Chúa Nhật IV TN – C: Sứ mạng làm tiên tri nói lời yêu thương

Một trong những định hướng quan trọng của người tín hữu Kitô là sứ mạng làm tiên tri để loan báo lời yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người như Đức Giêsu Kitô.Vì thế, chúng ta cùng tìm hiểu về sứ mạng này để thấy mình cần phải nói như thế nào trong đời sống thường ngày.

 

Sứ mạng làm tiên tri nói lời yêu thương

Hành Khất Kitô

Lời mở

Một trong những định hướng quan trọng của người tín hữu Kitô là sứ mạng làm tiên tri để loan báo lời yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người như Đức Giêsu Kitô. Bài đọc I (x. Gr 1,4-5.17-19) báo cho chúng ta sứ mạng đó với lời trang trọng của Chúa: “Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc. Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi”. Bài Tin Mừng (x. Lc 4,21-30) lại tường thuật cho ta về vị tiên tri vĩ đại nhất trong lịch sử là Đức Giêsu đã hành động như thế nào khi Người rao giảng ở Nazareth, để ta biết loan báo lời tình yêu của Thiên Chúa giống như Người mà bài đọc II (1Cr 13,4-13) về bài ca bác ái của thánh Phaolô muốn diễn tả.

Vì thế, chúng ta cùng tìm hiểu về sứ mạng này để thấy mình cần phải nói như thế nào trong đời sống thường ngày.

1. Sứ mạng làm tiên tri

1.1. Từ ngữ

Xét về mặt từ ngữ, nói đến tiên tri là ta nghĩ ngay đến một số người biết trước sự việc để hướng dẫn và truyền đạt vì “tiên” có nghĩa là trước, là hướng dẫn; còn “tri” là hiểu biết, thông truyền. Nếu xét nguồn gốc Kinh Thánh thì tiên tri có gốc tiếng Hypri là nabi, nghĩa là “người được gọi” và được dịch sang tiếng Hy Lạp là prophetes: “người nói nhân danh ai, sứ giả” hoặc có thể dịch là “ngôn sứ”, có nghĩa là vị sứ giả chuyển lời.

1.2. Sứ mạng của vị tiên tri

Như thế, tiên tri là người được Thiên Chúa gọi (x. Gr 1,5; Is 49,1; Ed 3,14) làm sứ giả để nhân danh Thiên Chúa nói và truyền đạt sứ điệp của Ngài (x. Gr 1,9; Is 6,6-10; Ed 3,1-11), đôi khi báo trước điều sẽ xảy ra cho dân Chúa để nhắc nhở họ những đòi hỏi của giao ước trong những hoàn cảnh cụ thể của đời sống (x. Đnl 18,9-22).

Bằng lời nói và việc làm, đôi khi bằng những cử chỉ trượng trưng (Is 8,18; Gr 32; Hs 1,3), tiên tri kêu gọi dân chúng trung thành với giao ước của Thiên Chúa, vạch trần tội lỗi của họ (Gr 7,8-11), kêu gọi họ hoán cải. Vì nói thẳng, nói thật nên cuộc đời của các tiên tri thường gặp nhiều bách hại (1V 18,4; Gr 2,30; Nkm 9,26) (x. UBGLĐT, Từ điển Công giáo 500 mục từ, NXB Tôn giáo, 2011).

2. Đức Giêsu là vị ngôn sứ cánh chung

Bây giờ, chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu vì Người là vị tiên tri đặc biệt, vị ngôn sứ cánh chung.

2.1. Vị tiên tri đặc biệt

Khi rao giảng về nước Thiên Chúa và kêu gọi mọi người sám hối, Đức Giêsu đã hành động như các tiên tri trong lịch sử Do Thái. Dân chúng coi Người là một tiên tri (x. Mc 6,15; Lc 9,8; Mt 16,14; Mc 8,20; Lc 9,19). Chính Đức Giêsu cũng ngầm nhận mình là tiên tri khi Người tuyên bố ở Nazareth: “Không 1 tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24, x. Mt 13,57; Mc 6,4). Người đàn bà Samaria, người mù từ lúc mới sinh được Chúa chữa khỏi cũng xác nhận Người đúng là vị tiên tri.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu là vị tiên tri đặc biệt vì Người không chỉ lặp lại những lời Thiên Chúa trong giao ước để nhắc nhở dân Chúa, Người còn là Ngôi Lời Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa nói trực tiếp cho con người với tất cả uy quyền của mình. Khi Đức Giêsu nói lời tha tội, trong tư cách là Thiên Chúa, Người nói với người bất toại, để chứng minh cho dân chúng thấy Con Người có quyền tha tội dưới đất, Người nói: “Anh hãy đứng dậy, vác chõng mà về nhà” (x. Mt 9,1-8). Để chứng minh Người là lời ban sự sống, Người đã làm cho Lazarô, con trai bà goá thành Naim, con gái ông Giairô sống lại bằng một vài lời ngắn ngủi. Người can đảm vạch trần tội lỗi cứng lòng tin của dân thành Nazareth và nói lên sự thật khiến họ muốn loại trừ Người “nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” trong quyền năng của Thiên Chúa.

2.2. Vị tiên tri cánh chung nói lời yêu thương của Thiên Chúa

Người là lời của Thiên Chúa tình yêu vì Thiên Chúa được định nghĩa là tình yêu (x. 1Ga 4,16), Đức Giêsu chính là lời tình yêu của Thiên Chúa nói cho mọi người vì “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16). Đức Giêsu chính là Thiên Chúa cụ thể, là lời tình yêu cụ thể dành cho muôn loài. Thư Do Thái đã nói: “Thuở xưa,Thiên Chúa đã phán dạy cha ông qua các tiên tri bằng nhiều lần nhiều cách; nhưng vào thời cuối cùng này Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con” (Dt 1,1-2) . Để chứng thực Đức Giêsu chính là lời của Thiên Chúa, Thánh Thần đã ngự xuống trên Chúa Giêsu khi Người chịu phép rửa ở sông Giođan dưới hình chim bồ câu và có lời Chúa Cha đã xác nhận: “Đây là con yêu dấu của Ta”.

