Lễ Mình Máu Thánh Chúa – A – 2014: Chúa Giêsu Thánh Thể là Manna mới

Giáo Hội long trọng mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu và mời gọi chúng ta hãy suy niệm về bí tích Thánh Thể như là thứ Manna mới được Chúa Cha gửi xuống cho chúng ta để trở thành lương thực duy nhất trong bữa ăn hằng ngày.

Chúa Giêsu Thánh Thể là Manna mới

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu và mời gọi chúng ta hãy suy niệm về bí tích Thánh Thể như là thứ Manna mới được Chúa Cha gửi xuống cho chúng ta để trở thành lương thực duy nhất trong bữa ăn hằng ngày. Nếu chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể với tất cả lòng tin yêu, chúng ta sẽ được hiệp thông vào sự sống kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa ban cho các con cái của Ngài.

Trong ít phút này chúng ta suy niệm về manna trong dòng lịch sử dân Do Thái và manna mới trong bữa ăn của gia đình.

1. Manna trong dòng lịch sử dân Do Thái

Người Do Thái có một kinh nghiệm sống động về manna mà cha ông họ đã dùng suốt 40 năm trong sa mạc để đi về miền đất hứa. Khởi đầu, biết rằng khó kiếm được lương thực trong hoang địa nên họ đã dẫn theo những đoàn vật đông đúc để có thể giết thịt ăn dần, họ dự trữ rất nhiều túi bột để làm bánh, mang theo nhiều thứ gia vị cho các món ăn… Thế rồi bao nhiêu lương thực dự trữ cũng hết dần trong khi đường đến đất hứa còn xa. Khi thấy sự sống bị đe doạ họ mới kêu cầu Chúa và Chúa đã cho họ manna như một thứ bột kỳ diệu trên trời rơi xuống theo đám sương mai, họ chỉ việc hốt vào rồi làm bánh theo ý thích của mình (x. Xh 16,4-36).

Có thể nói manna là quà tặng Chúa ban thưởng cho lòng tin mà người Do Thái đặt vào Thiên Chúa theo lời ông Môsê giải thích trong bài đọc I: “Chúa đã ban cho anh em manna ngõ hầu làm cho anh em biết rằng người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn sống bởi mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,2-3). Nhưng, ăn mãi một thứ manna cũng chán nên người Do Thái bắt đầu mơ tưởng lại củ hành, củ tỏi, con cá, miếng thịt mà họ được ăn khi còn làm nô lệ ở Ai Cập. Thậm chí họ sẵn sàng trở về kiếp nô lệ để được ăn lại những món ngon đó (Ds 11,4-6). Thiên Chúa đã đáp ứng yêu cầu của họ, Ngài đã cho những đàn chim di cư mùa Đông rơi ngập tràn lều trại đến nỗi họ không chỉ ăn một ngày, mà ăn mãi cả tháng cho đến chán ngấy. Nhiều người đã chết vì tham ăn những miếng thịt ấy (x. Ds 11,4.31-33).

Từ kinh nghiệm đáng sợ đó, dân Do Thái đón nhận manna là lương thực thiêng liêng với lòng tin. Họ biết rằng không được dùng chung manna với những thứ lương thực khác, vì nếu dùng chung, manna sẽ trở thành bánh cay đắng cho họ, trở thành thứ bột nguy hại cho sự sống của họ. Đó là dấu hiệu họ đánh mất lòng tin vào Thiên Chúa và coi thường quà tặng Ngài ban. Từ đấy manna trở thành lương thực độc nhất trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình Do Thái trên suốt quãng đường tiến về đất hứa.

Sau khi vào được Đất Hứa, trước những thổ sản địa phương, họ đã quên manna và đi tìm những thứ lương thực khác, đi tìm những thần linh khác theo những tham vọng và dục vọng của mình. Vì thế tất cả đều đã chết do đánh mất lòng tin vào Thiên Chúa, dù họ vẫn thấy bình chứa đầy mana trong lều Chứng Ước và đền thờ “trước nhan Đức Chúa như một bằng chứng cho con cháu đời sau” (x. Xh 16,33).

Kinh nghiệm của  dân Do Thái về mana dẫn chúng ta tới Chúa Giêsu Thánh Thể vì Người là manna mới.

 2. Đức Giêsu là manna mới

Khi nói về bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu diễn tả mình chính là thứ bánh mới mẻ sẽ được biến đổi thành máu, thành thịt mang lại sự sống muôn đời cho người Do Thái và tất cả những ai tin tưởng. Người nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống… Đây là bánh hằng sống từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn và đã chết” (Ga 6,51.58).

Người Do Thái đã tranh luận với nhau và thấy lời của Chúa Giêsu thật khó nghe bởi vì làm sao người ta có thể ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu được. Họ không hiểu được “ý nghĩa bí tích” mà Chúa Giêsu muốn gợi ý cho họ khi trao cho họ bánh và rượu được truyền phép để trở nên mình và máu thánh của Người.

