06/10/2024

Chúa Nhật XIX TN – B: Sự sống toàn diện

Chúa Giêsu, qua bài Tin Mừng hôm nay (x. Ga 6,41-51), mời gọi người Do Thái và chúng ta hãy khám phá ra sự sống kỳ diệu phi thường của con người để tìm được đúng thứ lương thực cần thiết.

Sự sống toàn diện

Hành Khất Kitô

Lời mở

Hai tuần qua chúng ta đã tìm hiểu về cái đói thể xác và cái đói tinh thần. Nhưng con người toàn diện bao gồm cả thể xác lẫn tinh thần. Vì thế, hôm nay chúng ta muốn nói đến sự sống toàn diện mà Đức Giêsu, là Bánh hằng sống, sẽ ban cho con người, sau khi Người làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để giới thiệu sự sống kỳ diệu ấy cho người Do Thái. Hai câu hỏi đặt ra cho ta: sự sống toàn diện là gì và cần loại lương thực nào để phát huy sự sống đó?

1. Sự sống toàn diện là gì ?

Ngay trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển này, rất nhiều người vẫn chưa hiểu được sự sống toàn diện là gì.

1.1. Sống là gì?

Từ điển Tiếng Việt đã định nghĩa: “Sống là tồn tại ở hình thái có trao đổi chất với môi trường bên ngoài, có sinh đẻ, lớn lên và chết” (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2005). Thật ra câu định nghĩa trên chỉ mô tả sự sống mà con người đang thấy diễn ra trong vạn vật quanh mình chứ chưa xác định được sự sống thật sự là gì?

Hơn nữa, do ảnh hưởng của thuyết Tiến hoá được nhà khoa học Darwin (1809-1882) trình bày, người ta cho rằng: sự sống là kết quả vận động ngẫu nhiên của vật chất. Cách đây tám tỉ năm, trái đất tách ra từ khối lửa mặt trời, nó nguội dần. Các chất khí bao quanh nó kết hợp với nhau như Oxy phối hợp với Hydro tạo thành nước, môi trường nước ấy lại tác động lên chất khác, nhất là 4 chất cơ bản: Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ để tạo thành những chất vô cơ rồi đến hữu cơ.

Cách đây một tỉ năm, tế bào có sự sống đầu tiên xuất hiện. Nó sinh sản, biến đổi và phối hợp thành những đa bào, là các loài rong tảo ở dưới biển, và tiến hoá thành các loài tôm cá. Một số loài cá lên bờ sống trong môi trường không khí, chúng biến đổi ngày càng phức tạp để hình thành những sinh vật hạ đẳng, rồi đến sinh vật thượng đẳng có xương sống, có bộ não như các loài khỉ, vượn người, rồi đến con người sơ khai cách đây khoảng ba triệu năm. Cuối cùng, “con người biết suy tư” như chúng ta bây giờ chỉ mới xuất hiện khoảng bốn mươi ngàn năm.

Căn cứ vào quá trình tiến hoá trên, người ta nghĩ rằng sự sống chỉ là kết quả bất ngờ, ngẫu nhiên của vật chất tiến hoá, chứ không bắt nguồn từ đâu cả, thậm chí từ thần linh, từ ông Trời (Trời sinh, Trời dưỡng) hay từ Thiên Chúa như các tôn giáo đã dạy. Khuynh hướng duy vật, vô thần này đang ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong đời sống con người nơi xã hội hôm nay khiến người ta chỉ lo kiếm tìm vật chất mà không khám phá ra được sự sống toàn diện, phi thường của con người.

1.2. Nhiều bậc sống khác nhau

Quan sát vạn vật gần hơn, ta sẽ thấy có nhiều bậc sống khác nhau: từ những chất vô cơ không có sự sống như cuốn sách, hòn đá, nắm đất cho đến sự sống của các loài thực vật, động vật và cuối cùng là của con người. Khoa học dừng lại ở đó, không thể đi xa hơn vì không còn cân đo đong đếm được bằng các phương tiện, máy móc của mình.

Nhưng ngay cả các chất vô cơ cũng có cấu trúc vô cùng phức tạp. Một giọt nước nhỏ bé cũng có hàng tỷ phân tử, nguyên tử, điện tử sắp đặt từng lớp lang KLMN theo đúng những định luật vật lý hoá học rõ ràng, khiến các nhà khoa học biết suy tư luôn đặt câu hỏi: “Ai đặt ra những định luật đó?”. Dạng sống đầu tiên là của thực vật như cây cỏ, bông hoa đang có trước mắt ta. Chúng đứng yên một chỗ, sống vài tháng, vài năm rồi khô héo chết đi. Dạng sống của động vật như con gà, con chó, cao hơn, phức tạp hơn: chúng di chuyển được, thích nghi được với môi trường bên ngoài, có loài còn biết kêu, biết tập luyện theo thói quen và bản năng.

Dạng sống của con người cao cả nhất và kỳ diệu vô cùng vì bao gồm cả sự chuyển hoá của chất vô cơ, các dạng hoạt động của thực vật, động vật trong thể xác con người cũng như các hoạt động của lý trí, ý chí, tình cảm và các khả năng khác như trí hiểu, trí nhớ, trí tưởng tượng… trong tinh thần con người. Nhờ tinh thần, con người có thể mở ra tới vô tận, tới cõi vĩnh hằng và khám phá ra các bậc sống khác của các người đã chết, của các thần linh và của chính Chúa Trời (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 130).

