Án hành chính chậm thi hành: Hai thế hệ đi đòi quyền lợi

Án hành chính chậm thi hành: Hai thế hệ đi đòi quyền lợi

Thắng kiện, người dân vẫn phải tiếp tục ôm hồ sơ gõ cửa khắp nơi để mong cơ quan hành chính chấp hành phán quyết của toà…

 

 

Áp giá bồi thường không đúng

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tài (77 tuổi) và bà Lưu Thị Thảnh (73 tuổi, đều ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có nhà, đất tại số 30/1A Ngô Tất Tố (nay là đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh) bị thu hồi làm dự án. Nhà, đất của vợ chồng ông Tài nằm trong dự án Khu nhà ở cao tầng lô 13 – 14 (giai đoạn 2), nên bị thu hồi hơn 120 m2 đất. Năm 2013, UBND Q.Bình Thạnh ra quyết định bồi thường, hỗ trợ cho vợ chồng ông Tài hơn 5,9 tỉ đồng và giải quyết cho mua một căn hộ tái định cư (diện tích hơn 50 m2, giá hơn 1,2 tỉ đồng).

Không đồng ý với mức bồi thường trên nên ông khiếu nại, rồi khởi kiện UBND Q.Bình Thạnh và Chủ tịch UBND quận này ra tòa. Tháng 5.2018, TAND TP.HCM xử sơ thẩm, ông Tài yêu cầu tòa hủy các quyết định liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ và yêu cầu được tái định cư tại chỗ. Bởi theo ông, UBND Q.Bình Thạnh lấy giá đất năm 2009 để áp giá bồi thường năm 2013 là chưa phù hợp. Thế nhưng yêu cầu này của ông đã bị tòa bác nên vợ chồng ông Tài kháng cáo.

Án hành chính chậm thi hành: Hai thế hệ đi đòi quyền lợi - ảnh 1
Đại diện hai gia đình ông Tài và bà Thảo (trái) bên dự án mà nhà của họ bị thu hồi NGÂN NGA

Tháng 9.2020, xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định UBND Q.Bình Thạnh bồi thường và áp giá bồi thường theo phương án năm 2009, trong khi giá đất năm 2013 cao hơn là không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông Tài. Từ đó, tòa sửa án sơ thẩm, tuyên chấp nhận một phần đơn khởi kiện của ông Tài, hủy một phần quyết định của UBND Q.Bình Thạnh liên quan đến áp giá bồi thường và tái định cư… Tòa buộc phía người bị kiện phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định.

Cũng nằm trong khuôn viên mảnh đất của mình, năm 1997, vợ chồng ông Tài cho con gái là bà Nguyễn Thị Kim Thoa (42 tuổi) hơn 100 m2 đất để cất nhà. Thửa đất này của bà Thoa sau đó bị thu hồi và chỉ được bồi thường hơn 4,9 tỉ đồng và giải quyết cho mua một căn hộ tái định cư (giá hơn 1,1 tỉ đồng). Không đồng ý mức bồi thường trên, bà Thoa khởi kiện ra tòa. Tháng 5.2018, TAND TP.HCM xử sơ thẩm bác đơn khởi kiện của bà, nên bà kháng cáo.

Tháng 5.2020, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, nhận định UBND Q.Bình Thạnh công bố phương án bồi thường năm 2009, nhưng đến năm 2013 mới ban hành quyết định bồi thường mà vẫn áp dụng giá năm 2009 là không đúng theo điều 58 luật Đất đai…

Từ đó, tòa tuyên chấp nhận một phần khởi kiện của bà Thoa, hủy một phần quyết định của UBND Q.Bình Thạnh liên quan đến nội dung bồi thường và tái định cư… Tòa buộc Chủ tịch và UBND Q.Bình Thạnh phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định và phải ban hành lại quyết định.

 

Thắng kiện trên giấy

Bản án có hiệu lực pháp luật hơn 2 năm nay, gia đình ông Tài và con gái đã gửi đơn yêu cầu Chủ tịch và UBND Q.Bình Thạnh thi hành án nhưng không có kết quả. Gia đình ông Tài tiếp tục gửi đơn đến TAND TP.HCM yêu cầu tòa ra quyết định “buộc thi hành án hành chính” nhưng mọi thứ vẫn rơi vào im lặng.

Án hành chính chậm thi hành: Hai thế hệ đi đòi quyền lợi - ảnh 2
Do vợ chồng ông Tài đã ngoài 70 tuổi nên con trai ông phải thay cha mẹ đi khiếu nại việc bồi thường

Đất bị thu hồi, gia đình ông Tài ly tán, mỗi người một nơi. Để tiết kiệm chi phí, gia đình con trai ông phải đi thuê nhà ở TP.Thủ Đức, trong khi cháu nội ông lại học ở Q.Bình Thạnh. Còn ông về Bình Dương sống nhờ người thân, vợ ông dọn đến ở chung với gia đình con gái tại một căn hộ chật chội.

