳng giữa vật chất và tinh thần trong suốt dòng lịch sử nhân loại.

1. Cuộc xung đột giữa tinh thần và vật chất

Kể từ khi con người hiện đại biết suy tư, người ta đã nhận ra sự có mặt của vật chất và tinh thần, biết chúng thuộc hai loài đối kháng nhau do những khác biệt khó có thể dung hoà, tạo nên những cuộc xung đột mãnh liệt trong nội tâm con người cũng như trong đời sống cộng đồng.

Thật vậy, vật chất theo nghĩa đầu tiên là những thành phần thuộc thế giới tự nhiên, là tất cả những gì tồn tại một cách khách quan ở bên ngoài ý thức và độc lập với ý thức của con người. Ví dụ: tiền của, đất nước, núi sông, các tinh tú trong vũ trụ…Theo nghĩa thứ hai, vật chất là những thứ thuộc về nhu cầu thể xác của con người như nhà ở, thực phẩm, quần áo, xe cộ… mà ta gọi là đời sống vật chất (x. Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập IV, mục từ Vật chất, tr.834; Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ Vật chất, tr.1416).

Hằng ngày, con người cần đến vật chất để sống, rồi do lòng tham và lòng dục thúc đẩy, con người lại muốn chiếm hữu thật nhiều. Con người cũng nhận ra rằng, càng chiều theo những nhu cầu vật chất, càng làm khổ chính mình và làm thiệt hại người khác. Ví dụ: càng ăn uống no say, càng chiều theo bản năng dục vọng, con người càng làm cho mình đau yếu, bệnh tật và biến người khác trở thành những đồ chơi giải trí để thoả mãn dục vọng thấp hèn.

Khi trí óc phát triển, con người nhận ra sự tồn tại của tinh thần và những nhu cầu của đời sống tinh thần. Theo từ điển Tiếng Việt thì tinh thần là tổng thể nói chung những ý nghĩ, tình cảm, hoạt động thuộc về đời sống nội tâm của con người như suy tư để tìm ra sự thật, yêu thương để thoả mãn tình cảm, theo đuổi nghệ thuật, giao tiếp xã hội, cầu nguyện với thần linh… (x. Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ Tinh thần, tr. 1281). Tinh thần là phần thiêng liêng tuyệt hảo, là nguyên lý làm cho thân xác con người sống và hoạt động (x. HĐGMVN, Từ điển Công giáo 2019, mục từ Tinh thần, tr. 892).

Con người cũng dần dần nhận ra những khác biệt giữa vật chất và tinh thần. Vật chất là một khối bất động, bị lệ thuộc vào không gian và thời gian vì được cấu tạo bởi những nguyên tố hoá học như Carbon-Hydro-Oxy-Nitơ…, ví dụ như cái bàn, cái ghế ở đây, vào lúc này. Ngược lại, tinh thần của con người lại có thể bay bổng, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian do không phải là những yếu tố hoá học. Ví dụ: chúng ta đang ngồi đây, nhưng lại nghĩ đến người thân về một thời quá khứ ở Hà Nội hay mơ về một tương lai ở nước ngoài.

Hơn nữa, con người khám phá ra những giá trị và nhu cầu của tinh thần như tình yêu, tư tưởng, sự thật, sự thiện, cái đẹp, tự do, công bằng, hạnh phúc, bình an… vượt lên trên những giá trị và nhu cầu của vật chất, nên càng đi tìm chúng, con người càng cảm thấy mình có giá trị cao cả, xứng đáng với phẩm giá con người.

Con người cũng nhận ra rằng những giá trị tinh thần đó không phải do mình tạo ra hay xây dựng nên, nhưng bắt nguồn từ một hay nhiều tinh thần thuần tuý, không có sự pha trộn với vật chất, mà con người gọi là thần linh. Ví dụ người Hy Lạp, Rôma tôn thờ thần tình yêu, thần tự do, thần công lý, thần sắc đẹp… Từ đó, các tôn giáo xuất hiện trong dòng lịch sử nhân loại. Các tôn giáo này lại biến tướng thành những phong trào tinh thần mang những tên như Pháp Luân Công, Nhân Điện, Năng Lượng Gốc, Năng Lượng Vũ Trụ… đang được nhiều người theo tin theo.

Tuy nhiên, hầu hết các tôn giáo khi tôn thờ tinh thần đều xem thường vật chất, khuyên bảo các tín hữu đừng thu tích của cải vật chất vì không có giá trị vĩnh hằng. Nhiều tôn giáo coi rẻ những nhu cầu vật chất của con người, cổ vũ chay tịnh, ăn uống kham khổ, thậm chí coi thể xác và những đòi hỏi của bản năng là nguồn gốc tội lỗi, khiến cho con người phải đau khổ, bị đoạ đày. Nhiều người Công giáo hiện nay vẫn cho “ma quỷ, thế gian, xác thịt” là 3 kẻ thù, và nghĩ rằng càng làm cho thể xác suy yếu với việc ăn chay, hãm mình, càng loại bỏ tham vọng vật chất, thì càng làm cho tinh thần vươn cao để dễ dàng kết hợp với Chúa!

