Thảm sát ở Na Uy: 92 người chết

Ít nhất 92 người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom và xả súng đẫm máu ở thủ đô Oslo, Na Uy. Người dân đất nước Bắc Âu vốn xa lạ với cảnh bom rơi đạn nổ bàng hoàng đặt câu hỏi: “Tại sao?”.

 Thảm sát ở Na Uy: 92 người chết

Ít nhất 92 người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom và xả súng đẫm máu ở thủ đô Oslo, Na Uy. Người dân đất nước Bắc Âu vốn xa lạ với cảnh bom rơi đạn nổ bàng hoàng đặt câu hỏi: “Tại sao?”.

Theo Hãng tin Reuters, hôm qua 23-7 Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg mô tả hai vụ tấn công đẫm máu là “một thảm kịch quốc gia” và là “cơn ác mộng” đối với đất nước Na Uy. Báo chí địa phương đưa tin hôm 23-7, cảnh sát Na Uy đã bắt giữ tay súng thực hiện cuộc thảm sát kinh hoàng trên đảo Utoeya, cách thủ đô Oslo 30km về phía tây bắc.

Đó là một người Na Uy 32 tuổi, cao lớn, tóc vàng. Kênh truyền hình TV2 và một số tờ báo xác định nghi can là Anders Behring Breivik, một kẻ theo xu hướng cực hữu. Cảnh sát cho biết hắn cũng xuất hiện ở khu vực trung tâm thủ đô Oslo trước khi vụ đánh bom gần Văn phòng thủ tướng Na Uy xảy ra.

“Tao sẽ giết hết chúng mày”

Hai vụ nổ ở trung tâm thủ đô Oslo làm bảy người thiệt mạng và ít nhất 90 người khác bị thương, trong đó có một số thành viên chính quyền Đảng Lao động của Thủ tướng Stoltenberg. Văn phòng ông Stoltenberg và hai toà nhà Bộ Tài chính và dầu khí bị hư hại nặng. Kênh TV2 dẫn lời một quan chức an ninh cho biết ngay sau đó cảnh sát đã phong toả một phần lớn diện tích thành phố.

Nhưng vài giờ sau, nghi can Anders Behring Breivik vẫn xuất hiện trên đảo Utoeya trong bộ đồng phục cảnh sát. Đó là nơi Đảng Lao động đang tổ chức trại hè hằng năm cho thanh thiếu niên.

“Tôi thấy một cảnh sát bước tới, nói muốn tập hợp mọi người lại để thực hiện một cuộc kiểm tra theo quy định vì vụ đánh bom ở Oslo – báo Aftenposten dẫn lời một nhân chứng tên Hana, 16 tuổi, bàng hoàng kể lại – Rồi hắn bất ngờ rút súng ra xả đạn vào mọi người”. Vừa bắn hắn vừa gào lên: “Tao sẽ giết hết chúng mày”.

Khi đó hắn mang theo một khẩu súng máy, một súng lục và một súng săn. Phần lớn trong số 85 nạn nhân trên đảo Utoeya đều là thanh thiếu niên, có những người mới chỉ 14 tuổi. Khi tiếng súng vang lên, nhiều người hoảng hốt chạy trốn trong các toà nhà trên đảo, nhiều thiếu niên chạy vào rừng, một số lao xuống nước định bơi vào bờ nhưng đảo Utoeya cách đất liền quá xa.

“Lúc đầu hắn bắn mọi người trên đảo, sau đó xả súng xuống nước nhắm vào những người đang bơi” – nhân chứng Elise mếu máo kể. Một thanh niên tên Adrian Pracon cho biết anh và hai người bạn đã may mắn thoát chết dù kẻ giết người đến ngay bên cạnh bởi cả ba giả chết nằm cạnh nhiều nạn nhân đã thiệt mạng.

Trước đó Pracon cố bơi vào bờ nhưng đã buộc phải quay lại đảo vì quá mệt mỏi trên mặt nước. “Khi nằm dưới đất, tôi nghe rõ tiếng giày của hắn và cảm nhận thấy cả tiếng thở của hắn”. Một nhân chứng khác mô tả khi xả súng, hắn tỏ ra bình thản đến lạ lùng.

Sau hai giờ, cảnh sát ập vào đảo Utoeya và bắt sống nghi can. Sau khi khám xét, cảnh sát phát hiện một lượng lớn thuốc nổ trên đảo. Nguồn tin báo chí Na Uy cho biết nghi can Breivik có một trang trại ở Rena, phía bắc Na Uy.

Trước đó hắn đã đặt mua 6 tấn phân hoá học ammonium nitrate, có thể được sử dụng làm thuốc nổ. Nhà chức trách đang điều tra xem có phải hoá chất này có trong các quả bom gây nổ ở trung tâm Oslo hay không. Cảnh sát xác định vụ thảm sát trên đảo Utoeya và vụ đánh bom ở Oslo đều là “tác phẩm” của nghi can Breivik.

“Thiên Chúa giáo cực đoan”?

Báo Verdens Gang dẫn lời một người bạn của nghi can Breivik cho biết hắn trở thành kẻ theo đường lối cực hữu khi ở tuổi 20. Trên mạng Internet, hắn nhiều lần bày tỏ quan điểm dân tộc cực đoan, chống Hồi giáo, và phản ứng kịch liệt với ý tưởng những người khác biệt về chủng tộc, văn hoá có thể chung sống hoà bình.

Trên trang mạng xã hội Twitter hôm 17-7 hắn gửi một tin nhắn, trích lại lời của nhà triết học Anh John Stuart Mill: “Một người có niềm tin có sức mạnh tương đương 100.000 người chỉ có sở thích”. Mới đây một quan chức cảnh sát Oslo tuyên bố nghi can là một kẻ “Thiên Chúa giáo cực đoan”.

Do đó, nhà chức trách nghi ngờ mục tiêu tấn công của hắn là Đảng Lao động theo đường lối tự do. Dù cảnh sát xác định Breivik hành động một mình, nhưng Thủ tướng Stoltenberg tuyên bố ông không loại trừ khả năng có một số kẻ liên quan đến các vụ tấn công.

Theo các chuyên gia an ninh Na Uy, quốc gia này từng gặp nhiều vấn đề với các nhóm phát xít mới, nhưng quan điểm chung hiện nay là hầu hết các nhóm này đều đã bị giải tán và không tạo ra mối đe doạ đáng kể nào. Theo AFP, mới đây Bộ trưởng Tư pháp Na Uy Knut Storberget tuyên bố không có lý do gì để nâng mức cảnh báo của quốc gia lên.

Trên mạng xã hội Facebook, rất nhiều người Na Uy tỏ ra bàng hoàng trước việc tấn công khủng bố xảy ra ở quốc gia vốn rất thanh bình này. Thủ đô Oslo là biểu tượng của hoà bình quốc tế, là quê nhà của giải Nobel Hoà bình, và là nơi Israel và Palestine đạt hiệp ước lịch sử năm 2003.

AFP dẫn lời Thị trưởng Oslo Fabian Stang cho biết người dân thành phố vẫn chưa thể chấp nhận được thực tế Oslo đã gia nhập danh sách các thành phố bị tấn công. “Hôm nay chúng tôi mới nghĩ tới người dân sống ở New York và London, những người đã sống qua trải nghiệm khủng khiếp kiểu như thế này”.