Chúa Nhật lễ Thánh Phêrô Phaolô Tông đồ 2014: Sứ mạng Phúc Âm hoá

Nhiều người thời nay cũng như thời các tông đồ hiểu rằng: theo Chúa Giêsu làm cho họ nghèo hơn, xấu xí hơn, nhu nhược hơn, khốn khổ hơn vì họ hiểu sai và cũng vì chúng ta làm chứng sai Lời rao giảng của Chúa Giêsu về tinh thần nghèo khó, về việc chay tịnh thể xác, về việc tha thứ cho kẻ bách hại, về việc chịu những nỗi khổ nhục vì danh Đức Giêsu Kitô.

 

Sứ mạng Phúc Âm hoá

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay, nhân dịp mừng kính trọng thể hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta được mời gọi nhìn vào gia đình Giáo hội Việt Nam cũng như gia đình nhân loại để xác tín một lần nữa sứ mạng tông đồ của mình, nhất là trong năm Tân Phúc Âm hoá gia đình này.

1. Tình trạng Phúc Âm hoá thế giới và Việt Nam hiện nay

Chúng ta đã biết, số người tín hữu theo Đức Giêsu Kitô trong gia đình nhân loại, tuy đã đạt hơn 2 tỷ người, chiếm gần 1/3 nhân loại, nhưng số còn lại vẫn chưa biết Đức Kitô và con số người theo đạo cũng đang sút giảm hằng năm. Người Công giáo hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 17,5% dân số thế giới và nhiều người đã từng theo Đức Giêsu Kitô hiện nay bỏ không còn theo Người nữa để chạy theo vật chất, tiền bạc, dục vọng và tất cả những gì thuộc về thế giới này. Chính vì thế Giáo Hội đã tổ chức Thượng Hội Đồng Giám mục Thế giới vào tháng 10/2012 để nhắc nhở ta về sứ mạng “Tân Phúc Âm hoá để truyền bá đức tin”.

Ngày hôm qua chúng tôi nhận được số thống kê mới về Giáo hội Việt Nam và muốn chia sẻ để anh chị em biết tình trạng Giáo hội chúng ta hiện nay.

Tính đến ngày 31/12/2013, về mặt nhân sự, số tín hữu của 26 giáo phận là 6.606.000 người, trong số đó có 25 giám mục chính toà, 6 giám mục phụ tá, 13 giám mục về hưu. Số linh mục là 4.635 người, trong đó có 3.546 linh mục triều và 1.089 dòng. Chủng sinh tổng cộng 4.746 người, kể cả đang học hay dự bị. Tu sĩ nam nữ là 19.717 người. Giáo lý viên là 59.448 người. Số người lớn được Rửa tội trong cả năm 2013 là 41.395 người.

Nếu phân tích về mặt nhân sự, chúng ta sẽ thấy rằng: dù chúng ta đang có hơn 6 triệu tín hữu, gần 30 ngàn linh mục, chủng sinh và tu sĩ nam nữ; hơn 59 ngàn giáo lý viên; gần 1 triệu đoàn viên các hội đoàn Công giáo: như Thiếu nhi Thánh Thể, Legio Mariae, Giới trẻ Con Đức Mẹ, Liên Minh Thánh Tâm, Dòng ba Đa Minh, Phan Sinh, Cát Minh… mà chỉ thu hút được 41.395 người lớn theo đạo cả năm. Hơn nữa, đa số người theo đạo thường là để lấy vợ lấy chồng, không ít người lấy được vợ/chồng rồi bỏ đạo. Vì thế mà tỷ lệ dân số Công giáo so với dân số cả nước ở Việt Nam giữ nguyên gần 7% từ 130 năm nay! Chúng ta tự hỏi ai người truyền bá đức tin hiệu quả? Có cần tân Phúc Âm hoá  ở Việt Nam ?

2. Sứ mạng Phúc Âm hoá

Chúng tôi muốn nói lên ưu tư này để mời gọi anh chị em nhận ra sứ mạng Phúc Âm hoá của mỗi người được hai vị tông đồ nhắc nhở hôm nay. Hai vị không giống nhau về tính khí, được Chúa Giêsu kêu gọi trong những hoàn cảnh khác nhau, hoạt động trong môi trường khác nhau để rao giảng Tin Mừng: Phêrô rao giảng cho những người Israel, Phaolô rao giảng cho các dân tộc khác. Nhưng cả hai đều được liên kết với nhau nhờ lòng tin sâu xa và lòng yêu mến nhiệt thành với Đức Giêsu Kitô. Sau khi được kêu gọi, cả hai đã dâng hiến trọn cuộc đời mình cho công cuộc Phúc Âm hoá. Cuối cùng, cả hai đã đổ máu mình để làm chứng cho Đức Giêsu Kitô tại Rôma, thủ đô của Kitô giáo. Thánh Phêrô bị đóng đinh ngược đầu vào khoảng năm 64, còn thánh Phaolô bị chém đầu vào năm 67.