Chính vì cuộc xung đột giữa tinh thần và vật chất nên nhiều hệ tư tưởng đã xuất hiện, như duy lý, duy tâm , duy vật, duy thực, duy nghiệm,… Chúng tạo nên những chủ nghĩa khác nhau trong cộng đồng xã hội, gây nên những cuộc chiến tranh khốc liệt như ta đang thấy hiện nay. Những hệ tư tưởng này dùng các giả thuyết khoa học, như thuyết tiến hoá của Darwin, để bảo vệ luận điểm của mình một cách khéo léo, nên đã khiến cho nhiều người, nhất là các bạn trẻ, lầm lẫn tin theo để sống buông thả theo những nhu cầu của đời sống vật chất và quên đi, hay coi thường, đời sống tinh thần. Tuy nhiên, đó cũng là những phản kháng chính đáng đối với các tôn giáo vì đã xem thường con người và đã dồn tất cả giá trị, vinh quang cho thần linh hay cho Thiên Chúa.

2. Đức Giêsu Phục Sinh cứu độ thế giới

Với cuộc sống lại của mình, Đức Giêsu không phải chỉ cứu độ muôn loài mà còn hoá giải được cuộc xung đột giữa tinh thần và vật chất.

Trước hết, chính Chúa Cha đã muốn cứu độ toàn thể vụ trụ vật chất cũng như loài người nên đã sai Con Một của mình là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, trở thành Đức Giêsu, hoà nhập vào vũ trụ này, đón nhận những yếu tố vật chất trong thân xác của Người. Đức Giêsu nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Thế gian ở đây hiểu là vũ trụ vật chất và toàn thể con người sống trong đó (x. HĐGMVN, Từ điển Công giáo 2019, mục từ Thế gian, tr.838). Nếu Thiên Chúa yêu thế gian thì các tín hữu không được coi nó là kẻ thù!

Khi Thiên Chúa dựng nên vũ trụ vạn vật, Ngài chia sẻ cho muôn loài sự sống vĩnh hằng, chân thiện mỹ và các ân huệ cao quý, nên mọi loài đều rất tốt đẹp (x. St 1,4.10.12.18.21.25.31). Trong đó, con người có mối quan hệ mật thiết với vũ trụ vạn vật vì thể xác con người cũng được dựng nên từ bùn đất, nghĩa là từ những vật chất giống như mọi loài.

Vì thế, khi con người phạm tội, cắt đứt mối hoà hợp với Thiên Chúa như nguồn của mọi giá trị, thì vũ trụ vạn vật cũng phải chịu hậu quả cùng với con người. Tất cả đều bị tàn tạ, xấu xí, già cỗi, chết chóc và chịu sự hư nát như con người. Vì vậy, “muôn loài thụ tạo cùng rên siết và mong được cứu độ (x. Rm 8,20-23).

C:\Users\tingu\Downloads\2020\Anh sang.jpg

Chúa Giêsu yêu thương toàn thể vũ trụ, nên chúng vâng lời Người: gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều (x. Ga 6,1-15). Chúng đồng cảm với Người nên trời đất tối sầm lại khi Người hấp hối trên thập giá (x. Mt 27,45), trái đất rung động khi Người tắt thở (x. Mt 27,51-54) và rung chuyển dữ dội khi Người sống lại (x. Mt 28,2). Nhờ cuộc sống lại của Đức Giêsu, vũ trụ từ nay được giải thoát khỏi sự chết chóc và hư nát cùng với con người để trở thành một trời mới, đất mới (x. 2Pr 3,13; Kh 21,1) với những con người mới (x. Ep 2,15; 4,24; Cl 3,10).

Do đó, Bài đọc II (x. 1Ga 2,1-5) đã quả quyết: “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa”.

Trong bài giảng đầu tiên cho dân thành Giêrusalem, thánh Phêrô đã nhắc đến việc Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu, Đấng khơi nguồn sự sống, trỗi dậy từ cõi chết để xoá bỏ tội lỗi và phục hồi vạn vật (x. Cv 3,15.21).

Trong bài Tin Mừng (x. Lc 24,35-48), Đức Giêsu Phục Sinh đã minh chứng sự cứu độ vạn vật trong lần hiện ra với các môn đệ khi đưa tay chân cho họ xem để cho họ hiểu được rằng thể xác vật chất trước đây bị đóng đinh, nay đã sống lại, sự chết không còn tác động vào thân thể đó nữa. Để minh chứng sự giải thoát của vũ trụ vật chất, Người ăn miếng cá nướng trước mặt các ông cũng như vào được căn phòng đóng kín của họ. Vật chất không còn mang tính nặng nề, bị lệ thuộc vào không gian thời gian như xưa nữa, nhưng được hoàn toàn đổi mới để tồn tại mãi mãi và chia sẻ vinh quang với Đức Giêsu Phục Sinh.

Lời kết

Như thế, vũ trụ vật chất từ nay mang một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ. Cuộc xung đột giữa tinh thần và vật chất đã được Đức Giêsu Phục Sinh hoá giải. Chúng ta được mời gọi thay đổi thái độ đối với vũ trụ vạn vật, với tài sản ta có, thay vì khinh thường, hay tôn thờ vạn vật, chúng ta yêu thương và đối xử với chúng như những người em nhỏ của mình trong đại gia đình Thiên Chúa. Amen.