27/07/2024

Chúa Nhật VI PS B – 2024: Thiên Chúa là Tình yêu

Chúa Nhật VI PS B – 2024

Thiên Chúa là Tình yêu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Vào tuần cuối cùng suy niệm về Chúa Phục Sinh, trước khi mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời, Giáo Hội muốn đưa ta đến ân huệ cao cả nhất, tốt đẹp nhất của Đấng Phục Sinh, đó là được tham dự vào tình yêu Thiên Chúa. Đức Giêsu nói với ta qua bài Tin Mừng (x. Ga 15,9-17): “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy“. Vì thế, ta cùng tìm hiểu tình yêu của người môn đệ Chúa Giêsu là gì để có thể yêu thương như ý Người muốn.

1. Tình yêu của con người

– Trước tiên, rất nhiều người hiện nay không tin có tình yêu nơi con người hoặc là vì họ được dạy dỗ như thế hoặc là do họ đã từng bị phản bội nên không tin vào nó nữa.

Thật vậy, nhiều người theo các hệ tư tưởng duy vật, duy thực, duy nghiệm, duy khoa học không tin có tình yêu và cho rằng tình yêu là sản phẩm của những người theo chủ nghĩa duy tâm, duy lý, duy tín. Họ cho rằng tình yêu chỉ là thứ tưởng tượng trong tâm trí, chứ không có trong thực tế. Bằng chứng là người ta đã làm cả ngàn thí nghiệm với các máy móc khoa học tiên tiến nhất, nhưng vẫn không thấy dấu vết tình yêu ở bất cứ nơi nào trong cơ thể con người. Bộ Từ điển giá trị nhất của Việt Nam là Bách Khoa Từ điển do hơn 300 nhà khoa học biên soạn cũng không có mục từ “Tình yêu”.

Hậu quả là trong cộng đồng gồm những con người không tin có tình yêu chân thật nơi con người, tất cả các mối tương quan chỉ được kết nối bằng sợi dây cơ học vật chất như tiền bạc, danh lợi, quyền lực, những rung động cảm xúc trên thân xác. Gặp trắc trở hay hết tiền bạc, hết danh lợi, hết cảm xúc thì người ta cũng hết tình. Vì thế cộng đồng xã hội đó còn đầy những bất công, gian dối, tham lam, giết hại lẫn nhau.

– Tiếp đến, có những người hiểu sai tình yêu. Các tôn giáo ít khi nói đến tình yêu, vì hiểu đó là tình cảm yêu đương nam nữ bị bản năng sinh lý chi phối, nên xem thường và nhắc nhở các tín đồ phải xa tránh cho xứng đáng với thần linh. Chúng tôi thử tìm định nghĩa về tình yêu trong các từ điển của Phật giáo nhưng không thấy. Anh em Phật giáo cho tình yêu là vô thường, tình cờ tụ lại trong một kiếp người hay trong một ít năm sống, sau đó lại tan biến. Vì vậy Sư Giác Duyên nói với Thuý Kiều rằng: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”.

Riêng ở Việt Nam, người tín hữu Công giáo có nguy cơ bị lầm lạc khi họ lẫn lộn “tình yêu” với “tình thương”, bắt nguồn từ việc phiên dịch thiếu chính xác các bản văn Thánh Kinh, phụng vụ của vài nhóm dịch giả. Do ảnh hưởng của xã hội và các tôn giáo khác đã đồng hoá tình yêu là tình cảm yêu đương nam nữ, nên nhiều dịch giả Công giáo đã dùng từ “tình thương” thay vì “tình yêu” để dịch từ Agape của tiếng Hy Lạp, từ CaritasAmor của tiếng La Tinh hay Love của tiếng Anh. Hơn nữa, trong khoảng 20 năm gần đây, Giáo hội cổ vũ phong trào “Lòng Chúa Thương Xót” nên người ta càng thích dùng từ tình thương thay cho tình yêu. Trong cuốn từ điển mới nhất của Hội đồng Giám mục Việt Nam là Từ diển Công giáo 2019, cũng không có mục từ “Tình yêu”. Cụ thể là bài Tin Mừng hôm nay, người ta vẫn dùng từ “tình thương” thay cho “tình yêu”.

– Cuối cùng, cũng có nhiều người khác tin rằng con người có tình yêu vì họ đang yêu, nhưng họ lại không giải nghĩa được tình yêu của mình vì họ không biết tình yêu bắt nguồn từ đâu. Họ nghĩ rằng tình yêu chỉ là những cố gắng tự nhiên của mỗi người theo nhịp đập của trái tim mình. Hàn Mặc Tử, một nhà thơ Công giáo nổi tiếng, đã biết làm thế nào để giải nghĩa được tình yêu qua bài thơ tả Đà Lạt: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,- Để nghe dưới đáy nước hồ reo,- Để nghe tơ liễu run trong gió – Và để nghe Trời giải nghĩa yêu“. Phải! Chỉ có Trời mới giải nghĩa được tình yêu cho con người vì Trời là tình yêu. Nhưng nếu con người không tin vào Trời thì không thể nào giải nghĩa được tình yêu trong trái tim mình!

