15/09/2024

Chúa Nhật 16 TN – C – 2013: Những thái độ sống trong bối cảnh Tân Phúc Âm Hoá

Các bài Kinh Thánh hôm nay, nhất là bài Tin Mừng, như mời gọi chúng ta nhìn vào thế giới cũng như xã hội Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng để đổi mới cách loan báo Tin Mừng.

 Những thái độ sống trong bối cảnh Tân Phúc Âm Hoá

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay, nhất là bài Tin Mừng, như mời gọi chúng ta nhìn vào thế giới cũng như xã hội Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng để đổi mới cách loan báo Tin Mừng. Chúng ta biết vào tháng 10 năm 2012, Giáo Hội đã khai mạc Năm Đức Tin và triệu tập Thượng Hội Đồng Giám mục với chủ đề “Tân Phúc Âm hoá để truyền bá đức tin” và các nghị phụ đã làm việc hết sức nghiêm chỉnh theo tập Tài liệu Làm việc (TLLV) chúng ta đang có đây.

Hôm nay chúng ta cùng suy nghĩ về những thái độ sống trong bối cảnh Tân Phúc Âm Hoá (TPAH) để có thể nhận ra lời kêu gọi của Giáo Hội muốn gửi đến chúng ta trong năm Đức Tin này.

1. Bối cảnh của cuộc loan báo Tin Mừng hiện nay

Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào thế giới hôm nay, cụ thể vào xã hội Việt Nam, để thấy rằng biết bao sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ đang diễn ra ở khắp nơi (TLLV, số 6,7) và trong mọi lĩnh vực.Vì thế người tín hữu cần phải đổi mới về nhiệt huyết, về phương pháp và về cách biểu hiện trong việc loan báo Tin Mừng (TLLV, số 45).

Trước hết, con người đổi thay rất nhiều về lĩnh vực văn hoá (TLLV, số 43), người ta muốn gạt bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống qua phong trào tục hoá (TLLV, số 53). Người ta không muốn để ý gì đến Thiên Chúa, chỉ chú tâm vào những gì cụ thể, những gì mang lại lợi ích cho đời sống tự nhiên của con người.

Trong lĩnh vực kinh tế (TLLV, số 56), các nước giàu lo phát triển sản xuất để càng ngày càng giàu hơn. Các các nước nghèo và những người nghèo ngày càng khó kiếm sống hơn. Khoảng cách giàu nghèo mỗi ngày một lớn. Trước tình trạng nghèo khổ, với các cuộc khủng hoảng kinh tế, người ta chỉ cố gắng học hành, làm việc, kiếm sao nổi đồng tiền để nuôi sống mà chẳng cần nghĩ xa hơn đến đạo đức và luân lý. Thế giới có hơn 800 triệu người sống dưới mức nghèo khổ. Ở Việt Nam có khoảng 16 triệu người không kiếm nỗi 1 đô la Mỹ (tức 22.000 đồng) mỗi ngày.

Tình trạng di dân (TLLV, số 55) đã làm thay đổi bộ mặt của đời sống con người, hàng trăm triệu người bỏ nơi mình quen sống để lên thành phố hoặc sang các nước khác để làm việc, VN có 8 triệu người ở trong tình trạng di dân như vậy. Đến chỗ ở mới, người ta bỏ thói quen đạo đức của mình, bỏ những giá trị truyền thống của tổ tiên để hoà mình vào một xã hội xa lạ, làm gì cũng không sợ ai chê trách. Vì nghèo khổ nên người ta có thể làm bất cứ điều gì để có tiền, dù biết đó là điều gian ác, xấu xa. Không cần đi đâu xa, trong thành phố này, hằng đêm các quán nhậu, cà phê ôm, bia ôm, massage, phòng trọ cho thuê giờ hoạt động tấp nập.

Tình trạng xã hội (TLLV, số 55) với nhiều người sống khốn khổ vì bệnh tật, vì ô nhiễm môi trường, vì thực phẩm độc hại như rượu bia, thuốc lá, ma tuý đang xảy ra ở VN và một số nước khác. Số người cần được chữa trị về thể xác và tinh thần chiếm gần nửa dân số. Trong bối cảnh ấy người tín hữu Công giáo loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô như thế nào?

