Thổ Nhĩ Kỳ có thực chọc giận Iraq?

Mấy ngày gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ bị búa rìu dư luận tấn công tới tấp cả từ phía Iraq và Iran, cứ như quân đội từ Ankara “đang xâm chiếm” miền bắc Iraq vậy!

 

Thổ Nhĩ Kỳ có thực chọc giận Iraq?

 

Mấy ngày gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ bị búa rìu dư luận tấn công tới tấp cả từ phía Iraq và Iran, cứ như quân đội từ Ankara “đang xâm chiếm” miền bắc Iraq vậy!




Xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được xe tải vận chuyển ra biên giới - Ảnh: AP
Xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được xe tải vận chuyển ra biên giới – Ảnh: AP

Sự việc bắt đầu ồn lên từ ngày 6-12, khi có tin Thổ Nhĩ Kỳ “đưa hàng ngàn quân cùng xe tăng, pháo binh” đến Mosul – thành phố lớn thứ hai của Iraq.

Thủ tướng Iraq Haydar al-Abadi tuyên bố gay gắt rằng sẽ nhờ đến can thiệp của Hội đồng Bảo an LHQ nếu Thổ Nhĩ Kỳ không rút quân về nước “trong vòng 48 giờ”.

Đáp lại, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlud Cavusoglu khẳng định rằng chính thủ tướng Iraq “năm lần bảy lượt” khẩn thiết yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ “trợ giúp hữu hiệu hơn nữa” để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq, nhưng nay “đang có thế lực khác trong khu vực” kích động vào vấn đề này.

Không rút lực lượng

Ngoại trưởng Cavusoglu chỉ đích danh “đường lối chia rẽ nguy hiểm của Iran” đang làm cho “chuyện bé xé ra to”.

Ông nhắc nhở Iran “hãy nhớ lại Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ và cố gắng giữ quan hệ tốt với Tehran khi Tehran bị các nước lớn trừng phạt bao vây, cấm vận nặng nề vì chương trình nguyên tử”.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Iran đang tận dụng căng thẳng mới phát sinh giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga để kích động, làm như chuyện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Iraq vừa mới diễn ra. Thực tế là Ankara chỉ điều một lực lượng đến thay thế số đã có mặt ở đó từ năm ngoái.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định việc quân đội nước này có mặt tại khu vực phía bắc TP Mosul “theo yêu cầu từ nhiều nhóm khác nhau ở đó và đang thảo luận với chính phủ trung ương ở Baghdad”. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ “không có ý định rút lực lượng này về nước”.

Theo giải thích từ phía Ankara, lực lượng này đến miền bắc Iraq hồi năm ngoái để giúp chống IS, cụ thể là huấn luyện cho lực lượng vũ trang Peshmerga của khu tự trị người Kurd (Kurdistan) và các nhóm vũ trang khác của người Sunni Iraq.

Giải thích của Thổ Nhĩ Kỳ rằng “có sự thảo luận với chính quyền Iraq và nhiều nhóm khác nhau tại Iraq” không phải hoàn toàn vô lý.

Ngày 8-12, lãnh đạo khu tự trị Kurdistan Masoud Barazani đến Ankara để thảo luận liên quan đến vấn đề vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS ở khu tự trị người Kurd. Ông Barazani khẳng định “có sự phối hợp trước với Thổ Nhĩ Kỳ” về việc Thổ Nhĩ Kỳ trợ giúp chống IS.

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đưa đợt quân mới này đến phía bắc Mosul là “để bảo vệ nhóm huấn luyện viên Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã ở đó từ năm ngoái để huấn luyện cho người Iraq”.

Chính phủ Iraq ở Baghdad cũng có lợi ích riêng khi làm lớn chuyện lần này, mặc dù biết rõ lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã vào khu vực phía bắc Mosul từ năm ngoái.

Trước hết, chính quyền trung ương Iraq vẫn luôn chống lại đường lối hướng tới “độc lập” của chính quyền khu tự trị Kurdistan. Trên thực tế, chính quyền của người Kurd đã tận dụng quyền tự trị của họ để tự quyết nhiều vấn đề hệ trọng mà không thèm tham khảo ý kiến của “trung ương”.

Bộ phận người Kurd Iraq ở phía tây Kurdistan, do Barazani đứng đầu, vốn có quan hệ khá mật thiết với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi bộ phận Kurd ở phía đông, với thủ lĩnh là Jalal Talabani (cựu tổng thống Iraq sau khi Saddam Hussein bị xóa sổ) lại gần gũi hơn với Iran.

Trong cuộc chiến chống IS ở miền bắc Iraq, lực lượng Kurd của Barazani có thực lực hơn và hữu hiệu hơn.

Sức mạnh của người Kurd

“Đại bản doanh” của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chống IS tại Iraq hiện đóng tại Arbil – thủ phủ của chính quyền Barazani. Qua thử thách, Mỹ đã nhận thấy lực lượng Iraq đỡ phức tạp nhất, ít rủi ro nhất đối với Mỹ trong cuộc chiến chống IS chính là người Kurd của Barazani.

Lực lượng Kurd này đã giúp người Kurd Syria giải phóng thành phố Kobani (miền bắc Syria) hồi đầu năm nay. Cũng chính Peshmerga là chủ công trong chiến dịch đánh đuổi IS khỏi khu vực Sinjar, giải phóng sắc dân thiểu số Yazedi hồi tháng 11, cắt đứt đường vận chuyển qua lại của IS từ Syria sang Mosul.

Trong khi quân đội Iraq trầy trật tìm cách giải phóng thành phố Ramadi ở miền tây thì dường như người Kurd của Barazani đang toan tính chủ động giải phóng Mosul mà không đợi quân đội trung ương từ Baghdad phái đến.

Nếu Mosul do người Kurd giải phóng, khu vực Kurdistan sẽ mặc nhiên mở rộng để bao gồm cả thành phố lớn thứ hai của Iraq này. Khi đó, chính quyền trung ương khó mà ngăn chặn sự “bành trướng” của người Kurd.

Chính quyền Baghdad rất lo ngại nguy cơ này khi cho rằng Barazani lẳng lặng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường lực lượng đến phía bắc Mosul. Sự dè chừng này là có cơ sở, bởi nếu chỉ “thay thế số huấn luyện viên Thổ Nhĩ Kỳ” đang có mặt ở đó thì việc gì phải triển khai 25 xe tăng và cả pháo hạng nặng?

Iran nhảy vào cuộc để “bóc mẽ” thâm ý của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Mosul và miền bắc Iraq cũng có lý do riêng.

Người Kurd không từ bỏ tham vọng ngàn đời là độc lập khỏi chính quyền của người Ả Rập ở Baghdad. Người Kurd Iraq lại dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia hiện do Đảng Công lý và phát triển (AKP) có xu hướng Hồi giáo Sunni cầm quyền. Thế là đụng đến Iran – quốc gia theo dòng Hồi giáo Shiite duy nhất trên thế giới.

Nay thêm chuyện “thù địch” mới nổi lên giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga. Tất cả các bên đều có thể hành xử theo kiểu “thù của thù là bạn” để ứng phó và chọc phá lẫn nhau.

NGUYỄN NGỌC HÙNG