“Chết” vì ham lãi cao

Số tiền thất thoát trong mỗi vụ vỡ nợ lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng, với danh sách nạn nhân gồm mọi thành phần, từ doanh nghiệp, giới tài chính đến người buôn gánh bán bưng…

  “Chết” vì ham lãi cao

Hàng loạt vụ vỡ nợ tín dụng đen gần đây tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, không những gây thiệt hại nặng nề cho những người gửi tiền mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề liên quan khác.

Số tiền thất thoát trong mỗi vụ vỡ nợ lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng, với danh sách nạn nhân gồm mọi thành phần, từ doanh nghiệp, giới tài chính đến người buôn gánh bán bưng…

Mồi chài

“Tôi cho rằng nguyên nhân đầu tiên cũng là nguyên nhân giản dị nhất mà báo chí và dư luận đã bàn đến là thói ham cái lợi trước mắt. Những cái lợi đủ sức làm nhiều người loá mắt. Tất cả các vụ lừa bịp như hứa hẹn trả lãi suất cao, các đường dây hụi hè đều đánh vào tâm lý muốn giàu nhanh”

TS ĐINH PHƯƠNG DUY
(phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM, chủ tịch Hội Khoa học tâm lý – giáo dục TP.HCM)

Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng tâm lý muốn làm giàu nhanh, nhất là khi thấy những người xung quanh “phất” lên nhanh quá, là căn nguyên của hàng loạt vụ đổ vỡ tín dụng đen thời gian gần đây.

“Trong hầu hết các vụ đổ bể tín dụng đen, lãi suất cao luôn được những người huy động sử dụng như một vũ khí đánh vào tâm lý của người có tiền, hấp dẫn nạn nhân tham gia” – ông Hiển nói.

Chẳng hạn, trong đơn tố cáo “nữ quái” Hùng Mỹ Phương (còn có biệt danh Phương đen, TP.HCM) mới đây, các nạn nhân cho biết lãi suất được thoả thuận lên tới 7,5%/tháng, tương đương… 90%/năm, gấp hơn 6,3 lần so với mức lãi suất trần huy động hiện nay của hệ thống ngân hàng.

Với mức lợi nhuận cực kỳ hấp dẫn này, nhất là trong bối cảnh các kênh đầu tư đều gặp khó khăn, nhiều người sẵn sàng giao tiền mà quên rằng mình đang “giao trứng cho ác”.

Thông thường, theo một số chuyên gia, bài “kinh điển” của những đối tượng đã có ý đồ lừa đảo luôn tạo cho mình một vẻ bề ngoài hào nhoáng, thành đạt với cơ ngơi đồ sộ gồm nhà cửa và xe hơi đắt tiền, để tạo sự tin cậy cũng như hấp dẫn đối với “con mồi” mà đối tượng này nhắm tới.

Ban đầu chỉ là vài ba người có tiền và có mối quan hệ làm ăn trước đó. Và từ những người góp vốn ban đầu này, tất nhiên với lãi suất cao và được trả đúng hẹn, những người khác sẽ nhảy vào tham gia, hình thành nên mạng lưới huy động ngày càng có quy mô lớn theo kiểu “tiếng lành đồn xa”.

Lấy nợ nuôi nợ

Ông Lê Đạt Chí (Đại học Kinh tế TP.HCM) khẳng định không có một cơ hội kinh doanh nào có mức lợi nhuận lên tới 7-10%/tháng, ngay cả những doanh nghiệp làm ăn tốt cũng phải rất nỗ lực mới có thể tạo ra được mức lợi nhuận 20%/năm. Theo ông Chí, bất kỳ đối tượng nào huy động vốn với mức lãi suất cao ngất ngưởng và duy trì trong một thời gian dài cũng đều có khả năng là lừa đảo.

“Nếu có dự án hiệu quả, những đối tượng này hoàn toàn có thể vay vốn từ ngân hàng với lãi suất thấp hơn nhiều, thay vì mạo hiểm vay ở ngoài với lãi suất cao” – ông Chí nói.

Theo ông Chí, sở dĩ các đường dây tín dụng đen tồn tại trong thời gian dài, lôi kéo được khá nhiều người tham gia là do các đối tượng huy động vốn sử dụng chiêu thức “lấy mỡ nó rán nó”, lấy tiền của người góp sau trả lãi cho người góp trước theo kiểu lấy nợ nuôi nợ.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng cho rằng trong trường hợp người huy động mất khả năng chi trả vì một lý do nào đó, người cho vay chắc chắn bị thiệt hại nặng, đó là mất tiền ngay cả khi người huy động có bị xử tù cũng chẳng giải quyết được gì.

Tuy nhiên, theo TS Lê Thẩm Dương (ĐH Ngân hàng TP.HCM), không phải tất cả những người đi huy động ban đầu đều lên kế hoạch lừa đảo. Có không ít trường hợp người huy động nhằm mục đích sử dụng vào các “phi vụ” làm ăn nhưng gặp thất bại, phải xoay xở bằng cách tiếp tục… huy động vốn.

“Khi kế hoạch làm ăn bị thất bại, những đối tượng này cứ thế vay của người này trả cho người khác, người cho vay sau được trả lãi suất cao hơn, cho đến khi không vay được nữa thì vụ việc bắt đầu đổ bể” – ông Dương nói.

Ông Dương cho biết trong những giai đoạn kinh tế thuận buồm xuôi gió, những kiểu làm ăn chụp giật này ít vỡ ra do họ vẫn có thể xoay chỗ này chỗ kia. Nhưng những khó khăn kéo dài của nền kinh tế trong những năm gần đây, một số mắt xích trong các đường dây tín dụng đen này không thể duy trì, các vụ xù nợ và trốn nợ mới vỡ ra.

Vì sao vẫn tồn tại tín dụng đen?

TS Lê Thẩm Dương cho rằng tín dụng đen – hình thức cho vay nặng lãi tồn tại từ bao đời nay – rất khó loại khỏi đời sống do nhu cầu vốn hằng ngày của người dân rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của hệ thống tín dụng rất hạn chế.

“Không thể đổ lỗi hết cho đối tượng huy động cũng như người cho vay, bản thân hệ thống tín dụng cũng có lỗi do thiếu vắng các tổ chức tài chính vi mô có khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp siêu nhỏ” – ông Dương nói.

Theo ông Dương, trong hoạt động kinh doanh hằng ngày, nhiều tổ chức kinh doanh nhỏ có thể gặp rủi ro và thất bại bất cứ lúc nào, nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn tại các ngân hàng thương mại là rất khó do không đủ tiêu chuẩn. Họ chỉ có thể xoay xở vốn bằng nguồn tín dụng đen, ngắn hạn với lãi suất cao, từ đó hình thành các đường dây cho vay nặng lãi. Đây cũng là môi trường rất màu mỡ cho loại hình tín dụng đen sinh sôi.