Chúa Nhật XVII TN – C: Làm sao cầu được ước thấy?

Các bài Kinh Thánh tuần này dạy chúng ta một trong những bài học quan trọng nhất trong đời tín hữu, đó là cầu nguyện. Nhưng cầu nguyện là gì? Cầu thế nào cho được như Abraham nói với Chúa hay như Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay?

Làm sao cầu được ước thấy?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK 

Nhập đề

Các bài Kinh Thánh tuần này dạy chúng ta một trong những bài học quan trọng nhất trong đời tín hữu, đó là cầu nguyện. Nhưng cầu nguyện là gì? Cầu thế nào cho được như Abraham nói với Chúa trong bài đọc thứ I (x. St 18,20-32) hay như Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 11,1-13), quả thật đều đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo đã dành phần thứ tư với mấy trăm trang, từ số 2.558 đến 2.865 hoặc Bản Toát yếu Giáo lý Hội Thánh Công giáo cũng dành phần thứ IV, từ số 534 đến 598 để dạy về Kinh nguyện Kitô giáo. Chúng ta thấy Giáo Hội dạy rất nhiều cách cầu nguyện. Hôm nay chúng ta thử tìm hiểu cách cầu nguyện mà nhiều người tín hữu đang thực hiện để thấy tại sao cầu mà chưa được.

1. Chúng ta thường cầu nguyện như thế nào?

Cầu nguyện theo cách hiểu thông thường là cầu xin thần linh ban cho điều tốt lành, hoặc hiểu theo các tôn giáo khác là van vái, đọc kinh xin ơn trên ban phước lành. Còn với Kitô giáo, cầu nguyện đơn giản là một cuộc nói chuyện thân mật với Chúa như Abraham hôm nay. Chúa Giêsu cũng dành những thời điểm đặc biệt trong ngày để nói chuyện với Cha của Người: những buổi sáng sớm hay tối khuya sau khi giảng dạy và chữa lành bệnh nhân.

Trong câu chuyện chúng ta nói với nhau, muốn cho người khác lắng nghe, chúng ta phải hiểu tâm tính người kia và phải biết cách nói. Nhưng trong câu chuyện với Chúa, hình như chúng ta không hiểu biết tâm tính của Ngài. Chúng ta nghĩ Chúa là Đấng hết sức cao cả, còn chúng ta là thụ tạo thấp hèn, Chúa nói gì thì chúng ta cứ lắng nghe chứ không dám nói. Nếu có nói, chúng ta cũng không biết phải nói gì cho hợp ý người nghe. Vì không biết nói gì, nên cuối cùng chúng ta đành lấy những sách kinh ra đọc để biến giờ cầu nguyện thành giờ đọc kinh!

Chúng ta hãy tưởng tượng trong một cuộc nói chuyện, một bên thì im lặng chờ người kia bày tỏ yêu cầu, một bên thì đọc mãi một bản văn soạn sẵn mà không đi thẳng vào vấn đề. Chúa chờ chúng ta nói mà chẳng hiểu chúng ta nói gì! Không nói những yêu cầu của mình thì làm sao Chúa biết để đáp ứng!

Hơn nữa, chúng ta thường thiếu kiên trì khi cầu nguyện. Rất nhiều người vừa trình bày với Chúa một yêu cầu nào đó, Chúa chưa kịp đáp lời thì đã bỏ đi hoặc xin cái khác. Chúng ta cứ tưởng tượng: có hàng triệu người đang xin Chúa giúp đỡ, Chúa nói chúng ta chờ Chúa một chút để Chúa lo cho những người đến trước hay người có nhu cầu cấp bách. Hơn nữa, Chúa chần chừ chưa muốn ban ơn ngay để xem ta có thật sự cần ơn đó hay không. Nếu cần chắc ta sẽ nài nẵng, nhắc đi nhắc lại. Nhưng khi Chúa thấy chúng ta không xin nữa, Ngài hiểu là chúng ta không cần, vì nếu cần thì phải kiên nhẫn nài xin. Giống như khi gọi điện thoại, Chúa yêu cầu ta giữ máy, nhưng khi Chúa quay lại, ta đã cúp máy rồi làm sao liên lạc được nữa! Vì thế, kiên trì trong lời cầu nguyện là yếu tố quan trọng. Khi kiên trì chúng ta sẽ có lợi thế với Chúa, bởi vì khi Chúa trở lại, thấy chúng ta đang giữ máy, Ngài cảm thấy bối rối trước sự kiên nhẫn chờ đợi của chúng ta và cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta mong ước.