Nếu nhìn kỹ hơn nữa, chúng ta sẽ thấy bối cảnh rao giảng Tin Mừng của hai vị rất gần với tình trạng của đất nước chúng ta cũng như của thế giới hiện nay. Chúng ta thấy rất nhiều người chưa biết Đức Giêsu Kitô. Người ta tôn thờ đủ loại ngẫu tượng khác nhau: tiền bạc, danh vọng, quyền lực, thậm chí cả dục vọng. Giống như dân Rôma ngày xưa, người ta tìm mọi cách để kiếm thật nhiều tiền, để thoả mãn những tham vọng và dục vọng của mình qua những cuộc ăn chơi, sa đoạ; người ta chỉ tin vào sức mạnh của quyền lực, tiền bạc, mê tín với những ngẫu tượng bằng gỗ, đá, vàng, bạc và đủ loại bùa phép.

Hai vị tông đồ cùng những tín hữu thời sơ khai đã giới thiệu một Thiên Chúa khác hẳn những ngẫu tượng. Các vị xác tín rằng mình đã gặp, đã sống với vị Thiên Chúa làm người đó là Đức Giêsu Kitô và sẵn sàng chết để làm chứng cho Người. Cả hai đã xác tín vào sự hiện diện kỳ diệu của Chúa Giêsu Phục sinh trong cuộc đời của mình. Bài đọc I (x. Cv 12,1-11) và Bài đọc II (x. 2Tm 4,6-8.17-18) cho chúng thấy Chúa đã cứu Phêrô thoát khỏi ngục tù, cũng như Chúa đã hiện ra với Phaolô trên đường đi Damas, ban cho Phaolô sức mạnh để rao giảng Tin Mừng cho các dân ngoại. Sau khi được kêu gọi, các vị đã tận hiến trọn vẹn cuộc đời của mình cho công cuộc Phúc Âm hoá, trở thành Tin Mừng sống động của Chúa Giêsu Kitô cho mọi người. Hai vị cũng mời gọi chúng ta hãy theo Chúa Giêsu, trở thành Tin Mừng sống động cho gia đình dân tộc Việt Nam cũng như cho gia đình nhân loại.

3. Muốn trở thành Phúc Âm sống động đó, chúng ta phải làm gì?

Chúng ta đã nhiều lần suy niệm về 2 điều cần làm. Trước tiên là chúng ta cần phải học hỏi, tìm hiểu kỹ lưỡng về Đức Giêsu Kitô, rồi bước theo Người trên con đường sự thật và sự sống của Chúa Giêsu như thánh Phêrô diễn tả cho câu hỏi của Chúa Giêsu: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15). Đồng thời, chúng ta phải gắn bó với Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh để Người chuyển thông cho chúng ta sức mạnh, quyền năng, tình yêu của Chúa Cha nhờ sự thông hiệp của Chúa Thánh Thần.

Nhiều người thời nay cũng như thời các tông đồ hiểu rằng: theo Chúa Giêsu không làm cho họ giàu hơn, đẹp hơn, mạnh hơn, hạnh phúc hơn mà trái lại nghèo hơn, xấu xí hơn, nhu nhược hơn, khốn khổ hơn vì họ hiểu sai và cũng vì chúng ta làm chứng sai Lời rao giảng của Chúa Giêsu về tinh thần nghèo khó, về việc chay tịnh thể xác, về việc tha thứ cho kẻ bách hại, về việc chịu những nỗi khổ nhục vì danh Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta phải làm sao cho người khác hiểu như Phêrô nói với người bất toại, ngồi ăn xin ở Cửa Đẹp của Đền thờ Giêrusalem rằng: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, anh đứng dậy mà đi!” (Cv3,6). Giàu sang và quyền năng như thế không ai sánh được! Thánh Phêrô, Phaolô và tất cả những tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đã chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, thậm chí cho những người chết sống lại để làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình. Cuộc đời tốt đẹp như thế ai chẳng mong ước! Cuối cùng tất cả những người ấy lại sẵn sàng hy sinh mạng sống, đưa đầu cho người ta chém, vì hiểu được rằng mình phải yêu thương đến cùng như Đức Giêsu, yêu như thế mới cảm nhận được hạnh phúc của sự sống vĩnh hằng. Hạnh phúc như thế chẳng đạo nào sánh được!

Vì thế, cuộc đời của hai thánh Phêrô và Phaolô như mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại thái độ của mình đối với Chúa Giêsu để tự hỏi: tại sao cuộc đời của tôi lại chưa loan báo Chúa Giêsu cho người khác một cách hiệu quả như các ngài? Tại sao cuộc đời của tôi lại chưa phát huy những quyền năng kỳ diệu mà Chúa Phục sinh đã chia sẻ cho tôi trong sự thông hiệp với Chúa Ba Ngôi? Chắc hẳn mỗi người chúng ta đều có những cảm nghiệm về đạo đang làm ta giàu sang hơn, tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, sống phi thường hơn để làm chứng cho người khác về lòng tin vào Chúa Giêsu như hai thánh Tông Đồ.

Lời kết

Xin thánh Phêrô và Phaolô cho chúng ta tìm lại được niềm xác tín mãnh liệt và lòng yêu mến nhiệt thành đối với Chúa Giêsu Kitô để có thể trở thành những tông đồ như hai vị. Chỉ có như thế chúng ta mới hy vọng thay đổi được vận mệnh của đất nước chúng ta như các vị tiền bối anh hùng chúng ta đã thực hiện trong quá khứ và làm cho dân tộc phát triển bền vững trong gia đình nhân loại.