CN Chúa Ba Ngôi – B: Loan báo Chúa Ba Ngôi cho đồng bào Việt

Chúa Giêsu không muốn chúng ta ngồi yên hưởng thụ hạnh phúc được làm con cái Chúa. Người yêu cầu chúng ta ra đi, mời gọi chúng ta hành động để loan báo Tin Mừng Chúa Ba Ngôi cho mọi người, nhất là cho dân tộc Việt Nam.

 

Loan báo Chúa Ba Ngôi cho đồng bào Việt

Hành Khất Kitô

Lời mở

Chúng ta vừa nghe lệnh truyền của Chúa Giêsu gửi chúng ta ngày lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,18-20). Chúa Giêsu không muốn chúng ta ngồi yên hưởng thụ hạnh phúc được làm con cái Chúa. Người yêu cầu chúng ta ra đi, mời gọi chúng ta hành động để loan báo Tin Mừng Chúa Ba Ngôi cho mọi người, nhất là cho dân tộc Việt Nam. Nhưng câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay là: đồng bào chúng ta đã biết gì về Chúa Ba Ngôi và làm thế nào để loan báo Tin Mừng này cách hiệu quả.

1. Tình trạng hiểu biết về Chúa Ba Ngôi nơi người Việt Nam

Từ mấy ngàn năm nay, đồng bào ta đã biết đến Trời như vị Thần cao cả nhất, dựng nên trời đất muôn vật, biết rõ lòng người, định đoạt số phận con người nên ta phải tôn thờ, kính sợ giống như dân tộc Do Thái biết về Chúa Giavê. Những áng văn chương, ca dao, tục ngữ đều nói đến điều này. Nhưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu, được ẩn giấu nơi Thiên Chúa “mà nếu Thiên Chúa không mạc khải thì không ai có thể biết được”. “Lý trí thuần tuý con người không thể nào đạt đến được, ngay cả đức tin của dân tộc Israel cũng không thể biết mầu nhiệm đó, trước khi Con Thiên Chúa nhập thể và Chúa Thánh Thần được sai đến” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 237).

Mầu nhiệm này được chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, mạc khải cho ta (x. Sđd, số 240-244). Chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi. Các Ngôi Vị Thiên Chúa không chia nhau một thần tính duy nhất, nhưng mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn (x. Sđd, số 253). Hơn nữa, Ba Ngôi thật sự phân biệt với nhau qua các tương quan về nguồn gốc: “Chúa Cha là Đấng sinh thành, Chúa Con là Đấng được sinh ra, Chúa Thánh Thần là Đấng xuất phát” (x. Sđd, số 254).

Người Việt chẳng thể nào biết đến mầu nhiệm này, nhưng từ khi đạo Công giáo chính thức được các vị thừa sai dòng Tên rao giảng ở Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1615-1665, họ mới nghe đến Chúa Ba Ngôi. Hơn nữa họ cũng chẳng thể nào hiểu nổi nếu không nhìn vào đời sống của các tín hữu Công giáo thời đó để thấy các tín hữu yêu thương, đoàn kết với nhau, muôn người như một, đồng tâm nhất trí, sống đùm bọc chia sẻ mọi sự cho nhau, dám chết thay cho nhau trong suốt thời kỳ bách hại khốc liệt cho đến năm 1883, khi người dân chính thức được tự do giữ đạo.

Tuy nhiên, cũng kể từ thời gian được tự do ấy, người Công giáo bắt đầu xây dựng những thánh đường nguy nga, những dòng tu to tát, những nhà trường đồ sộ, những cơ sở bác ái rộng lớn, với những lễ nghi trang trọng. Giáo phận, giáo hạt, giáo xứ, hội đoàn nào cũng nói đến bác ái, yêu thương, cũng hô hào truyền giáo, giữ đạo, sống đạo. Nhưng càng hô hào, số người theo đạo càng kém sút so với thời kỳ bị bách hại. Tỷ lệ người Công giáo so với dân số cả nước giữ nguyên 7% trong suốt 127 năm qua. Trong 20 năm gần đây, mỗi năm có khoảng 30 đến 40 ngàn người lớn được Rửa Tội nhân danh Chúa Ba Ngôi, nhưng đa số chỉ vì lý do hôn nhân và số người bỏ Chúa cũng không ít. Rất nhiều nước trên thế giới cũng rơi vào tình trạng đáng buồn này, trừ vài ba nước đặc biệt ở châu Phi và Hàn Quốc ở châu Á.

Tình trạng này làm ta liên tưởng tới chiếc xe với nhiều con ngựa cùng ra sức kéo. Nếu chúng cùng kéo chung một hướng chiếc xe sẽ chạy rất nhanh. Nếu mấy con ngựa đồng sức với nhau và kéo ngược chiều nhau, thì dù có kéo hết sức, chiếc xe vẫn đứng yên! Không biết đó có phải là tình trạng hiện nay của Giáo hội Việt Nam, của Giáo Hội toàn cầu cũng như của đất nước chúng ta hay không, nhưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như mời gọi ta học lại bài học đồng tâm hiệp lực trước tình trạng chia rẽ và chậm phát triển hiện nay.

