Mỹ dựng rào ngăn khủng bố

Các biện pháp ngăn ngừa khủng bố đã được thực thi quyết liệt tại Mỹ. Không chỉ có việc siết chặt thủ tục cấp thị thực mà còn cả hệ thống cảnh báo mới.

 

Mỹ dựng rào ngăn khủng bố

 

Các biện pháp ngăn ngừa khủng bố đã được thực thi quyết liệt tại Mỹ. Không chỉ có việc siết chặt thủ tục cấp thị thực mà còn cả hệ thống cảnh báo mới.



 

Điểm kiểm tra an ninh với du khách ở phi trường Chicago O’Hare của Mỹ - Ảnh: AFP
Điểm kiểm tra an ninh với du khách ở phi trường Chicago O’Hare của Mỹ – Ảnh: AFP

Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu hôm 8-12 thông qua dự luật siết chặt các quy định về việc nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân của 38 quốc gia đang được hưởng quy chế miễn thị thực của nước này.

AFP cho biết Luật điều chỉnh chương trình miễn thị thực 2015 đã được thông qua với tỉ lệ ủng hộ áp đảo 407-19.

Theo nội dung dự luật do nghị sĩ Đảng Cộng hoà Candice Miller đề xuất, công dân của 38 nước trong Chương trình miễn thị thực của Mỹ (VWP) nếu có chuyến thăm đến các quốc gia bị coi là điểm nóng xung đột và khủng bố như Iraq, Iran, Syria, Sudan từ ngày 1-3-2011 buộc phải xin thị thực và trải qua quá trình kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt trước khi nhập cảnh vào nước Mỹ.

“Không có lợi ích kinh tế nào đáng để mạo hiểm tính mạng của người dân. Các sự kiện gần đây trên thế giới cần thiết để thay đổi chương trình miễn thị thực nhằm đảm bảo sự an toàn

Bob Goodlatte (chủ tịch Ủy ban tư pháp Hạ viện Mỹ)

Chấp nhận thiệt hại kinh tế

Chương trình miễn thị thực ra đời năm 1986 nhằm tạo điều kiện giúp công dân 38 quốc gia “thân hữu” đến Mỹ dễ dàng hơn bằng cách chỉ cần nộp đơn trực tuyến, đóng một khoản phí nhỏ và quan trọng là không cần phải đến nộp đơn tại lãnh sự quán Mỹ ở các nước này.

Ước tính khoảng 20 triệu khách du lịch đến Mỹ mỗi năm sử dụng VWP vốn sẽ cho phép họ ở lại Mỹ đến 90 ngày và đem lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.

“Tuy nhiên, không có lợi ích kinh tế nào đáng để mạo hiểm tính mạng các cử tri của chúng ta. Các sự kiện gần đây trên thế giới cần thiết để thay đổi VWP nhằm đảm bảo sự an toàn” – chủ tịch Uỷ ban tư pháp Hạ viện Mỹ Bob Goodlatte cho biết.

Các quan chức Mỹ cho biết khoảng 5.000 công dân châu Âu, mà nhiều người trong số này là từ các quốc gia thuộc VWP, đã đến Syria và Iraq để chiến đấu cho các tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nên sẽ làm tăng nguy cơ bị khủng bố cho nước Mỹ.

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp vẫn băn khoăn về ảnh hưởng của điều luật sửa đổi trên bởi dính dáng những người đến các quốc gia “khủng bố” vì các lý do nhân đạo, làm báo, du lịch… Nhiều tổ chức cũng lên tiếng cho rằng dự luật mang tính phân biệt đối xử.

“Nếu một bác sĩ người Thuỵ Sĩ từng đến Iraq để làm việc cho một trại tị nạn và bây giờ muốn đến Mỹ để tham dự hội nghị thì sẽ ra sao?” – nghị sĩ Đảng Dân chủ Keith Ellison nêu vấn đề.

