Xét nghiệm cho mẹ, hy vọng cho con

Theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 6.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV cho con là 35%

 

Xét nghiệm cho mẹ, hy vọng cho con

Theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 6.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV cho con là 35%, như vậy mỗi năm sẽ có khoảng hơn 2.000 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng sớm thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ khoảng 2% đến 6%, đồng nghĩa với việc có thể cứu được hơn 1.600 trẻ em không bị lây truyền HIV từ mẹ.

Nếu chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện tốt thì đến năm 2015 nước ta có thể đạt tới kết quả không có trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ bị nhiễm.

Ảnh minh hoạ
  1. HIV là gì?

   HIV là một loại siêu vi trùng gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch – còn gọi là AIDS. Khi bị AIDS, cơ thể không có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh khác như ung thư, nhiễm trùng v.v…và người bệnh sẽ chết vì những căn bệnh này

   HIV có thể lây qua 3 đường: đường máu, đường tình dục và đường từ mẹ sang con

   Cả 3 đường lây nhiễm trên đều có thể phòng ngừa được

  1. Vì sao phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV?

   Mọi người đều có thể nhiễm HIV với những nguyên nhân có thể biết trước hoặc không. Người phụ nữ bị nhiễm HIV mà có thai, có thể lây truyền sang con; nhưng nếu áp dụng các biện pháp dự phòng thì có thể ngăn ngừa được sự lây nhiễm này. Điều này có nghĩa là con của họ sẽ không bị lây nhiễm nếu người mẹ tham gia vào chương trình dự phòng.

   Muốn được dự phòng kịp thời, phụ nữ mang thai (PNMT) cần được xét nghiệm HIV sớm trong 3 tháng đầu của thai kỳ để biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.

  1. Kết quả xét nghiệm nói lên điều gì?

   Nếu kết quả dương tính, có nghĩa là thai phụ đã bị nhiễm HIV nhưng không có nghĩa là người đó đã bị AIDS. Nếu thai phụ vẫn muốn tiếp tục giữ thai, cần áp dụng các biện pháp dự phòng để tránh lây truyền cho con và khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe của mẹ và con. Nếu thai phụ không muốn giữ thai sẽ được đưa đến cơ sở sản khoa để chấm dứt thai kỳ.

   Nếu kết quả âm tính và trong 3 tháng qua thai phụ không có hành vi nguy cơ nào, có nghĩa là hiện tại thai phụ không bị nhiễm HIV.  Thai phụ cần tiếp tục phòng ngừa không để bị nhiễm HIV, và khám thai định kỳ.

  1. Kết quả xét nghiệm HIV có được bảo mật không?

Tất cả hồ sơ xét nghiệm HIV đều phải được cất vào tủ có khóa, chỉ những người có trách nhiệm mới được quản lý những hồ sơ này. Trên phiếu xét nghiệm chỉ thể hiện mã số chứ không để tên thai phụ. Vì vậy tất cả kết quả xét nghiệm dù dương tính hay âm tính cũng đều được bảo mật.

  1. HIV lây truyền từ mẹ sang con bằng cách nào?

   HIV có thể lây truyền trong khi mang thai thông qua bánh nhau từ rất sớm, khi thai được 8 tuần tuổi cho đến suốt quá trình mang thai. Nói cách khác, HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con trong bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ (3 tháng đầu, 3 tháng giữa, hoặc 3 tháng cuối)

   Trong giai đoạn chuyển dạ, do đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với vi-rút có trong dịch âm đạo, nước ối, hoặc máu của mẹ có chứa HIV,  hoặc do sự trao đổi máu mẹ – thai nhi khi chuyển dạ. Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ tăng lên nếu có:đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn…, thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh kéo dài.

   Sau khi đẻ, HIV có thể lây truyền qua sữa mẹ. Do HIV có trong sữa mẹ nên khi bú, HIV có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của trẻ và lây nhiễm cho trẻ, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng (tưa miệng, viêm họng). Trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, có vết nứt, hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV còn có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc trong miệng của trẻNguy cơ lây truyền HIV qua bú sữa mẹ sẽ tăng lên nếu mẹ nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS vì nồng độ HIV trong máu mẹ cao hoặc sau khi sinh con vào thời kỳ cho con bú mẹ mới bị nhiễm HIV. Thời gian cho trẻ bú càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV sang con càng lớn.

