Chúa Nhật XXV TN – A: Ân huệ và Tình yêu

So sánh cuộc đời của anh chị em với mình, chúng ta thấy họ không đạo đức như ta, không chăm chỉ học hành, làm việc cần mẫn như ta, thậm chí họ còn sống tội lỗi nữa. Thế mà họ vẫn giàu sang, xinh đẹp, khoẻ khoắn, may mắn hơn ta… ta sẽ phản ứng ra sao hay có thái độ nào?

 Ân huệ và Tình yêu

 Hành khất Kitô

 

Hai tuần qua, chúng ta nói đến tội phạm đến cộng đồng cũng như xúc phạm đến cá nhân ta; qua đó, Chúa Giêsu đã dạy ta phải sửa đổi và tha thứ cho người anh em như thế nào. Nhưng đó là mặt tiêu cực. Hôm nay chúng ta bàn đến mặt tích cực: nghĩa là khi ta thấy anh chị em nhận được những ân huệ của Chúa như may mắn, thành công, sức khoẻ, con cái, giàu sang, tài năng, xinh đẹp… ta sẽ phản ứng ra sao hay có thái độ nào?

1. Thực tế cuộc đời

1.1. Trong cuộc sống thường ngày, khi thấy anh chị em nhận được nhiều ân huệ của Chúa, tự nhiên ta thường so sánh với chính mình và có khi cảm thấy Chúa bất công với ta, giống như những người thợ làm vườn nho vào giờ đầu tiên ban sáng trong Tin Mừng hôm nay. Họ nói với người chủ rằng: “Mấy người thợ sau chót này làm chỉ có 1 giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20,12).

So sánh cuộc đời của anh chị em với mình, chúng ta thấy họ không đạo đức như ta, không chăm chỉ học hành, làm việc cần mẫn như ta, thậm chí họ còn sống tội lỗi nữa. Thế mà họ vẫn giàu sang, xinh đẹp, khoẻ khoắn, may mắn hơn ta. Chúng ta đâm ra ghen tị với họ. Suy nghĩ sâu xa hơn, chúng ta lại thấy Chúa không công bằng với ta: đáng lẽ tôi học hành chăm chỉ, Chúa phải cho tôi đỗ chứ, sao lại để tôi rớt. Tôi cầu nguyện, đi lễ thường xuyên, đáng lẽ tôi phải khoẻ mạnh chứ, sao Chúa lại để tôi bị bệnh ung thư như thế này? Tôi cố gắng sống đời đạo hạnh trong gia đình, sao Chúa lại để tôi thất bại, để chồng tôi lại bỏ nhà đi theo cô gái bia ôm? Đúng là Chúa ban ân huệ cho những con người không xứng đáng!

2. Giải thích về những ân huệ bất xứng

Người ta có thể giải thích những ân huệ bất xứng bằng nhiều l‎‎ý thuyết:

-Thuyết định mệnh: Người ta được may mắn như vậy là do số mệnh đã định trước, con người không cưỡng lại được. Ai được mạnh khoẻ, giàu sang, xinh đẹp… là do Trời đã định sẵn như vậy. Có học hành, làm việc, sống đạo đức tốt lành đến đâu đi nữa cũng không thể thay đổi số mệnh của mình. Ông bà ta vẫn thường nói: “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ” mà!

Đối với đa số người tín hữu: người ta chấp nhận tất cả những may rủi và cho đó là định mệnh được an bài. Họ không dám kêu nài với Chúa về những may mắn kẻ khác được khi so sánh với nỗi bất hạnh của mình. Tuy không kêu nài nhưng lòng họ vẫn ấm ức. Dù không bằng lòng nhưng đành chịu vì tin tưởng Chúa công bình và nhìn thấy trước mọi sự, nên phó thác đời mình cho Người và hy vọng sẽ nhận được phần thưởng bù lại ở đời sau. Đó là tâm trạng của hầu hết các tín hữu hiện nay.

-Thuyết nhân quả: Còn những anh em ngoài Kitô giáo, nhất là Phật giáo, giải thích những ân huệ người khác được hưởng là do định luật nhân quả mà ra: nguyên nhân có từ kiếp trước tạo ra kết quả ở kiếp sau. Người ta đang được giàu sang, thành công, giỏi giang, sức khoẻ, sắc đẹp, may mắn ở kiếp này…dù họ kém cỏi, ngu dốt, lười biếng, xấu xa, chỉ vì họ được ông bà, cha mẹ đã để phúc lại cho con cháu.

