Chúa Nhật I MC – C: Cuộc chiến đấu thiêng liêng

Bước vào mùa Chay thánh chúng ta hãy giúp nhau bằng lời cầu nguyện, bằng việc chay tịnh làm chủ bản thân và hành động nghĩa hiệp để có thể gắn kết mật thiết với Chúa Giêsu. Xin Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn xuống trên chúng ta để ta sống trọn vẹn mầu nhiệm Vượt Qua với Chúa Giêsu, trong cuộc đời chiến đấu vì đại nghĩa của mình.

Cuộc chiến đấu thiêng liêng

 

Hành Khất Kitô

 

Lời mở

Giáo Hội mời gọi chúng ta bước vào 40 ngày Chay Thánh như một thời gian tập luyện thiêng liêng, mà chúng ta gọi là linh thao, để có thể bắt chước Chúa Giêsu chiến đấu trước khi kết hợp với Người trong mầu nhiệm Vượt Qua. Bài Tin Mừng (x. Lc 4,1-13) tuần I Mùa Chay giới thiệu Chúa Giêsu ăn chay, chịu ma quỷ cám dỗ để giúp ta có thể vừa làm chủ được bản thân mình, vừa chiến đấu chống lại các thế lực thù địch với chương trình cứu độ muôn loài.

Chính vì thế, chúng ta cùng suy niệm về cuộc chiến đấu thiêng liêng này trong đời tín hữu.

1. Những lầm tưởng về đời Kitô hữu

Nhiều tín hữu, dù đã theo đạo lâu năm, chứ chưa nói đến người mới theo đạo, vẫn lầm tưởng rất tai hại về một số điểm của đời Kitô hữu khiến họ không cảm nghiệm được sự bình an, hạnh phúc thật sự và cũng chưa sử dụng và phát huy được ơn Chúa ban cách hiệu quả.

1.1. Lầm tưởng về ơn Chúa. Người ta tưởng theo đạo là để được hưởng nhiều ơn phúc của Thiên Chúa, ơn phần hồn (được ơn tha tội, thông minh, chữa bệnh, nói tiên tri, xua trừ ma quỷ, …) cũng như phần xác (được ơn no đủ, thậm chí giàu sang, được chữa khỏi bệnh tật, thành đạt trong công việc làm ăn buôn bán…).

1.2. Lầm tưởng về việc đạo đức. Người ta nghĩ rằng để được những ơn trên thì phải làm những việc đạo đức như cầu nguyện, ăn chay, dự thánh lễ, nhận các bí tích, làm việc bác ái… Càng làm nhiều thì càng nhận nhiều ơn! Kết quả là cuộc đời của người tín hữu sẽ phải là cuộc đời tràn ngập niềm vui, bình an, hạnh phúc, thành đạt, khoẻ mạnh!

1.3. Lầm tưởng về quyền năng và lòng Chúa thương xót. Vì thế, khi gặp những rủi ro, thất bại, bệnh tật, nghèo túng thì người ta nghĩ rằng đó là do con người yếu đuối hay ma quỷ cám dỗ. Nhưng Chúa đầy quyền năng và lòng thương xót nên Chúa chắc chắn phải thắng được con người và ma quỷ. Vậy nếu người ta phải chịu đựng những thất bại, đau khổ, bất công, bệnh tật… thì hoặc là Chúa bất lực trước con người và ma quỷ hoặc Chúa không có lòng thương xót nên đã phạt con người vì tội lỗi của họ.

1.4. Lầm tưởng về đời sống an nhàn. Người ta nghĩ rằng đời người tín hữu đạo đức phải là một cuộc sống an nhàn, thư thái, thụ hưởng muôn ơn phúc của Chúa chứ không cần phải vất vả chiến đấu căng thẳng với ai. Chỉ những người tội lỗi, chạy theo những đam mê, dục vọng mới bị ma quỷ cám dỗ nặng nề!

Những lầm tưởng trên đây diễn ra hằng ngày trong đời sống. Hôm nay, qua cuộc chiến đấu thiêng liêng của Chúa Giêsu, có lẽ chúng ta được mời gọi thay đổi những nhận thức này. Ta đừng quên rằng: chính Chúa Thánh Thần dẫn đưa Chúa Giêsu vào hoang địa để ăn chay và chịu ma quỷ cám dỗ (x. Lc 4,1-2), sau khi chứng nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô được xức dầu dưới sông Giordan, như muốn nhắc nhở chúng ta rằng đời Kitô hữu là một cuộc chiến đấu trường kỳ với mọi thế lực thù địch của Thiên Chúa để mang lại bình an thật sự và ơn cứu độ toàn diện cho muôn loài. Cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá đòi hỏi chúng ta bỏ đi những lầm tưởng về một đời sống nhàn nhã, may lành, hưởng thụ ân huệ  trên đây.

2. Hành động cám dỗ của ma quỷ và phương thế chiến đấu

2.1. Sự hiện diện của ma quỷ trong đời sống. Nhiều tín hữu thời nay, thậm chí có cả một số tu sĩ và linh mục, do ảnh hưởng của tâm thức duy lý trí, duy khoa học thực nghiệm, cho rằng không hề có chuyện ma quỷ hiện ra cám dỗ Đức Giêsu hay con người. Họ cho rằng sự việc ma quỷ cám dỗ trong Tin Mừng chỉ là một huyền thoại hay do đầu óc tưởng tượng của con người thêu dệt nên để dạy bài học đạo đức chứ không có thực trong lịch sử.