Cả hai ông bà đều đã ngoài 70 tuổi, bà thì bị bệnh tim và phổi bị tổn thương phải cắt bỏ 1/3, còn ông 3 lần bị tai biến. Gần 10 năm qua, gia đình ông gửi đơn cầu cứu khắp nơi nhưng giờ thắng kiện hơn hai năm rồi mà UBND Q.Bình Thạnh vẫn chưa thi hành bản án. Ông bà không còn đủ sức lực để ôm hồ sơ gõ cửa các cơ quan chức năng nên con trai ông đứng ra thay mặt cho gia đình tiếp tục đi đòi quyền lợi. “Ba mẹ tôi đang rất cần tiền để điều trị bệnh nhưng giờ chúng tôi không biết kêu ai nữa, thật sự quá bế tắc”, bà Thoa chia sẻ.

Cùng rơi vào cảnh “thắng kiện trên giấy” như gia đình ông Tài là người hàng xóm, bà Phan Hoàng Phương Thảo (46 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh). Bà Thảo có căn nhà hơn 135 m2 cũng bị thu hồi để phục vụ cho dự án. UBND Q.Bình Thạnh chỉ đồng ý bồi thường, hỗ trợ bà Thảo hơn 7,5 tỉ đồng… Không đồng ý nên bà khởi kiện UBND Q.Bình Thạnh ra tòa; đến tháng 5.2018, TAND TP.HCM xử sơ thẩm, bác đơn khởi kiện của bà. Bà Thảo kháng cáo.

Tháng 7.2020, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, nhận định UBND Q.Bình Thạnh thu hồi nhà, đất của bà Thảo mà không thực hiện việc tái định cư là không đúng quy định… Vì thế, tòa sửa án sơ thẩm, chấp nhận một phần khởi kiện của bà Thảo, tuyên hủy quyết định của UBND Q.Bình Thạnh về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên. Thế nhưng từ đó tới nay, bà Thảo vẫn chưa được thi hành án.

Được biết, căn nhà trên của ba mẹ bà Thảo cho, bà cho thuê 20 triệu đồng/tháng để trang trải cuộc sống. Kể từ khi bị thu hồi nhà đến nay, gia đình bà Thảo mất thu nhập, lại còn mất thời gian đi khiếu nại, khởi kiện ròng rã bao năm vẫn chưa thấy đâu.

Để con gái yên tâm đi làm nuôi các cháu ăn học, ba bà Thảo (69 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) lại phải đứng ra thay con gái gửi đơn, thư từ. “Tôi già rồi, nhiều lúc mệt mỏi, ngán ngẩm, chẳng biết UBND Q.Bình Thạnh còn kéo dài đến bao giờ nữa”, ba bà Thảo thở dài.

 

Không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm

Theo Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM, cơ quan này vẫn chưa nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính của tòa. Để tìm hiểu lý do, PV Báo Thanh Niên nhiều lần liên hệ TAND TP.HCM nhưng chưa nhận được phản hồi.

Về vụ việc này, theo UBND Q.Bình Thạnh, từ năm 2020 – 2021 đã có 3 văn bản gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với 3 bản án phúc thẩm, đồng thời kiến nghị ban hành quyết định tạm đình chỉ thi hành án.

Đến nay, riêng trường hợp của ông Tài, hồi tháng 6.2022, TAND Tối cao trả lời là không có cơ sở giám đốc thẩm bản án. Cuối tháng 9.2022, Cục THADS có văn bản đôn đốc UBND Q.Bình Thạnh phải thi hành bản án. Dù vậy, UBND Q.Bình Thạnh cho biết, ngày 10.11, cơ quan này đã báo cáo đến Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư TP.HCM xem xét. Sau khi có hướng dẫn, UBND Q.Bình Thạnh sẽ thực hiện bản án phúc thẩm.

“Về vụ của bà Thoa và bà Thảo, UBND Q.Bình Thạnh chưa nhận được kết quả giải quyết của TAND Tối cao. Sau khi có kết quả, UBND quận sẽ thực hiện theo quy định”, lãnh đạo UBND Q.Bình Thạnh thông tin.

(còn tiếp)

Ông Nguyễn Văn Gấu (nguyên Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An) chia sẻ trong thời hạn một năm kể từ ngày hết thời hạn theo điều 311 luật Tố tụng hành chính, mà UBND Q.Bình Thạnh không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đề nghị TAND TP.HCM ra quyết định buộc thi hành án hành chính.

Nếu UBND Q.Bình Thạnh vẫn tiếp tục chậm thi hành thì Cục THADS TP.HCM kiến nghị tới Chủ tịch UBND TP.HCM xử lý trách nhiệm theo điều 35 Nghị định 71/2016/NĐ-CP.

Cũng theo ông Gấu, việc UBND Q.Bình Thạnh có đơn đề nghị giám đốc thẩm 3 bản án thì cũng không thuộc trường hợp được hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án (điều 261 luật Tố tụng hành chính). Do đó, UBND Q.Bình Thạnh phải thi hành bản án, không được trì hoãn, kéo dài.

Ngoài ra, nếu TAND TP.HCM chậm ra quyết định buộc thi hành án hành chính thì ông Tài, bà Thoa, bà Thảo có quyền gửi đơn khiếu nại lên Chánh án TAND Tối cao và gửi tới Viện KSND TP.HCM để các cơ quan này xem xét giải quyết.

 

NGÂN NGA

TNO