Thuyết luân hồi của Phật giáo giải thích rất hay về những may mắn, thành công ở đời. Mỗi hành động có ‎ý thức dù tốt hay xấu, gọi là “nghiệp”, tiếng Phạn là karma, phiên âm là yết-ma, đều ảnh hưởng đến số kiếp. Từ nghiệp dẫn đến nhân quả. Kiếp này họ được may mắn, là nhờ kiếp trước họ đã sống tốt lành. Còn ở kiếp này, nếu họ sống lười biếng, làm điều ác đức thì họ sẽ chịu quả báo ở kiếp sau (x. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Từ điển Phật học Hán Việt, Hà Nội, 1992, tr. 872-875; Đoàn Trung Côn, Phật học Từ điển, Q. 2, NXB. TP HCM, 1992, tr.364-375)

Nhưng đối với người Công giáo, chỉ tin có một kiếp người thì sẽ hiểu thế nào về những ân huệ bất xứng kia? Các bài Thánh Kinh hôm nay sẽ giải thích cho ta hiểu điều thắc mắc này.

3. Sứ mệnh khác biệt nên ân huệ khác nhau

Chúng ta được mời gọi cộng tác vào việc xây dựng nước Trời giống như vào làm vườn nho Chúa: “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia ra mướn thợ vào làm vườn nho cho mình” (Mt 20,1).

Mỗi người, do yếu tố di truyền của cha mẹ, do nền giáo dục văn hoá của xã hội, do sức khoẻ thể xác và tinh thần khác nhau, nên có một sứ mệnh khác nhau. Sứ mệnh này không phải do Chúa định sẵn cho ta, nhưng mời gọi ta đón nhận theo tiếng gọi của Ngài vào những thời điểm khác nhau của đời sống, giống như những người thợ làm vườn nho. Dù làm vào các giờ khác nhau, nhưng tất cả đều được mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa để phát triển cộng đồng xã hội như vườn nho rộng lớn của Ngài. Nguyên việc chúng ta được mời gọi để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã là một ân sủng hết sức lớn lao rồi. Đức Thánh cha Bênêđictô XVI đã nhắc đến điểm này trong bài giảng của ngài (ĐTC. Bênêđictô XVI, Huấn từ ĐTC Bênêđictô ngày 21-9-2008, NXB Tôn Giáo, 2010, tr.519).

Ai càng vất vả, càng chịu nắng nôi, khó nhọc ngay từ buổi sáng sớm cho tới suốt cả ngày, sẽ càng có điều kiện để đóng góp nhiều hơn cho Nước Chúa. Giống như Đức Giêsu, trong tư cách là Thiên Chúa, Người không cần vất vả, chịu đựng nắng nôi, khó nhọc, nhục nhằn gì vì luôn ở trong cõi vinh quang tuyệt đối và hạnh phúc vĩnh hằng. Nhưng trong tư cách là con người, Đức Giêsu đón nhận thân xác phàm nhân để chịu đói khát, nhục nhã, khổ cực, trần truồng, chết chóc hơn những người khác. Vì thế được chịu khổ cực hơn mọi người giống như Đức Giêsu lại càng là một ân huệ tuyệt vời.

Hơn nữa, mỗi người chúng ta có một sứ mệnh khác nhau để thực hiện trong hoàn cảnh và điều kiện đặc biệt nên cần có những ân huệ riêng đến nỗi mỗi người đều trở thành độc đáo trong tình yêu của Thiên Chúa. Trong hơn 7 tỷ người đang sống trên mặt đất này, không thể tìm ra một người nào có những khả năng, hoàn cảnh, ân sủng, giống hệt như ta. Hiểu được tính cách độc đáo của mình, ta sẽ không còn ghen tị với ai về những ân huệ của họ. Chúa vẫn còn tiếp tục ban biết bao ân huệ khác để ta phát huy con người mình và cộng tác vào chương trình cứu độ.