Điểm quan trọng nhất trong lời cầu nguyện là tâm tình tin tưởng, yêu thương. Chúng ta thường đến với Chúa trong tâm tình sợ hãi, ngại ngùng trước một Thiên Chúa vô cùng cao cả, thánh thiện còn chúng ta là những con người tội lỗi, tầm thường, bất xứng. Chúng ta nghĩ mình không xứng đáng nói chuyện với Chúa, không xứng đáng đón nhận ơn Chúa giống như một nô lệ trước một người chủ hay một tiện dân thấp hèn trước một vị vua quyền uy. Chúng ta không có tâm tình tin tưởng của một người tôi tớ trung thành đối với ông chủ gần gũi như Abraham hay tâm tình yêu thương của con cái đối với người cha nhân hậu của mình như Chúa Giêsu.

2. Cách cầu nguyện của Abraham

Abraham giới thiệu cho chúng ta cách thức mà ông nói chuyện với Chúa và được Chúa lắng nghe.

Trước hết, Abraham rất táo bạo, ông dám đưa ra những yêu cầu của mình và đặt yêu cầu với Chúa – giống như nói chuyện tay đôi với Chúa vậy. Ông trình bày suy nghĩ của mình: Chúa không thể diệt thành Gômôra và Sôđôm, làm sao Chúa có thể diệt người lành lẫn với kẻ ác được! Chúng ta có dám nói lên yêu cầu của chúng ta với Chúa như thế không?

Thứ đến là ông rất kiên trì: ông nài nỉ với Chúa để bớt số người lành từ 50 xuống 45, rồi 40, 30, 20 và 10 người để Chúa tha thứ cho dân chúng.

Cuối cùng là ông rất tin tưởng. Ông gọi Ngài là Chúa nhiều lần: một vị Chúa công minh không muốn diệt trừ người lành lẫn với người ác, một vị Chúa quảng đại có thể tha thứ cho cả cộng đồng vì một số nhỏ người lành sống trong đó. Và ông đã đạt được điều mình mơ ước là can thiệp để cứu giúp con người.

3. Cách cầu nguyện của Chúa Giêsu

Qua kinh nghiệm của Chúa Giêsu, Người cũng dạy chúng ta cầu nguyện thế nào để đạt được điều chúng ta mơ ước trong câu chuyện với Thiên Chúa.

Trước hết, Đức Giêsu nhấn mạnh đến tâm tình yêu thương của người con đối với cha mình. Đây là tâm tình nền tảng, vượt lên trên cả tâm tình tin tưởng vào “Chúa” của Abraham. Vì thế, Đức Giêsu dạy chúng ta: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: ‘Lạy Cha’”.

Khi kết hợp với Chúa Giêsu, cùng cầu nguyện với Người, chúng ta tin rằng mình đang nói chuyện với Người Cha Trên Trời. Cha yêu thương, tha thứ tội lỗi và ban cả Người Con Một, nên Cha sẵn sàng nghe và ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cầu xin như bài đọc II đã diễn tả (x. Cl 2,12-14).

