Chúa Nhật IV Mùa Chay A – 2014: Gặp gỡ Đức Giêsu nơi người thân trong gia đình

Nếu con người gặp được Đức Kitô và hành động theo sự chỉ dẫn của Người thì họ sẽ được cứu thoát khỏi cảnh tối tăm của kiếp người mù loà, được chiếu sáng và cứu độ vì Đức Giêsu là Thiên Chúa của họ.

 

Gặp gỡ Đức Giêsu nơi người thân trong gia đình

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúa Nhật IV Mùa Chay luôn là Chúa Nhật tràn đầy niềm vui như màu áo hồng của ngày hôm nay. Các bài Kinh Thánh diễn tả nếu con người gặp được Đức Kitô và hành động theo sự chỉ dẫn của Người thì họ sẽ được cứu thoát khỏi cảnh tối tăm của kiếp người mù loà, được chiếu sáng và cứu độ vì Đức Giêsu là Thiên Chúa của họ, là ánh sáng của trần gian.

Trong vài phút này chúng ta sẽ tìm hiểu về cuộc gặp gỡ của con người với Đức Kitô trong bối cảnh của năm Phúc Âm hoá gia đình.

1. Bối cảnh tối tăm của gia đình

Gia đình con người, giống như người ăn xin mù loà từ lúc mới sinh, đang sống trong cảnh tối tăm, nghèo khổ, lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác.

Mỗi thành viên trong gia đình, dù sống chung với nhau, mà chẳng nhận ra nhau. Như những người ăn xin mù loà: họ sống cô độc, khép kín, chỉ biết có mình.

Một số gia đình khác, giống như những người Pharisêu, tự nhận rằng mình sáng mắt, nhưng cũng chỉ nhìn thấy nhau là những con người bình thường với cuộc sống ngắn ngủi, tạm bợ của một kiếp người!

Còn đám đông xã hội, ngay cả cha mẹ anh mù, cũng tỏ vẻ bất lực trước sự mù tối khốn khổ của con người cũng như trước các nỗi bất hạnh của gia đình mình như chúng ta đã tìm hiểu trong 3 tuần Mùa Chay vừa qua.

Tất cả chúng ta giống như tiên tri Samuel khi nhìn thấy những đứa con cao lớn của Giessê và tưởng đó là những người Chúa chọn, nhưng Chúa dạy chúng ta hãy đổi mới cách nhìn: “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 16,7).

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã làm thay đổi hoàn toàn đời sống của những người mù này.

2. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu

2.1. Nhiều thành viên trong gia đình ta, giống như người mù, khởi đầu gặp được Đức Giêsu là nhờ người khác nói về Người “Có một người tên Giêsu” (Ga 9.11). Chúng ta không nhìn thấy mặt Người – chỉ nghe được Lời Người vì Người là Ngôi Lời Thiên Chúa – như nghe tiếng của một người nào đó ở gần mình. Nhưng rồi nếu ta quan tâm đến lời Đức Giêsu và để cho Người tác động vào đời ta, như người mù đã để cho Đức Giêsu lấy bùn bôi vào mắt mình, thì ơn phúc đức tin bắt đầu nhen nhúm trong lòng ta. Đó là vì “Đức tin Kitô giáo là một cuộc gặp gỡ và quan hệ đích thực với Đức Giêsu Kitô” (x. TLLV, số 18) và “cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu nhờ Chúa Thánh Thần là món quà lớn nhất của Chúa Cha cho loài người” (x. Thượng Hội đồng Giám mục thế giới Tháng 10/2012, Tài liệu Làm việc (TLLV), số 19).

Đức tin sẽ thôi thúc người đó hành động theo lời chỉ dẫn của Chúa Giêsu, như người mù đã đến rửa bùn nơi mặt ở hồ Siloê và anh được chữa lành: mắt anh sáng ra và nhận ra được mọi người, mọi vật quanh mình.

Hành động xức bùn lên mắt người mù và bảo anh ta đi rửa này có ý nghĩa tượng trưng: vì con người được Chúa Tạo Hoá dựng nên từ bùn đất và đã sa ngã nên phải trở về với đất bụi (x. St 2,7; 3,19). Đức Giêsu như muốn tạo dựng lại con người khi bôi bùn lên mắt anh vì Người là Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Rồi Người lấy dòng nước của Người Được Sai Phái (ý nghĩa của từ Siloe) rửa bùn đó đi để tạo dựng lại con người cho thoát cảnh mù tối do tội lỗi gây nên ngay từ thuở mới sinh nên anh đã được sáng mắt. Thiên Chúa yêu thương thế gian nên sai Con Một Ngài đến để cứu thoát chúng ta và ban cho ta sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu của Thiên Chúa (x. Ga 3.16-21)

2.2. Từ sáng mắt đến sáng lòng. Người mù đã nhận ra quyền năng của Thiên Chúa thực hiện nơi con người Giêsu để anh tuyên xưng với mọi người rằng Đức Giêsu là “vị tiên tri”, Người nói lời của Thiên Chúa.