– Thật ra, “tình yêu là một mầu nhiệm” mà con người không thể giải nghĩa, nhưng lại có thể cảm nhận được, bởi vì Trời hay Thiên Chúa đã đặt tình yêu vào trong muôn loài muôn vật, đúng như lời thánh Gioan thôi thúc ta trong Bài đọc II (x. 1Ga 4,7-10) hôm nay: “Chúng ta hãy yêu thương nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa”. Đối với con người có lý trí, tình yêu là một loại tình cảm sâu sắc và mãnh liệt, làm cho con người gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người hay với vật mình yêu, như ta vẫn nói: yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu cuộc sống. Nghĩa thứ hai của tình yêu mới là tình cảm yêu đương giữa nam nữ (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, tr. 1284).

2. Thiên Chúa là Tình yêu

Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa và tình yêu còn là bản chất của Thiên Chúa, như thánh Gioan quả quyết: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,7). Điều đó có nghĩa là mọi tương quan bên trong và mọi hoạt động bên ngoài của Chúa đều là tình yêu. Không một tôn giáo nào dám định nghĩa Thiên Chúa hay thần linh của mình như vậy.

Vì bản chất tình yêu là ban tặng, là chia sẻ tất cả những gì mình có cho đối tượng mình yêu, nên từ thuở ban đầu Thiên Chúa ban tặng chính bản thể mình cho đối tượng mình yêu và đã sinh ra Người Con Một có cùng bản thể với mình. Người Con Một ấy lại yêu chúng ta nên cũng ban tặng cho ta sự sống kỳ diệu của chính Thiên Chúa sau khi Người từ cõi chết sống lại. Vì thế Đức Giêsu nói với ta: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”.

Do tình yêu thúc đẩy, Thiên Chúa chia sẻ những gì mình có cho muôn loài muôn vật, nên ta thấy chúng phản ánh cái đúng, cái tốt, cái đẹp của Ngài, nhất là chúng phản ánh tình yêu của Ngài như những bông hoa toả hương khoe sắc cho ta mà không đòi ta một đồng xu nhỏ!

Rồi vì bản chất là tình yêu, nên Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương, dù con người đã chối từ tình yêu, đã cắt đứt mối hiệp thông với Ngài. Ngài không muốn muôn loài bị huỷ hoại bởi tội lỗi con người nên đã ban Con Một là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người để cứu độ ta. Thánh Gioan nói rằng: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu mến chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”. Vì thế, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, chính là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa. Người đến để dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương ta và ta phải yêu thương nhau như thế nào.

Tuy nhiên, muốn yêu thương thật sự như Chúa Giêsu, ta phải giải được hai ý nghĩa của tình yêu: đó là hy sinh và nâng cao.

– Hy sinh: yêu cho đến cùng, đến chết trên thập giá như Chúa Giêsu. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình”. Người ta có thể hy sinh để tặng cho nhau vật chất, nhưng chết thay cho nhau thì thật là hoạ hiếm. Vì thế, chúng ta bái phục tình yêu của những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh mạng sống cho tổ quốc. Thật ra, trong bữa ăn hằng ngày, bao người và cả tôm cá, rau cỏ đã hy sinh sự sống cho ta vì chúng bắt chước tình yêu của Chúa Giêsu, nhưng ta lại coi thường tình yêu của chúng!

– Nâng cao đối tượng mình yêu: Nhiều người khi yêu chỉ muốn chiếm đoạt, hạ thấp, huỷ hoại đối tượng mình yêu, biến họ thành phương tiện để thoả mãn tham vọng và dục vọng. Còn Đức Giêsu lại nâng ta lên ngang tầm với Người: “Anh em là bạn hữu của Thầy”. Hơn nữa, Người còn ban Thánh Thần của Người cho ta để biến chúng ta thành thần thánh như Người. Chúa Cha cũng đã tuôn đổ tình yêu vào lòng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho tất cả những ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành như Bài đọc I diễn tả (x. Cv 10,25-48.)

Lời kết

Chỉ khi biết yêu nhau như thế, ta mới nói cho những người đang sống trong xã hội này biết Thiên Chúa là tình yêu, bởi vì giải được nghĩa hy sinh và nâng cao của Chúa Giêsu Phục Sinh. Amen.

HKK