Chúa Nhật XIV TN – B: Anh chị em ruột của Chúa Giêsu

Đức Giêsu có anh chị em ruột không? Vấn đề đã gây tranh cãi trong nhiều thế kỷ giữa các nhà nghiên cứu Thánh Kinh của các giáo phái Tin Lành cũng như Công giáo.

 Anh chị em ruột của Chúa Giêsu

Hành Khất Kitô

Lời mở

Bài Tin Mừng (Mc 6,1-6) vừa kể cho chúng ta câu chuyện Đức Giêsu trở về quê nhà. Dân làng Nazareth ngạc nhiên, sửng sốt về sự khôn ngoan và quyền năng lạ lùng so với thân phận bình thường của Đức Giêsu, nên họ nói với nhau: “Ông này chẳng phải là bác thợ mộc, con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông lại không ở đây với chúng ta đó sao?”.

Những lời ta vừa nghe cũng đã gây tranh cãi trong nhiều thế kỷ giữa các nhà nghiên cứu Thánh Kinh của các giáo phái Tin Lành cũng như Công giáo về việc “Đức Giêsu có anh chị em ruột hay không?”. Vì thế, trong tinh thần cầu nguyện cho sự hợp nhất Kitô hữu và mở rộng tâm trí cho Chúa Thánh Thần, chúng ta cùng giúp nhau tìm hiểu vấn đề để tìm ra lời giải đáp thoả đáng.

1. Đức Giêsu có anh chị em ruột không?

Vấn đề này đã được các hệ phái Tin Lành và Công Giáo tranh luận từ thế kỷ 15 đến nay. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo ghi nhận ở số 499-500: “Việc sinh hạ Đức Kitô không làm suy giảm nhưng thánh hiến sự trinh khiết vẹn toàn của Mẹ Maria (x. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen gentium, số 57). Phụng vụ Hội thánh tuyên xưng Mẹ là Đấng Trọn Đời Đồng Trinh (x. SĐD, số 52). Về điều này, đôi khi người ta phản đối rằng Thánh Kinh có nhắc đến các anh em và chị em của Chúa Giêsu: Mc 3,31-35; 6,3; Mt 13,53-58; 1Cr 9,5; Gl 1,19)”.

1.1. Phản đối của anh em Tin Lành

Thánh Kinh chắc chắn nhiều lần nhắc đến các anh chị em của Chúa Giêsu và không dùng từ thiếu xác định như cách nói của tiếng Việt. Người Việt nói “anh em” hay “chị em” vừa có thể hiểu là anh chị em ruột do cùng cha mẹ sinh ra (tiếng Mỹ là “brothers, sisters”) vừa có thể hiểu là anh chị em họ, bà con, thân thuộc (tiếng Mỹ là “cousins”). Thánh Kinh dùng từ “anh chị em ruột”.

Do đó, các nhà Thánh Kinh Tin Lành kết luận rằng Đức Maria và thánh Giuse đã sinh thêm những người con khác và chối bỏ lòng sùng kính đối với các ngài. Phản ứng này bắt nguồn từ những người sáng lập ra các hệ phái Tin Lành đầu tiên như Martin Luther (1483-1546), John Calvin (1509-1564) và được hỗ trợ sau này bởi các nhà thần học, nghiên cứu Thánh Kinh như R. Bultmann (1884-1976) chủ trương giải trừ huyền thoại cho Tin Mừng. Theo họ, việc Đức Trinh Nữ Maria sinh con bởi phép Chúa Thánh Thần mà không có yếu tố của người nam, được trọn đời đồng trinh… là những huyền thoại không thể có trong thời đại khoa học kỹ thuật này.

