Chúa Nhật IV MC – C: Hành trình đức tin

Dụ ngôn người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng diễn tả hành trình đức tin của người tín hữu cần thực hiện trong Năm Đức tin. Trong cuộc hành trình đó, con người không thiếu những lần vấp ngã, chối từ Thiên Chúa như đứa con hoang đàng bỏ nhà ra đi nên cần phải thống hối trở về để tìm lại sự giàu có vô song của ân phúc được làm con Thiên Chúa.

 

Hành trình đức tin

Hành Khất Kitô

 

Lời mở

Dụ ngôn người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng diễn tả hành trình đức tin của người tín hữu cần thực hiện trong Năm Đức tin. Đức tin là cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, một Thiên Chúa toàn năng, đầy lòng nhân hậu luôn hiện diện với con người và một con người thực tế luôn vươn tới Thiên Chúa trong suốt đời mình.

Tuy nhiên, trong cuộc hành trình đó, con người không thiếu những lần vấp ngã, chối từ Thiên Chúa như đứa con hoang đàng bỏ nhà ra đi nên cần phải thống hối trở về để tìm lại sự giàu có vô song của ân phúc được làm con Thiên Chúa. Nhưng muốn thật sự quay trở về với Chúa như vậy, về phía con người, chúng ta phải làm gì? Đó là câu hỏi Giáo Hội muốn chúng ta tìm hiểu qua các bài Kinh Thánh hôm nay.

Muốn quay trở về với Thiên Chúa, ta cần hai điều kiện: trước tiên là nhận thức về tình trạng khốn khổ của mình, về Thiên Chúa vô cùng nhân hậu và về xã hội mình đang sống. Điều kiện thứ hai là phải đứng lên, đi vào con đường sự thật và sự sống của Đức Giêsu để về đúng được nhà Cha.

1. Nhận thức

Nhận thức có nghĩa là nhận ra và biết được thực trạng của mình, của xã hội và sự giàu có vô cùng của Thiên Chúa để quay về với Ngài.

1.1. Nhận thức về Thiên Chúa là người cha

Đứa con hoang đàng nhớ lại: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta có cơm ăn dư thừa mà ta ở đây lại chết đói”. ‎Từ tình trạng khốn khổ của mình, đứa con mới hiểu ra cha mình là người giàu có vô song, đầy đủ tất cả. Tuần vừa qua Giáo Hội mời gọi chúng ta ý thức về một Thiên Chúa là Đấng hiện hữu (hiện là đang tồn tại, hữu là có). Tất cả những gì chúng ta đang có: sự sống, tình yêu, tư tưởng, ân phúc… đều do Cha Trên Trời ban cho ta vì Ngài là Thiên Chúa tạo hoá, quyền uy vô tận, nhưng cũng là người cha vô cùng nhân hậu. Ngài là nguồn của sự sống vĩnh hằng, của hạnh phúc vô biên, của chân thiện mỹ. Vì thế, khi đến được với Ngài, gắn bó với Ngài như con cái trong nhà, chúng ta có đầy đủ mọi sự. Đó là gợi ý cho những người con hoang đàng để có thể trở về.

Chúng ta đã có nhận thức rõ ràng về Thiên Chúa là người cha như thế không?

1.2. Nhận thức về tình trạng khốn khổ của mình

Đứa con đã cảm nghiệm được mình đang đói khổ, nhục nhã. Trước đây mình là cậu công tử trong nhà cha mà tại sao lại đi cắt đứt mối quan hệ thân thiết với cha, chiều theo tham vọng và dục vọng, bỏ cha ra đi để rồi khốn khổ như vậy! Ý thức được tình trạng khốn cùng của mình, người con mới dám quyết tâm: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa’”.

Chúng ta có cảm nghiệm được tình trạng yếu đuối, tầm thường, nghèo đói của mình hay không để tìm về với Chúa?

