CN Chúa Thánh Thần hiện xuống – B: Thần Khí và việc loan báo Tin Mừng

Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. Xin Chúa cho chúng con luôn thở được Thần Khí Chúa để đổi mới con người chúng con và đổi mới thế trần.

 Thần Khí và việc loan báo Tin Mừng

Hành Khất Kitô

Lời mở

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mừng việc Chúa Cha đã cử Chúa Thánh Thần đến thánh hoá Giáo Hội ngay từ thuở sơ khai và sai Giáo Hội đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Các bài Thánh Kinh đều tập trung vào ý nghĩa ấy và nêu bật mối tương quan mật thiết giữa Thần Khí và việc loan báo Tin Mừng, nhất là qua việc Đức Giêsu thổi hơi vào các môn đệ và nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22).

Vì thế, qua việc thở không khí hằng ngày, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu Thần Khí hoạt động trong Thân Thể mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô và tác động đến việc loan báo Tin Mừng như thế nào?

1. Thở khí tự nhiên

Nhiều người chúng ta ít quan tâm đến việc thở hít không khí tự nhiên, tiếng chuyên môn gọi là hoạt động hô hấp, mà chỉ chú ý đến ăn vì khi nhịn ăn 1 ngày là ta đói cồn cào, không thể học hành, làm việc. Thật ra, nước uống cần hơn lương thực vì cơ thể con người có thể nhịn ăn tối đa khoảng 30 ngày, còn nhịn uống chỉ từ 3 đến 4 ngày. Hô hấp mới cần thiết nhất vì mỗi ngày thân thể ta cần tới hơn 10.000 lít không khí và chỉ cần 4 phút không thở là bộ não bị tổn thương, không thể hồi phục, trừ ở trẻ sơ sinh (x. Gs. Phạm Đình Lựu, Sinh lý học Y khoa, Tập I, NXB Y Học, 2011, tr. 196).

Hô hấp có nghĩa là đem khí oxy từ khí trời vào tế bào và đem khí carbonic của tế bào ra ngoài khí trời. Hô hấp gồm nhiều giai đoạn: từ việc thông khí ở phổi để trao đổi khí giữa khí trời và phế nang là những túi chứa khí ở phổi, rồi khuyếch tán khí oxy và khí carbonic giữa phế nang và máu tại phổi, đến việc chuyên chở 2 loại khí ấy trong máu và dịch cơ thể đến hoặc rời khỏi tế bào, cuối cùng là trao đổi khí giữa dịch cơ thể và tế bào. Mục đích chính của hô hấp là dùng oxy hấp thụ được đốt các thực phẩm trong tế bào để lấy năng lượng và khí carbonic sinh ra trong quá trình này sẽ được thải ra ngoài ( Sách đã dẫn (Sđd), tr.181).

Ta cũng nên nhớ rằng: khí cũng như nước đều đi từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp. Muốn đem khí vào phổi thì áp suất khí quyển phải lớn hơn áp suất phế nang và muốn đưa khí ra khỏi phổi thì phải có tình trạng ngược lại. Bình thường áp suất của không khí là cố định, muốn tạo ra sự thay đổi của áp suất phế nang khi hít vào hay thở ra, các cơ hô hấp như cơ hoành, cơ liên sườn, cơ lệch, cơ ức đòn chũm, cơ cánh mũi, cơ má, cơ lưỡi… phải co vào hay giãn ra, lồng ngực phải thu hẹp hay giãn nở. Do đó, mà có 2 loại thở: hít thở bình thường, thụ động, khi khí trời ùa vào phế nang cách tự nhiên, không cần sự cố gắng của người thở và cách hít thở nhân tạo khi người thở biết vận động các cơ và lồng ngực để làm tăng thể tích thông khí phế nang và như thế cũng là để tăng nồng độ oxy và carbonic trong máu. Nhiều cách thở đã được con người sáng tạo để đạt được kết quả này như thở theo phương pháp Hartha Yoga, Thiền Tông, Zen, Khí Công, Dưỡng Sinh…

Sự trao đổi khí tại phổi chỉ xảy ra nơi màng phế nang có không khí tiếp xúc với mao mạch phổi có máu chảy qua trong vòng 0,25 giây và diện tích màng này rộng khoảng 70-90 mét vuông! (x. Sđd, tr 203). Máu đen nhận oxy trở thành máu đỏ, máu đỏ được chuyển đến các mô. Tại mô, máu đỏ giao oxy cho mô, lấy khí carbonic về lại phế nang để tiếp tục quy trình trao đổi khí (x. Sđd, tr. 209).

Ngoài việc cung cấp oxy cho từng tế bào, ta nên chú ý đặc biệt đến khí oxy cần thiết cho hoạt động của bộ não, nhất là hệ thần kinh trung ương, vì bộ phận này điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Với khoảng 16 tỷ tế bào thần kinh, bộ não cần tối thiểu khoảng 2.000 lít không khí mỗi ngày. Nếu ta biết tăng cường thể tích thông khí ở phế nang nhờ các phương pháp thở chủ động, ta sẽ phát huy nhiều khả năng như cảm xúc, suy tư, sáng tạo… của tinh thần qua hoạt động của bộ não, ta sẽ thông minh hơn, hoạt động hiệu quả và tốt đẹp hơn gấp nhiu lần.

Việc  khám phá ra tầm quan trọng của hô hấp với khí tự nhiên trong thể xác con người như gợi ý cho ta tìm hiểu về tầm quan trọng của việc thở Thần Khí trong đời sống siêu nhiên của người tín hữu cũng như trong Thân thể Nhiệm mầu của Đức Kitô là Giáo Hội.