Đức Giêsu còn là vị tiên tri cánh chung, nghĩa là người cuối cùng bao gồm tất cả quyền năng của lời Thiên Chúa. Người là “vị tiên tri phải đến” (x. Cv 3,22; 7,37; Ga 6,14) để hoàn thành và kết thúc truyền thống tiên tri. Lời Chúa từ nay không còn chỉ là những âm thanh, chữ viết, hành động rời rạc mà trở thành 1 ngôi vị, 1 con người sống động ở luôn với con người để biến con người trở thành Lời Thiên Chúa giống như Người. Từ đó bắt nguồn sứ mạng làm tiên tri của chúng ta.

3. Sứ mạng tiên tri của mỗi Kitô hữu

3.1. Nhận lãnh sứ mạng nói lời yêu thương

Khi chịu phép Rửa Tội, ta đã được xức dầu thánh trên đỉnh đầu để chia sẻ sứ mạng làm tiên tri, vương đế, tư tế của Chúa Giêsu. Từ đó, chúng ta được tràn đầy Chúa Thánh Thần để có thể nói lời của Thiên Chúa cho mọi người. Khi lớn lên, chịu bí tích Thêm Sức, ta đón nhận nhiều ơn Thánh Thần hơn để làm chứng cho Chúa Giêsu qua lời nói và hành động. Như thế, chúng ta thật sự là tiên tri của Chúa vì được gắn bó với Chúa Giêsu, trở thành chi thể của Người, thành hiện thân sống động của Người cho mọi người mọi vật. Ý thức được sứ mạng ấy, ta mới thấy từng lời nói, hành động của mình có sức mạnh lạ lùng.

Sáng nay, khi đến cửa nhà thờ giáo xứ Chợ Đũi để dâng lễ, tôi gặp một người đàn ông chừng 40 tuổi. Anh xin tôi dâng lễ tạ ơn vì Chúa đã cứu chữa anh thoát khỏi cơn bệnh nặng. Tôi nhớ người vợ đã đưa anh đến gặp tôi một vài lần cách đây 2 năm trước vì anh bị bệnh ung thư khá nặng, bác sĩ chẩn đoán chỉ còn sống được vài tháng. Trong bài giảng tôi xin anh kể cho mọi người trong nhà thờ về việc Chúa đã cứu chữa anh qua lời cầu nguyện như thế nào và cả nhà thờ vỗ tay chúc mừng anh.

Quả thật, những lời cầu nguyện hay lời nói của chúng ta bên ngoài có vẻ tầm thường, nhưng khi chúng ta nói ra bằng Thần Khí của Chúa Giêsu, đó lại là lời chữa lành bệnh tật, lời cứu độ của Thiên Chúa vì có thể làm cho con người sống lại, dù họ chết về thể xác hay tinh thần. Hơn nữa, lời tình yêu đó, khi nói với vạn vật, có thể khiến gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều.

3.2. Thể hiện sứ mạng trong đời sống

Tuy nhiên, xét lại đời sống, nhiều khi lời nói của ta chỉ bộc lộ những tình cảm yêu thương tự nhiên của con người chứ chưa thể hiện tình yêu mãnh liệt vĩnh hằng của Chúa. Rồi lắm khi lời nói của ta lại biểu lộ sự giận dữ, bực bội, thù ghét nên thay vì mang lại niềm vui, hạnh phúc, bình an… thì lại gây đau khổ, bất hạnh, thiệt hại lớn lao cho con người. Đó là những lời nói xấu, nói tục, nói dối, lời chia rẽ, gièm pha…Hôm nay, suy nghĩ về sứ mạng làm tiên tri cho muôn dân tộc và cho cả vũ trụ, chúng ta được mời gọi để xét lại lời nói hằng ngày của mình.

Muốn cho lời con người trở thành lời kỳ diệu của Chúa, chúng ta phải gắn bó với Chúa Giêsu, qua đời sống bí tích, nhất là mỗi khi rước Mình Máu Thánh Chúa, qua việc gắn bó với lời của Thiên Chúa trong Kinh Thánh, qua đời sống cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy lời của chúng ta dần dần sẽ thay đổi.

Trước khi nói lời nóng giận, tiêu cực với con cái, bạn bè, người thân… chúng ta nên hít dài hơi và nói thầm với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thần Khí để lời con nói ra là lời của Chúa”. Khi thở ra, chúng ta nói: “Lạy Chúa, xin xua đuổi khí dơ ra khỏi lòng con”. Khí dơ đó là những buồn phiền, lo lắng, hận thù, chán nản, thất vọng, sợ hãi… Mỗi lần thở như vậy là chúng ta thanh tẩy con người, làm chủ được cảm xúc của mình. Ngoài phương cách siêu nhiên, còn có những phương cách tự nhiên: thay vì nói ngay lời giận dữ, bực bội, chúng ta uống một ly nước lạnh hoặc đi rửa mặt, ăn nhiều rau, tắm nhiều hơn, ngủ nhiều hơn để thần kinh thư giãn giúp ta làm chủ được lời nói của mình.

Lời kết

Hôm nay, suy nghĩ về sứ mạng làm tiên tri để nói lời yêu thương như Chúa Giêsu, chúng ta hãy thường xuyên thở hít Thần Khí Sự thật và Tình yêu để trở thành hiện thân của lời Chúa là chính Đức Giêsu Kitô cho mọi người.