Vì thế, ta đừng nhìn sang người khác để so sánh: họ tốt đẹp hơn tôi, giàu sang hơn tôi, tài giỏi hơn tôi, nhưng hãy nhìn vào chính mình để phát huy mọi ân sủng Chúa ban. Có thể chúng ta nghèo khó hơn, mệt mỏi hơn, yếu đuối hơn, kém may mắn hơn người. Nhưng không sao, bởi vì Chúa đã đặt ta vào một vị trí khác biệt với tất cả mọi người và không ai có thể thay thế vị trí đó của chúng ta trong Thân thể Mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô. Mỗi người trong chúng ta là chi thể độc đáo trong thân thể mầu nhiệm Chúa Giêsu nên cố gắng hết sức làm việc để làm cho sự sống của toàn thân được phát triển. Đấy mới là điều quan trọng. “Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn” (1Cr 12,18). Chúa nói với ta hôm nay qua bài đọc I: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is, 55,9). Vì thế, đừng bận tâm, phí sức, tốn giờ bàn đến ân huệ của người khác để xem họ có xứng đáng hay không.

4. Tình yêu không phân biệt đối xử

Chúng ta sẽ không ghen tị với người khác như những người thợ làm vườn nho khi hiểu được Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu hào phóng của Thiên Chúa luôn luôn ban ân huệ cho mọi con cái mình, bởi vì Ngài đã dựng nên tất cả và muốn cứu độ tất cả. Tình yêu ấy không phân biệt đối xử: Ngài ban ân huệ của Ngài cho người cố gắng làm việc cũng như cho kẻ lười biếng, cho người cầu nguyện nhiều cũng như cho kẻ khô khan, cho người đạo đức cũng như cho kẻ tội lỗi, cho người sống quảng đại, chân thành cũng như cho kẻ sống ích kỷ, dối gian. “Ngài cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ gian tà” (Mt 5,45).

Dĩ nhiên, mỗi người chịu trách nhiệm trước Chúa về hành động và chọn lựa của mình. Nếu họ sống ích kỷ, lười biếng, vô luân, làm điều không tốt thì họ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ. Nhưng Chúa vẫn ban ơn để kêu gọi họ trở về, ban ơn để đánh động lương tâm họ, để thúc đẩy họ chịu trách nhiệm về hành động của mình. Cho nên, chúng ta đừng đòi hỏi sự công bình cho Chúa: ai sống vô luân, gian ác thì phải chịu đau khổ, thất bại. Đòi hỏi này đi ngược với tình yêu và chứng tỏ chúng ta cũng không phải là con cái của Thiên Chúa Tình Yêu. Trong cùng một gia đình, đối với những đứa em yếu đuối, kém cỏi, xấu xí, bệnh hoạn, gian ác, đáng lẽ ta phải vui vì thấy cha mẹ dành nhiều ân huệ, thời giờ để quan tâm săn sóc chúng chứ. Sao ta lại chê trách cha mẹ bất công với mình? “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn,…Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,13-15).

Trong gia đình Thiên Chúa, chúng ta phải yêu thương giống như Ngài, chúng ta phải muốn cho mọi người được cứu độ, được chia sẻ Thiên Chúa như chính chúng ta. Đấy là phần thưởng trọn vẹn dành cho mọi người: dù người vào làm từ sáng sớm đến người mới vào làm chỉ 1 giờ đều được hưởng 1 đồng bạc như nhau. Đồng bạc này là chính Chúa. Chúa trao chính mình cho họ. Và ai càng gắn bó với Chúa thì càng hưởng trọn vẹn ân sủng của Chúa, càng khai thác được các ân sủng Chúa ban và càng cảm nghiệm được phần thưởng vô giá sau này vào cuối cuộc đời làm việc của mình.

Kết luận

Hôm nay, chúng ta tìm lại được sự bình an cho tâm hồn trước những ân huệ bất xứng của người cũng như của ta. Chúa đang mời mỗi người chúng ta đừng nhìn sang người khác để so sánh, ghen tương, bất mãn, nhưng hãy cùng cảm tạ với anh chị em khi họ nhận được những ân huệ. Chúng ta cũng hãy nhìn vào chính mình để nhận ra những ân huệ Chúa ban và cảm nghiệm mình là con người độc đáo trước mặt Thiên Chúa và trước mặt mọi người. Có như thế chúng ta mới sẵn lòng chia sẻ ơn phúc và cộng tác với mọi người để phát huy sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, phát huy nước Trời trong lòng xã hội hôm nay.