Rồi những thế lực mới (TLLV, số 57nổi lên trên thế giới tác động đến sự bình an của cuộc sống con người. Có hơn 1 tỷ 500 triệu người Hồi giáo với những quan niệm cực đoan, bạo động đang diễn ra ở nhiều nước và những thế lực mới nổi như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Việc Trung Quốc bỏ ra rất nhiều tiền để mua bến cảng ở châu Âu, mua nhiều miền đất rộng lớn ở châu Phi và bành trướng thế lực trên nhiều nước châu Á… có thể và đang gây bất ổn cho hoà bình thế giới. Trong tình trạng ấy người tín hữu Công giáo phải loan báo Tin Mừng như thế nào cho hiệu quả thiết thực?

Trong lĩnh vực truyền thông (TLLV, số 59), bao nhiêu người chạy theo những phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, phim ảnh, internet vả đủ loại mạng xã hội. Người ta đánh mất chính mình khi chỉ ngồi yên và tưởng rằng có thể liên lạc được cả thế giới qua mạng thông tin, nhưng thực tế con người càng ngày càng khép kín vào chính mình nên mới sinh ra những chuyện nghiện ngập: nghiện trò chơi trực tuyến, phim sex, nghiện vào mạng. Ở VN có 5 triệu người xem phim sex, 10 triệu người chơi trò chơi trực tuyến.

Những tôn giáo mới nổi lên (TLLV, số 63), cổ vũ những điều hoang đường, mê tín, nhưng quan tâm đến những thành viên của nhóm, trong khi người của những tôn giáo lớn lại cảm thấy dường như bị mất hút trong cộng đồng. Nhiều người đến đây dự lễ nhưng nhiều khi chẳng biết ai, chẳng quan tâm tìm hiểu giúp đỡ nhau, lễ xong là đi về như một thói quen hơn là dịp để gặp gỡ Chúa và anh chị em mình.

2. Trước tình hình thay đổi của thế giới, người Công giáo đã hành động như thế nào?

Trước hết, chúng ta cảm thấy dường như đức tin của mình mỗi ngày một suy yếu (TLLV, số 7) vì chúng ta không hiểu đức tin chính là cuộc gặp gỡ giữa con người với Chúa Giêsu (TLLV, số 18), giữa con người với Thiên Chúa” và tất cả việc loan báo Tin Mừng là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ấy (TLLV, số 23), như cô Maria gặp gỡ được Đức Giêsu và lắng nghe lời Người. Nhưng hình như chúng ta không mấy quan tâm học hỏi và cảm nghiệm về cuộc gặp gỡ này nên cảm thấy đức tin suy yếu.

Phần khác cũng là vì chúng ta tập trung quá nhiều vào những hoạt động hình thức của tôn giáo như đi nhà thờ, dự thánh lễ, chầu Thánh Thể, lần hạt, theo những phong trào đạo đức như  Đức Mẹ Mễ Du, Lòng Thương Xót Chúa. Chúng ta đi hành hương hết chỗ này đến chỗ khác, thỉnh thoảng làm đôi việc từ thiện, bác ái và nghĩ như thế là đủ để truyền bá Tin Mừng. Tuy nhiên, tất cả đều là hình thức bên ngoài, thiếu cảm nghiệm sâu sắc bên trong nếu chúng không giúp chúng ta gặp gỡ được Chúa Giêsu thật sự. Chúng ta lo lắng bối rối về nhiều chuyện như cô Marta, chúng ta muốn làm thật nhiều việc cho Chúa mà lại quên chuyện cần thiết nhất của cô Maria là phải gặp được vị Chúa của công việc!

Giáo Hội nói đến cơ chế quan liêu trong Giáo Hội (TLLV, số 69, nhất là các linh mục, các tu sĩ, những người phục vụ trong giáo xứ. Nhiều người tưởng lầm như mình làm công chức trong một hệ thống hay những cơ quan xí nghiệp nào đó. Người ta nghĩ rằng chỉ cần làm đủ các nghi thức là đương nhiên nhận được những ơn Chúa mà không cần biết điều kiện tâm hồn phải như thế nào, có đủ trong sạch và xứng đáng nhận ơn không?

