Chúa Nhật V MC – C: Kết án tội lỗi, tha thứ tội nhân

Đức Giêsu không kết án chúng ta, Người chỉ kết án tội lỗi để mời gọi chúng ta từ nay đừng phạm tội nữa và bắt đầu một cuộc sống mới với những ân phúc dồi dào Người ban để xứng đáng với tình yêu của vị Thiên Chúa đã dựng nên ta, chết cho ta và sống lại vì ta.

 Kết án tội lỗi, tha thứ tội nhân

Hành Khất Kitô

 

Lời mở

Tuần vừa qua, chúng ta đã thấy trong cuộc hành trình đức tin, con người yếu đuối nhiều lần vấp ngã, cần phải thống hối quay trở về với Thiên Chúa. Các bài Thánh Kinh tuần này muốn diễn tả hành trình của một tội nhân gặp gỡ Đức Giêsu Kitô qua câu chuyện của Chúa Giêsu với người phụ nữ phạm tội ngoại tình (x. Ga 8,1-11) để thấy Người kết án tội lỗi, nhưng không kết án tội nhân (x. T. Augustinô, Thảo luận về Tin Mừng theo thánh Gioan, Bài đọc II, Kinh Sách, Phụng vụ Giờ kinh, Chúa Nhật tuần 5 Mùa Chay).

Nhờ đó chúng ta tìm lại được sự bình an, niềm hy vọng và quyết tâm từ bỏ tội lỗi, “quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước” như thánh Phaolô trong bài đọc II (x. Ph 3,8-14).

1. Phân biệt tội lỗi với tội nhân

Trước tiên, chúng ta cần phân biệt tội lỗi và tội nhân. Đức Giêsu lên án tội nhưng lại thương xót tội nhân.

1.1. Tội là gì?

Sách Giáo l‎ý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG) đã dạy chúng ta tội là gì và lưu ý một vài điểm cơ bản sau đây: “Tội là một hành vi, lời nói hoặc ước muốn trái nghịch với lề luật vĩnh cửu. Tội là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa” (x. GLHTCG, số 1871). Chúng ta đã có Mười điều răn do Chúa xác định trong Cựu Ước và điều răn yêu thương (x. Ga 15,12) do Chúa Giêsu thiết lập trong Tân Ước. Những điều răn ấy được Thiên Chúa thiết lập căn cứ trên bản tính cao qu‎ý của con người, vì thế tội là sự xúc phạm đến Chúa, đồng thời cũng “làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới nhân loại” (GLHTCG, số 1872).

Hơn nữa, “cội rễ của mọi tội lỗi là sự thiếu vắng tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận” (GLHTCG, số 1873,1849). Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4,8-16) nên mọi tội lỗi là sự thiếu vắng tình yêu đích thực.

1.2. Tội nhân được nhìn ra sao?

Tội lỗi được định nghĩa như vậy, nhưng tội nhân là người phạm tội lại phải được nhìn với đôi mắt của Chúa Giêsu chứ không phải của chúng ta. Người phạm “tội trọng cần phải có sự nhận thức đầy đủ và sự ưng thuận hoàn toàn” (x. GLHTCG, số 1859). Điều này giả thiết tội nhân hiểu biết đặc tính tội lỗi của hành vi, hiểu biết hành vi đó đối với lề luật của Thiên Chúa và cố ý làm với tất cả tự do của mình. Người phạm tội như thế phá huỷ đức mến trong mình, mà nếu không có đức mến, thì không thể hưởng vinh phúc vĩnh cửu. Nếu không có sự thống hối, tội trọng như thế kéo theo nó cái chết muôn đời, vì huỷ hoại sự hiệp thông với Thiên Chúa (x. GLHTCG, số 1874) và không nhận được sự cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô.

Tuy nhiên trong đời sống thực tế, tất cả chúng ta đều là những người yếu đuối. Có thể chúng ta không ý thức trọn vẹn về điều răn của Chúa, không biết đó là điều Chúa cấm. Thí dụ: có những bạn trẻ có quan hệ tình dục với người bạn tình của mình hay với người khác mà không nghĩ rằng đó là điều Chúa cấm, vì họ nghĩ rằng quan hệ này là những biểu hiện của tình yêu hay chỉ là những đòi hỏi tự nhiên của bản năng con người. Có những bà mẹ đi hút thai sau 1,2 tuần thụ thai mà không nghĩ đó là việc phá thai lỗi điều răn của Chúa mà chỉ nghĩ đó là điều hoà kinh nguyệt.

Thêm vào đó, có những người dù ý thức được điều Chúa cấm nhưng ý chí của họ yếu kém vì bị hoàn cảnh chi phối hay bị tác động bởi vật chất bên ngoài, nên họ phạm tội mà không có một sự ưng thuận hoàn toàn. Thí dụ: một người nể bạn bè uống rượu say nên khi lái xe gây tai nạn chết người. Anh hiểu rõ việc làm sai trái giết chết một mạng người của mình nhưng hoàn cảnh và chất rượu bia đã làm cho sự ưng thuận của anh không hoàn toàn đối với tội lỗi. Tội của anh được giảm nhẹ phần nào.

2. Những khuôn mặt hiện diện trong vụ xử án

Qua bài Tin Mừng, Giáo Hội mời gọi ta nhìn vào những khuôn mặt tiêu biểu trong vụ xử người phụ nữ phạm tội ngoại tình để giúp ta thật lòng thống hối trở về cùng Chúa.

2.1. Người phụ nữ ngoại tình

Chị bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, chị xúc phạm nặng nề đến tình yêu cần phải dành cho chồng, cho con. Với tất cả ý thức và tự do, chị đã phạm tội nên chị im lặng trước toà án nhân dân, có thể nói như vậy, mà không một lời bào chữa.

