Chúa Nhật XXX TN C – 2013: Sự thánh thiện của Thiên Chúa

Các bài Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về sự thánh thiện của Thiên Chúa đối với thân phận tội lỗi của con người để tìm hiểu sự thánh thiện có giá trị gì trong đời sống người tín hữu và chúng ta nên làm gì để có thể nên giống Chúa là Đấng Thánh?

Sự thánh thiện của Thiên Chúa

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về sự thánh thiện của Thiên Chúa đối với thân phận tội lỗi của con người. Tuy nhiên, dù Thiên Chúa thánh thiện nhưng Ngài vẫn lắng nghe lời cầu xin của những người tội lỗi như bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Ngài lắng nghe lời cầu xin của những người nghèo khổ, mồ côi, goá bụa như trong bài đọc I (x. Hc 35,13-14).

Hôm nay có lẽ chúng ta dành một vài phút để tìm hiểu sự thánh thiện có giá trị gì trong đời sống người tín hữu và chúng ta nên làm gì để có thể nên giống Chúa là Đấng Thánh?

1. Ý nghĩa của từ Thánh

1.1. Trước hết, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của từ Thánh.

Trong ngôn ngữ thường ngày, từ thánh dùng để chỉ đấng linh thiêng, nhân vật tột bực, người có đức độ nổi bật hoặc để tôn xưng nhà vua, chỉ vật hoặc nơi thuộc về vua, về tôn giáo. Thí dụ như: ta gọi là thánh chỉ, thánh quân, thánh thượng; đức thánh Trần Hưng Đạo, những vật tế tự như: rượu thánh, đèn thánh…

Nếu tìm trong Từ Điển Công giáo (x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Từ Điển Công giáo, NXB Tôn Giáo, tr. 301), ta sẽ thấy tính từ thánh bắt nguồn từ tiếng Hipri: “qadosh”, dịch sang tiếng Hy Lạp là “hagios”, có nghĩa là tách ra khỏi những gì phàm tục và thuộc về thần linh. Vì thế, chúng ta gọi Chúa là Đấng Thánh (x. Ds 11,9; Ez 28,25). Đức Giavê là Thánh không phải chỉ một lần, mà đến 3 lần thánh: Thánh! Thánh! Thánh! như chúng ta vẫn tuyên xưng trong Thánh lễ. Trong ngôn ngữ Do Thái, tính từ không có những bậc so sánh hơn và so sánh nhất nên người ta không dùng “thánh hơn, thánh nhất” mà chỉ dùng 3 từ liên tục thánh, thánh, thánh để diễn tả Chúa là Đấng Thánh vô cùng cao cả.

Vì Thiên Chúa là Đấng Thánh nên tất cả những gì (người hay vật) thuộc về Ngài đều được tách khỏi những gì phàm tục và được gọi là thánh. Thí dụ: các thánh thiên thần (x. Mc 8,38), dân thánh (x. Đnl 7,6; Ep 1,1), nơi thánh (x. Đnl 29,31), ngày thánh (x. Nkm 8,11), sách thánh (x. 1Mcb 12,9)… Trong ngôn ngữ Phụng vụ chúng ta vẫn dùng: thánh lễ, thánh tâm, thánh kinh, chén thánh, đĩa thánh, ngày thánh, tuần thánh, năm thánh… Tất cả đều mang sắc thái tách biệt và dành riêng cho Thiên Chúa.

1.2. Sự thánh thiện của Thiên Chúa

Thánh Kinh như mô tả cho chúng ta Thiên Chúa thánh thiện (x. Xh 19,3-20) và khi Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài thì Ngài đã ban sự thánh thiện đó cho con người. Vì Thiên Chúa là Đấng Thánh và nội dung sự thánh thiện là tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa (x. Tv 71,22; Is 5,21; Hbc 3,3) nên khi nói Thiên Chúa Đấng Thánh cũng có nghĩa là Ngài ban sự sống, chân thiện mỹ, hạnh phúc vĩnh cửu và quyền năng của Ngài cho con người. Vì thế, càng gắn bó với Thiên Chúa bao nhiêu thì con người càng cảm nghiệm sự sống kỳ diệu, hạnh phúc vô biên, quyền năng vô cùng, chân thiện mỹ vô tận của Thiên Chúa bấy nhiêu và con người càng muốn trở nên thánh, nghĩa là giống như Thiên Chúa.

Tuy nhiên, khi con người cắt đứt với Thiên Chúa bằng hành động phản kháng của mình, mà chúng ta gọi là tội lỗi, thì con người đánh mất hào quang thánh thiện bao trùm mình, thấy mình trần truồng, yếu đuối, tầm thường, tội lỗi và không còn cảm nghiệm được những ân sủng Chúa bao bọc mình (x. St 3,1-7). Đó là cảm nghiệm đầu tiên của Adam Eva sau khi phạm tội. Họ cảm thấy mình trần truồng, nghèo túng, tội lỗi. Càng soi mình vào Thiên Chúa như tấm gương thánh thiện, con người càng thấy mình phàm tục, tách biệt ra khỏi Thiên Chúa. Thánh Phêrô, sau khi thấy Chúa Giêsu cho các ông đánh được mẻ cá lạ lùng, đã nói với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, xin xa con ra, vì con tội lỗi” (x. Lc 5,8).

