Chúa Nhật XV TN – C: Giải pháp cho vấn đề muôn thuở

Đời sống con người hiện nay chỉ kéo dài một vài trăm năm, nên ai cũng muốn sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi. Nhưng tất cả những giải pháp con người tìm tòi vẫn chưa mang lại câu trả lời rõ ràng, sự sống vĩnh cửu vẫn là một cái gì rất xa vời, mờ ảo mà chúng ta chưa cảm nghiệm được trong trần thế này. Chúng ta phải làm gì?

Chúa nhật XV TN – C

GIẢI PHÁP CHO VẤN ĐỀ MUÔN THUỞ

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK 

Lời mở: Vấn đề muôn thuở

Vấn đề nhà thông luật đặt ra cho Chúa Giêsu cũng là vấn đề muôn thuở của nhiều người chúng ta: làm sao để có thể sống đời đời? Cuộc sống hiện nay chỉ kéo dài một vài trăm năm, càng sống lâu càng già yếu và xấu đi nên ai cũng muốn sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi, sống trọn vẹn với tất cả quyền năng và ân phúc giống như Thiên Chúa.

Con người đã mơ ước và thực hiện không biết bao nhiêu biện pháp để đạt được điều đó. Người ta đi tìm trong thiên nhiên củ nhân sâm, hà thủ ô ngàn năm, tìm trong những đạo pháp, tôn giáo vì nghĩ rằng chỉ tôn giáo mới giới thiệu một Thiên Chúa vĩnh hằng. Nhưng tất cả những giải pháp ấy hình như chưa mang lại cho chúng ta một câu trả lời rõ ràng, sự sống vĩnh cửu vẫn là một cái gì rất xa vời, mờ ảo mà chúng ta chưa cảm nghiệm được trong trần thế này.

1. Những giải pháp đề nghị

Hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta giải pháp để đạt được sự sống đời đời: “Hãy yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn và hãy yêu người thân cận như chính mình”. Đơn giản là yêu thương! Nhưng yêu Chúa, yêu người như thế nào? Về vấn đề này, mỗi tôn giáo lại giải thích khác nhau. Chúa Giêsu đã giới thiệu cho chúng ta nhiều loại giải pháp được tượng trưng qua các nhân vật trong dụ ngôn Người Samari.

Giải pháp đầu tiên, đặc biệt của những người theo các tôn giáo, là Chúa. Chúa là tất cả, nguồn sự sống đời đời, nguồn chân thiện mỹ nên tìm về Chúa thì con người sẽ đạt được những điều đó. Vì thế, họ dồn tất cả cho Thiên Chúa “theo đúng phần đầu của giới răn yêu Chúa: hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn”. Giải pháp này tượng trưng qua hình ảnh người tư tế. Người này thấy được nhiệm vụ của mình là phụng thờ Chúa nên cố gắng thực hiện, dù trên đường đi có người bị thương. Ông đã có mục đích của đời mình nên bỏ qua tất cả.

Giải pháp thứ hai, đó là thái độ của thầy Lêvi. Thầy Lêvi là người chuyên về luật pháp và tổ chức trong xã hội Do Thái. Ông xác định rằng những chuyện về Thiên Chúa để cho thầy tư tế lo, còn mình chỉ cố gắng tổ chức xã hội thế nào cho  tốt đẹp, trọn vẹn: lo ăn, lo mặc, lo giáo dục, văn hoá, an ninh… bằng những định chế, luật pháp. Ông tượng trưng cho loại người thể hiện phần sau của giới răn “yêu người thân cận như chính mình”. Nhưng những hoạt động xã hội lo lắng cho con người như vậy vẫn không trả lời đúng câu hỏi “làm sao đạt được sự sống đời đời?” bởi vì lo ăn, lo mặc, lo chữa bệnh, giáo dục, văn hoá, trật tự an ninh thì cũng chỉ giúp sống một đời người thôi chứ đâu kéo dài mãi mãi.

