Giẫm gai cũng đi Singapore chữa

Có quá đáng không khi người bệnh cần những lời sẻ chia giản dị, thế mà ở bệnh viện VN đòi hỏi này trở nên xa xỉ

Giẫm gai cũng đi Singapore chữa

Khi đến thăm bệnh viện của Singapore lần đầu tiên, tôi tưởng mình đi lạc vào cung điện. Tiền sảnh bệnh viện rất rộng, có ghế xôpha, cây cảnh, mùi cà phê nồng nàn, rất ít bệnh nhân.

Lần thứ hai, thấy giá khám chữa bệnh ở đây sao mà đắt, loại phòng đặc biệt có thể 80 triệu đồng/ngày đêm, không tính phí chữa bệnh. Giá này người bệnh được phục vụ như vua thì có gì là lạ. Còn lần thứ ba, thấy chất lượng khám chữa bệnh cũng “bình thường thôi”. Có tốt hơn VN chăng là ở cung cách phục vụ.

Nói thế để thấy con số 1 tỉ USD người VN bỏ ra để đi khám chữa bệnh riêng ở Singapore (Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công bố cuối tuần rồi) mà thấy tiếc. Không như bệnh viện VN, bệnh viện Singapore tính phí giường bệnh riêng, phí bác sĩ riêng.

Một gói dịch vụ khám sức khoẻ cơ bản có thể có giá tới 33 triệu đồng. Còn với những bệnh nan y như ung thư, ghép tạng, chi phí khám và điều trị có thể lên đến nhiều tỉ đồng, người bệnh từ giàu có có thể trở nên khánh kiệt vì chi phí chữa bệnh.

Thế nhưng như Thứ trưởng Tiến thừa nhận, cái “hơn” ở Singapore là cung cách. Hỏi người bệnh VN thiếu gì? Thiếu nhất là nụ cười, sự sẻ chia, lời tư vấn ân cần. Có quá đáng không khi người bệnh cần những lời sẻ chia giản dị, thế mà ở bệnh viện VN đòi hỏi này trở nên xa xỉ. Người ta đổ lỗi rằng bệnh viện quá đông, khám cho 100 bệnh nhân/ngày, mổ cho vài bệnh nhân/ngày thì cười làm sao được.

Có lẽ tất cả là do căn bệnh xin – cho, khi ta ở vị trí thầy thuốc, bệnh nhân đến đây là phải “luỵ” ta, cần gì phải cười cho mệt! Điều tra gần đây của ĐH Y Hà Nội cho thấy phần lớn bác sĩ hiểu mình là người khám chữa bệnh cho bệnh nhân, trong khi hiểu đúng họ phải là “người cung cấp dịch vụ”.

Mới đây, nữ bệnh nhân 17 tuổi tử vong ở Cà Mau do bác sĩ tắc trách. Trước đó ở Tiền Giang, ở Hà Nội, ở Cần Thơ…, rất nhiều sản phụ tử vong, để lại đứa con sơ sinh mất mẹ, lý do cũng tại bác sĩ tắc trách. Nghề thầy thuốc cứu người, bệnh nhân có thể tử vong trong gang tấc. Nhưng để chết người do tắc trách, đáng lẽ phải coi đó là điều hổ thẹn nghề thầy thuốc.

Bệnh nhân VN đi Singapore để chữa những bệnh gì? Tôi đã hỏi một nhân viên tư vấn y tế Singapore như thế. Cô ấy nói là họ đi chữa những bệnh nan y, nhưng có một bộ phận dân chúng thì giẫm phải gai cũng đi Singapore chữa trị! Có những bệnh nhân có chỉ định cắt bao quy đầu, một loại tiểu phẫu có thể thực hiện ở bất kỳ bệnh viện nào ở VN, cũng đặt lịch đi Singapore để cắt với chi phí tốn kém gấp nhiều lần. Đơn giản chỉ vì họ mong được chăm sóc, điều trị tận tình và những nụ cười sẻ chia.

Một bệnh nhân khá giả mới đây điều trị gãy chân ở Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Mặc dù sẵn sàng chi trả nhưng bệnh nhân vẫn được xếp nằm cáng trong phòng chung hơn 20 bệnh nhân. Muốn hỏi bác sĩ một câu cũng rất khó, vì bác sĩ nói “ở đây muốn tiêu tiền cũng không được tiêu”.

Theo Thứ trưởng Tiến, về kỹ thuật y khoa, bệnh viện VN không kém nước ngoài. Mình yếu hơn họ ở quản lý bệnh viện, ở tổ chức không gian, ở thái độ và cung cách phục vụ. Thế đấy, cái khó nhất là kỹ thuật y khoa thì chúng ta làm được. Chúng ta chỉ thua họ ở chỗ làm sao có thể tặng bệnh nhân một nụ cười tự đáy lòng, một điều tưởng rất dễ. Chúng ta chỉ thua ở những chỗ rất dễ ấy thôi.

Và vì mắc mứu giản đơn này – một mắc mứu chúng ta biết từ lâu nhưng chưa sửa được, riêng ở thị trường y tế Singapore mỗi năm VN bị chảy máu 1 tỉ USD, mặc dù giá khám chữa bệnh ở đó rất đắt.