Những phản chứng (TLLV, số 69) trong Giáo Hội Công giáo làm nguy hại đức tin khi một ít linh mục lạm dụng tình dục với trẻ em, một số tu sĩ bỏ lời khấn, các đoàn viên trong các hội đoàn Công giáo Tiến hành buôn gian bán dối, bán hàng độc hại chẳng khác người ngoài tôn giáo.. Giáo Hội cũng nhắc nhở chúng ta đừng quên mầu nhiệm sự dữ (TLLV, số 69) với những cuộc chiến của Satan và những người chống đối Chúa Giêsu vẫn đang đầy tràn trong xã hội.

3. Kết quả việc loan báo Tin Mừng

Chúng ta giữ nếp sống đạo đức như vậy, lăng xăng đủ mọi chuyện nên kết quả loan báo Tin Mừng không cao, số người theo đạo khá ít, số ngưởi bỏ đạo khá cao (TLLV, số 12). Nhiều những nhà thờ trống vắng. Nhiều nước ở châu Âu có tới 80-90% không giữ đạo, và chỉ có khoảng 7-10 % người đi lễ Chủ Nhật. Vì thế Giáo Hội yêu cầu phải tái loan báo Tin Mừng cho những nước đã từng theo Kitô giáo (TLLV, số 44).

50 năm trước đây tỷ lệ người Công giáo so với dân số toàn cầu là 18,2%, bây giờ chỉ còn 17,5%. Ở Việt Nam từ năm 1885 đến nay vẫn giữ nguyên 7% dân số Công giáo, không tăng thêm được 1%! Năm 2012, VN có gần 4.500 linh mục, hơn 4.000 chủng sinh, 20.000 nam nữ tu sĩ, 70.000 giáo lý viên và gần 1 triệu đoàn viên Công giáo Tiến hành mà cả năm 2012 chỉ có 42.000 người lớn trở lại đạo; số người bỏ đạo cũng tương đương vì hầu hết học giáo lý tân tòng là để lấy vợ lấy chồng.

Những con số trên đây làm cho chúng ta bức xúc. Vì thế, Giáo Hội quyết định phải đổi mới việc loan báo Tin Mừng và lập ra Thượng Hội đồng “Tân Phúc Âm hoá để truyền bá đức tin” (TLLV, số 5, 6,7).

4. Những thái độ sống của người tín hữu

Thay vì lăng xăng nhiều chuyện như cô Marta, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ của Maria vì đức tin là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và cụ thể với Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu Kitô (TLLV, số 18). Một khi gắn bó với Người, Người sẽ chuyển thông cho ta tình yêu, sức mạnh, quyền năng và những ân phúc của Thiên Chúa. Lúc bấy giờ chúng ta mới có thể loan báo Tin Mừng cứu độ để nhân thừa bánh cá nuôi sống bao nhiêu triệu người đang đói khát quanh ta,  mới chữa lành những bệnh nhân, xua trừ ma quỷ để giải thoát con người (TLLV, số 29).

Thượng Hội Đồng nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Đức Giêsu Kitô là Tin Mừng của Thiên Chúa (TLLV số 18, 19, 21, 26, 33, 169). Vì thế Tân Phúc Âm Hoá không còn chỉ là rao giảng về những lời dạy, về sứ điệp hay giáo lý của Đức Giêsu Kitô ghi trong cuốn Tin Mừng hay Phúc Âm, nhưng là rao giảng chính Đức Giêsu, đưa Đức Giêsu Kitô thâm nhập vào trong mọi lĩnh vực của đời sống để Người biến đổi tất cả. Từ “Tân Phúc Âm hoá” hay “Phúc Âm hoá”, đồng nghĩa với Giêsu hoá hay Kitô hoá, sẽ được nhắc đến nhiều trong thời đại của chúng ta, diễn đạt việc đưa Chúa Giêsu vào trong cuộc sống, nhờ Chúa Giêsu biến đổi tất cả mọi lĩnh vực để chúng trở thành Tin Mừng sống động như Người (TLLV, số 130).

Lời kết

Hôm nay nhìn vào thái độ của Marta và Maria để thấy “Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta” (Cl 1,27), như thánh Phaolô trong bài đọc II nhắc nhở: “Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng” (Cl 1,28), và khi chúng ta gặp gỡ Người như Maria, chúng ta được biến đổi, được trở thành Tin Mừng sống động, nhận được biết bao nhiêu ân phúc của Thiên Chúa như Abraham trong bài đọc I (x. St 18,1-10). Đó là đức tin của ta, giúp ta gắn bó với Chúa Giêsu để có thể trở thành Tin Mừng sống động trong thời đại hiện nay.