Chị là hình ảnh của mỗi người chúng ta đã phản bội tình yêu Thiên Chúa cách này hay cách khác, đã bất trung với Thiên Chúa là người yêu đầu đời và muôn thuở của mình “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8). Nhưng thay vì im lặng nhận trách nhiệm về phần mình, lắm người lại lên tiếng bào chữa cho mình. Họ kể lể, đưa ra những lời đổ tội cho hoàn cảnh, quy trách nhiệm cho người khác và mình chỉ chịu trách nhiệm một phần rất nhỏ về những thiệt hại gây nên cho người khác. Thí dụ: một lời nói xấu, ta tưởng qua đi, nhưng thực tế gây nên biết bao đau khổ, thiệt thòi cho người bị nói xấu. Chúng ta đã lỗi đức công bằng vì làm mất danh dự của người khác thì luật buộc ta phải nói tốt lại cho tất cả những ai đã nghe lời nói xấu của ta. Điều buộc này ít người thực hiện.

2.2. Các luật sĩ, biệt phái

Những người này tượng trưng cho cộng đồng xã hội, cho những người nắm giữ luật pháp đang lên án tội nhân, nhân danh công lý để kết án người khác. Họ nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, trong sách Luật ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó” (Ga 8,5).

Trong xã hội, luật pháp cần có để đảm bảo trật tự, an ninh, công l‎ý, công bằng cho người trong cộng đồng. Nếu như chúng ta không phải là người có trách nhiệm gìn giữ trật tự, bảo vệ luật pháp như những thẩm phán, luật sư… chúng ta không thể xét xử và lên án người khác vì chúng ta không thể biết rõ những động cơ, động lực, nguyên nhân gây nên tội ác của họ.

Trong lĩnh vực đạo đức, luân l‎ý: rất nhiều khi chúng ta lại đóng vai quan toà xét xử, lên án anh chị em mình qua những lời phê bình, chỉ trích, nói xấu người khác. Chúng ta đứng ở vị trí cao nhìn người phạm tội với đôi mắt khinh miệt và muốn huỷ diệt sự sống người khác như những luật sĩ, biệt phái trong Tin Mừng hôm nay, nhân danh luật lệ của con người, nhân danh công l‎ý của phe nhóm nắm giữ quyền lực. Chúng ta thử xét mình xem ta có đang giữ thái độ đó đối với những người thân yêu, hàng xóm, bạn đồng nghiệp…?

Đức Giêsu mời gọi ta: “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng kết án để khỏi bị kết án, hãy tha thứ thì sẽ được thứ tha”.

2.3. Đức Giêsu với tội nhân

Đức Giêsu ngồi dưới đất trong khi các biệt phái và người phụ nữ lại đứng như gợi ý cho ta việc Người hạ mình xuống thấp, thay vì cao ngạo, đặt mình lên trên để xét xử mọi người, dù Người là Thiên Chúa dựng nên muôn loài và là thẩm phán tối cao, xét xử mọi người. Người hành động như thế vì là “Đức Giêsu” như thiên sứ nói với ông Giuse: “Ông phải đặt tên con trẻ là Giêsu vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Người còn hạ mình xuống tột cùng như những tội nhân bị đóng đinh trên thập giá, mang lấy tội lỗi của mọi người chúng ta và nhìn lên Chúa Cha với đôi mắt khẩn cầu “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34) để hoà giải mọi người với Thiên Chúa. Mỗi khi dâng thánh lễ, chúng ta được mời gọi nhớ lại rằng: “Đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28; x. GLHTCG, số 1846).

Hình ảnh ấy gợi cho chúng ta hiểu rằng Đức Giêsu đang mời gọi chúng ta khiêm tốn thú nhận tội lỗi như người phụ nữ ngoại tình, ý thức thú nhận tội lỗi của mình như những người biệt phái “bỏ đi hết, bắt đầu từ những người lớn tuổi”, sẵn sàng tha thứ cho tất cả những ai xúc phạm đến mình, cho cả những kẻ đóng đinh mình.

Đức Giêsu ngồi viết trên đất để nhắc nhở cho người Do Thái về việc Thiên Chúa dùng ngón tay viết lên những chữ trên bia đá và trao ban luật đó cho Môsê. Còn bây giờ, Người dùng lời của Người viết lên lòng con người bản luật của giao ước mới để cho con người “tìm được sự công chính không phải do luật của Môsê mang lại, nhưng là sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu Kitô” (Ph 3,9). Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI còn nói đến “nền công l‎ý của tình yêu” mà Đức Giêsu Kitô mang lại cho mọi người vì Người là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa (x. ĐGH Bênêđictô XVI, Kinh Truyền Tin, ngày 21/3/2010).

Đức Giêsu không kết án chúng ta, Người chỉ kết án tội lỗi để mời gọi chúng ta từ nay đừng phạm tội nữa và bắt đầu một cuộc sống mới với những ân phúc dồi dào Người ban để xứng đáng với tình yêu của vị Thiên Chúa đã dựng nên ta, chết cho ta và sống lại vì ta. Người muốn chúng ta sống trong niềm vui, bình an, hy vọng vì Chúa đã tha thứ cho chúng ta rồi và hành động như thánh Phaolô: Không còn nghĩ đến quá khứ của mình nữa mà “quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước, chạy thẳng tới đích để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Ngài kêu gọi trong Đức Giêsu Kitô” (Ph 3,13-14).

Lời kết

Đó cũng là những mong ước của Người Mẹ Hội Thánh gửi tới từng con cái yêu qu‎ý của mình trong Mùa Chay Thánh này.