Thách thức người kế nhiệm Bộ GD-ĐT

Ngành GD-ĐT đã tạo được một số chuyển biến tích cực nhưng những tiến bộ ấy chỉ mới ở ngoại biên, chưa động tới chiều sâu các vấn đề cốt lõi. Do sức ỳ của bộ máy quá lớn nên những thay đổi mới chỉ nửa vời, chậm chạp và còn xa yêu cầu

 Thách thức người kế nhiệm Bộ GD-ĐT

Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011 kết thúc với nhiều thành tựu nổi bật, điểm sáng là tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định nhiều năm, an sinh xã hội bảo đảm. Nhưng chính những dấu ấn ấy và những công việc dở dang đang đặt ra nhiều thách thức hơn với nội các mới, sẽ được QH quyết định trong vài ngày tới.

Trao đổi với PV Thanh Niên, hầu hết các trí thức, giáo sư (GS) hàng đầu đều đánh giá rất cao về mức đầu tư cho GD-ĐT những năm gần đây. Giáo sư – viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, so sánh: “Thời tôi làm Bộ trưởng chỉ có khoảng 5% ngân sách chi cho giáo dục mà đến năm 2008 đã được 20% và cứ tăng dần từ đó đến nay. Như vậy, ngân sách dành cho GD-ĐT tăng hơn 4 lần và tăng sớm theo lộ trình là 2 năm. Lẽ ra theo lộ trình thì phải năm 2010 mới tăng ngân sách cho giáo dục nhưng QH đã quyết định tăng từ năm 2008. Đó là điều khiến nhân dân rất hài lòng và cảm kích trước sự quan tâm của Nhà nước tới giáo dục”.

Còn GS Hoàng Tuỵ nhận định sự đầu tư của Nhà nước và nhân dân ngày càng tăng, có thể nói tăng chưa từng có trong lịch sử của nước ta. Chưa bao giờ ngân sách đầu tư cho giáo dục nhiều như vậy. GS cũng đánh giá ngành GD-ĐT đã tạo được một số chuyển biến tích cực, bước đầu kéo giáo dục ra khỏi một số điểm trì trệ cố hữu như một số đổi mới trong chương trình phân ban của THPT, trong xây dựng quy chế đào tạo tiến sĩ, quy chế công nhận các chức danh GS, PGS; đổi mới thi cử… Tuy vậy, GS cũng cho rằng những tiến bộ ấy chỉ mới ở ngoại biên, chưa động tới chiều sâu các vấn đề cốt lõi. Do sức ỳ của bộ máy quá lớn nên những thay đổi mới chỉ nửa vời, chậm chạp và còn xa yêu cầu.

Hai không sụp đổ!

Nhắc tới nhiệm kỳ vừa qua của giáo dục, có lẽ dấu ấn đậm nét nhất phải kể đến là các phong trào. Trong đó, phong trào Hai không – Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục – được dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi sát sao và đây cũng là phong trào tốn nhiều “giấy mực” nhất của báo giới.

Hôm nay, Quốc hội bầu Chủ tịch nước

Theo nghị trình, hôm nay (25.7), QH tiến hành bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ mới. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước sẽ đề cử danh sách để bầu Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC, Chánh án TANDTC.

Cụ thể, trong buổi sáng, các đoàn ĐBQH sẽ họp để trao đổi về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Ủy ban TVQH khoá mới sẽ họp để nghe báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các đoàn ĐBQH về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.

Buổi chiều, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng sẽ thay mặt Ủy ban TVQH khoá XIII báo cáo kết quả thảo luận tại các Đoàn ĐBQH về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Sau khi thảo luận và thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước, QH sẽ tiến hành bỏ phiếu kín để bầu chức danh này.

Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, tân Chủ tịch nước sẽ phát biểu nhậm chức trước toàn thể QH và ngay sau đó sẽ trình bày Tờ trình giới thiệu danh sách đề cử để QH bầu Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC. 

