Chúa Nhật X TN-C: Chúa Giêsu ban sự sống toàn diện

Quan sát vạn vật và con người đang sống quanh mình, chúng ta cảm nhận được sự sống là một cái gì lạ lùng, quý báu, thiêng liêng nhưng lại có vẻ mong manh, tạm thời, thậm chí còn phi lý và vô nghĩa. Vì thế, sự sống vẫn là 1 mầu nhiệm cần khám phá không ngừng!

 Chúa Giêsu ban sự sống toàn diện

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay tập trung vào chủ đề Chúa Kitô ban sự sống toàn diện cho những ai tin vào Người, quả phép lạ tiên tri Êlia giúp cho cậu bé con trai bà goá ở Sarepta (x. 1V 7,17-24) và việc Chúa Giêsu đã cho chàng thanh niên con trai bà goá thành Nain (x. Lc 7,11-17) sống lại. Hơn nữa, cuộc sống lại về phần hồn của Thánh Phaolô để nhận biết Chúa Giêsu và trở thành tông đồ cho Người như bài đọc II hôm nay kể lại (x. Gl 1,11-19) còn quan trọng hơn nhiều. Vì thế, trong ít phút này chúng ta cùng nhau suy nghĩ về sự sống toàn diện để có thể nhận được sự sống thần linh ấy từ Chúa Giêsu và chia sẻ sự sống đó cho người khác.

1. Sự sống là một mầu nhiệm cần khám phá không ngừng

1.1. Sự sống là một mầu nhiệm

Quan sát vạn vật và con người đang sống quanh mình, chúng ta cảm nhận được sự sống là một cái gì lạ lùng, quý báu, thiêng liêng nhưng lại có vẻ mong manh, tạm thời, thậm chí còn phi lý và vô nghĩa. Lạ lùng vì tuy chỉ là 1 con ruồi, 1 cánh bướm, 1 cành hoa, nhưng cấu trúc kỳ diệu của hàng tỷ tỷ tế bào chuyển động không ngừng trong chúng làm ngất ngây, kinh ngạc biết bao nhà bác học. Thiêng liêng vì cho đến hôm nay với bao tiến bộ của khoa học, các nhà bác học vẫn chưa tự mình làm ra được 1 con ruồi, một bông hoa sống động. Mong manh vì chỉ cần một vài thay đổi nhỏ, uống nhầm một chất thuốc, cũng có thể làm cho sự sống bị tổn thương, nguy hiểm!

Sự sống là một mầu nhiệm vì nó vượt quá những suy luận và kiểm chứng bằng khoa học thực nghiệm của con người. Mỗi người chúng ta đang sống, nghĩa là chúng ta có một thể xác cần ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc với những đồ ăn, thức uống, khí trời đưa vào mình để cho thân xác lớn lên, tồn tại, xinh đẹp và già nua rồi sau đó chết đi. Nhưng đây mới chỉ là định nghĩa mô tả sự sống trong cuốn Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học. Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam chúng ta không thấy từ định nghĩa sự sống, dù sự sống là một thực tại trước mắt mọi người, tồn tại nơi những sinh vật: từ cây cỏ, con thú cho đến con người. Ngoài ra, chúng ta còn thấy nhiều điều kỳ diệu nơi sự sống con người hơn các bậc sống khác, đó là vì con người biết suy tư, mơ ước, yêu thương, hy vọng, cảm nhận được khổ đau và hạnh phúc.

1.2. Mầu nhiệm cần khám phá

Chẳng có máy móc nào xác định hay đo lường được tư tưởng, tình yêu, đau khổ, hạnh phúc, hay nói chung, sự sống của con người vì chúng là những thứ vượt quá tầm tay của con người, không phải hoàn toàn của con người hay do con người. Tình yêu, hạnh phúc, sự sống ấy không thể bắt nguồn từ vật chất nên chúng phải bắt nguồn từ một nơi khác ngoài con người. Chỉ có những ai biết suy tư cặn kẽ và đầy lòng tin tưởng mới khám phá ra được Thiên Chúa là nguồn của sự sống đồng thời cũng là nguồn của tư tưởng, hạnh phúc và chân thiện mỹ để giúp cho con người sống mãi, đẹp mãi và hạnh phúc muôn đời.

Trong suốt dòng lịch sử, con người đã tìm mọi cách để kéo dài sự sống bằng đủ loại đồ ăn, thức uống, mỹ phẩm, thuốc men. Họ còn tìm cách luyện những “thần dược” để được trường sinh bất lão, nghiên cứu thay đổi gen để kéo dài tuổi thọ. Thậm chí ngay trong thời gian này, mỗi năm có khoảng 20 ngàn người vẫn đi sâu vào dãy núi Hy Mã Lạp Sơn ở Tây Tạng hy vọng tìm được những pháp sư để dạy cho họ pháp thuật kéo dài sự sống. Nhưng tất cả đều thất bại!

Con người chúng ta mỗi ngày cảm thấy mình già đi, xấu đi, yếu đi và chắc chắn một ngày nào đó phải chết. Chính vì nhìn vào thực trạng đó mà nhiều người, xưa cũng như nay, đã tuyệt vọng cho đời sống là phi lý, vô nghĩa. Họ lao đầu vào học hành, làm việc để kiếm tiền, sống phung phí những giây phút cuộc đời thay vì trân trọng từng giây phút sống, bảo tồn và thăng hoa sự sống của mình. Vì thế, sự sống vẫn là 1 mầu nhiệm cần khám phá không ngừng!

