Chúa Nhật XI TN – B – Thánh Tâm Chúa Giêsu

Khi chiêm ngưỡng Trái Tim Chúa Giêsu để học lại bài học yêu thương của Người, không phải chúng ta chỉ cảm thấy hạnh phúc vì được yêu thương, nhưng còn cảm thấy bị thôi thúc phải hành động như Người để chuyển thông tình yêu Thiên Chúa cho muôn người, muôn vật.

Cái bơm tình yêu Thiên Chúa

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu như kết thúc một chuỗi những mầu nhiệm cao cả nhất trong đạo Công giáo: Chúa Giêsu Phục Sinh, Thánh Thần hiện xuống, Một Chúa Ba Ngôi, Mình Máu Chúa Kitô, Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đó cũng là những điểm cơ bản trong đời tín hữu để biến đổi họ từ một người bình thường trở thành Con Thiên Chúa như Đức Giêsu Kitô.

Hình ảnh người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu để mở trái tim Người ra như mời gọi chúng ta suy niệm thêm về tình yêu của con người để cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, vì bài học tình yêu luôn cần thiết từng giây phút trong đời ta như trái tim không ngừng bơm máu cho từng tế bào trong cơ thể.

1. Từ trái tim tự nhiên đến tình yêu con người

1.1. Trái tim chuyển máu

Chúng ta đã bàn đến khí thở trong hệ hô hấp, lương thực trong hệ tiêu hoá, và hôm nay tìm hiểu về trái tim trong hệ tuần hoàn để từ đó hiểu thêm về trái tim Chúa Giêsu trong Thân Thể nhiệm mầu là Giáo Hội và vũ trụ.

Hệ tuần hoàn là hệ thống vận chuyển và phân phối máu, trong máu có những chất cần thiết cho mô và lấy đi các sản phẩm chuyển hoá. Để thực hiện được chức năng này, hệ tuần hoàn cần trái tim giống như 1 cái bơm vừa đẩy vừa hút máu và những ống dẫn to nhỏ là các động mạch, tĩnh mạch, mao mạch dẫn máu và trao đổi chất qua mao mạch và mô (x. Gs. Phạm Đình Hựu, Sinh Lý học Y khoa, tập I, NXB Y Học, 2011, tr. 107-108).

Trái tim là một khối cơ rỗng, nặng khoảng 300gr. đưa máu đến toàn thân và hoạt động trong suốt cuộc đời. Khi nghỉ ngơi, ở người đàn ông khoẻ mạnh, tim bơm khoảng 5 đến 6 lít máu trong một phút. Tiếng chuyên môn gọi là cung lượng tim. Đó là lượng máu do tim bơm trong một nhịp nhân với số nhịp tim trong một phút (x. SĐD, tr. 134). Ở một thời điểm nhất định, chỉ có 5% máu tuần hoàn ở trong mao mạch, nhưng 5% này là phần quan trọng nhất vì tại mao mạch có sự trao đổi các chất dinh dưỡng, Oxy, CO2 giữa máu và mô. Có khoảng 10 tỷ mao mạch và tổng diện tích trao đổi vào khoảng 500-700m2. Rất hiếm khi 1 tế bào có chức năng của cơ thể mà ở cách xa mao mạch (x. SĐD. tr. 164). Như thế, trái tim vừa cần máu để nuôi mình nhưng quan trọng hơn là bơm máu để nuôi toàn thân.

1.2. Trái tim chuyển tình yêu

Người ta thường nói: “Trái tim tượng trưng cho tình yêu”. Đúng ra nên nói: “Trái tim chuyển thông tình yêu”. Từng người chúng ta, với những hoạt động đủ loại, chính là trái tim để bơm dòng máu tình yêu bổ dưỡng đến từng người trong gia đình nhân loại, đến từng vật thể trong vũ trụ này. Không có tình yêu, con người và vạn vật không thể sống động và phát triển vì “tình yêu được định nghĩa là tình cảm nồng nhiệt, làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật” (Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2005). Khi chuyển được tình yêu chân thành, trong sáng, quảng đại cho nhau giống như dòng máu trong sạch, đầy chất bổ dưỡng, con người sẽ cảm thấy tràn đầy niềm vui, bình an, hạnh phúc khi ở bên nhau. Họ sẽ tích cực làm việc xây dựng cho nhau, sẵn sàng hy sinh cho nhau để hướng về một tương lai tươi sáng. Họ đang hướng về một nền văn minh tình yêu

Tuy nhiên, khi hiểu tình yêu theo nghĩa thứ hai “là tình cảm yêu đương nam nữ” để chiếm hữu thay vì cho đi, để thoả mãn những rung động thể xác mà quên hẳn những hạnh phúc tinh thần, con người bắt đầu làm cho dòng tình yêu ngừng chảy hay chảy chậm lại. Có người còn làm cho dòng tình yêu bị ô nhiễm bằng đủ thứ rác bẩn của các loại tình dục đồi truỵ, bạo lực, bệnh hoạn, lừa dối, phản bội… Hậu quả là họ luôn sống trong sự bất hoà, bất định, bất an, xung đột, khiến cho nhiều phần tử trong cộng đồng bị thiệt hại. Vì thế, chúng ta được mời gọi đi tìm một thứ tình yêu thật sự tốt đẹp, bền vững, vĩnh hằng từ trái tim Chúa Giêsu, vừa là người và cũng vừa là Chúa.