1.2. Câu trả lời từ phía Công giáo

Lời giải đáp của Giáo hội Công giáo được tìm thấy trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 500 như sau: “Hội Thánh vẫn luôn hiểu rằng những đoạn văn này không hề ám chỉ những người con khác của Đức Trinh Nữ Maria: ông Giacôbê và ông Giuse, “anh em của Chúa Giêsu” (Mt 13,56), thật ra là con của một bà Maria nào đó, là môn đệ của Đức Kitô (x. Mt 27,56), bà này được cẩn thận phân biệt là “bà Maria khác” (Mt 28,1). Đây là những người anh em bà con họ hàng gần, theo như cách nói quen dùng trong Cựu Ước (x. St 13,8; 14,16; 29,15…)”.

Thật ra, lời giải đáp này chưa thoả đáng đối với chính những người nghiên cứu Thánh Kinh trong nội bộ Giáo hội Công giáo và chưa thuyết phục được các anh em Tin Lành vì bản văn Thánh Kinh nhiều lần dùng từ “anh chị em ruột” của Đức Giêsu chứ không dùng từ nào khác. Hơn nữa nếu quy chiếu những người con như Giacôbê, Giuse, Giuđa, Simon vào 1 bà “Maria khác” thì việc quy chiếu này có vẻ gượng ép vì thánh Matthêu nhắc đến tên bà này có thể chỉ vì muốn phân biệt với bà Maria Magđala vừa được nhắc trước đó (x. Mt 27,61) hoặc với bà Maria, mẹ của một mình ông Giacôbê (x. Lc 24,10). Còn việc nhắc đến các đoạn trích dẫn Thánh Kinh Cựu Ước rõ ràng gượng ép vì nguyên ngữ Do Thái cổ cho phép dịch là bà con, họ hàng trong khi nguyên ngữ Tân Ước không cho phép hiểu như vậy. Kiểu giải thích này còn có thể gây ra sự hiểu lầm nguy hiểm vì một từ được Chúa Thánh Thần linh hứng lại không được hiểu đúng theo nghĩa chữ của nó, và người ta có thể áp dụng kiểu giải thích này cho các từ khác. Vì thế từ “anh chị em ruột” chắc chắn mang ý nghĩa sâu xa hơn, ta cần tìm hiểu để còn thuyết phục anh em Tin Lành.

2. Những gợi ý để giải đáp vấn đề

2.1. Những điểm xác tín

Chúng ta cùng xác tín trong đức tin Công giáo rằng: “Chúa Giêsu là người con duy nhất của Đức Maria. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ (x. Ga 19,26-27; Kh 12,17) trải rộng cho hết mọi người đã được Chúa Giêsu đến cứu độ. Người Con mà Mẹ sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29), tức là các tín hữu, mà Mẹ đã cộng tác vào việc sinh hạ và dạy dỗ họ với tình yêu từ mẫu” (x. CĐ. Vat. II, HC Lumen gentium, số 63; Sách GLHTCG, số 501). Chúa Giêsu được cưu mang trong lòng dạ trinh khiết của Đức Maria (x. Lc 1,35; Sách GLH TCG, số 437), “được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, không có mầm mống nam nhân” (CĐ Lateranô, năm 649, canon 3, DS 503; Sách GLHTCG, số 496).

Những người được Thánh Kinh nhắc đến như là “anh chị em ruột” của Đức Giêsu, xét về huyết thống tự nhiên, chỉ là những anh chị em họ, bà con với Người vì Mẹ Maria và thánh Giuse có những người thân thuộc sống tại Nazareth. Những người này cũng đi theo Chúa Giêsu (x. Mc 3,31-33; Mt 12,46-50; Lc 8,19-21), có người trở thành môn đệ và có địa vị trong cộng đồng Giáo hội sơ khai (x. Gl 1,19).

Tuy nhiên, Thánh Kinh luôn dùng từ “anh chị em ruột” khi nhắc đến mối liên hệ huyết thống tự nhiên này với ý nghĩa siêu nhiên. Lý do là vì khi Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người là Đức Giêsu, đón nhận 1 thân xác như bất cứ con người nào, thì Người đã trở nên anh chị em ruột thịt của họ, để dẫn đưa họ vào sự hiệp thông với Chúa Cha trong 1 gia đình duy nhất của Thiên Chúa. Trong Đức Giêsu Kitô, mọi người đều là anh chị em ruột thịt của nhau vì cùng thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất (x. Sách GLHTCG, số 355-360). Do đó, trong Thánh Kinh cũng như trong các lời chào của thánh lễ chúng ta đều gọi nhau là “anh chị em ruột” chứ không chỉ coi nhau là “họ hàng”.