Tuy nhiên, sau nhiều thế kỷ im lặng, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, xuất bản năm 1992, chính thức nhắc nhở cho ta về sự hiện diện thật sự của ma quỷ (x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo– GLHTCG, số 391-392; 414; 2.891) với những công việc ác đức của chúng (x. GLHTCG, số 1237, 394-395.398; 2.851-2.852). Nhất là số 130 của sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, xuất bản năm 2004, nhắc chúng ta rằng: tinh thần con người mở ra đến vô biên và cho mọi loài hiện hữu. Vì thế, con người có thể tiếp xúc được với Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối, với các thiên thần trong đó có cả các thiên thần sa ngã là quỷ dữ, với các hồn người, trong đó có cả các hồn cần được thanh luyện và cả hồn ác là những tà ma gây hại cho con người. Sách Giáo lý gọi chung là “ma quỷ” theo từ gốc Hy Lạp dia-bolos có nghĩa là “kẻ phá ngang” kế hoạch của Thiên Chúa và công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô (x. GLHTCG, số 2.851).

2.2. Thí dụ điển hình. Ma quỷ đang có mặt trong cuộc đời của chúng ta, vì ma quỷ là tinh thần nên từng giây từng phút chúng có thể tác động vào tinh thần của ta qua hình ảnh khiêu dâm trong các phim ảnh ta xem, qua tư tưởng tiêu cực trong những sách ta đọc, qua lời nói tục tĩu của bạn bè ta gặp… Ngồi nghe giảng nhưng đầu óc ta có thể đang nhớ lại những gì đã diễn ra trong dịp Tết, nhớ đến người bạn, người tình nào đó đang ở xa chúng ta. Dù ta không muốn nhưng ma quỷ đang lôi kéo chúng ta không chú ý đến bài giảng và thánh lễ để cắt đứt sự thân mật giữa ta với Chúa. Đó là cơn cám dỗ.

Đến lúc lên rước lễ, quỷ có thể nói trong tâm trí ta: “Bạn chia trí trong giờ lễ, không xứng đáng rước Mình Thánh Chúa, phải đi xưng tội, nếu không sẽ phạm sự thánh”. Chúng làm ta sợ hãi và mất bình an nên không dám lên rước lễ! Chính ma quỷ tạo cho chúng ta chia trí rồi cũng chính chúng bảo chúng ta đừng lên rước lễ. Đó là mưu chước của ma quỷ. Thật sự chia trí chỉ là một tội nhẹ. Hiểu được điều đó, chúng ta mới thấy khi ta đang sống trong ơn nghĩa với Chúa mà điều gì làm cho chúng ta mất bình an, lo lắng, bối rối thì đó là do ma quỷ. Trong trường hợp này, ta bình tĩnh xin lỗi Chúa rồi lên rước lễ, cơn cám dỗ sẽ rời xa ta.

2.3. Hai nguyên tắc căn bản để phân loại thần lành, thần dữ. Nếu chúng ta không khám ra mưu chước của ma quỷ thì chúng ta không thể chiến đấu và chiến thắng.Thánh Ignatiô de Loyola, Đấng sáng lập ra Dòng Tên, đã viết tập sách “Linh Thao” và trình bày cho ta 2 nguyên tắc căn bản để khám phá mưu chước của ma quỷ tác động trong tâm hồn con người (x. Ignatiô de Loyola, Những bài Linh thao, Bản dịch của Lm. Đinh văn Trung, sj. số 314-315, tr. 188-189) :

Nguyên tắc I: Những ai đang sống trong tình trạng tội trọng, mất ơn nghĩa với Chúa, ác thần làm cho họ ở lỳ trong tội lỗi, trong khoái lạc và thú vui giác quan, tạo bình an giả dối. Còn thần lành hành động ngược lại là làm cho họ bối rối, bất an bằng những cắn rứt của lương tâm.

Nguyên tắc II: Những ai đang sống trong tình trạng ân sủng với Chúa, ác thần khơi dậy những điều làm cho họ mất bình an, buồn phiền, lo lắng, cắn rứt lương tâm. Còn thần lành làm cho họ được ơn bình an, can đảm, an ủi, nước mắt, gạt mọi trở ngại để làm điều tốt.

2.4. Dùng lời Chúa để hàng ma, phục linh. Ngoài việc chống lại cơn cám dỗ bằng cầu nguyện và chay tịnh, người Kitô hữu còn được mời gọi biết sử dụng Lời Chúa để xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật, phục hồi tinh thần cho con người như Chúa Giêsu đã hành động trong sốt 3 năm hoạt động công khai của Người. Nhất là khi đất nước chúng ta đang có hàng chục triệu người lâm vào tình trạng bất an về tinh thần, cần phải chữa trị về mặt tâm thần, tâm lý và có khi cả tâm linh. Thánh Phaolô, trong bài đọc II (x. Rm 10,8-13), đã nhắc nhở ta điều này: “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ”. Việc hàng ma, phục linh, hành hiệp giang hồ này không phải là chuyện võ hiệp tưởng tượng của các đệ tử Cái Bang trong các tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung, nhưng đó là sứ mạng chiến đấu của những hành khất Kitô trong thời đại ngày nay khi họ được đào tạo những kỹ năng khám phá và điều trị tinh thần cho con người, biết sử dụng Lời Chúa như thanh gươm hai lưỡi sắc bén để chế ngự quân thù (x. Dt 4,12; Eph 6,17), và tin vào quyền năng, sức mạnh Thánh Thần được Chúa Giêsu ban cho.

Lời kết

Hôm nay, bước vào mùa Chay thánh chúng ta hãy giúp nhau bằng lời cầu nguyện, bằng việc chay tịnh làm chủ bản thân và hành động nghĩa hiệp để có thể gắn kết mật thiết với Chúa Giêsu. Xin Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn xuống trên chúng ta để ta sống trọn vẹn mầu nhiệm Vượt Qua với Chúa Giêsu, trong cuộc đời chiến đấu vì đại nghĩa của mình.