2. Thở khí siêu nhiên

Trước hết, chúng ta cần phân biệt có nhiều loại khí siêu nhiên. Thần Khí mà Chúa Giêsu Phục Sinh thổi vào các môn đệ không phải chỉ là luồng “sinh khí” mà Thiên Chúa thổi vào mũi con người (St 2,7) cho họ trở thành con người giống hình ảnh Ngài (St 1,26-27) nhưng là Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng bay lượn trên mặt nước khi Chúa dựng nên muôn loài bằng Lời phán từ miệng Ngài (x. St 1,2-26). Đức Giêsu, trong tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa, thực hiện cuộc sáng tạo mới, khi thổi hơi trên các môn đệ, để biến họ thành những con người mới, trở nên chính Thiên Chúa như Người. Thánh Thần là một ngôi vị sống động, là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Đấng Bảo Trợ (Ga 15,26; 16,7.13) được Chúa Cha và Chúa Giêsu ban cho để chúng ta có cùng một sự sống Thiên Chúa nếu thở hít chung một Thần Khí với Chúa Giêsu.

Thần Khí này vì thế khác hẳn với tà khí, hay uế khí mà con người thải ra do tham vọng và dục vọng tác động trong cuộc sống ở trần thế (x. Mt 15,18-20) tương tự như khí carbonic được thải ra trong quá trình hô hấp của con người. Thánh Thần cũng khác hẳn tà thần hay thần ô uế mà tinh thần con người có thể bị chúng khống chế hay xâm nhập nơi những người bị ma ám, quỷ nhập (x. Mt 12,43-45).

Quả thật, nhiều tín hữu hầu như chẳng quan tâm đến việc tập thở Thần Khí, dù họ biết rõ rằng con người họ gồm 2 phần: thể xác và tinh thần. Nếu thể xác cần ăn uống thở khí tự nhiên, thì tinh thần cũng cần ăn uống thở khí siêu nhiên như thế. Họ biết mình cần rước Mình Máu Thánh Chúa, đọc Lời Chúa như của ăn uống siêu nhiên, nhưng lại không biết thở và tập thở Thần Khí. Vì thế, đời sống họ chưa phát huy những năng lực kỳ diệu của Chúa Thánh Thần qua những ân huệ Ngài ban, như được diễn tả trong bài đọc I (x. Cv 2,1-11) cũng như chưa mang lại những kết quả lạ lùng trong việc loan báo Tin Mừng cứu độ (x. Cv 2, 43; 5,12-16…). Thánh Phaolô, qua bài đọc II (x. Cr 12,3-7.12-13), muốn nhắc nhở chúng ta về những ân huệ mà Thánh Thần ban cho tín hữu để hoạt động trong Hội Thánh và phục vụ cộng đồng.

Nhiều tín hữu rất thụ động trong việc thở khí siêu nhiên. Thần Khí mà họ lãnh nhận từ lúc chịu bí tích Rửa Tội chỉ giúp họ sống vừa đủ cách bình thường chứ chưa phát huy những ân sủng kỳ diệu của Thần Khí trong chính con người họ. Nếu biết thở hít Thần Khí, nghĩa là để cho Thánh Thần hướng dẫn đời sống (x. Gl 5,22-25), h sẽ biết sử dụng 7 ơn Thánh Thần như khôn ngoan, minh mẫn, lo liệu, sức mạnh, hiểu biết, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa trong cuộc sống cũng như những ơn làm phép lạ, nói tiên tri, chữa bệnh, trừ tà, phục vụ, thông thạo khoa học và ngôn ngữ… để phục vụ cộng đồng và làm chứng cho Chúa Giêsu trong việc loan báo Tin Mừng.

Chúng ta đều hiểu mình là con người yếu đuối, tội lỗi, luôn bị những tham vọng và dục vọng chi phối trong đời sống trần gian, dòng máu siêu nhiên luôn đen bẩn là lẽ tự nhiên của kiếp người. Chính nhờ Thần Khí và chỉ nhờ Thần Khí của Chúa Giêsu, dòng máu đen bẩn ấy mới đỏ tươi lại, đem sức sống kỳ diệu của Thiên Chúa đến cho cá nhân ta cũng như cho từng tế bào của Nhiệm Thể. Vì thế, Đức Giêsu muốn ban Thánh Thần để Ngài ở với chúng ta luôn mãi và dạy dỗ chúng ta mọi điều (x. Ga 14,26; 16,7.13-14). Chúng ta rất cần tập thở Thần Khí như các tông đồ xưa để trở thành Tin Mừng sống động của Chúa Giêsu cho muôn loài của thời đại hôm nay.

Trong kinh nghiệm cá nhân khi tiếp xúc với hàng ngàn bệnh nhân và sinh viên trong những năm qua, tôi luôn kêu mời họ tập thở chủ động khí tự nhiên theo phương pháp 4 thì: hít vào-ngưng-thở ra-ngưng chừng 5 phút mỗi ngày và thở Thần Khí vài phút mỗi khi mệt mỏi hay trước khi ngủ. Nhiều người đã khỏi bệnh cách mau chóng, lạ lùng, nhiều sinh viên học hành tiến bộ, thành công phi thường. Điều này nhắc nhở tôi luôn nhớ đến sự hiện diện kỳ diệu của Chúa Thánh Thần trong đời sống và cầu nguyện với Ngài.

Lời kết

Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. Xin Chúa cho chúng con luôn thở được Thần Khí Chúa để đổi mới con người chúng con và đổi mới thế trần.