Lễ Chúa Ba Ngôi A – 2014: Cảm nghiệm được Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống

Với sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô, Đấng sáng lập ra Kitô giáo, nền văn minh nhân loại tiến thêm một bước rất dài trong lĩnh vực tôn giáo, vượt qua các chủ thuyết đa thần hay độc thần để dạy cho chúng ta biết đấng Thiên Chúa hay thần linh mà nhân loại phải tôn thờ thật sự là Đấng nào và bản chất của Người là gì.

 

Cảm nghiệm được Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội luôn mừng lễ Chúa Ba Ngôi như mời gọi mỗi người tín hữu chúng ta hiểu biết và sống kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa là mầu nhiệm kỳ diệu nhất của Công giáo.

Vì thế chúng ta suy niệm ít phút về mầu nhiệm này để chúng ta có thể cảm nghiệm được Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện như thế nào trong đời sống của chúng ta.

1. Quan niệm về thần linh trong dòng lịch sử con người

Trong dòng lịch sử nhân loại, khi con người biết suy tư cách đây bốn mươi ngàn năm, người ta khám phá ra vạn vật quanh mình có sức mạnh gây nguy hiểm cho mình nên cần phải tôn thờ chúng, coi chúng như là những vị thần, gắn bó với chúng như là vật tổ của bộ lạc.

Những người Nga thời trước thấy con gấu mạnh hơn mình thì tôn phong làm thần gấu và hãnh diện mình là những đứa con của gấu mẹ vĩ đại. Thấy con phượng hoàng mạnh mẽ cắp được những con vật bay cao thì những người ở Bắc Mỹ tôn phong nó là vật tổ. Thấy con bò cái sinh sản, cung cấp sữa và phân bón làm cho đồng ruộng mầu mỡ thì người Ấn Độ tôn thờ là vật tổ và tôn kính là thần linh nên không dám ăn thịt. Thấy mặt trời toả sáng mạnh mẽ, mang lại sự sống cho con người, có thể thiêu cháy những cánh rừng thì người Nhật tôn thờ mặt trời là thần linh và tự xưng mình là con cháu của Thái dương Thần nữ. Ngày nay chúng ta còn thấy hình mặt trời trên lá cờ của người Nhật và hình chim phượng hoàng trên quốc huy của người Mỹ.

Khi tinh thần phát triển, mở mang hơn, người ta nhận ra rằng con người có thể chiến thắng những sức mạnh thiên nhiên ấy: làm nhà để che nắng, làm cung tên để bắn được gấu, phượng hoàng… Con người nghĩ rằng vị thần nào dựng nên những con vật ấy và cả vũ trụ vật chất này thì mới đáng cho mình tôn thờ. Dần dần nhiều dân tộc  khám phá và tin tưởng vào đấng thần linh duy nhất, cao cả nhất, nguồn của mọi sức mạnh và quyền năng. Người ta gọi đấng ấy là Thiên Chúa, là Ông Trời, là Đấng Cao Đài, Thượng Đế, Đức Thánh Allah… Như thế, những tôn giáo độc thần ra đời: người Do Thái tôn thờ Chúa Giavê, người Hồi giáo tôn thờ Đức Thánh Alah. Còn những vị thần linh được tôn thờ ở giai đoạn trước thuộc các tôn giáo đa thần như Bà-la-môn giáo ở Ấn Độ, Thần giáo ở Nhật Bản,….

Nhưng hầu như tất cả vẫn nghĩ rằng những thần linh ấy, dù là đa thần hay độc thần, đều là những vị thần ở trên trời xa cách, có thể gây chết chóc, đánh phạt con người. Bản chất của những vị thần ấy khác biệt hẳn với con người nên phải lập những đền chùa để tôn thờ những vị ấy, cần phải lập ra nghi lễ phụng vụ để làm nguôi giận những vị thần ấy, phải cử hành những nghi lễ để xin những vị ấy ban ơn cho mình.

2. Bản chất Thiên Chúa của Kitô giáo

Với sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô, Đấng sáng lập ra Kitô giáo, nền văn minh nhân loại tiến thêm một bước rất dài trong lĩnh vực tôn giáo, vượt qua các chủ thuyết đa thần hay độc thần để dạy cho chúng ta biết đấng Thiên Chúa hay thần linh mà nhân loại phải tôn thờ thật sự là Đấng nào và bản chất của Người là gì.

Qua câu chuyện nói với ông Nicôđêmô trong bài Phúc Âm hôm nay (x. Ga 3,16-18) và trong cả đời sống của mình, Đức Giêsu dạy cho con người hiểu rằng Vị Thiên Chúa đó không phải là một vị thần đánh phạt, gây chết chóc, bắt con người phải tôn thờ mình như những tên nô lệ tôn thờ chủ, nhưng là người con mình sinh ra, là người bạn ngang hàng để gắn bó, kết hợp trong tình yêu. Ngài không ở xa con người và vạn vật nhưng ở ngay trong lòng mọi người, mọi sự vì Ngài dựng nên tất cả. Ngài ban phát sự sống, quyền năng, ơn huệ và chính mình Ngài cho muôn loài vì bản chất của Ngài là yêu thương. Đức Giêsu nói: “Thiên Chúa yêu thế gian, (gồm cả vũ trụ và con người), đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Thánh Gioan về sau đã khai triển lời giải thích của Chúa Giêsu về bản chất Thiên Chúa bằng câu định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,16). Tình yêu, nghĩa là làm cho Thiên Chúa gắn bó mật thiết với con người, với vạn vật như người chồng người vợ gắn bó với nhau để trao ban tất cả cho nhau, để hoà trộn thành một với nhau, để biến đổi con người và vạn vật thành một với Thiên Chúa. Yêu thương tột đỉnh là như thế.