Như thế, sự sống là một mầu nhiệm vượt quá những suy luận và kiểm chứng của khoa học kỹ thuật. Sự sống toàn diện bao gồm 4 lĩnh vực và 4 mối tương quan: lĩnh vực thể lý và tinh thần, tự nhiên và siêu nhiên, nội tâm và ngoại giới, cá nhân và tập thể cũng như các mối tương quan với Nguồn là Chúa Trời, với người khác, với vạn vật, với chính bản thân (SĐD, số 105-159). Điều đáng quan tâm hiện nay là nhiều người Việt Nam được sinh ra và giáo dục trong não trạng vô thần, duy vật nên khó lòng cảm nghiệm được sự phong phú diệu kỳ của tinh thần và cũng chẳng thấy cần phải tìm thứ lương thực phù hợp để nuôi dưỡng, phát huy sự sống toàn diện đó.

2. Đức Giêsu là bánh từ trời xuống

2.1. Cần quan tâm đến đời sống toàn diện

Dạng sống của con người là một công trình kỳ diệu và khoa học cảm thấy choáng váng khi nghiên cứu cấu trúc hàng tỉ gen của nhiễm sắc thể tạo thành nên con người. Chúng giống như 4,5 thành phần cấu tạo nên chiếc bút bi mà người làm ra phải sắp đặt đúng cách thì mới dùng được. Còn nếu thử bỏ các thành phần ấy vào trong một cái hộp rồi lắc liên tục không ngừng để chúng ngẫu nhiên lắp thành cây bút thì có lẽ lắc suốt đời người hay cả đời con, đời cháu cũng không thể thành công.

Vậy mà có hàng tỷ con người ngày nay đang khi công nhận những định luật do khoa học khám phá trong vạn vật, lại chối bỏ tinh thần đặt ra những định luật đó. Họ nói nhiều đến tự do, độc lập, đến tình yêu, tư tưởng, đến sự sống, hạnh phúc, đến sự thật, sự thiện, cái đẹp… trong khi lại chối bỏ, thậm chí lên án những người tin tưởng, Đấng là Tinh thần Tuyệt đối, là nguồn tình yêu và tư tưởng, nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên. Họ chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, tạm bợ, giới hạn ở trần thế này thay vì phát huy đời sống tinh thần, mở ra tới vô biên để thấy mình có thể sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi. Tuy nhiên, dù họ có chối bỏ, bất công và gian ác đến đâu, họ vẫn nên nhận ra một điều: họ đang sống, được mời gọi để sống trọn vẹn con người toàn diện của mình và sẽ phải mang trách nhiệm về sự sống đó.

Ta có thể so sánh họ phần nào giống như tiên tri Elia trong bài đọc I (1V 19,4-8). Ông mệt mỏi, chán chường, chỉ muốn chết cho thoát khổ khi phải trốn chạy hoàng hậu Ideven. Nhưng Chúa đã gửi cho ông lương thực thần linh để ông có sức đi suốt 40 ngày đêm trong sa mạc và đến gặp Chúa tại núi Khorếp. Lương thực này giúp ông cảm nghiệm về đời sống kỳ diệu, phi thường của chính mình.

2.2. Bánh hằng sống từ trời xuống

Chúa Giêsu, qua bài Tin Mừng hôm nay (x. Ga 6,41-51), mời gọi người Do Thái và chúng ta hãy khám phá ra sự sống kỳ diệu phi thường của con người để tìm được đúng thứ lương thực cần thiết. Đó không phải là manna được ban cho cha ông họ suốt 40 năm trong sa mạc, nhưng vì tổ tiên họ không tin tưởng nên đã chết. Bánh đó phải là thứ từ trời xuống để đưa tính vĩnh hằng, vô biên, tuyệt đối, siêu nhiên của Chúa Trời vào trong tính tạm bợ, hữu hạn, tương đối, tự nhiên của con người. Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Người có đủ các yếu tố, lĩnh vực và mối tương quan của đời sống toàn diện này nên đã tự giới thiệu mình: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6,41). “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51).

Người Do Thái xầm xì phản đối vì họ không tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa dù họ thấy tận mắt Người làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ. Họ cho rằng Giêsu chỉ là con ông Giuse và bà Maria thôi. Họ không tin bởi vì họ không nhận ra, qua các dấu hiệu lạ lùng, Chúa đang mời gọi họ khám phá ra tình yêu của Chúa Cha trên trời, Ngài lôi kéo họ đến với Chúa Giêsu (x. Ga 6,44-46) và chia sẻ sự sống phi thường của Người.

Để cảm nghiệm sự sống toàn diện đó, chúng ta đừng vội vã, nôn nóng chạy theo những phong trào đạo đức bất thường, chạy theo những cuộc hiện ra của Chúa, của Đức Mẹ ở nơi này nơi khác, tốn tiền cho các cuộc hành hương khắp nơi, học hết phương pháp chữa bệnh này hay trừ quỷ nọ… Đức Giêsu chỉ yêu cầu ta một điều: Hãy tin Người (Ga 6,29.48).

Lời kết

Tuy nhiên, để lòng tin vào Chúa Giêsu mỗi ngày rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn, trong sáng hơn, thánh Phaolô mời gọi ta hôm nay: “Chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa. Đừng chua cay gắt gỏng, nóng nảy, giận hờn và loại trừ mọi hành vi gian ác. Hãy đối xử tốt với nhau, tha thứ cho nhau, hy sinh cho nhau, bác ái và yêu thương nhau” (Ep 4,31-5,2). Đó là thứ lương thực Giêsu bảo ta dùng hằng ngày để phát huy sự sống toàn diện của mình.