  1. Có phải tất cả trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đều bị lây nhiễm?

   Cứ 100 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà không được can thiệp dự phòng thì có khoảng 30 đến 40 trẻ bị lây nhiễm.

   Nếu mẹ nhiễm HIV được uống thuốc dự phòng sớm trong thời gian mang thai cho đến lúc sinh, đồng thời trẻ được uống thuốc dự phòng ngay sau sinh và không bú sữa mẹ thì chỉ còn khoảng 2 đến 6 trẻ nhiễm trong số 100 trẻ được sinh ra.

  1. Phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng cách nào?

    Để phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con cần làm giảm nồng độ HIV trong máu mẹ, bằng cách uống ARV (thuốc kháng vi rút) dự phòng sớm từ tuần thứ 14 cho đến lúc sanh.

   Trẻ sanh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng được uống ARV dự phòng ngay sau đẻ, và không bú sữa mẹ. Tốt nhất là trẻ được bú sữa bột thay thế sữa mẹ hoàn toàn. Nếu không đủ điều kiện thì cho trẻ bú mẹ hoàn toàn và cai sữa sớm. Không nên cho trẻ bú hỗn hợp vừa sữa mẹ, vừa sữa bình vì làm tăng khả năng lây nhiễm của trẻ.

   Trẻ sanh ra từ mẹ nhiễm HIV sẽ được xét nghiệm PCR sớm từ tuần thứ 4 nhằm xác định tình trạng nhiễm của trẻ để được đưa vào điều trị sớm.

8.     Khi tham gia vào chương trình Phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con, thai phụ được lợi gì?

   Thai phụ sẽ được tư vấn và xét nghiệm HIV (miễn phí nếu thai phụ đến các cơ sở tuyến quận/huyện, phường xã)

   Thai phụ nhiễm HIV sẽ được cấp miễn phí thuốc ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ tuần thứ 14 hoặc sớm hơn nếu có chỉ định điều trị.

   Thai phụ nhiễm HIV còn được cấp miễn phí sữa bà bầu trong suốt thai kỳ và cấp thuốc sắt/acid folic nếu chưa được cấp theo chương trình phòng chống thiếu máu thiếu sắt cho thai phụ.

   Khi vào chuyển dạ, thai phụ nhiễm HIV mà chưa được uống thuốc dự phòng trong thai kỳ sẽ được cấp thuốc dự phòng muộn (1 viên NVP)

   Sau sanh, sản phụ nhiễm HIV sẽ được tư vấn KHHGĐ, cách nuôi và chăm sóc trẻ, cấp bao cao su miễn phí; mẹ và con sẽ được chuyển gửi đến các đơn vị điều trị ngoại trú HIV

   Trẻ sanh ra từ mẹ nhiễm HIV sẽ được cấp sữa miễn phí đến 18 tháng, được xét nghiệm PCR miễn phí vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 6, được tiêm HBIg nếu mẹ đồng nhiễm HIV và Viêm gan siêu vi B

9.     Những nơi nào cung cấp dịch vụtrọn gói dự phòng LTMC tại TP.HCM? (bao gồm tư vấn xét nghiệm HIV, cấp thuốc ARV dự phòng, cấp sữa, chăm sóc chuyển tiếp sau sinh…)

   Các cơ sở sản khoa tuyến thành phố:BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, BV. Nhân Dân Gia Định

   Tuyến quận/huyện: BV. Đa khoa khu vực Củ Chi, BV. Đa khoa khu vực Hóc Môn, BV. Thủ Đức, BV. Bình Chánh, BV Quận Bình Thạnh, BV.  Quận 2, 4, 7, 8, 9, TTYTDP. Quận 2, 4,8,10, Bình Thạnh, Hóc Môn

   Các bệnh viện, TTYTDP khác cung cấp dịch vụ không trọn gói (hoặc không cấp thuốc ARV dự phòng, hoặc không cấp sữa cho trẻ)

  1. Vì sao nói “Xét nghiệm cho mẹ, hy vọng cho con”?

   Cũng như tất cả mọi người, phụ nữ mang thai chỉ biết được mình có bị nhiễm HIV hay không bằng cách xét nghiệm. Nếu biết sớm tình trạng nhiễm HIV, tham gia sớm vào Chương trình Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV rất có hy vọng không bị lây nhiễm. Muốn vậy, phụ nữ mang thai hãy đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm

   Mục tiêu không có trẻ nhiễm HIV lây từ mẹ là hoàn toàn có thể thực hiện được.