Chúa Nhật XXVII TN A 2023 – Cảm nghiệm và hành động với Chúa Giêsu

Các bài Thánh kinh của Chúa nhật 27 Thường niên mời gọi chúng ta hoà nhập tâm tình của mình với Đức Thánh Cha và mọi thành viên của Thượng Hội Đồng vì đây cũng là Thượng Hội Đồng của chúng ta.

Chúa Nhật XXVII TN A – 2023

Cảm nghiệm và hành động với Chúa Giêsu

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

1. Thông tin về Thượng Hội Đồng

Sáng thứ Tư 4/10/2023, Đức Thánh Cha đã khai mạc Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 bằng Thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có 20 tân Hồng y được ngài vinh thăng trong Công nghị vào sáng ngày 30/9/2023 và khoảng 100 Hồng y trong Hồng y đoàn. Khoảng hơn 10 ngàn tín hữu cũng có mặt trong thánh lễ này. Tất cả 464 tham dự viên của Thượng Hội đồng, trong đó có 365 thành viên, với 54 phụ nữ có quyền bỏ phiếu, đều hiện diện trong Thánh lễ.

Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nhắc rằng: “Chúng ta đang khai mạc Đại hội Thượng Hội Đồng. Và chúng ta không cần một cái nhìn thiển cận, được tạo nên từ những chiến lược của con người, những tính toán chính trị hay những trận chiến ý thức hệ. Chúng ta không ở đây để tiến hành một cuộc họp quốc hội hay một kế hoạch cải cách. Không. Chúng ta ở đây để cùng bước đi với cái nhìn của Chúa Giêsu, Đấng chúc tụng Chúa Cha và chào đón những ai mệt mỏi và bị áp bức”.

Chúa Giêsu là đủ cho chúng ta

Ngài nói: “Xin hãy nhớ chúng ta thuộc về Thiên Chúa và chúng ta tồn tại là để đưa Thiên Chúa đến với thế giới. Như thánh tông đồ Phaolô đã nói với chúng ta, chúng ta không có ‘điều đáng tự hào nào khác ngoại trừ thập giá của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô’ (x. Gl 6, 14). Chúa Giêsu là đủ cho chúng ta.

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại lời Đức Bênêđictô XVI trong Đại hội Thượng Hội đồng 13: “Vấn đề đặt ra cho chúng ta là: Thiên Chúa đã lên tiếng. Người đã thật sự phá vỡ sự im lặng tuyệt đối, Người đã bày tỏ chính mình, nhưng làm thế nào chúng ta có thể làm cho thực tế này đến được với con người ngày nay, để trở thành ơn cứu độ?” (x. Suy niệm tại Phiên họp chung đầu tiên của Đại hội thường kỳ lần thứ XIII của Thượng Hội đồng Giám mục, ngày 8 tháng 10 năm 2012).

Đây là câu hỏi nền tảng. Và nhiệm vụ hàng đầu của Thượng Hội Đồng là “tái tập trung cái nhìn của chúng ta vào Thiên Chúa, trở thành một Giáo hội nhìn nhân loại với lòng thương xót. Một Giáo hội hợp nhất và huynh đệ, biết lắng nghe và đối thoại. Một Giáo hội chúc phúc và khuyến khích, trợ giúp những người tìm kiếm Chúa, lay chuyển hữu hiệu những người còn đang thờ ơ, dửng dưng, khởi xướng những đường lối đưa con người đến với vẻ đẹp của đức tin. Một Giáo hội lấy Thiên Chúa làm trung tâm và do đó không chia rẽ bên trong cũng như không bao giờ khắc nghiệt bên ngoài. Chúa Giêsu mong muốn Giáo hội, hiền thê của Người, được như thế”.

Những vũ khí của Tin Mừng: khiêm tốn và hợp nhất, cầu nguyện và bác ái

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn “hãy cùng nhau bước đi: khiêm nhường, nhiệt thành và vui tươi. Hãy đi theo bước chân của Thánh Phanxicô Assisi, vị Thánh của nghèo khó và hoà bình.

Nhắc lại câu chuyện Thánh Bonaventura kể, khi thánh Phanxicô đang cầu nguyện, Đấng Chịu Đóng Đinh đã nói với thánh nhân: “Hãy đi sửa chữa ngôi nhà thờ của Ta” (Legenda maior, II, 1), Đức Thánh Cha nói: “Thượng Hội Đồng nhắc nhở chúng ta về điều này: Mẹ Giáo hội luôn cần sự thanh tẩy, cần được “sửa chữa”, bởi vì tất cả chúng ta đều là một Dân tộc gồm những tội nhân được tha thứ, luôn cần trở về với nguồn là Chúa Giêsu và lại đặt mình trên những con đường của Chúa Thánh Thần để có thể đến với mọi người và với Tin Mừng của Chúa. Thánh Phanxicô Assisi, trong thời kỳ đầy rẫy những cuộc đấu tranh và chia rẽ lớn lao giữa quyền lực trần thế và quyền lực tôn giáo, giữa Giáo hội thể chế và các trào lưu dị giáo, giữa các Kitô hữu và các tín hữu khác, đã không chỉ trích hay đả kích bất cứ ai, nhưng thánh nhân chỉ cầm những vũ khí của Tin Mừng: khiêm tốn và hợp nhất, cầu nguyện và bác ái. Chúng ta cũng hãy làm như vậy!”.
Hãy mở lòng ra với Chúa Thánh Thần và kêu cầu Người

