Chúa Nhật XV TN – B: Vấn đề xua trừ ma quỷ

Trong thời đại khoa học này, nhiều tín hữu cho rằng việc trừ quỷ là chuyện hoang đường. Vì thế, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu đôi chút về vấn đề xua trừ ma quỷ theo giáo huấn Giáo hội Công giáo để có thể làm chứng cho Chúa Giêsu.

 

Vấn đề xua trừ ma quỷ

Hành Khất Kitô

Nhập đề

Dù chúng ta chỉ là người bình thường, thậm chí đi chăn nuôi súc vật như tiên tri Amos (x. Am 7,12-15), nhưng “Chúa đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, cho ta hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần… để quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,3-14). Vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Mc 6,7-13), Đức Giêsu ban cho các tông đồ quyền trên các thần ô uế để các ông trừ quỷ, xức dầu chữa lành bệnh nhân.

Tuy nhiên, trong thời đại khoa học này, nhiều tín hữu cho rằng việc trừ quỷ là chuyện hoang đường. Vì thế, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu đôi chút về vấn đề xua trừ ma quỷ theo giáo huấn Giáo hội Công giáo để có thể làm chứng cho Chúa Giêsu.

1. Chuyện ma, chuyện quỷ!

Nhiều người nhát ma, sợ quỷ nhưng lại rất thích nghe những chuyện kinh dị loại này. Người Á Đông có bộ truyện Liêu Trai Chí Dị gồm khoảng 500 truyện, do nhà văn Bồ Tùng Linh (1640-1715), người Trung Hoa viết về những cuộc tình duyên giữa người với ma. Người châu Âu có bộ truyện Ma Cà Rồng, do nhà văn Peter Plogojewitz, người Serbia, viết năm 1725, kể về các con ma chuyên hút máu người sống; hay bộ truyện về Victor Frankenstein của nhà văn Mary Shelley viết năm 1817. Ngày nay, với những máy móc và kỹ thuật mới mẻ, các bộ phim đủ loại về ma quỷ được thực hiện bằng các kỹ xảo điện ảnh càng thu hút người xem vì đáp ứng được thị hiếu thích những trò quái đản, kinh dị của một số người.

Trong lĩnh vực tôn giáo, việc trừ quỷ của Đức Giêsu trong các sách Tin Mừng được nhắc đến nhiều lần (x. Mc 1,21-28; 5, 1-20; 7,24-30; 7,31-37; 9,14-29; Mt 9,32-34; Lc 4,31-37; 13,10-17) và các tín hữu tin đó là những việc có thật trong lịch sử. Nhưng từ thế kỷ 19 đến nay, nhiều nhà Thánh Kinh Tin Lành cũng như Công giáo, chủ trương giải trừ huyền thoại trong Tin Mừng, đã cho rằng những người được Đức Giêsu trừ quỷ chỉ là bệnh nhân bị tâm thần hoang tưởng hay phân liệt chứ không phải bị ma quỷ thống trị thật sự.

Nhiều tín hữu Công giáo cho tới bây giờ vẫn nghĩ rằng sau khi chết hồn con người không thể đi lang thang hay sống vất vưởng để nhập vào người này, vật nọ như nhiều tôn giáo khác vẫn tin mà phải ở một nơi chốn nhất định là thiên đàng, hoả ngục hay luyện ngục. Họ chưa biết một số điểm giáo lý mới về tình trạng của hồn người sau khi chết được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo diễn tả trong các phần về “phán xét riêng, thiên đàng, luyện ngục, hoả ngục” từ số 1020-1037, về sự sa ngã của các thiên thần biến thành quỷ dữ ở số 391-395 và “việc Thiên Chúa cho phép ma quỷ hoạt động quả là một mầu nhiệm lớn lao, nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài (Rm 8,28)” (số 395).