Chúa Giêsu Thánh Thể chính là manna mới mà mỗi thành viên trong gia đình, từ gia đình tự nhiên đến gia đình Giáo Hội, gia đình nhân loại và cả gia đình vũ trụ, cần phải đón nhận để có chung sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói: “ Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57). Sự sống phi thường ấy đã được Chúa Giêsu diễn tả qua những phép lạ Người làm trên vạn vật cũng như trên con người như chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, cho người chết sống lại, thứ tha tội lỗi, ban Thần Khí Sự Thật và Tình Yêu để biến đổi tất cả thành con cái Thiên Chúa như Người.

Thánh Phaolô trong bài đọc II (x. 1Cr 10, 16-17) diễn tả cụ thể hơn rằng: “Tất cả chúng ta cùng uống chung một chén rượu đã làm nên Máu Chúa Giêsu, cùng ăn chung một tấm bánh để dự phần vào Thân Thể của Người nên tuy nhiều người chúng ta cũng chỉ là một Thân Thể”. Khi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể hằng ngày như chúng ta dùng bữa ăn hằng ngày, chúng ta sẽ làm nên một thân thể kỳ diệu để cảm nghiệm được sự sống phi thường của Chúa bởi vì “người ta sống không nguyên bởi bánh mà còn sống bằng mọi lời của Thiên Chúa phán ra”. Đức Giêsu chính là Ngôi Lời Thiên Chúa mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta để giúp ta đón nhận sự sống kỳ diệu của Ngài.

3. Lương thực trong bữa ăn hằng ngày của gia đình

Trong bữa ăn hằng ngày, chúng ta được khuyên phải thay đổi món ăn để cung cấp đủ chất. Chúng ta không thể ăn mãi một thứ như cơm bánh, thịt cá, mà lại bỏ rau, vì trong rau có rất nhiều vitamin và muối khoáng cần thiết cho cơ thể. Người ta thường khuyên các bà nội trợ nên làm thực đơn cho bữa ăn gia đình trong khoảng 2 tuần lễ vời những món ăn thay đổi để đảm bảo việc cung cấp đầy đủ các chất đường, đạm, béo cho cơ thể phát triển trọn vẹn.

Tuy nhiên người ta cũng áp dụng nguyên lý thay đổi món trong bữa ăn thiêng liêng của đời mình: ngoài Chúa Giêsu là manna mới, người ta còn chọn thêm những thần tượng khác, ăn theo những tham vọng và dục vọng khác. Người ta không hiểu được rằng Đức Giêsu, qua bí tích Thánh Thể, là lương thực độc nhất và duy nhất trong bữa ăn gia đình của mình, dù đó là gia đình tự nhiên hay gia đình Giáo Hội, gia đình nhân loại trong năm Tân Phúc Âm hoá này. Thậm chí nhiều người còn không muốn ăn Giêsu như là thứ lương thực độc nhất trong đời sống thiêng liêng, quên Người là Thiên Chúa cụ thể, nguồn của sự sống vĩnh hằng, của chân thiên mỹ vô tận, của hạnh phúc vô biên. Khi đón nhận Người chung với những con người khác, với những thần linh khác (thần tài, thần danh vọng, thần dục vọng) thì Giêsu trở thành thứ lương thực nguy hại cho chúng ta.

Thánh Gioan viết đoạn văn Phúc Âm hôm nay vào khoảng năm 90, khi nghi lễ bẻ bánh là bí tích Thánh Thể được thực hiện phổ biến trong các cộng đồng Giáo Hội. Tuy nhiên những câu hỏi được đặt ra thời đó cũng rất giống với những câu hỏi đặt ra cho chúng ta ngày nay: Tại sao lại phải cử hành thánh lễ hằng ngày? Có cần thiết như vậy không? Trong bữa tiệc Thánh Thể ấy ai chủ toạ? Ý nghĩa nòng cốt của bí tích Thánh Thể là gì?

Người ta đã tranh luận và nghĩ rằng không cần phải đi lễ hằng ngày: một tuần đi lễ một lần, thậm chí một năm đi lễ vài ngày cũng đủ rồi giống như nhiều tôn giáo khác. Anh em các hệ phái Tin Lành chấp nhận quan điểm ấy nên mới gọi đó là bữa tiệc của Chúa. Còn người tín hữu Công giáo lại gọi bí tích Thánh Thể là manna mới vì đó là bữa ăn hằng ngày cần thiết để cho linh hồn đầy sức sống phi thường. Có ai một tuần mới ăn một lần?! Tuy nhiên, gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể cũng không đồng nghĩa với việc phải đi dự lễ hằng ngày hay rước lễ thật thường xuyên, mà là một thái độ tràn đầy lòng tin yêu đối với Chúa Giêsu Thánh Thể để luôn nhớ đến Ngưởi đang hiện diện trong đời sống, cùng đi với mình trong cuộc lữ hành trần thế và giục lòng rước lễ thiêng liêng.

Lời kết

Vài lời gợi ý về Chúa Giêsu là manna mới như nhắc nhở chúng ta tìm về Chúa Giêsu Thánh Thể thường xuyên hơn để cảm nghiệm được “Chúa đang ở trong ta và ta ở trong Chúa” (x. Ga 6,56) rồi hoà nhập thành một với Người. Lúc bấy giờ chúng ta có thể nói rằng: “Tôi sống, nhưng còn phải là tôi mà là chính Chúa Giêsu Kitô sống trong tôi”.