Trong tâm tình yêu thương, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ rất táo bạo. Nói với Cha trong tư cách là một người con được yêu thương, ngang hàng với Cha, nên chúng ta mạnh dạn trình bày với Cha tất cả những gì mình mơ ước, không phải cho mình mà cho cả nhân loại và tin tưởng chắc chắn mình sẽ được nhận lời vì “ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”. Chúng ta không cần phải mặc cả đến 10 người như Abraham. Chúng ta dám nói với Cha Trên Trời: “Cha ơi, dù không có một người lành thánh nào ở trong thành, chúng con cũng xin Cha hãy tha cho tất cả vì Đức Giêsu, Con của Cha, đã chết thay cho tất cả”.

Lời cầu nguyện của chúng ta sẽ rất sáng tạo và trải rộng ra cho muôn người muôn vật chứ không phải chỉ nhắm đến nhu cầu của riêng mình. Đó là nội dung của lời Kinh Lạy Cha. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày một nội dung khác với Kinh Lạy Cha của thánh Matthêu (x. Mt 6,9-13) như mời gọi chúng ta vượt qua những kiểu đọc kinh theo công thức soạn sẵn để câu chuyện nói với Cha có nội dung phong phú hơn. Ta có thể nói với Cha về những biến chuyển của thế giới, những vấn đề của xã hội, những thay đổi của thời tiết, những biến động của môi trường chứ đâu phải chỉ có những nhu cầu của cá nhân, gia đình, bạn bè gần gũi.

Như thế là chúng ta mở rộng lòng ra để “xin cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến”, nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình thương và hoà bình. Khi mở rộng lòng ra cho những nhu cầu lớn lao, chúng ta mới thấy mình liên đới với mọi anh em trong đại gia đình của Cha. Còn chuyện lương thực hằng ngày, chuyện tha thứ lỗi lầm, chuyện vượt qua cám dỗ vẫn là những chuyện nhỏ của cá nhân chỉ nên xin sau những chuyện lớn của cộng đồng.

Lời cầu nguyện của chúng ta cũng cần phải kiên trì và còn kiên trì hơn Abraham, như Đức Giêsu đã đưa ra thí dụ về người bạn ban đêm đến nài nỉ xin người khác giúp đỡ. Thiên Chúa, khi thấy chúng ta kiên nhẫn, sẽ ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta mơ ước, không phải theo ý chúng ta mà theo lòng nhân từ quảng đại vô biên của Ngài, vì Ngài thấy trước tương lai vô tận của ta. Có thể chúng ta không được đúng như ý mình xin, nhưng điều Chúa ban cho lại quý giá gấp bội và cần thiết cho ta được cứu độ.

Cuối cùng, điều quý giá nhất là “Thiên Chúa ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Ngài”. Thánh Thần là Ngôi thứ Ba Thiên Chúa, Ngài nối kết Ngôi Cha và Ngôi Con lại với nhau và nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa. Đó là Thánh Thần Tình Yêu. Nếu những người cha trần thế còn biết cho con cái những của tốt lành thì Cha Trên Trời ban Thánh Thần là chính Thiên Chúa cho ta. Khi chúng ta nối kết được với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô là Ngôi Con, chúng ta có sức mạnh, bình an, tình yêu, sự thật, sự sống, hạnh phúc, ân sủng và cả bản tính Thiên Chúa – nghĩa là chúng ta có tất cả những gì mình mơ ước.

 Kết luận

Hôm nay chúng ta được mời gọi thay đổi cách cầu nguyện: cầu nguyện với tâm tình yêu thương, với sự sáng tạo và táo bạo, với lòng kiên trì và liên kết với Chúa Thánh Thần để biết rằng từng giây phút mình sống là chúng ta có thể chuyển cầu cho muôn vật muôn loài. Chúng ta tác động đến người khác, không phải chỉ như Abraham cứu được dân thành Sôđôm và Gômôra, nhưng có thể cứu độ được toàn thế giới và kéo muôn ơn lành xuống cho tất cả vũ trụ này. Như thế, chúng ta giống như Chúa Giêsu trở thành người trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại.