Chúa Nhật XXI TN – A: Lời hỏi đáp về Chúa Giêsu

Đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mt 1613-20) được các nhà thần học Kitô giáo xem là đặc trưng của Kitô học vì đã giới thiệu cho chúng ta hai câu hỏi tiêu biểu và hai câu trả lời đặc biệt để hiểu biết Đức Kitô là ai, đồng thời cũng giới thiệu cho chúng ta những phương cách để khám phá Đức Kitô.

Lời hỏi đáp về Chúa Giêsu

Hành Khất Kitô

Lời mở

Đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mt 1613-20) được các nhà thần học Kitô giáo xem là đặc trưng của Kitô học vì đã giới thiệu cho chúng ta hai câu hỏi tiêu biểu và hai câu trả lời đặc biệt để hiểu biết Đức Kitô là ai, đồng thời cũng giới thiệu cho chúng ta những phương cách để khám phá Đức Kitô. Những lời hỏi đáp về Đức Giêsu Kitô này đáng cho chúng ta tìm hiểu vì chúng thúc đẩy ta quan tâm hơn đến môn Kitô học như là nền tảng cho việc xây dựng đời Kitô hữu.

1. Những câu hỏi đòi ta cần lắng nghe, quan sát, suy tư và cả kinh nghiệm sống

1.1. Câu hỏi đặt ra cho các môn đệ

Hai câu hỏi của Chúa Giêsu nhắm vào một nội dung duy nhất là tìm hiểu người ta nhận biết Người như thế nào. Qua câu hỏi thứ nhất: “Người ta nói Con Người là ai?”, Đức Giêsu muốn các môn đệ cho Người biết quần chúng nghĩ gì về Người. Người ta hiểu đúng hay sai về Đức Giêsu có thể là do chính Chúa Giêsu nói về mình hay những môn đệ hoặc người khác đã nói tốt hay xấu, nói thật hay dối, nói nhiều hay ít về Người.

Câu hỏi thứ hai quan trọng hơn vì Đức Giêsu muốn hỏi chính các môn đệ, những người gần gũi thân thuộc với Người, để xem họ nghĩ thế nào về Người: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”. Hơn nữa, Đức Giêsu không hỏi cách đột ngột vào lúc khởi đầu khi Người gặp gỡ các môn đệ và chọn họ gia nhập vào cộng đồng của Người. Nhưng câu hỏi được đặt ra sau một thời gian dài chung sống, sau khi họ tận mắt thấy những phép lạ Người làm, tận tai nghe những lời rao giảng đầy uy quyền của Người.

Các câu hỏi Người đặt ra đòi các môn đệ phải biết lắng nghe, quan sát, suy tư và cả kinh nghiệm sống vì nếu các môn đệ vội vã trả lời hay không làm theo những đòi hỏi trên thì các câu trả lời sẽ không thể nào đầy đủ  hay trọn vẹn.

1.2. Câu hỏi dành cho người thời nay

Bây giờ, sau hai ngàn năm, Đức Giêsu vẫn đang đặt những câu hỏi đó cho chúng ta để xem người ta hiểu về Người như thế nào và chính chúng ta nhận định Người là ai. Qua câu hỏi đầu tiên, Người muốn biết những người hàng xóm láng giềng, những bạn bè đồng nghiệp, quần chúng đông đảo quanh ta biết gì về Người, nói gì về Người, hiểu Người như thế nào.  Nhiều khi chúng ta không trả lời được vì chúng ta có quan sát dân chúng đâu, có lắng nghe họ nói về Chúa Giêsu đâu. Chúng ta đâu có quan tâm họ xem gì, đọc gì, nghe gì, nói gì về Đức Giêsu. Họ xem những bài báo, những cuốn sách xuyên tạc về Đức Giêsu. Thí dụ: Cuốn Tây dương Gia tô bí lục; phim Mật mã Da Vinci, Ngày Lễ Thánh, Tiếng Chim hót trong bụi mận gai… Còn những sách báo đúng đắn về Đức Giêsu lại không được phổ biến rộng rãi vì thiếu những con người quảng đại dám hy sinh cho Chúa Giêsu.

Qua câu hỏi thứ hai Người đặt ra cho từng người tín hữu của Giáo hội Việt Nam và Giáo Hội toàn cầu, để ta nói lên nhận định của ta về Người. Nhiều khi chúng ta không ngờ Chúa Giêsu lại đặt câu hỏi đó vì chúng ta nghĩ rằng mình là “đạo gốc”, thừa hưởng đức tin từ ông bà cha mẹ, luôn luôn tin Người là Chúa của mình rồi, còn cần chi phải hỏi nữa! Rồi vì không ngờ Người đặt ra câu hỏi này nên chúng ta không chuẩn bị câu trả lời. Hơn nữa nếu chúng ta không có kinh nghiệm riêng tư về Đức Giêsu thì làm sao trả lời được.

2. Những câu trả lời đòi phải nghiên cứu, tổng hợp và cầu nguyện để nhận ơn soi sáng

Quả thật, muốn trả lời đúng đắn và chính xác cho các câu hỏi của Chúa Giêsu ngoài việc lắng nghe, quan sát, suy tư và có kinh nghiệm sống với Người, ta còn phải biết nghiên cứu, tổng hợp và cầu nguyện để nhận ơn mạc khải của Chúa Cha như Thánh Phêrô. Tại sao lại đòi hỏi nhiều đến thế? Đơn giản chỉ vì Chúa Giêsu muốn chúng ta cộng tác thật sự vào công trình cứu độ và muốn ơn cứu độ mang lại hiệu quả thiết thực cho ta và cho mọi người qua câu trả lời chân thành và đầy trách nhiệm của ta.

2.1. Cần trả lời rất thật

Câu trả lời đầu tiên cho Chúa Giêsu về nhận định của quần chúng quanh ta, không phải là Kitô hữu,  có thể sai hoặc thiếu chính xác, giống như các môn đệ trả lời Người: “Người ta nói Thầy là Gioan Tẩy Giả, Êlia, Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Tuy nhiên, nếu chúng ta nói thực với Chúa Giêsu rằng: “Thầy chẳng là gì đối với 93% người dân Việt Nam” thì Chúa có buồn không? Hoặc nếu ta trả lời: “Theo một số người trong đám đó thì Thầy chỉ là người phá rối trật tự xã hội, là tên tội phạm nguy hiểm, là người hành nghề chữa bệnh mà không có phép Nhà Nước, là thầy pháp trừ tà thúc đẩy người ta mê tín dị đoan, là tên điên loạn dám vỗ ngực xưng mình là Con Thiên Chúa, là tên du thủ du thực ăn nhậu với bọn đàng điếm…”, Chúa Giêsu sẽ nói sao?

Ai sẽ đại diện cho 6,4 triệu người Công giáo Việt Nam hay 1,2 tỷ người Công giáo trên thế giới trả lời câu hỏi thứ hai cho Chúa Giêsu biết Kitô hữu Việt Nam hay Kitô hữu toàn cầu nghĩ gì về Người? Có ai đã đủ lắng nghe, quan sát, suy tư và sống thật sự với quần chúng để báo cho Chúa Giêsu biết rằng Người không còn giá trị bao nhiêu đối với quần chúng vì những kiểu giữ đạo hình thức của nhiều tín hữu, vì thái độ lạm dụng thần quyền của một số người có trách nhiệm, vì thiếu những giờ học hỏi thật sự về Đức Kitô… Hay chúng ta quả quyết với Người rằng: “Chúa yên tâm đi, người dân đi dự lễ Chúa Nhật ở Việt Nam hãy còn đông lắm dù trong ngày sống họ chẳng nhớ đến Chúa. Người đi tu ở Việt Nam hãy còn đông lắm, nhiều nước đến đây kiếm ơn gọi cơ mà, dù đi tu để làm gì thì nhiều người nói rằng để học cao, để được tôn trọng trong xã hội, để đời sống an nhàn không phải cơ cực lo miếng cơm manh áo”… Chúa Giêsu đang cần những câu trả lời để nói lên sự thật như thế, Người không sợ sự thật vì Người là sự thật, nhưng chính chúng ta lại sợ sự thật làm mất lòng Người!

2.2. Câu trả lời làm thay đổi cuộc đời

Còn nếu Chúa Giêsu muốn mỗi người trả lời trực tiếp cho Người, không đại diện cho ai cả, thì chúng ta đã đủ nghiên cứu vấn đề, tổng hợp kinh nghiệm và cầu nguyện với Người để nhận được ơn soi sáng của Chúa Cha chưa? Có thể chúng ta sẽ mượn câu trả lời của thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” bởi vì đó là câu trả lời đúng, được Chúa Giêsu khen ngợi, đã nói lên được kinh nghiệm sống của Phêrô, nhất là đã nhận được mạc khải của Cha Trên Trời. Khi trả lời đầy đủ xác định Đức Giêsu là ai, Thánh Phêrô đã nhận lại được lời xác định của chính Chúa Giêsu để biết mình là ai kèm theo sứ mạng cao cả, quyền năng, ân phúc của Chúa Giêsu chia sẻ cho: “Anh là tảng đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời…” (x. Mt 16,18-19).

Nhưng ta không thể mượn câu trả lời này vì ta chưa xác định được chính mình và cũng chẳng cảm nhận được quyền năng của Chúa Giêsu chia sẻ cho ta nên lời đáp lại của ta hoàn toàn chỉ là câu sáo ngữ, ngoài môi miệng chứ không phát xuất từ tâm hồn, từ kinh nghiệm sống với Chúa Giêsu và sự soi sáng của Thánh Thần Thiên Chúa. Muốn có câu trả lời chân thật ta phải bắt đầu từ việc học hỏi nghiêm túc về Đức Giêsu Kitô, hay nói đúng hơn, bắt đầu bằng môn Kitô học. Tuy nhiên, câu trả lời của nhiều tín hữu trong Giáo Hội ngày nay khó trọn vẹn vì môn Kitô học hiện nay là môn chậm phát triển nhất, có nhiều khó khăn nhất so với các môn thần học khác.

3. Sơ lược đôi nét về Kitô học Công giáo

Kitô giáo đặt nền tảng trên Đức Kitô nên môn Kitô học (môn học về Đức Kitô) phải là môn cơ bản, quan trọng và phải được học nhiều nhất thì hiện nay lại được học ít nhất và phát triển chậm nhất. Các tu sĩ, chủng sinh trong quá trình đào tạo học khoảng từ 300 đến 500 giờ Kinh Thánh, nhưng chỉ học  khoảng 60-80 giờ Kitô học.

Nếu nhìn vào lịch sử Giáo Hội, từ thế kỷ đầu tiên cho đến thế kỷ thứ V, người ta nhấn mạnh đến phần thứ hai ở câu trả lời của Thánh Phêrô: “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”; nhấn mạnh đến thiên tính của Giêsu mà thu nhỏ phần con người, phần Kitô của Người. Nhiều trường phái xuất hiện tranh cãi về hai bản tính nơi Đức Kitô, dẫn đến nhiều lạc giáo đến độ Giáo Hội phải yêu cầu đừng nói nhiều về Chúa Giêsu kẻo mất đoàn kết nội bộ. Vì thế, từ thế kỷ V đến thế kỷ XX, hầu như rất ít nhà thần học nào dám nói về Chúa Giêsu, trừ vài vị thánh nổi tiếng như Augustinô, Tôma Aquinô. Tuy nhiên, nhiều quả quyết của họ cũng thiếu chính xác khiến cho Huấn quyền của Giáo Hội phải điều chỉnh lại như ta thấy trong cuốn Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 474-477, bàn về tri thức của Chúa Giêsu.

Cách đây hơn 10 năm, khi chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục về Giáo Hội ở châu Á, hơn 1.000 giám mục đã yêu cầu Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II xin các nhà thần học soạn một giáo trình cơ bản của Kitô học, nhưng không ai dám soạn vì sự tranh cãi về quan điểm thần học giữa các dòng tu. Nhiều Đại học Công giáo không dám giảng dạy trọn vẹn về Đức Kitô để tránh những căng thẳng giữa các trường phái thần học, không dám đưa những vấn đề mà các khoa học tự nhiên hay xã hội nhân văn đặt ra về Đức Kitô nếu nhìn nhận Đức Kitô là một con người thật sự  của cộng đồng nhân loại và mang những thành phần vật chất của vũ trụ  này. Mãi đến gần đây, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, mới dám viết cuốn Giêsu Nazareth, phần I, xuất bản năm 2006 và phần II xuất bản năm 2011, cách đây vài tháng, để xác định những điểm cơ bản về Kitô học. Như thế, để hiểu và trả lời trọn vẹn về Đức Giêsu không phải là chuyện đơn giản. Rất nhiều linh mục, tu sĩ cho đến ngày hôm nay vẫn chưa hiểu về Đức Giêsu vì chưa được học đầy đủ môn Kitô học, còn nói gì đến giáo dân.

Kết luận

Vì thế, tìm hiểu những lời hỏi đáp về Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi cần phải cố gắng hơn để học hỏi môn Kitô học với tất cả lòng tin yêu mãnh liệt dành cho Người. Càng hiểu biết Đức Kitô ta sẽ càng hiểu biết con người mình, khám phá ra giá trị siêu việt, tiềm năng vô tận Người ban cho ta để ta trở thành hình ảnh sống động của Người giữa lòng trần thế hôm nay.