08/09/2024

Lễ vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời: Chẳng duy vật cũng chẳng duy tâm

Tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời như mời gọi chúng ta nhận ra giá trị thật sự của thân xác, tránh hai ý thức hệ đối kháng nhau: một bên chỉ coi trọng thể xác và vật chất dẫn đến khuynh hướng duy vật; bên kia chỉ tìm những gì tốt đẹp thuộc thế giới tinh thần dẫn đến khuynh hướng duy tâm.

 Chẳng duy vật cũng chẳng duy tâm

Hành Khất Kitô

Lời mở

Trong lễ vọng Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, chúng ta được mời gọi nhìn vào Người Mẹ Thánh của chúng ta, khám phá ra giá trị đích thực của thân xác mà chúng ta đang mang để có thể kết hợp được với linh hồn mình và cảm nghiệm được đặc ân hồn xác lên trời vì Chúa không phải chỉ dành sẵn cho Mẹ mà còn chia sẻ cho từng người chúng ta, nếu chúng ta biết noi gương Mẹ gắn bó mật thiết với Đức Kitô.

1. Tại sao lại phải tìm hiểu giá trị thân xác?

Trong lịch sử văn minh loài người, từ mấy chục thế kỷ nay, con người chúng ta đã nhìn xác thân theo những góc độ khác nhau và từ đó không khám phá ra giá trị thật sự của thân xác. Cách đây 25 thế kỷ, tức là vào những thế kỷ thứ VI, thứ V trước Công nguyên, các triết gia Hy Lạp đã nhìn vào thực tế của thân xác và giới thiệu một quan niệm mà bây giờ chúng ta gọi là Nhị Nguyên (hai nguồn). Quan niệm này đã ảnh hưởng trong suốt dòng lịch sử con người.

1.1. Thực tế của thân xác như thế nào?

Có lẽ chúng ta đều thấy rõ: thân xác được cấu tạo bởi những nguyên tố vật chất, bị giới hạn trong không gian và thời gian, tăng trưởng theo tuổi tác: khởi đầu tươi trẻ, xinh đẹp, khoẻ mạnh rồi dần dần già đi, xấu đi, yếu đi. Đến một lúc nào đó, thân xác không còn sống được nữa, nó bốc mùi hôi thối và ai cũng muốn chôn nó đi càng sâu càng tốt. Hơn nữa, thân xác con người còn bị cuốn hút, bị thôi thúc bởi những tham vọng và dục vọng. Từ những thôi thúc này dẫn đến tội lỗi và bao nhiêu điều ác đức nên người ta cho rằng xác thân thuộc về thần ác.

Trong khi đó, linh hồn được cấu thành không phải bởi những yếu tố vật chất nên không bị giới hạn trong không gian và thời gian, có thể bay bổng khắp nơi và có những tài năng đặc biệt thuộc về tinh thần như trí nhớ, trí hiểu, trí tưởng tượng, ý chí, cảm năng, hoạt năng…. Hồn không thể chết nên tồn tại mãi mãi như thần linh và vì thế hồn thuộc về thế giới thần thánh. Từ thực tế đó của con người với xác và hồn, đã phát sinh quan niệm Nhị Nguyên: xác thuộc về thần ác, hồn thuộc về thần lành.

1.2. Quan niệm Nhị Nguyên và chủ nghĩa Khắc Kỷ

Quan niệm ấy dẫn đến một thái độ sống, một chủ nghĩa gọi là Khắc Kỷ (phải nghiêm khắc với chính mình), không cho mình ăn uống thoả thuê, sung sướng, không cho mình ăn mặc lụa là, xinh đẹp… cố gắng làm sao cho thân xác mình càng yếu đi thì tinh thần mới bay bổng. Người ta tập trung tinh thần vào việc suy tư triết học, chiêm tinh, văn chương, nghệ thuật, khai thác những khả năng của tâm linh và coi thường thân xác.