2. Những điểm giáo lý mới về ma quỷ

Công đồng Vaticanô II (1962-1965), trong nhiều văn kiện, đã nói đến tác động của ma quỷ trong đời sống con người (x. Hiến chế Lumen Gentium, số 16; Hiến chế Gaudium et Spes, số 13), đến việc Thiên Chúa đã cho người nữ chiến thắng con rắn (x. Hiến chế Lumen Gentium, số 55), việc Đức Giêsu Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực ma quỷ (x. Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 16; Sắc lệnh Ad Gentes, số 3, 9) khi bẻ gãy quyền lực của sự dữ (x. Hiến chế Gaudium et Spes, số 2) và xua đuổi ma quỷ (x. Hiến chế Lumen Gentium, số 5).

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo do Bộ Giáo lý Đức tin soạn thảo được công bố năm 1992, nhưng bản dịch Việt ngữ mới chỉ được Hội đồng Giám mục Việt Nam chính thức cho phép sử dụng năm 2009, vì thế nên nhiều tín hữu chưa biết đến các điểm giáo lý mới. Trong bộ sách này có 40 số nhắc đến ma quỷ với các công việc của chúng (x. số 394-95, 398, 2851-52), đến việc Chúa Giêsu bị quỷ cám dỗ (x. 538-40, 566, 2119), quyền thống trị của Chúa Giêsu trên ma quỷ (x. 421,447, 539, 550, 635-36, 1086, 1708), việc trừ quỷ (x. 517, 550, 1237, 1673) cũng như cuộc chiến đấu của con người chống lại quyền lực của bóng tối (x.407-409)…

Chúng ta muốn lưu ý trong nhiều số đó, các dịch giả Việt ngữ dùng từ “ma quỷ” ở số nhiều trong khi nguyên bản dùng từ “quỷ” ở số ít với nguyên nghĩa “dia-bolos” là “kẻ phá ngang kế hoạch của  Chúa” (x. số 2851), “thủ lãnh thế gian” (x. số 2853), chứ không theo nghĩa “Màra, Ma-la” là “ma quỷ” phá phách con người theo giáo lý Phật giáo (x. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tự điển Phật học Hán Việt, Hà Nội, 1992).   Chắc chắn chúng ta cần phân biệt ma và quỷ là hai loài khác nhau. Theo ngôn ngữ bình dân, được Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ học ghi lại, ma chỉ hồn người chết còn quỷ là con vật tưởng tượng dưới âm phủ, hình thù kỳ dị và dữ tợn, hiện lên quấy nhiễu và làm hại người. Đối chiếu với niềm tin Kitô giáo, ma được hiểu là hồn người đã chết, còn quỷ là thiên thần sa ngã, cắt đứt hoàn toàn sự hiệp thông với Thiên Chúa, có thủ lãnh của chúng là Satan (x. GLHTCG, số 391,392, 414, 2851).

Gần chúng ta nhất là cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo do Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hoà bình xuất bản vào cuối năm 2004, bản dịch Việt ngữ xuất bản năm 2007. Hầu như rất nhiều người không hề biết đến những điểm giáo lý cơ bản của Giáo hội được trình bày trong sách này. Số 130 giải thích cho chúng ta hiểu tại sao con người có khả năng tiếp xúc với thần linh và có thể bị ma ám, quỷ nhập: “Mở ra với siêu việt là một đặc tính của con người: con người mở ra với Đấng vô biên cũng như với mọi thụ tạo. Trên hết, con người mở ra với Đấng vô biên, tức là Thiên Chúa, vì nhờ trí khôn và ý chí, con người có thể nâng mình lên trên mọi thụ tạo và cả chính mình…Con người mở ra với sự hiện hữu sung mãn, với chân trời vô biên của hiện hữu…để gặp gỡ được các thiên thần hay các linh hồn”.