Hơn nữa qua thể xác vật chất, Đức Giêsu còn liên kết với mọi thụ tạo trong vũ trụ này để trở thành người anh cả của chúng (x. Rm 8,29) vì “con người, nhờ chính điều kiện có thân xác của mình, quy tụ nơi mình những yếu tố của thế giới vật chất, cho nên nhờ con người, các yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và có thể tự do dâng lời ca ngợi Đấng Tạo Hoá” (x. CĐ Vat.II, HC Gaudium et Spes, số 14; Sách GLHTCG, số 364). Vì thế, Người chết để cứu độ tất cả. Vũ trụ cảm nhận được điều đó nên biểu lộ sự vui mừng qua việc xuất hiện ngôi sao (x. Mt 2,2-10), sự vâng phục qua các phép lạ Người làm trên vạn vật (x. Mc 4,37-41; 6,34-44; 6,45-52, Mt, 17,24-27; Lc 5,1-11; Ga 2,1-11), sự chia sẻ khi Người chết trên thập giá (x. Mt 27,45.51-53).

2.2. Tự hào là anh em ruột thịt với Chúa Giêsu

Nói cho cùng, thân xác chúng ta được cấu tạo bằng những nguyên tố vật chất Carbon-Hydro-Oxy-Nitơ như những thành phần chính cho mọi người, mọi vật. Mỗi ngày, chúng ta đưa những nguyên tố đó vào trong thân thể mình qua đồ ăn, thức uống, khí thở rồi chúng ta lại thải các chất ra để tạo nên thân thể cho muôn loài. Chúng ta hợp thành một thân thể lớn lao của toàn thể vũ trụ, trở thành anh chị em ruột thịt của nhau vì hình thành nên thân xác cho nhau. Thân xác Chúa Giêsu và Mẹ Maria cũng được cấu tạo bằng những thành phần đó.

Xin cho phép tôi đưa ra một minh chứng khoa học. Nhiều người không còn nhớ nổi con số và nguyên lý của nhà bác học Amedeo Avogadro (1776-1856): “Trong cùng một điều kiện nhiệt độ và áp suất, các khí khác nhau có cùng một thể tích sẽ chứa cùng một số nguyên tử hay phân tử như nhau. Số đó là N = 6,022 x 10 . 23”. Nếu 16 gram Oxy ta thở, hay 18 gram nước ta uống, chia đều cho 7 tỷ người đang sống trên trái đất này thì mỗi người được khoảng hơn 9 ngàn tỷ  nguyên tử thật hay phân tử thật trong cơ thể mình. Quả thật, trong thân xác ta đang có những nguyên tử, phân tử vật chất của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong cuộc trao đổi sinh tồn của vạn vật từng giây phút. Vì thế chúng ta rất tự hào là anh chị em ruột của Chúa Giêsu và con thật của Mẹ Maria không phải chỉ về mặt tinh thần mà cả thể chất nữa.

Lời kết

Hôm nay, chúng ta có thể nói như thánh Phaolô rằng ta còn cảm thấy vui mừng và tự hào vì cả những yếu đuối của mình để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong ta (x. 2Cr 12,9). Vì những yếu đuối này, sự hợp nhất các tín hữu Kitô chưa được thể hiện, nhưng chúng ta sẽ cố gắng học hỏi về Đức Kitô, về Lời Chúa hơn. Chúng ta cũng cầu nguyện nhiều cho anh em Tin Lành cảm nhận được niềm vui và tự hào đó vì tất cả chúng ta thật sự là anh chị em ruột của Chúa Giêsu và là con ruột của Đức Trinh nữ Maria, Người Mẹ tuyệt vời . Amen.