Chủ tịch Uỷ ban an ninh nội địa của Hạ viện Michael McCaul khẳng định dự luật mới này sẽ giúp đóng lại các lỗ hổng an ninh còn tồn tại và tăng cường năng lực của Mỹ trong việc ngăn chặn những phần tử nguy hiểm đặt chân lên lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ chưa có kế hoạch về việc tiến hành bỏ phiếu đối với dự luật này.

Lập hệ thống 
cảnh báo mới

Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson vừa cho biết Washington đang xem xét đưa vào sử dụng một hệ thống cảnh báo nguy cơ khủng bố mới sau một loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris (Pháp) và San Bernardino (Mỹ).

Báo Washington Times cho biết hệ thống cảnh báo mới này sẽ được công bố “trong vài ngày tới” và sẽ thay thế Hệ thống cảnh báo khủng bố quốc gia Mỹ (NTAS).

“Chúng tôi cần phải làm tốt hơn việc thông tin cho công chúng những gì đang xem xét, gạt bỏ một số điều bí ẩn về các mối đe dọa toàn cầu và những gì chúng tôi đang làm để chống các mối đe doạ này cũng như những yêu cầu của chúng tôi đối với công chúng” – Bộ trưởng Johnson giải thích.

Theo đó, hệ thống cảnh báo mới sẽ sớm thay thế cho hệ thống NTAS hiện tại của Bộ An ninh nội địa. NTAS là hệ thống cảnh báo dùng thay thế hệ thống cảnh báo cầu vồng bằng các mã màu từ thời tổng thống George W. Bush.

Tuy nhiên, NTAS chưa từng được sử dụng do hệ thống này có hạn chế lớn là chỉ cảnh báo cho các quan chức Mỹ, cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tư nhân nhưng không cảnh báo công chúng trong trường hợp có các mối đe dọa “đặc biệt và đáng tin cậy”.

Bộ trưởng Johnson cho biết hệ thống cảnh báo mới “đáng tin cậy hơn” hệ thống cảnh báo cũ và có thể “thông báo tốt hơn cho người dân Mỹ về những mối đe doạ khủng bố trên đất Mỹ”, thậm chí trong trường hợp các cơ quan chức năng chưa phát hiện các âm mưu khủng bố.

Hệ thống cảnh báo mới bao gồm mức đe doạ giữa hay mức đe doạ trung bình. Mức này có thể được đưa ra ngay cả khi đất nước đang đặt trong tình trạng cảnh giác cao tại nhiều thời điểm mà không có mối đe doạ đặc biệt nào, nhưng có sự quan ngại về tiềm năng xảy ra các cuộc tấn công bắt chước.

Nêu ra một ví dụ, ông Johnson cho biết việc thắt chặt an ninh và ban hành cảnh báo trên có thể áp đặt cho các toà nhà chính phủ liên bang Mỹ sau khi xảy ra vụ nổ súng tại… Quốc hội Canada ở Ottawa.

Ngoài ra, Bộ trưởng Johnson cho biết ông đang lên danh sách các biện pháp an ninh khác bao gồm tăng cường cảnh sát sân bay Mỹ để giám sát các chuyến bay quốc tế cũng như mở rộng công nghệ an ninh Mỹ giúp nhận dạng khách du lịch dễ dàng hơn.

Buộc chia sẻ thông tin tình báo

Luật điều chỉnh về thị thực của Mỹ cũng yêu cầu tất cả quốc gia tham gia VWP sử dụng hộ chiếu điện tử và kêu gọi các quốc gia này chia sẻ thêm thông tin tình báo về các nghi can phạm tội hình sự cũng như khủng bố.

Công dân các quốc gia tham gia VWP có hai quốc tịch, mà một trong hai quốc tịch này là Syria, Iran, Iraq và Sudan sẽ không được quyền miễn thị thực.

Luật mới cũng là cơ sở để Mỹ chấm dứt chương trình miễn thị thực đối với các quốc gia không đáp ứng yêu cầu chia sẻ thông tin tình báo.

Chính quyền 38 quốc gia trong chương trình miễn thị thực của Mỹ cũng phải có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, rà soát lý lịch và dữ liệu từ Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đối với công dân nước mình để đảm bảo các công dân này không có mối liên hệ với khủng bố.

 

ANH THƯ