2. Cần phải làm gì để loan báo Chúa Ba Ngôi cho người Việt Nam

Thật ra, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng trì trệ về mặt truyền giáo như kiểu giữ đạo quá câu nệ vào lễ nghi hình thức bên ngoài hơn là niềm xác tín bên trong, chạy theo những kiểu sùng bái đạo đức bình dân với những kinh nguyện, phép lạ do các vị thánh cổ vũ hơn là tập trung vào Chúa Giêsu Kitô để hiểu biết và cảm nghiệm được Người. Vì thế, các Đức Giáo hoàng gần đây luôn kêu gọi tín hữu phải “xuất phát lại từ Chúa Giêsu” (x. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Giáo Hội tại châu Á, ngày 6-11-1999) để Người dẫn ta vào sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi: “Sự gặp gỡ thân mật với Đức Giêsu giúp cho các cá nhân chia sẻ mối quan hệ của Chúa Con với Cha của Người và trải nghiệm quyền năng Chúa Thánh Thần… Đây là kinh nghiệm mới mẻ về Thiên Chúa của người Kitô hữu” (x. Đề cương Thượng Hội đồng Giám mục 2012, số 11).

Một số điểm giáo lý rất cần được các nhà thần học giải đáp như về việc thờ cúng ông bà tổ tiên thế nào cho hợp với tâm thức người Việt để khỏi mang tiếng theo đạo Công giáo là bỏ ông bà tổ tiên, giải đáp về tiền kiếp, luân hồi theo giáo huấn mới của Giáo hội Công giáo, về việc tôn kính các bậc thánh hiền như Đức Phật Thích Ca, Đức Khổng Tử, Đức Lão Tử… (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 10, 12, 130, 159, 535, 574).

Thật ra, trong đại gia đình Thiên Chúa, chúng ta phải kính trọng những “Kitô hữu ẩn danh”, những người đi theo con đường sự thật và sự sống của Đức Giêsu như thánh Giáo phụ Justinô vào thế kỷ II đã viết: “Tất cả những ai sống theo Lời thì đều là Kitô hữu, dù họ có vẻ vô thần, ta có thể kể những người Hy Lạp như Socrates, Heraclitus và những người tương tự như họ đều thuộc vào số những Kitô hữu ấy” (x. Apologia I, 46). Ngoài Phép Rửa bằng nước như thường thấy, chúng ta đừng quên có rất nhiều tín hữu Kitô được rửa tội bằng máu, nghĩa là bằng cái chết và bằng lửa, nghĩa là bằng tình yêu, cho sự thật, cho tình yêu cao thượng, cho những giá trị cao quý, vì Đức Giêsu và Thiên Chúa Ba Ngôi là tất cả những giá trị ấy. Vì thế, mệnh lệnh của Chúa Giêsu hôm nay đang đòi hỏi ta phải thay đổi thái độ sống của chính mình trước các giá trị cao quý và thái độ đối với anh em ngoài Kitô giáo.

Nhưng điểm cơ bản nhất để giới thiệu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cho 93% dân số Việt Nam lại là thái độ sống của chính người Công giáo với nhau trong cộng đồng của mình. “Toàn bộ nhiệm cục thần linh là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì cũng như Ba Ngôi chỉ có một bản tính, Ba Ngôi cũng chỉ có cùng một hoạt động. Tuy nhiên mỗi Ngôi vị Thiên Chúa thực hiện công trình chung theo cách riêng biệt của mình trong Ba Ngôi” (GLHTCG, số 258). Vì thế, người tín hữu Công giáo cũng cần phải hiệp thông và hành động với Ba Ngôi và với nhau y như vậy (x. Sđd, số 259).

Họ cần phải biết bỏ đi những mối lợi riêng tư của cá nhân, của tổ chức, của giáo phận gốc, của địa phương mình thuộc về, để hành động vì công ích, vì đại cuộc, vì sự nghiệp lâu dài của Giáo Hội và dân tộc. Họ cần học biết cách trân trọng lắng nghe những ý kiến khác biệt, cách cộng tác chân thành với nhau, vượt lên trên bản sắc dân tộc là “trọng tình hơn trọng lý, trọng đức hơn trọng tài, trọng nghĩa hơn trọng vật, trọng nam hơn trọng nữ” để tập cho mình thái độ sống quân bình, toàn diện và liên đới. Những bài học về sự hiệp thông, cộng tác, liên đới này cần phải chuyển thành những kỹ năng sống rồi được dạy cho tất cả các thành phần Dân Chúa, các hội đoàn Công giáo Tiến hành và tập thành thói quen thì chúng ta mới mong trở thành những chứng nhân của Chúa Ba Ngôi như cha ông ta thuở trước để tạo nên luồng sóng theo đạo Công giáo mới trong thời đại hôm nay.

Kết luận

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chúng con tôn thờ, xin cho các tín hữu Việt Nam, từ hàng giáo phẩm đến giáo dân, luôn kết hợp và hiệp thông mật thiết với nhau trong tình yêu và quyền năng Chúa, để chúng con làm chứng về Chúa cho đồng bào chúng con. Amen.