2. Cảm nhận được sự thánh thiện của Thiên Chúa

Dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể cho chúng ta hôm nay như muốn diễn tả sự cảm nhận của con người trước sự thánh thiện của Thiên Chúa. Có những người, giống như người biệt phái, chỉ biết nhìn vào mình, chỉ thấy những sự tốt đẹp của mình: mình đạo đức, ăn chay mỗi tuần hai lần, mình quảng đại dâng cho Chúa một phần mười thu nhập, mình không tham lam, bất chính, ngoại tình như những người khác! Họ không nhìn ra ngoài mình, không nhìn vào Thiên Chúa, nên không cảm nhận được sự xa cách giữa mình với Thiên Chúa, không cảm nhận được cái phàm tục của mình và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chính cái nhìn ích kỷ, đóng kín vào mình như vậy nên họ không cần cầu xin gì cả và sống mãi trong sự nghèo túng tột cùng của con người vì tất cả những gì họ có đều là ân sủng của Thiên Chúa.

Còn người thu thuế, biết nhìn ra ngoài mình để thấy được những người sống tốt hơn mình, và nhìn xa hơn để thấy được sự thánh thiện và tốt lành của Thiên Chúa. Chính vì thế anh cảm thấy mình tội lỗi và anh chỉ biết đấm ngực kêu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Chỉ có ma quỷ mới nhận ra sự thánh thiện tột đỉnh của Chúa Giêsu nên mới nói: “Chúng tôi biết Ngài là ai rồi, là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24; Lc 4,34). Chúa Giêsu cao quý, tốt đẹp vô cùng, tách biệt với con người phàm tục, tội lỗi là chúng ta. Nhưng Thiên Chúa không giữ mãi sự thánh thiện tách biệt ấy. Ngài đã phá tan khoảng cách thánh thiện và tội lỗi giữa Thiên Chúa với con người để cho Con của Ngài trở thành con người giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi, để đem sự thánh thiện của Thiên Chúa, nghĩa là đem sự sống, tình yêu, quyền năng, hạnh phúc bất diệt vô tận của Thiên Chúa chia sẻ cho con người.

Nhờ đó, chúng ta được trở thành con cái của Thiên Chúa và chúng ta được mời gọi để trở nên giống Thiên Chúa là Đấng Thánh (x. Lv 19,2; 20,26) và chia sẻ sự thánh thiện của Thiên Chúa cho mọi người. Chia sẻ sự thánh thiện chính là chia sẻ sự sống, tình yêu, quyền năng, hạnh phúc và những ơn lành mà Người ban cho chúng ta. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Chính Người sẽ thánh hoá những ai tin tưởng vào Người (x. 1Cr 1,2; Ph 1,1) nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 3,16; Ep 2,22). Chính Chúa Giêsu là con đường dẫn đến sự thật và sự sống nên tất cả những ai đi theo con đường này đều được thánh hoá để trở thành thánh nhân như lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật…vì họ, Con xin thánh hiến chính mình Con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,17.19).

Như thế, sự thánh thiện không còn là một tiến trình thụ động, là đón nhận ơn ban từ Thiên Chúa, nhưng là một tiến trình hết sức năng động, trong đó người tín hữu gắn bó với Chúa Giêsu để đón nhận tất cả sự sống, tình yêu, quyền năng, hạnh phúc mà Người ban cho chúng ta, rồi chúng ta lại chia sẻ cho muôn loài muôn vật.

Vì vậy, sự thánh thiện không còn làm chúng ta tách biệt khỏi anh chị em và vạn vật quanh mình. Nhưng, giống như Chúa Giêsu, chúng ta đến với tất cả những ai tội lỗi để tha thứ, những ai bệnh tật để chữa lành, những ai bị quỷ ám để giải thoát, những ai đã chết về thể xác và tâm hồn để làm cho họ được sống lại. Trở nên thánh thiện càng làm chúng ta gần gũi với con người hơn để chia sẻ mọi ân phúc Chúa ban sau khi gặp gỡ được chính Thiên Chúa.

Chúng ta sắp mừng lễ các thánh, chúng ta hiểu được rằng sự thánh thiện bây giờ không phải làm chúng ta xa cách nhau. Vì giống như Đức Giêsu Kitô, chúng ta giúp cho anh chị em mình cảm nghiệm được sự gần gũi của Thiên Chúa trong cuộc sống. Chúng ta càng sống khiêm tốn để nhìn thấy Chúa qua anh chị em của mình, chứ không nhìn vào mình để tự mãn với những điều Chúa ban cho mình thì chúng ta càng cảm nghiệm được sự thánh thiện của Thiên Chúa và càng truyền được sự thánh thiện đó cho người khác.

Lời kết

Hôm nay, chúng ta được mời gọi để mở lòng ra với Thiên Chúa, với anh chị em trong thái độ khiêm tốn của người thu thuế vì nhận thức được sự tách biệt vô cùng lớn lao giữa Thiên Chúa thánh thiện với con người tội lỗi. Nhận thức đó đưa chúng ta đến gần với mọi người để tha thứ, thông cảm và chia sẻ với mọi người ân phúc Chúa ban. Chính khi chúng ta hạ mình xuống thì Thiên Chúa sẽ xoá bỏ sự ngăn cách giữa chúng ta với Ngài để tôn chúng ta lên.