Bảo Cầm

Các trí thức, nhà giáo và dư luận xã hội đã đặt niềm tin, sự kỳ vọng rất lớn sau kết quả của năm đầu tiên ngành GD-ĐT thực hiện phong trào “hai không”. Dường như, kết quả thi cử trong giáo dục phổ thông đã tiến gần hơn với thực chất. Tỷ lệ tốt nghiệp của nhiều địa phương năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động này đã gây “sốc” trong dư luận, khi mà nhiều tỉnh chỉ trên dưới một nửa số học sinh đi thi đậu tốt nghiệp. Tuy sốc, nhưng hầu hết đều hy vọng rằng đó là cách làm quyết liệt, chịu “đau” một lần để đưa việc học hành thi cử vận hành theo hướng thực chất hơn.

Nhưng tiếc thay, niềm hy vọng về “hai không” đã nguội lạnh ngay sau khi nhìn vào kết quả kỳ thi của năm thứ hai và rồi tan dần theo những năm tiếp. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các tỉnh thành những năm sau “hai không” nhảy múa không theo bất kỳ một logic nào.

Cụ thể, năm 2007, tỷ lệ tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT (lần 1) chỉ đạt 66,7%, có nhiều địa phương đạt dưới 50% (năm 2006 đạt 94%). Năm 2008 (lần 1) đạt 76% (tăng hơn 9% so với năm 2007); năm 2009 đạt 83,8%, tăng 7,8% so với năm 2008; năm 2010 đạt 90% và đến năm 2011 thì tỷ lệ tốt nghiệp vọt lên mức gần 96%. Nhiều người đã thốt lên: “cuộc vận động Hai không đã hoàn toàn sụp đổ”…

Điều này khiến Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phải lên tiếng tại Hội nghị tổng kết năm học 2010-2011, phương hướng và nhiệm vụ năm học 2011-2012: “Lãnh đạo bộ và các địa phương cần quan tâm phân tích kỹ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Bộ GD-ĐT cần kiểm tra lại để khẳng định con số này có thực chất không và cần có lý giải cho rõ tại sao có kết quả này. Sau 5 năm thực hiện “hai không”, đến nay cần rà soát tỷ lệ tốt nghiệp tăng vọt ở rất nhiều địa phương và tỷ lệ tốt nghiệp giáo dục thường xuyên cao hơn chính quy”.

Ngắc ngoải chờ… sống bằng lương

Tại kỳ họp QH lần thứ 7, khoá XII, diễn ra vào tháng 6.2010, đại biểu QH đã chất vấn Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lúc đó kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: “Một số cán bộ, viên chức trong ngành và cử tri băn khoăn về việc thực hiện lời hứa của Phó thủ tướng. Ví dụ đến năm 2010, giáo viên sống bằng lương?”.

Trả lời bằng văn bản, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết so với năm 2006, đến 2010 lương giáo viên đã tăng gấp 2,1 lần, vào khoảng 2,5 – 4 triệu đồng/tháng, cao hơn so với các ngành khác. Nhưng Phó thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Với nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, mức lương này vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi tăng thu nhập thực tế cho giáo viên, nhất là khi đã có con nhỏ, đời sống của một bộ phận nhà giáo còn không ít khó khăn”.

Các nhà giáo lên tiếng: ở một nước mà nhiều thứ được quy ra vàng như nước ta thì mức lương năm 2006 (lúc giá vàng 1,1 triệu đồng/chỉ) đến năm 2011 (khi vàng lên tới ngưỡng gần 4 triệu đồng/chỉ) là… thụt lùi.

Không chỉ so với vàng, mà so với mức tăng giá thịt cá, xăng dầu, mắm muối… những thực phẩm thiết yếu hằng ngày, thì mức tăng lương giáo viên như trên cũng chưa thấm vào đâu.

Mục tiêu xa vời

Năm 2007, Chính phủ phê duyệt đề án đổi mới thi và tuyển sinh, trong đó khẳng định sẽ chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ. Nhưng cho đến năm 2011 đề án này vẫn chưa được thực hiện. Bộ GD-ĐT vẫn tiến hành thi ĐH ba chung (chung đợt, chung đề, chung kết quả thi). Nhiều trường ĐH đặc biệt là hai ĐH Quốc gia đã được trao quyền tự chủ trong tuyển sinh nhưng vẫn không được thực hiện do “vướng” vào “quy chế ba chung” của Bộ GD-ĐT.