3. Lời giải đáp cho những vấn đề thực tế

Đi từ các điểm giáo lý căn bản và mới mẻ trên đây chúng ta có thể giải thích phần nào những vấn đề rất thiết thực của con người liên quan đến chuyện ma quỷ đang tồn tại trong xã hội và có khá nhiều ở Việt Nam hơn ở những nước khác vì đây là miền đất “lắm quỷ nhiều ma”. Trải qua nhiều thế kỷ, vùng đất này là bãi chiến trường của nhiều dân tộc như Việt Nam, Trung Hoa, Chiêm Thành, Thuỷ Chân Lạp, Khơ Me, Thái Lan,… với hàng chục triệu người chết nằm ngổn ngang, chồng chất lên nhau. Rồi hàng triệu ca phá thai hằng năm, hàng chục ngàn người chết đột ngột vì tai nạn giao thông, vì bùa chú do thù oán lẫn nhau như càng gia tăng đạo binh âm hồn này. Ma quỷ ngày nay cũng có nhiều dịp để thâm nhập vào con người vì hàng triệu người xem phim đồi truỵ hằng đêm, hàng chục triệu người hiến mình cho ma men, ma tuý, cho thần bài, thần chú, thần tài nên tinh thần mỗi ngày một suy yếu, kiệt quệ.

Vì thế, việc những linh hồn xin lời cầu nguyện giải oan, xin được báo tin cho người thân… như đoàn nghiên cứu của Bộ môn Cận Tâm lý thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người với GS-PTS Chu Tấn Phác, Bà Phan Thị Bích Hằng ở chiến trường Điện Biên Phủ thực hiện; hay việc những người đã khuất gặp gỡ người sống như cô Phương ở cầu Hàm Rồng, Thanh Hoá, hoặc việc Quỷ Luxiphe mượn xác cô Maria Phạm Thị Hằng ở giáo xứ An Phú, Nghĩa Dục, Nghĩa Hưng, Nam Định, xảy ra từ tháng 2-2011 đến nay vẫn còn, dù được cả Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám mục Bùi Chu cầu nguyện (chuyện này đang được phóng lên mạng Youtube, xem Google, mục Trừ Quỷ)… là những chuyện có thể hiểu được, chứ không phải bịa đặt, hoang đường.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải hết sức khôn ngoan và cẩn thận bảo vệ chính mình cũng như người thân khỏi những chuyện ma quỷ đang được phổ biến rộng rãi trong những sách báo phim ảnh, trang mạng internet vì hầu hết là những chuyện hư cấu, tưởng tượng đầu độc tâm trí con người. Ngay cả những cuốn sách lấy danh nghĩa đạo đức theo kiểu: “Ác quỷ trong tu viện, Tiếng nói từ luyện ngục, Hồn ma bên gốc liễu, Nhà Trừ quỷ kể chuyện, Ma quỷ trong thế giới ngày nay, Satan vẫn còn sống và đang tung hoành trên mặt đất”…cũng không nên đọc nếu không có trách nhiệm nghiên cứu vấn đề vì đây là những điều huyền bí, dễ đưa con người vào chốn sai lầm. Nhưng chúng ta cũng rất tôn trọng những cảm nghiệm siêu hình, thần bí của người khác chứ không nên kết án họ vì không cùng quan điểm hay cảm nghiệm giống như ta.

Chúng ta cần cứu các linh hồn trong tình trạng luyện ngục bằng công đức của người sống nên nếu Chúa cho phép họ hiện về, nhập vào một ai đó như dấu hiệu họ hiện diện thì chúng ta đừng xem thường, khinh miệt người sống, nhưng hãy xem đó là một ân sủng đặc biệt để thực hiện chương trình của Người. Nhất là chúng ta cần giữ tinh thần thật khoẻ mạnh, trong sáng, an vui, chúng ta sẽ tránh được nhiều sự thâm nhập của các tà  thần vì chúng chỉ có thể tác động trên những người có tinh thần yếu đuối.

Lời kết

Người môn đệ của Chúa Giêsu hôm nay hiểu rằng mình đang tham gia vào một trận chiến ác liệt giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiên thần và ác quỷ, giữa sự thiện và sự ác nên đã được Chúa Giêsu ban quyền năng trên các thần ô uế để xua trừ chúng ra khỏi con người. Chúng ta cần phải kết hợp mật thiết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện, bí tích, chay tịnh cũng như gắn bó chặt chẽ với nhau, với các thần thánh để “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô”.

 

* Các bạn có thể tham khảo thêm tại mục Tư vấn-Thắc mắc, từ số 2 đến số 7.