Bản chất của tình yêu là yêu thương và tìm ra đối tượng để yêu thương. Nhưng từ khởi thuỷ, chẳng có người nào hay vật gì làm đối tượng cho tình yêu Thiên Chúa nên Thiên Chúa đã yêu mình. Ngài đã ban chính mình cho đối tượng với tất cả nguồn sống, ân phúc, quyền năng của một vị Thiên Chúa và lập tức Chúa Con xuất hiện với cùng một bản tính như Ngôi Cha. Rồi Ngôi Con bây giờ, trong tư cách là một chủ thể, ngôi vị tự do và đầy ý thức, yêu lại Ngôi Cha và dâng tặng cho Ngôi Cha là đối tượng tình yêu của mình tất cả những gì mình có là thiên tính hằng hữu đã nhận được từ Ngôi Cha. Lập tức Chúa Thánh Thần xuất hiện vì Ngài là mối dây nối kết, là sự hiệp thông giữa Ngôi Cha và Ngôi Con. Ngài là Ngôi Thứ Ba và cũng là Thiên Chúa vì cùng có một bản tính duy nhất của Thiên Chúa. Trong câu nói của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô ở trên, Thánh Thần Chính là tình yêu nối kết Thiên Chúa và Người Con Một.

Bây giờ chúng ta đã thấy Kitô giáo tôn thờ chỉ một Thiên Chúa nhưng lại có Ba Ngôi. Như thế là Kitô giáo vừa vượt qua chủ thuyết độc thần khép kin, cứng nhắc và xa lạ với con người, vừa sửa sai cho chủ thuyết đa thần khi giới thiệu Ba Ngôi tuy cùng một bàn thể nhưng lại có những hoạt động riêng biệt khác nhau.

3. Làm sao để cảm nghiệm được Thiên Chúa Ba Ngôi

Thánh Phaolô trong bài đọc II (1Cr 13,11-13) chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm quý báu của ngài là làm thế nào cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Ba Ngôi trong đời sống thường ngày: “Hãy vui mừng và cố gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh chị em”.  Cũng trong chương này, ngài diễn tả rõ hơn cho chúng ta hiểu rằng: “yêu là tha thứ tất cả, trao ban tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (x. 1Cr 13,7). Lời cầu chúc của ngài cũng tóm tắt bản chất của Ba Ngôi và trở thành nguyên tắc hành động cho người tín hữu: “Cầu chúc toàn thể anh chị em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Chúa Cha và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần.” (1Cr13,13)

Giáo Hội mời gọi chúng ta đừng tôn thờ Thiên Chúa Tình yêu giống như tín đồ các tôn giáo tôn kính những tượng thần của họ mà quên đi sự hiện diện sâu xa, thân mật của Ba Ngôi ngay trong lòng hay giữa cộng đồng mình. Ngay cả những tượng ảnh, tràng chuỗi mà chúng ta thấy trong nhà thờ, hay đeo trên mình cũng chỉ là những vật thể nhắc nhở sự hiện diện vô cùng thâm sâu, gần gũi, thân mật của Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Vì từng giây phút sống là chúng ta đang được chia sẻ sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa và được thôi thúc trong tình yêu. Nhất là khi chúng ta vẽ hình Thánh giá trên người và đọc: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Nếu Thiên Chúa tình yêu tha thứ tất cả, trao ban tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả thì chúng ta cũng hãy tha thứ cho những người xúc phạm, nói xấu, bất công đối với ta, sẵn sàng ban phát cách quảng đại cho mọi người, tin tưởng những người đã từng lừa dối ta, dám chịu đựng những thiệt thòi, đau khổ mà người khác gây nên cho ta giống như Chúa Giêsu đã yêu thương đến tột cùng.

Yêu đến cùng như Chúa Giêsu là dám chấp nhận cái chết trên thập giá để sống lại với Người. Từng giây phút sống chúng ta diễn tả tình yêu cụ thể của Thiên Chúa cho con người là chúng ta sẽ cảm nghiệm được ân sủng tình yêu Ba Ngôi đưa vào trong con người yếu đuối của ta để thực hiện lại những hành động sáng tạo, cứu độ và thánh hoá mà Ba Ngôi luôn thôi thúc.

Lời kết

Hôm nay, chúng ta hãy cẩn thận khi làm dấu Thánh giá. Mỗi lần làm dấu Thánh giá chúng ta không phải chỉ nhận được những ân xá của Giáo Hội, được tẩy trừ tội lỗi, nhất là những tội nhẹ, mà còn xua trừ ma quỷ ra khỏi con người cũng như đón nhận sự sống kỳ diệu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Dấu Thánh giá chính là lời tuyên xưng Chúa Ba Ngôi và cũng là phương tiện để Chúa Ba Ngôi giúp chúng ta gắn bó với Chúa và chia sẻ sự sống kỳ diệu cho mọi người.