Thứ Tư Lễ Tro – 2014: Tro bụi tuyệt vời

Khi xức tro trên đầu, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng: “Con hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về với bụi tro”. Đó là sự thật của con người. Chúng ta tự hỏi phải nhìn sự thật đời mình và đời người bằng ánh mắt nào, bi quan hay lạc quan, rồi đón nhận chúng trong sự buồn thảm, thất vọng hay trong niềm vui và hy vọng?

 

Tro bụi tuyệt vời  

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh với một niềm ưu tư và có lẽ Giáo hội Công giáo toàn cầu còn nhớ đến nỗi bàng hoàng cách đây tròn 1 năm khi Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI báo tin sẽ từ nhiệm vào ngày 28 tháng Hai năm 2013. Đức Giáo hoàng đã dạy cho chúng ta một bài học: hãy nhìn vào sự thật của đời mình và đời người để khám phá ra quyền năng và tình yêu Thiên Chúa. Đó cũng là điểm để chúng ta ôn lại trong ngày Lễ Tro hôm nay.

1. Bài học nhìn vào sự thật

Khi xức tro trên đầu, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng: “Con hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về với bụi tro”. Đó là sự thật của con người. Đức Thánh Cha muốn dạy cho chúng ta một bài học khi ngài đón nhận sự thật của đời mình, ngài nói với chúng ta, trước sự hiện diện của các hồng y, giám mục ngày 11/02/2013: “Sau nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự chắc chắn rằng sức lực của tôi, vì tuổi cao, không còn thích hợp nữa để thi hành sứ vụ Phêrô một cách thích đáng. Tôi ý thức rõ sứ vụ này, do yếu tính thiêng liêng, phải được chu toàn không những bằng hoạt động và bằng lời nói, nhưng còn bằng đau khổ và cầu nguyện. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay đang chịu những biến chuyển mau lẹ và bị giao động vì những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin, nên để cai quản con thuyền của Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có nghị lực cả thể xác lẫn tâm hồn. Nghị lực mà trong những tháng gần đây bị suy giảm ở nơi tôi đến độ tôi phải nhìn nhận rằng mình không có khả năng thi hành tốt sứ mạng đã được giao phó cho tôi. Vì thế, với ý thức rõ ràng về hành vi hệ trọng này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ giám mục Rôma, người kế vị thánh Phêrô, đã được uỷ thác cho tôi do tay các hồng y vào ngày 19 tháng 4 năm 2005, để từ ngày 28/03/2013 sắp tới toà Rôma, toà thánh Phêrô sẽ trống toà từ lúc 20 giờ và các vị có thẩm quyền cần phải triệu tập mật nghị hồng y để bầu một vị giáo hoàng mới”.

Những lời tuyên bố đầy xúc động của Đức Thánh Cha như muốn gợi ý cho chúng ta biết nhìn vào sự thật của đời mình như khi ngài nhìn vào sự thật của đời ngài. Một cụ già 85 tuổi cảm nghiệm rằng sức lực thể xác và tinh thần của mình không còn đáp ứng nổi nhiệm vụ quan trọng của thánh Phêrô nên đã từ nhiệm, dù rằng ngài đang ở địa vị phải nói là vinh quang tột bậc, dù đầu óc ngài vẫn rất sáng suốt để dạy dỗ nhưng ngài đã muốn nhường nhiệm vụ ấy cho người có khả năng hơn, trẻ tuổi hơn. Rồi thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy sự lựa chọn này là đúng qua một năm lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

2. Nhìn sự thật bằng ánh mắt nào?

Tuy nhiên, chúng ta tự hỏi phải nhìn sự thật đời mình và đời người bằng ánh mắt nào, bi quan hay lạc quan, rồi đón nhận chúng trong sự buồn thảm, thất vọng hay trong niềm vui và hy vọng?

Nhìn vào đời sống mình, mỗi người chúng ta có thể có những cái nhìn khác nhau. Lúc còn nhỏ ta mong mình mau lớn; khi đi học ta mơ ước mình sẽ thành công để trở thành người tài giỏi, có bằng cấp; nếu buôn bán, ta mong kiếm lãi nhiều; lập gia đình ta muốn có chồng/vợ đẹp, con khôn…Tất cả đều là những mơ ước chính đáng. Nhưng chúng ta còn cảm nghiệm được rằng tất cả những thứ đó sẽ qua đi, sức khoẻ ta mỗi ngày một yếu, sắc đẹp sẽ tàn tạ để rồi ngày nào đó ta sẽ trở về thân tro bụi. Con người sẽ quên lãng ta; tất cả bằng cấp chỉ còn là những tờ giấy mong manh; công trình xây dựng chỉ còn là những đống gạch đá đổ nát. Đôi khi người ta cảm thấy bi quan, đến nỗi nghĩ rằng nếu như vậy mình cần gì phải làm việc, học hành vì tất cả cũng trở thành tro bụi!

Trịnh Công Sơn đã diễn tả thân phận tro bụi ấy bằng những lời đầy cảm xúc: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy. Ôi, cát bụi tuyệt vời. Mặt trời soi một kiếp rong chơi. Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi. Ôi cát bụi mệt nhoài. Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi. Bao nhiêu năm làm kiếp con người. Chợt một chiều tóc trắng như vôi. Lá úa trên cao rụng đầy. Cho trăm năm vào chết một ngày. Cụm rừng nào lá xác xơ cây. Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy. Ôi, cát bụi phận này. Vết mực nào xoá bỏ không hay ”.