Ở châu Á, quan niệm này cũng rất phổ biến, nơi đâu cũng có thần thiện, thần ác, người ta đặt xác chết lên giàn hoả và thiêu cháy cho hồn có thể đầu thai vào kiếp khác. Các đạo sĩ Ần Độ, các nhà sư Phật giáo và cả tư tế Do Thái giáo luôn sống hết sức nhiệm nhặt: ăn chay trường với những món thật đơn sơ, tránh ăn thịt, cá để thân xác càng thanh tịnh, linh hồn càng siêu thoát. Điều này vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

1.3. Ảnh hưởng Khắc Kỷ trong Kitô giáo

Vào đầu Công nguyên, qua Kitô giáo, Thiên Chúa mời gọi chúng ta nhìn lại giá trị  thân xác vì Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, mặc lấy xác thịt (x. Ga 1,14) trở thành Đức Giêsu Kitô để sống với con người. Thân xác đã được nâng lên một giá trị đặc biệt: xác và hồn trở thành hai yếu tố trong một con người (CĐ.Vat. II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 58; Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo (TLHTXHCG), số 13,75,127). Tuy nhiên, vì môn Kitô học chưa phát triển nên người ta nhấn mạnh đến thần tính của Đức Giêsu Kitô hơn là đến nhân tính của Người: thần tính đó như một đại dương bao la, còn nhân tính như một giọt mật nhỏ bé pha vào trong đại dương ấy nên giọt mật tan loãng và cũng chẳng đáng kể!

Trong lịch sử thần học Công giáo, ảnh hưởng của thuyết Nhị Nguyên làm cho người ta coi trọng linh hồn và coi thường thân xác. Đến thế kỷ XX, nhiều người vẫn cho rằng chúng ta có ba kẻ thù: ma quỷ – thế gian – xác thịt. Tuy nhiên, thần học ngày nay yêu cầu ta phải xét lại: quỷ luôn ghen tương với con người được Chúa yêu thương và luôn cám dỗ con người nên cần cẩn thận chống lại; nhưng ma là hồn người chết, có những hồn lành là các vị thánh, có hồn ở tình trạng luyện ngục cần ta cầu nguyện để được giải thoát, có hồn ác làm khổ con người khi hồn bị xúc phạm nên không thể coi tất cả hồn ma là kẻ thù (x. Sách Giáo l‎ý Hội Thánh Công giáo, số 1020-1037). Thế gian cũng vậy, ta đang sống trong thế gian thì làm sao lại thù cho được! Còn thân xác chúng ta là một với hồn, làm sao ta lại căm thù chính mình!

Quan niệm thân xác là kẻ thù của linh hồn bắt nguồn từ ảnh hưởng của thuyết Nhị Nguyên vẫn tác động trong lòng Giáo hội Công giáo nên người ta vẫn hô hào cần phải ăn chay, hãm mình, loại bỏ những gì thuộc về thân xác để linh hồn được nhẹ nhàng thanh thoát mà sống gắn bó với Chúa. Hơn nữa, người ta chỉ muốn cứu linh hồn chứ không cứu cả xác thân. Đây là điều sai lầm cần phải sửa đổi (Sđd, TLHTXHCG, số 38,65,75, 128,129). Chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa đích thực của việc ăn chay hãm mình (x. Mt 9,14-17) thay vì coi chúng như những phương tiện chống đối xác thân.

2. Bài học về Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời

2.1. Sự thật toàn vẹn về con người

Đến năm 1950, tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời mới được ĐTC Piô XII công bố để mời gọi chúng ta nhận ra giá trị thật sự của thân xác, tránh hai ý thức hệ đối kháng nhau: một bên coi thể xác và vật chất là những gì có thực, hữu hiệu và chỉ đi tìm chúng, dẫn đến khuynh hướng duy vật. Bên kia lại chỉ lo cho tinh thần, chỉ tìm những gì tốt đẹp thuộc thế giới tinh thần dẫn đến khuynh hướng duy tâm.

Người Công giáo không duy vật cũng chẳng duy tâm. CĐ.Vat. II (1962-1965) nhắc nhở chúng ta: con người làm một với thể xác và tinh thần. Cả hai yếu tố đó gắn bó mật thiết với nhau và làm nên một con người. Thân xác đã được Thiên Chúa dựng nên chứ không phải do thần ác, đã được Ngôi Lời đón nhận để trở thành Đức Giêsu sống giữa chúng ta, nên chúng ta phải tôn trọng, yêu thương, phát triển cho xứng đáng với linh hồn. Đó là sự thật toàn vẹn về con người (x. Sđd, số 13-19).