Tôi đang già nua, bệnh tật và có thể là một bệnh ung thư khó chữa? Tôi đang sống mà cảm thấy chán chường? Tôi là một phụ nữ khốn khổ vì chồng nghiện rượu, con cái hư đốn và cảm thấy mình như là một đầy tớ trong chính ngôi nhà của mình? Tôi cảm thấy thánh giá của Chúa đè nặng trong cuộc sống tôi…? Khi cảm nghiệm được đời sống khốn khổ như vậy, chúng ta mới dám tìm về Chúa là nguồn của mọi ân phúc.

Hay chúng ta đang có nhận thức như đứa con cả: ngày ngày ăn uống cùng cha, làm việc cho cha nhưng vẫn cảm thấy như mình xa lạ, như một đầy tớ làm việc không lương: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho được một con dê con để ăn mừng với bạn bè”. Đó cũng có thể là thái độ của nhiều người chúng ta: chúng ta đi dự lễ, cầu kinh, làm việc bác ái nhưng cảm thấy đó là những việc mệt mỏi nặng nề, bởi vì ta nghĩ mình bỏ thời giờ, tiền bạc của mình cho Thiên Chúa chứ không nghĩ tiền bạc, thời giờ là ân phúc Chúa ban. Đáng lý mỗi lần rước lễ, cầu nguyện, được gắn bó với Đức Giêsu, với Cha Trên Trời thì lòng ta phải tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, quyền năng, sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa để có thể chia sẻ cho người khác; để trở thành hình ảnh của Chúa Giêsu cứu độ con người, nhưng tấm lòng hẹp hòi của ta đã biến ta thành đầy tớ chứ không phải là con cái.

1.3. Nhận thức tình trạng khốn khổ của xã hội quanh mình

Hơn nữa, người con ý thức được tình trạng khốn khổ của xã hội quanh mình: anh ta phải ra đồng chăn heo – một công việc hết sức nhục nhã đối với người Do Thái. Những con người quanh anh cũng đang khốn khổ vì một nạn đói lớn xảy ra trong miền. Anh đã khốn khổ như bao người khác và thậm chí còn khốn khổ hơn họ.

Chúng ta có nhìn vào xã hội hôm nay để thấy rằng có 16 triệu người Việt Nam, trên tổng số 89 triệu dân, mỗi ngày không kiếm được 20.000 đồng; có 6 triệu 700 ngàn người tàn tật về thể lý, 10 triệu người tàn tật về tinh thần cần được cứu chữa. Mỗi năm có 2 triệu ca phá thai mà 30% phụ nữ phá thai rơi vào tình trạng trầm cảm cần được cứu giúp? Mỗi ngày có 5 triệu người xem phim đồi truỵ, 10 triệu người chơi trò chơi trực tuyến đến nỗi bỏ cả công ăn việc làm, đầu óc không ổn định; có 26 triệu người uống rượu và vài triệu người nghiện rượu đến nỗi con cái ngu đần, gia đình ly tán… Chúng ta có cứu giúp gì cho những người ấy hay chúng ta cũng khốn khổ như họ?

Chúng ta có nhận thức đúng được như thế về người Cha Trên Trời, về tình trạng của mình, của xã hội quanh mình thì chúng ta mới dám lên đường đi về nhà Cha.

2. Đi vào con đường của Đức Giêsu

Tuy nhiên, nhận thức đúng là một chuyện, hành động đúng lại là chuyện khác. Có những người con hoang đàng nhận thức đúng đắn nhưng lại đi vào đường lầm, đường cụt. Họ không trở về được nhà cha mà lại rơi vào tình trạng thê thảm hơn đến nỗi chết đói dọc đường. Thời nay, nhiều tôn giáo, đạo pháp, ý thức hệ ra đời để giới thiệu những con đường mê lầm này. Nhiều người vỗ ngực xưng mình là đấng cứu độ, giải phóng dân nghèo. Vì thế chúng ta phải cẩn trọng tìm ra con đường thật sự dẫn về nhà cha. Chỉ có một con đường duy nhất dẫn đến sự thật giải thoát và sự sống vĩnh hằng là chính Đức Giêsu Kitô.