Ngài khẳng định rằng “Chúa Thánh Thần thường phá vỡ những kỳ vọng của chúng ta để tạo ra một điều gì đó mới mẻ, vượt qua những dự đoán và sự tiêu cực của chúng ta”, Vì thế, chúng ta hãy mở lòng ra với Chúa Thánh Thần và kêu cầu Người, vì Chúa Thánh Thần là nhân vật chính. Còn chúng ta bước đi với Người, trong niềm tin tưởng và hân hoan”.

https://www.vaticannews.va/content/dam/vaticannews/agenzie/images/srv/2023/10/04/2023-10-04-santa-messa-con-i-nuovi-cardinali-e-il-collegio-cardi/1696406868029.JPG/_jcr_content/renditions/cq5dam.thumbnail.cropped.750.422.jpeg

2. Cảm nghiệm và hành động với Chúa Giêsu

Các bài Thánh kinh của Chúa nhật 27 Thường niên mời gọi chúng ta hoà nhập tâm tình của mình với Đức Thánh Cha và mọi thành viên của Thượng Hội Đồng vì đây cũng là Thượng Hội Đồng của chúng ta.

Trong Bài đọc I (x. Is 5,1-7), tiên tri Isaia giới thiệu bài ca vườn nho mà người Isarel thường hát lên vào mỗi mùa hè khi thu hoạch trái nho để nhắc nhở nhau về tình yêu của Chúa đối với dân tộc. Dân tộc này ngày nay có thể là những người Do Thái, có thể là toàn thể thế giới và trong đó có chúng ta. Chúa như người chủ đã lao động vất vả, đầu tư xây dựng thật nhiều cho vườn nho mình: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi mà tôi đã chẳng làm, tôi những mong trái tốt nhưng sao nó lại sinh nho dại”. Chúa đã than thở như thế vì nhiều người đã không đáp lại ơn Chúa. Họ trở thành nho chua, nho dại qua đời sống bất chính: “Chúa mong cho họ sống công bình mà chỉ thấy toàn là đổ máu, đợi chờ họ làm điều chính trực mà chỉ nghe toàn tiếng khóc than” (Is 5,7). Thế giới với các cuộc xung đột, chiến tranh, khủng bố như muốn diễn tả điều đó.

Dụ ngôn về vườn nho của Chúa Giêsu qua bài Tin Mừng (x. Mt 21,33-43) còn diễn tả tình yêu của Chúa sâu xa hơn nữa. Mỗi người chúng ta giống như những tá điền được canh tác trong vườn nho để sinh hoa lợi cho ông chủ là Thiên Chúa, đồng thời cũng làm lợi cho mình để nhận một đồng tiền công là nước Trời, là sự sống vĩnh hằng, siêu việt của chính Thiên Chúa. Ngài đã sai các tiên tri, các tông đồ, các sứ giả đến với nhân loại để chỉ bảo cho ta cách canh tác tốt đẹp. Nhưng họ đã bị đối xử cách tàn nhẫn. Sau cùng, Thiên Chúa đã sai chính Con Một của mình đến chỉ dạy cho ta con đường sự thật và sự sống, nhưng Người Con đó cũng bị giết chết bởi những tá điền gian ác. Từ cái chết của Người Con đó, Giáo Hội đã khai sinh, những tá điền mới đã cố gắng lao động để vườn nho của Chúa đem lại những hoa lợi cho Ngài. Chúa đã biến cái chết của Người Con thành một công trình kỳ diệu. “Tảng đá là Đức Giêsu Kitô, bị thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên tảng đá góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Mt 21,42).

ĐTC gợi ý trước hết chúng ta phải cảm nghiệm được Đức Giêsu trong cuộc đời của mỗi người vì Đức Giêsu là tất cả cho ta, là đủ cho ta. Người đang sống động quanh ta, trong anh chị em ta, trong muôn vật muôn loài. Chúng ta có cảm nghiệm được Người để gắn bó với Người không? Có gắn bó với Người, Người mới chuyển thông cho ta sức sống kỳ diệu của Thiên Chúa, quyền năng siêu việt của Chúa Thánh Thần để ta trở thành hình ảnh sống động của Người, như một cây nho mang lại muôn vàn hoa trái ngọt ngào, đó là ơn cứu độ cho thế giới.

Sau cảm nghiệm là phải hành động. Thánh Phaolô nhắc nhở ta qua bài đọc II (x. Pl 4,6-9) từ nay phải hành động tích cực hơn: “Những gì là chân thật cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen thì anh chị em hãy để ý,… hãy đem ra thực hành và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh chị em”.

Lời kết

Có cảm nghiệm và hành động như thế ta mới thấy cuộc sống của mình đổi mới, tràn ngập niềm vui, bình an và quyền năng của Thánh Thần để ta làm chứng cho Chúa trong thời đại hôm nay. Amen.