Chúa Giêsu đưa ra giải pháp thứ ba, qua hình ảnh người Samari. Người này biết tổng hợp hai phần của giới răn. Ông thấy bệnh nhân bị đánh nhừ tử đang ở trước mặt mình. Ông đã săn sóc bệnh nhân, lo lắng cho họ. Chúa Giêsu đã nói với nhà thông luật: “Ông hãy đi và làm như vậy thì sẽ được sống đời đời”. Nhưng, tại sao lo cho con người mà lại được sự sống đời đời?

2. Con người hiện thực là giải pháp cho đời sống vĩnh hằng

Con người ở đây không đơn giản như chúng ta nghĩ. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa khi Chúa dựng nên con người (x. St 1,26-27). Bài đọc thứ II của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Colosê (x. Cl 1,15-20) còn nói rõ hơn: “Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành” (Cl 1,15-16). Người bị thương nằm đó đi từ Giêrusalem xuống Giêricô gợi ý cho chúng ta: Giêrusalem tượng trưng cho thiên quốc, là nơi ở của Thiên Chúa; xuống Giêricô là xuống trần gian. Vậy người đó là hình ảnh của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, bị đánh đập, bỏ rơi và “nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1, 20).

Khi chúng ta phục vụ con người, lo lắng cho con người, nhất là những người nghèo yếu, tật bệnh, bị gạt ra ngoài lề xã hội và nhận ra Thiên Chúa trong những con người đó, là chúng ta đạt được sự sống đời đời vì chúng ta được nối kết một cách cụ thể với Thiên Chúa. Ngài là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, nguồn sống vô tận, sẽ ban thưởng cho ta. Giải pháp này rất đơn giản nhưng nhiều tôn giáo và tổ chức xã hội đã quên mất điều đó như vị tư tế và thầy Lêvi đã bỏ qua.

 3. Giải pháp yêu Chúa có thể ứng dụng sai!

Quả thật, tôn giáo dạy chúng ta biết Thiên Chúa là tất cả, nên chúng ta phải yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí khôn. Nếu thế thì còn đâu tình yêu dành cho con người! Khi chúng ta dành cho Chúa tất cả và chỉ chú ý đến Chúa, chú ý đến thần linh, thì rất nhiều khi chúng ta bỏ quên con người, giống như thầy tư tế không nhìn thấy giải pháp con người trước mắt có thể dẫn đến sự sống đời đời. Nhiều người trong các tôn giáo và ngay cả Công giáo trong nhiều thế kỷ đã đi vào con đường đó. Chúng ta tập trung đời sống đạo đức cho giờ kinh, buổi lễ, cầu nguyện, cho việc tổ chức nghi thức phụng tự hết sức trang nghiêm, hoành tráng trong những đền thờ nguy nga tráng lệ nhưng chúng ta quên con người, thậm chí còn xúc phạm và bóc lột con người.

Karl Marx, ông tổ của Chủ nghĩa Cộng sản, vào thời của ông, đã nhận thấy những chủ đất bóc lột những nông nô, bắt họ làm đầu tắt mặt tối, ăn thiếu, mặc thiếu đối với cái lạnh cắt thịt ở Nga mà vẫn cứ hô hào: các anh chị em cố gắng chịu đựng, làm việc, vâng phục những người chủ như vâng phục Thiên Chúa, khi chết Chúa sẽ cho lên thiên đàng! Ông thấy rằng tôn giáo kiểu đó chỉ là thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng và ông đã chủ trương vô thần, dù rằng ông là một sinh viên theo tôn giáo và học ở đại học của các cha Dòng Tên.

Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy nhìn lại. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta: “Con người là con đường của Thiên Chúa và là con đường của Giáo Hội, bởi vì Thiên Chúa đã trở thành người, đã mang lấy hình hài của con người và con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa”. ĐTC Bênêđictô XVI trong hai Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêuBác ái trong Chân lý luôn luôn nhắc nhở chúng ta: “Bản chất của người Kitô hữu và bản chất của Giáo Hội gồm ba yếu tố: đời sống phụng tự  – hoạt động bác ái – loan báo Tin Mừng. Đời sống phụng tự giúp chúng ta gắn bó với Thiên Chúa, nhận được những ân sủng và tình yêu của Ngài vì Thiên Chúa là tình yêu, rồi diễn tả thành những hành động bác ái cụ thể dành cho con người và vạn vật. Những hành động đó mang tính cách truyền giáo vì khi chúng ta làm cho người ta thấy tình yêu của Thiên Chúa là chúng ta lôi kéo người ta tin vào Đức Giêsu Kitô. Như thế, ba yếu tố đó làm thành một bản chất. Nhưng, có lẽ bị ảnh hưởng từ nhiều thế kỷ, nên nhiều tín hữu đã bỏ quên con người và chỉ tập trung đi tìm Thiên Chúa qua cử hành phụng vụ bí tích.

4. Giải pháp yêu người cũng có thể ứng dụng sai!

Trong khi đó, để phản ứng lại thái độ “bỏ quên con người” của rất nhiều tín hữu trong các tôn giáo, xã hội trần thế muốn thực hiện phần hai của giới luật “yêu thương người thân cận như mình” một cách triệt để. Người ta đã tổ chức chính quyền hoàn toàn theo ý thức hệ vô thần, gạt Thiên Chúa ra khỏi đời sống dân sự. Nước Pháp bắt đầu với Cuộc Cách Mạng 1789, từ đó kéo theo các nước khác và các tổ chức khác theo đường hướng này. Người ta không còn muốn dạy giáo lý trong các trường học, không muốn các linh mục, tu sĩ mặc áo dòng đi ngoài đường vì sợ ảnh hưởng tôn giáo, sợ gợi lên hình ảnh của Thiên Chúa trong đời sống. Người ta bỏ tên Thiên Chúa, bỏ những hình ảnh đạo đức trong các trường và chỉ lo tổ chức xã hội cho tốt đẹp, làm sao để con người được ăn ngon, mặc đẹp, có an ninh trật tự, vượt qua bệnh tật, được giáo dục…

Tuy nhiên, cuối cùng con người cũng chết, không kéo dài được đời sống, không cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu vĩnh hằng của Thiên Chúa ngay trong con người của mình. Tại sao? Tại vì con người hữu hạn không thể cho mình cái vĩnh hằng, tuyệt đối, vô biên. Con người không thể tự hoá thành thần, thành Chúa! Con người không thể tự cứu độ mình!

5. Giải pháp của người Samari

Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn vào người Samari để hành động như người đó đối với mọi người sống quanh ta, nhìn ra hình ảnh Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, trong từng người anh em đang sống gần mình để phục vụ, yêu thương và tha thứ. Khi chúng ta hiểu được rằng mỗi hành động mình làm cho người anh em là phục vụ Thiên Chúa với tất cả tâm hồn, trí khôn, sức lực của mình thì tình yêu Thiên Chúa với tình yêu con người được gắn bó thành một. Chính khi thực hiện tình yêu thương như vậy chúng ta sẽ cảm thấy sức lực kỳ diệu bắt nguồn từ Thiên Chúa chuyển thông qua ta, cảm nghiệm được Chúa đang yêu thương ta, đang chia sẻ quyền năng và ân sủng của Ngài để khi ta chạm tay vào người bệnh thì họ được chữa lành, tác động vào những người đang bị các thần ác ám ảnh thì họ được giải thoát.

Đó là giải pháp rất đơn sơ mà bài Phúc Âm hôm nay muốn giới thiệu. Chúng ta không phải tìm ở đâu xa. Bài đọc I (Đnl 30,10-14) nói rằng không cần phải lên trời hay vượt biển mới nắm được giải pháp tìm ra được sự sống vĩnh hằng. Giải pháp đó là người anh em cụ thể, hình ảnh Ngôi Lời Thiên Chúa, đang ở trước mặt ta, ở gần ta và ta phải yêu thương họ hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn y như yêu Chúa thì chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự sống thần linh của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

Kết luận

Cầu mong mọi người chúng ta tìm ra được giải pháp đó nơi những người thân yêu của mình, nơi bạn bè, đặc biệt nơi những con người khốn khổ đang cần chúng ta yêu thương và phục vụ.