Khoa Tâm l‎ý còn nhắc nhở chúng ta rằng: hồn – xác ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau: nếu chúng ta làm cho thể xác mình suy yếu thì tinh thần ta cũng yếu đuối, tầm thường; nếu làm cho thể xác khoẻ mạnh, vui tươi thì tinh thần của ta cũng phát triển tốt đẹp, lạc quan, yêu đời. Không ai để cho thân xác sống trong nghèo đói mà bảo đảm được tinh thần mình đạo đức, thông minh vì cha ông ta từng cảm nghiệm: “đói ăn vụng, túng làm càn”.

Ngày lễ hôm nay mời gọi ta nhìn lại thân xác của mình để yêu thương, tôn trọng và phát huy những giá trị thật sự của thân xác mà kết hợp với linh hồn để phát triển toàn diện con người. Đó là gương mà Người Mẹ Thánh muốn nêu lên.

2.2. Mẹ đã thực hiện như thế nào

Bài đọc I (Sbn 15,3-4;16,1-2) giới thiệu Đức Maria như Hòm bia Thiên Chúa. Hòm bia ghi khắc 10 Lời hay Mười Điều Răn của Chúa để dân Do Thái tuân theo. Mẹ mang Chúa Giêsu là Ngôi Lời trong lòng của mình, gắn bó với Thiên Chúa trong suốt cuộc đời qua việc tuân giữ các điều Răn. Bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 11, 27-28) cũng hàm ‎ý đó: khi một người phụ nữ nói giữa đám đông: “Phúc thay người mẹ  đã cưu mang và cho Thầy bú mớm” thì Chúa Giêsu nhắc rằng: người lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa thì có phúc hơn. Lời ở đây chính là Ngôi Lời sống động, là Đức Giêsu, chứ không phải là những âm thanh hay chữ viết trong Thánh Kinh.

Đức Maria đã lắng nghe Ngôi Lời Thiên Chúa, đã gìn giữ trong suốt cuộc đời mình từ lúc sinh ra cho đến lúc đứng dưới chân thập giá và còn tiếp tục sứ mạng làm Mẹ với các Tông đồ cho đến khi Mẹ lên trời. Vì gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu hơn bất cứ ai nên Mẹ cũng được chia sẻ ân phúc cứu độ trọn vẹn của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chiến thắng cái chết, đã sống lại và lên trời, thân xác Người không phải hư nát trong mồ. Do đó, Đức Maria là người đầu tiên được Chúa Giêsu chia sẻ ơn hồn xác lên trời vì Mẹ đã chiến thắng tội lỗi và những hậu quả của tội lỗi nhờ biết gìn giữ, gắn bó, lắng nghe Lời Chúa trong đời sống của mình. Nếu chúng ta sống như Đức Maria chúng ta cũng được Chúa chia sẻ ơn cao cả ấy.

Vượt qua thái độ duy tâm, duy vật

Ngày nay, chúng ta không còn bị căng thẳng vì buộc phải ăn uống khem khổ, ăn mặc nghèo nàn, hãm mình ép xác, đánh tội mỗi đêm như các tu sĩ thời xưa… Chúng ta được mời gọi phát huy những gì kỳ diệu, tốt lành của Thiên Chúa trong thân xác mình nhờ thể dục thể thao, ăn uống đầy đủ, ăn mặc xinh đẹp. Đồng thời chúng ta cũng được thôi thúc để phát huy những tài năng tinh thần qua việc học hành, nghiên cứu, luyện tập và gắn bó với Ngôi Lời để tình yêu của chúng ta được thăng hoa, vượt lên những tham vọng và dục vọng mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã từng trải qua trong thân xác của mình. Nhờ đó, chúng ta mới có thể cảm nghiệm được ơn hồn xác lên trời ngay trong cuộc sống của mình khi chúng ta vượt lên trên những tham vọng, dục vọng, những quyến rũ trần thế để sống tinh thần yêu thương đầy tự do của Chúa Giêsu và Mẹ Maria (x. Sđd TLHTXH, số 138-143; 204-208).

Kết luận

Cầu chúc anh chị em, nhất là những người mẹ, người chị, người em đã nhận Đức Maria là Thánh Bổn Mạng, được tràn đầy ân phúc và noi gương Người Mẹ Thánh để phát triển trọn vẹn thân xác cũng như tinh thần của mình./.