2.1. Con đường sự thật và sự sống

Vì thế, chúng ta cần gặp Đức Giêsu như người mù Bartimê mà ta đã có dịp suy tư vào đầu Năm Đức Tin này.

Con đường sự thật giải thoát ta khỏi mọi hình thức lừa bịp, dối trá để ta nghĩ thật, nói thật, làm thật cho mọi người. Con đường sự sống mời gọi ta tôn trọng sự sống của chính mình, của mọi người, mọi vật quanh ta, tránh đi những hành động xúc phạm sự sống, gây ô nhiễm môi trường, bỏ đi những buổi tiệc nhậu thâu đêm, những lần phá thai, những trò chơi trực tuyến hay phim ảnh đồi truỵ, những câu chửi bới thô tục, những lần đập đánh con cái vô cớ… và thay vào đó bằng những lời nói khích lệ, những hành động tốt đẹp cứu giúp mọi người.

2.2. Ân sủng của Chúa Thánh Thần

Muốn đi vào được con đường sự thật và sự sống này, chúng ta rất cần đến sức mạnh và ân sủng của Chúa Thánh Thần vì Ngài là Thần Chân Lý, là nguồn 7 ơn và là sức mạnh, quyền năng của Thiên Chúa. Chỉ có Ngài mới làm cho ta từ tình trạng yếu nhược, suy sụp tinh thần, mới có thể đứng dậy (Lc 15,18), bước đi (Lc 15,20) và thưa với Cha lời hối lỗi ăn năn (Lc 15,21). Nhiều tín hữu hiện nay, dù quyết tâm thống hối, nhưng lại không đến với Chúa Thánh Thần để Ngài ban cho sức mạnh chỗi dậy, ơn soi sáng để khám phá ra sự thật và thần khí để nói lên lời xin lỗi thật lòng với Cha Trên Trời.

2.3. Sứ mạng hoà giải

Vì thế, chúng ta cần phải thở thần khí mỗi ngày để không phải chỉ thực hiện cuộc thống hối trở về một lần cho cá nhân mình, nhưng còn phải hoàn thành sứ mạng giao hoà người khác với Chúa Cha trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Chúa Thánh Thần. Đó là sứ mạng cao quý của Kitô hữu vì Chúa Giêsu đã “hoà giải chúng ta với Chúa Cha và trao cho chúng ta sứ vụ hoà giải” như bài đọc II đã xác định (x. 2Cr 5,17-21). Chúng ta là “sứ giả thay mặt Đức Kitô công bố lời hoà giải”. Muốn thế, chúng ta không những dám tha thứ cho những người xúc phạm, nói xấu, gây thiệt hại, làm ta nhục nhã, thiệt thòi, mà còn dám xin lỗi dù phần lỗi không thuộc về mình, không phải vì hèn nhát nhưng để nên giống Đức Kitô. Người đã cầu xin Chúa Cha tha cho cả những kẻ đóng đinh mình. Người chịu đóng đinh, chết nhục nhã vì “dù là Đấng chẳng biết tội lỗi là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta để làm cho chúng ta nên công chính trong Người”.

Lời kết

Hành trình đức tin của chúng ta chỉ kết thúc khi chúng ta rời bỏ trần gian để về được nhà Cha Trên Trời. Bao lâu còn ở trần thế, chúng ta vẫn luôn được mời gọi đi vào con đường thống hối, con đường sự thật và sự sống của Đức Giêsu Kitô để trở về cùng Cha. Mỗi bước đi trên con đường này, chúng ta cảm thấy tràn đầy hạnh phúc và bình an vì Cha Trên Trời luôn chờ đón chúng ta, trao cho ta tất cả những gì Ngài có để chúng ta trở thành hình ảnh sống động của Đức Kitô cho mọi người.