2. Đức Giêsu dạy ta con đường sự sống

2.1. Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, là nguồn sống

Các bài Kinh Thánh hôm nay giới thiệu cho chúng ta con đường sự sống là chính Thiên Chúa. Ngài là nguồn của sự sống vì đã có thể làm cho người chết được sống lại như chúng ta thấy tiên tri Êlia đã cầu nguyện cùng Thiên Chúa nên làm cho cậu bé của bà goá làng Sarepta được sống lại. Chúa Giêsu còn vượt xa tiên tri Êlia. Người không phải nằm ấp 3 lần trên cậu bé vừa mới chết. Người chỉ cần phán một lời thì chàng thanh niên, con trai bà goá thành Nain, chết một vài ngày rồi, đã trỗi ngay dậy và nói được. Và không phải chỉ một chàng thanh niên ấy, Người đã làm cho con gái ông Giairô (x. Mc 5,21-43), cho Lazarô chết 4 ngày (x. Ga 11,1-44), được sống lại để chứng tỏ Người là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Người sẽ không phải chết và dù có chết cũng sẽ được sống lại (x. Ga 11,25-26; 14,6).

Sự sống ấy không phải chỉ là cuộc sống thể lý kéo dài vài ba trăm năm, nhưng là sự sống toàn diện mà con người chúng ta có thể đạt được khi tin vào Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu thật sự đã chết để chia sẻ cái chết của chúng ta, và Người đã sống lại để chia sẻ sự sống thần linh, kỳ diệu cho chúng ta. Điều này chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu trong suốt mùa Phục Sinh: Chúa Giêsu hiện ra nơi cửa nhà đóng kín (x. Ga 20,19), Người có thể hiện ra bất cứ nơi nào, lúc nào. Người chia sẻ sự sống kỳ diệu ấy cho các tông đồ khi cho các ông chữa lành những bệnh hoạn, tật nguyền, làm cho kẻ chết sống lại như đã cho thánh Phêrô làm cho chị Tabitha được sống lại (x. Cv 9, 36-42), cho thánh Phaolô cho cậu bé Eutichô rơi từ tầng thứ ba xuống được hồi sinh (x. Cv 20,7-12).

2.2. Phát huy sự sống thần linh nơi chúng ta

Sự sống ấy không phải là cuộc sống tạm bợ, làm chúng ta già nua, yếu đi, xấu đi mỗi ngày. Thánh Phaolô trên đường đi Đamas đã cảm nghiệm được Đức Giêsu hằng sống đang hiện ra với mình, như ngài kể trong bài đọc II hôm nay: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Ngài đã thương mạc khải Con của Ngài cho tôi để tôi loan Tin Mừng về Con của Ngài cho các dân ngoại” (Gl 1,15-16). Như thế, con đường sự sống của Đức Giêsu dẫn loài người và vạn vật đến một điểm xa nhất, cao nhất, đó là được thần hoá để chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa, trở thành Thiên Chúa nhờ công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô trong tác động thánh hoá của Chúa Thánh Thần. Ước mơ được sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi của con người đã trở thành hiện thực.

Là những người đã tin vào Chúa Giêsu, nhưng chúng ta hãy thử nhìn lại sự sống của mình và tự hỏi xem chúng ta đã phát huy được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa chưa, hay chúng ta vẫn sống y như bao người khác, cũng buồn phiền, thất vọng, chán chường mà không nhận ra mỗi giây phút ta sống đều có giá trị vĩnh hằng và bất cứ hành động nhỏ mọn nào của chúng ta: một nụ cười, một lời nói, một cử chỉ, khi kết hợp với Đức Giêsu, đều có thể mang lại sự sống phi thường cho mình cũng như cho người khác. Khi gắn bó với Đức Giêsu rồi, ta sẽ cảm nhận rằng tay chúng ta đụng chạm đến người bệnh, thì người đó được chữa lành. Gắn bó với Chúa Giêsu là Tin Mừng sự sống rồi, ta chỉ cần nói một lời khích lệ, xin lỗi, cảm ơn thôi thì  lời đó cũng đủ sức đánh động được người khác vì lời nói của chúng ta bấy giờ tràn đầy sự sống của Thiên Chúa.

Lời kết

Hôm nay, Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta hãy gắn bó với Người, phát huy sự sống không phải chỉ về mặt thể lý, tâm thần, tâm lý mà còn cả về tâm linh nữa; không phải chỉ về lĩnh vực thể xác, tự nhiên, ngoại giới, cá nhân, mà còn về lĩnh vực tinh thần, siêu nhiên, nội tâm và cộng đồng. Đó là sự sống của một tập thể, dân tộc, nhân loại và cả vũ trụ đang nhìn vào ta, hy vọng ta chia sẻ sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người mọi vật. Đó là sứ mạng của chúng ta vì chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu để trở thành hình ảnh sống động của Thiên Chúa cho con người hôm nay, nhất là những con người chỉ tin vào khoa học vật chất, nghĩ rằng mình chỉ sống ở đời này. Dân tộc Việt Nam của chúng ta đang rất cần những chứng nhân sống như chúng ta để giúp cho dân tộc mỗi ngày một thăng tiến hơn, tốt đẹp hơn và tin tưởng hơn vào chính Thiên Chúa.