Khi tuyên xưng như thế anh gặp phải sự chống đối của những người thù ghét Giêsu, muốn loại bỏ Giêsu vì Người không giữ luật lệ ngày sabat như họ. Anh dám chấp nhận cả việc mình bị loại trừ khỏi cộng đồng vì lòng tin vào Giêsu thôi thúc anh tiến xa hơn để dám chấp nhận đau khổ vì Đức Giêsu Kitô. Cuối cùng anh đã gặp Đức Giêsu để không còn chỉ nhận ra Người là một con người hay một vị tiên tri nhưng là Thiên Chúa cứu độ vì mắt anh đã thấy Người đúng như lòng anh tin vào Người, nên anh đã quỳ gối bái lạy Người.

Sự mù tối của anh thật sự biến mất. Mắt lòng anh đã mở và anh đã sống trong ánh sáng của Thiên Chúa là chính Đức Giêsu như thánh Phaolô nói cho ta trong bài đọc II: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong chỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi” (Eph 5,14).

3. Cuộc gặp gỡ của chúng ta ngày nay

Nhiều người Công giáo chúng ta có thể nói đi đạo, giữ đạo mấy mươi năm, nhưng có lẽ vẫn chưa gặp được Đức Giêsu nên mắt ta vẫn mù và lòng ta vẫn tối. Chẳng có sự thay đổi hay biến chuyển nào trong đời sống của ta.

Ta giống như các người Pharisêu, hãnh diện mình đạo đức, đi lễ mỗi tuần, đọc kinh mỗi ngày, cẩn thận tuân giữ luật lệ như họ giữ tỉ mỉ từng điều luật, giới răn: nhưng con người quanh ta vẫn như thế, gia đình của ta vẫn xào xáo, xung đột, bất hoà, thậm chí ly hôn, thù ghét, giết hại nhau như các tin tức về gia đình trên báo chí hằng ngày mô tả cho chúng ta về sự suy thoái đạo đức trầm trọng trong xã hội hiện nay..

Một số gia đình chúng ta đối xử với nhau như những con người bình thường trong xã hội, thậm chí một số vẫn giữ thái độ gia trưởng, theo kiểu chồng chúa vợ tôi: người cha, người chồng có toàn quyền áp đặt mọi gánh nặng, mọi áp lực lên người vợ và con cái trong gia đình.

Tất cả là vì chúng ta chưa nhận ra người khác sống với ta là một người mang hình ảnh Thiên Chúa, là vị tiên tri và cuối cùng là chính Chúa Giêsu để ta yêu mến, bái thờ Người trong gia đình cũng như trong cộng đồng xã hội.

Hành động của người mù được sáng mắt hôm nay mời gọi chúng ta hãy thay đổi thái độ đối xử với những người thân yêu trong gia đình.

Mắt ta cần phải thấy và lòng ta cần phải sáng để nhận ra Đức Giêsu đang ẩn thân trong người chồng phụ bạc, người vợ lắm điều, người con hư đốn, người ông/bà già yếu bệnh hoạn khó tính.

Có nhận ra Đức Giêsu như vậy ta mới hành động theo lời Người chỉ dạy: “Hãy tha thứ thì sẽ được thứ tha. Hãy cho đi thì sẽ được cho lại. Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương”. Có nhận ra Đức Giêsu như thế, chúng ta mới dám chịu thiệt thòi, sỉ nhục, bị đuổi ra khỏi cộng đồng xã hội, bị đối xử bất công và thậm chí bị đóng đinh vào thập giá như Chúa Giêsu. Chính khi đó ta được sáng mắt, sáng lòng, tràn đầy niềm vui và quyền năng để bày tỏ vinh quang của Đấng Phục Sinh cho mọi người, mọi vật như Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Vượt Qua của Người.

Lời kết

Gia đình chúng ta chắc chắn sẽ tìm lại được bình an, hạnh phúc và ân sủng vì các thành viên trong gia đình đã nhận ra nhau là hình ảnh của Chúa Giêsu.

Cầu chúc anh chị em trở thành một lời Phúc Âm sống động, là Chúa Giêsu sống động cho mọi người.