Nghị quyết Chính phủ năm 2005 đưa ra mục tiêu mở rộng quy mô đào tạo đạt tỷ lệ 200 sinh viên/vạn dân vào năm 2010; 450 sinh viên/vạn dân vào năm 2020 và khoảng 40% tổng số sinh viên thuộc các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Một nhà khoa học phân tích: Dự báo dân số đến năm 2020 là 100 triệu dân, theo quy mô đó, phải có 4,5 triệu sinh viên đại học. Hiện cả nước mỗi năm có 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT. Như vậy, tất cả số học sinh này  phải vào hết các trường ĐH, CĐ!

Vũ Thơ

 

“Đặt hàng” Bộ trưởng GD-ĐT

Giảm tải chương trình

Việc cần làm trước mắt là khắc phục tình trạng quá tải hiện nay. Quá tải ở đây là vừa thừa vừa thiếu; quá nặng về lý thuyết, hàn lâm và thiếu thực hành. Nhiều nhà giáo và nhà khoa học giáo dục cho rằng chương trình giáo dục của ta ở nhiều môn khoa học tự nhiên còn nặng hơn so với chương trình của những nước đã có nền kinh tế – xã hội rất phát triển. Mà để tình trạng này kéo dài quá là điều rất đáng… sốt ruột, đáng lo. Bộ GD-ĐT đã rà soát và nhận thấy sách giáo khoa rất nhiều lỗi, lẽ ra Bộ GD-ĐT phải sửa toàn diện. Trước đây có những bộ sách dùng tới 13-14 năm không có vấn đề gì, hiện nay dư luận kêu nhiều mà chỉ đính chính lẻ tẻ thì không nên.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Thay đổi cách thi cử

Tôi cho rằng đổi mới giáo dục phải gắn với thay đổi hình thức thi cử. Mỗi cuộc thi có một mục đích riêng, vì vậy không nên đặt vấn đề nhập kỳ thi nọ vào kỳ thi kia. Nhưng phải giao quyền tự chủ nhiều hơn cho cơ sở, xây dựng rộng rãi hệ thống đánh giá của xã hội và sử dụng bộ máy đánh giá ấy mà tổ chức thi thì sẽ nhẹ nhàng hơn bây giờ rất nhiều. Bộ GD-ĐT không nên “ôm” những việc này. Việc của Bộ GD-ĐT là xây dựng chiến lược, ban hành quy chế, tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Nếu cứ ngập đầu với các kỳ thi, vá víu những chuyện tiêu cực thì không thời gian đâu để đầu tư tâm sức cho những việc lớn mà xã hội yêu cầu và Nghị quyết Đại hội Đảng đã đặt ra.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên – Nhi đồng của QH

Chúng tôi vẫn chờ

Mặc dù lời hứa năm 2010 giáo viên sống được bằng lương chưa được thực hiện nhưng giáo viên chúng tôi vẫn tiếp tục chờ đợi trong hy vọng. Tôi tin rằng, nếu quyết tâm thì ngành GD-ĐT vẫn có thể thực hiện được lời hứa đó.

Cô Bùi Thị Phượng giáo viên mầm non tại TP Bắc Giang

Phải chấm dứt cảnh xếp hàng vào trường mầm non

Tôi khẩn thiết đề nghị từ năm học tới, phụ huynh muốn gửi con vào trường mầm non công lập như chúng tôi không còn phải lo xếp hàng trắng đêm để mong có một chỗ học cho con mình nữa. Tôi đã trải qua những đêm trắng như vậy và năm nào cũng thấy lãnh đạo ngành GD-ĐT hứa hẹn sẽ có thêm trường học… Vậy mà không có chuyển biến gì.

Bà Nguyễn Thị Thúy Minh
(Phòng 542 – E7 – tập thể Thành Công, Q.Ba Đình, Hà Nội)

Trước hết, phải có đủ chỗ học cho người dân

Tôi cho rằng, có hai mong muốn lớn nhất đặt ra với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong nhiệm kỳ mới, đó là một nền GD-ĐT đảm bảo được về quy mô và chất lượng giáo dục. Mong muốn trước hết là việc đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Tôi cho rằng, nhiệm vụ trước mắt là phải đảm bảo đủ chỗ học cho người dân, đáp ứng được nhu cầu đi học. Bên cạnh đó, phải đa dạng về chất lượng để đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau, trong đó có cả loại hình trường chất lượng cao để cho một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế và khả năng đóng góp vào học.

GS Đào Trọng Thi
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên – Nhi đồng của QH