2. Từ trái tim siêu nhiên đến tình yêu Thiên Chúa

2.1. Trái Tim Chúa Giêsu

Trái tim mở rộng của Chúa Giêsu trên thập giá chính là cái bơm vĩ đại để bơm tình yêu Thiên Chúa cho muôn loài. Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16) và cũng là nguồn sự sống, nguồn chân thiện mỹ, nguồn hạnh phúc vô biên, ân sủng vô tận. Vì thế, trong tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Đức Giêsu bơm tình yêu và tất cả các chất bổ dưỡng ấy cho muôn vật, muôn người vì tất cả được dựng nên nhờ Người và cho Người (x. Ga 1,3-4). Chính nhờ chiếc bơm kỳ diệu này “mà anh em được tràn đầy tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Eph 3,19).

Chiếc bơm ấy đã hoạt động cho đến cùng để bơm trọn vẹn dòng máu tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế dù đã ngừng đập, trái tim đó vẫn chảy ra những giọt máu cuối cùng khi người lính đâm ngọn giáo vào cạnh sườn Chúa Giêsu. Người đã yêu cho đến cùng! (x. Ga 13,1), đến chết trên thập giá “vì không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình. Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,13-14).

Đó là mẫu gương cho mỗi người chúng ta để yêu như Chúa Giêsu. Vì thế thánh Phaolô cầu xin cho chúng ta “đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu và nhận biết tình yêu của Đức Kitô là tình yêu vượt quá sự hiểu biết” (Eph 3,18-19). Khi hiểu được rồi ta mới thấy mình phải “uốn lòng ta nên giống trái tim Chúa”. Điều đó có nghĩa là ta cần tập luyện cho trái tim mình bơm tình yêu đi thật xa, ra thật rộng, lên thật cao, xuống thật sâu. Có yêu cao thượng, rộng rãi, sâu sắc, trong sáng, hy sinh đến độ dám chết cho nhau mà không đòi hỏi bất cứ một sự đền đáp nào như thế, ta mới cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa và mới hạnh phúc được “ở lại trong tình yêu này” (Ga 15,9) và cũng là ở lại trong Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4, 12.16).

2.2. Xây dựng nền văn minh tình yêu

Cụm từ “văn minh tình yêu” được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nhắc đến lần đầu tiên trong Thông điệp Ngày Hoà bình Thế giới năm 1977 và Đức Chân Phước Gioan Phaolô II nhắc đến năm 1991 ở số 10 trong Thông điệp Centesimus Annus (Bách Chu Niên). Kể từ đó, cụm từ này càng ngày càng được phổ biến trong các văn kiện của Giáo Hội. Nếu chúng ta tìm hiểu trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG) do Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình biên soạn năm 2004 thì chúng ta biết rằng nền văn minh tình yêu chính là đích điểm và là lý tưởng cho mọi hoạt động của Giáo hội Công giáo ở trần thế này (x. Sách TLHTXHCG, số 103, 391,582). Toàn bộ nội dung cuốn sách có 583 số thì có tới 132 số nhắc đến từ “tình yêu” và đó là từ được nhắc đến nhiều nhất, chỉ sau từ “con người”.

Khi cổ vũ nền văn minh tình yêu, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy nhìn vào trái tim Chúa Giêsu Kitô vì Người là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa (x. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là tình yêu), số 12-15). Chúng ta hãy lấy tình yêu của Người làm nền tảng để xây dựng mọi mối tương quan của con người, làm tiêu chuẩn để phán đoán mọi hành động nhân linh và làm cùng đích để mọi hành động của con người hướng về (x. Sách TLHTXHCG, số 1-19; 20-59; 105-159). Chính nền văn minh tình yêu này sẽ giúp cho từng người chúng ta và toàn thể nhân loại được biến đổi phi thường vì “sẽ được tràn đầy tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” như Thánh Phaolô nhắc đến trong bài đọc II (Eph 3,19).

Lời kết

Hôm nay, khi chiêm ngưỡng Trái Tim Chúa Giêsu để học lại bài học yêu thương của Người, không phải chúng ta chỉ cảm thấy hạnh phúc vì được yêu thương, nhưng còn cảm thấy bị thôi thúc phải hành động như Người để chuyển thông tình yêu Thiên Chúa cho muôn vật, muôn người.

Lạy Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu, Xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa!”.