Trịnh Công Sơn gợi ý cho chúng ta nhớ lại trong Thánh Kinh: khi Chúa dựng nên con người bằng bụi đất, bằng vật chất, thì con người tro bụi được Chúa thổi vào làn khí thiêng liêng để trở thành con người sống động mang hình ảnh giống với Thiên Chúa (x. St 2,7). Tro bụi ấy chứa đầy sức sống, quyền năng, tình yêu của Thiên Chúa để luôn luôn được bao bọc trong ánh sáng vô biên của Ngài vì là hình ảnh của chính Thiên Chúa (x. St 1,26-27). Đó là tro bụi tuyệt vời! Nhưng khi ông bà nguyên tổ phạm tội, con người sống động ấy đã cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn tình yêu, quyền năng, sự sống nên tro bụi ấy không còn toả sáng mà trở về bản chất tầm thường, bất động, vô nghĩa của bụi đất, tro tàn. Sau khi phạm tội, Chúa đã nói với Ađam rằng: “Vì ngươi là bụi đất, sẽ trở về với  bụi đất” (x. St 3,19). Đó cũng là ý của Trịnh Công Sơn muốn diễn tả: dù sống trăm năm cũng phải chết một ngày và vết mực đen ngòm đã nhấn chìm hạt bụi trong bóng tối lãng quên!

Nếu chỉ nhìn con người với ánh mắt như thế, tâm hồn chúng ta sẽ cảm thấy bi quan, thất vọng vì tất cả cuộc hiện sinh của chúng ta ở trần thế này đều kết thúc cách phi lý như triết gia Jean Paul Sartre đã diễn tả trong tiểu thuyết Buồn Nôn (la Nausée). Ông đã thấy cuộc sống này đáng nôn mửa như mảnh rễ cây sần sùi, đen đủi giống hệt cục phân khô nổi trên bãi đất công viên.

3. Hãy nhìn sự thật bằng ánh mắt của Chúa Giêsu Kitô

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã mời gọi chúng ta hãy đổi mới cách nhìn vì tro bụi hay con người tầm thường tội lỗi ấy đã được Thiên Chúa đón nhận khi cho Con của Ngài trở thành người như chúng ta và ở với chúng ta. Người không phải chỉ hoá thân thành người để chia sẻ sự sống, quyền năng, tình yêu và muôn ơn phúc kỳ diệu của Người cho ta mà còn biến đổi con người chúng ta thành Thiên Chúa, sau khi Người sống lại từ cõi chết.

Vì thế, tro bụi không còn chỉ là thứ tầm thường hay “vô thường”, nghĩa là bất định, theo giáo lý Phật giáo, mà bây giờ bụi đất này mang ý nghĩa xác định, vĩnh hằng, cao cả, phi thường vì từng tư tưởng, lời nói, hành động, từng giây phút sống của ta đều có giá trị vô song và giá trị này tồn tại mãi mãi trước mặt Chúa. Quả thật, thân xác ta ngày càng già nua, tàn tạ, xấu xí, nhưng đó chỉ là luật tự nhiên của vật chất chứ không phải của tinh thần. Con người chúng ta sẽ thay đổi để mặc lấy một thể xác hoàn toàn mới mẻ giống như thân xác phục sinh của Chúa Giêsu nếu chúng ta biết kết hợp với Người trong mầu nhiệm Vượt Qua bắt đầu từ hôm nay với Mùa Chay Thánh.

Niềm tin tưởng này sẽ giúp ta đón nhận sự thật của đời mình và đời người trong niềm vui, bình an và hy vọng. Nhiều người không dám chấp nhận sự thật: họ tìm mọi cách để biến đổi hay che đậy thân xác già nua, tàn tạ, yếu đuối, tật bệnh của mình bằng những lớp áo quần, son phấn hoá trang hoặc bằng quyền lực, của cải, bằng cấp… Họ không dám nhìn thẳng vào sự thật của tro bụi tuyệt vời đã được Đức Giêsu biến đổi chỉ vì họ không tin hay chưa tin vào Thiên Chúa và vào Đức Giêsu Kitô.

Bằng ánh mắt của Chúa chúng ta sẽ thấy mảnh rễ cây xấu xí kia đang cắm sâu những cái rễ con con vào lòng đất để hút chất bổ dưỡng thành dòng nhựa sống nuôi thân, cho hàng vạn lá cây toả dưỡng khí cho ta thở, cho bóng mát che nắng che mưa, cho những bông hoa toả hương thơm ngát, cho trái ngọt bổ dưỡng ta ăn… Cái rễ cây đó không bao giờ phi lý. Cuộc hiện sinh con người luôn có ý nghĩa vì được Thiên Chúa yêu thương.

Lời kết

Hôm nay, khi xức tro trên đầu, chúng ta hãy vui mừng vì hiểu rằng mình là tro bụi tuyệt vời. Chính khi chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta khám phá ra sự thật đời mình đang được biến đổi với Chúa Giêsu để vượt qua cái chết và đạt đến sự sống vĩnh hằng.

 

Nguồn: HKK