Chúa Nhật 14.05.2023
Cho Đi Những Gì Mình Có

Chúa Nhật Tuần VI – Mùa Phục Sinh

Cv 8,5-8.14-17 • Tv 65,1-3a.4-5.6-7a.16 và 20 (Đ. c.1) • 1 Pr 3,15-18 • Ga 14,15-21

Suy niệm Lời Chúa - Chúa nhật 6 Phục sinh năm A

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan

15 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. 16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. 17 Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. 18 Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. 19 Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. 20 Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. 21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Cho Đi Những Gì Mình Có

Trước khi mạc khải cho nhân loại biết mình là Cha, Thiên Chúa đã là Cha của Đức Kitô. Trước khi tỏ hiện cho con người biết mình là mối dây yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần đã liên kết Cha Con trong tình yêu bền vững. Trước khi đón nhận mỗi chúng ta như người con đáng mến, Chúa Giêsu đã là Con Yêu Dấu của Chúa Cha. Như vậy, Thiên Chúa mạc khải chính mình thông qua các mối tương quan nội tại mà Người đã thiết lập. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mối tương quan nội tại đó để giảng dạy các môn đệ.

Khi nói chuyện với các môn đệ, Chúa Giêsu đề cập đến Chúa Thánh Thần như là một “Đấng Phù Trợ khác”. Như vậy, Chúa Giêsu tự nhận mình là Đấng Phù Trợ cho nhân loại. Sự hoán đổi chức năng giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu rõ hơn mối tương quan nội tại trong đời sống Thiên Chúa. Chúa Con và Chúa Thánh Thần không tự mình thiết lập chương trình cứu độ. Các Ngài đều được Thiên Chúa Cha sai đi. Các Ngài có một người Cha chung và một sứ mệnh chung. Chúa Giêsu nguyện xin Chúa Cha sai Thánh Thần xuống để tiếp tục sứ vụ cứu nhân độ thế của Người. Trước khi trở nên Đấng Phù Trợ cho nhân loại, Chúa Con và Chúa Thánh Thần  hiện diện nơi cung lòng Thiên Chúa. Chúa Giêsu rút lui khỏi đời sống nhân loại để mở đường cho Chúa Thánh Thần. Sự hoạt động của Chúa Thánh Thần là một sự hiện diện tiếp diễn của Chúa Giêsu nơi trần gian. Sự hiện diện này là trường tồn vì Chúa Thánh Thần sẽ ở lại với nhân loại “luôn mãi”. Chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta đi vào đời sống của Thiên Chúa ngay khi chúng ta còn ở nơi dương trần.

“Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con” (Ga 14,20). Nhờ sự Phục Sinh khải hoàn của Chúa Giêsu, ngày đó đã đến. Dưới ánh sáng mầu nhiệm của Phục Sinh, các môn đệ được mời gọi hiểu thêm về mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con thông qua mối tương quan thầy trò. Như vậy, mối tương quan giữa Chúa Giêsu và các môn đệ là cái bàn đạp để giúp các môn đệ hiểu rõ hơn về mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con. Nếu Thiên Chúa mạc khải chính mình thông qua các mối tương quan thì các môn đệ cũng phải cậy dựa vào các mối tương quan để khám phá ra chân dung đích thực của Thiên Chúa. 

Là hình ảnh của Thiên Chúa, mỗi chúng ta đều được tác động bởi đời sống nội tại của Người. Giống như Thiên Chúa, Đấng đã trao ban chính mình cho nhân loại thông qua mối tương quan nội tại, mỗi người chúng ta được mời gọi trau dồi phẩm chất nội tâm của mình. Thiết lập mối tương quan lành mạnh với chính mình và với người thân cận là điều kiện thiết yếu của các mối tương quan khác. 

Lạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu rằng chúng con chỉ có thể cho đi những gì mình có.

Lm. Giuse Nguyễn Chí Ái, AA

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam