Chúa Nhật 27.08.2023
Vâng Phục

Chúa Nhật Tuần XXI – Mùa Thường Niên

Is 22,19-23 • Tv 137,1-2a.2bc-3.6 và 8bc (Đ. c. 8bc) • Mt 16,13-20

Tin Mừng và Lời Chúa ngày 05 tháng tám 2021 - Vatican News

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mát-thêu

13 Khi ấy, Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” 14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người khác lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” 20 Rồi Người cấm các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Vâng Phục

Lời Chúa hôm nay trình bày về quyền bính trong đạo lẫn ngoài đời. Ta ghi nhận một số điểm nhấn sau:

  1. Mọi quyền bính đều đến từ Thiên Chúa, Chủ tể muôn loài (Rm 13,1; Ga 19,11). Chúa trao cho ai quyền lãnh đạo là để họ thay mặt Chúa dẫn dắt người thuộc quyền, nhằm bảo đảm trật tự, hòa bình và thịnh vượng. Chúa ban quyền nhưng Ngài sẽ rút lại nếu người ấy không hành quyền đúng đắn, như Chúa truất quyền Sobna mà trao cho Eliaquim (Bđ I); Chúa trao quyền lãnh đạo cho Phêrô (TM).
  2. Quyền bính rất cần, vắng nó, mọi phần tử sẽ như “rắn không đầu”, xử đãi nhau theo kiểu “cá mè một lứa”, “cá lớn nuốt cá bé”, dẫn đến xáo trộn. Cộng đoàn nhỏ bé là gia đình cũng cần người lãnh đạo, đó là cha mẹ, phụ huynh.
  3. Đối với người lãnh đạo, quyền bính để phục vụ chứ không thống trị (x. Mt 10,42). Phúc Âm thuật chuyện hai con ông Giêbêđê nhờ mẹ đến xin Chúa Giêsu cho ngồi hai bên tả hữu Chúa trong vinh quang của Ngài, nhân đó Chúa dạy bài học để đời cho các tông đồ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,43-44), nhất là không được làm ngược với luật tự nhiên, lương tâm, tình yêu và lợi ích chung của mọi người. Người lãnh đạo phải khiêm tốn, hạ mình phục vụ chứ không kiêu hãnh nâng mình lên, họ hãy theo gương Chúa Giêsu cúi mình rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,1-20). Đức Thánh Cha ngồi trên ngai Thánh Phêrô, nhưng vẫn khiêm tốn xưng mình là “tôi tớ của các tôi tớ Chúa” (Servus servorum Dei).
  4. Đối với người thuộc cấp, phải vâng phục người cầm quyền trong những điều ngay chính, nhằm lợi ích chung chứ không lợi ích riêng. Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa, nhưng khi làm người, đã vâng phục cha mẹ Ngài trong mọi sự (x. Lc 2,51). Phêrô vừa nhận quyền lãnh đạo thì đã vấp phạm về đức vâng phục khi can ngăn Chúa đừng chịu Thương Khó (TM).
  5. Khi phải chọn lựa giữa vâng phục Thiên Chúa và người phàm, thì Kitô hữu sẽ bắt chước hai tông đồ Phêrô và Gioan khẳng khái tuyên bố trước các nhà lãnh đạo rằng phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người (x. Cv 4,1-22).
  6. Vâng phục là nhân đức vừa tự nhiên lẫn siêu nhiên, vừa nhân bản lẫn Kitô giáo. Nó là một trong ba lời khuyên Phúc Âm mà Hội Thánh hết lòng tuân thủ, đặc biệt đối với những ai sống đời thánh hiến tu trì, họ phải khấn hoặc hứa vâng phục trước khi được trao quyền bính.

+Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam