“Đời sống tận hiến”, một phương dược chữa trị cá nhân chủ nghĩa

Sứ điệp của Hội đồng Giám mục Ý về Ngày thế giới đời sống tận hiến lần 15. Rôma, thứ Năm 20-01-2011, khi đối diện với một cá nhân chủ nghĩa ngày càng chiếm lĩnh xã hội, thì tất cả mọi lãnh vực, và đặc biệt là đời sống tận hiến, đều được mời gọi thực hiện “bổn phận cấp bách” giáo dục sống theo Tin Mừng sự sống.

“Đời sống tận hiến”, một phương dược chữa trị cá nhân chủ nghĩa

 

Sứ điệp của Hội đồng Giám mục Ý về Ngày thế giới đời sống tận hiến lần 15.

 

 

Rôma, thứ Năm 20-01-2011, khi đối diện với một cá nhân chủ nghĩa ngày càng chiếm lĩnh xã hội, thì tất cả mọi lãnh vực, và đặc biệt là đời sống tận hiến, đều được mời gọi thực hiện “bổn phận cấp bách” giáo dục sống theo Tin Mừng sự sống.

 

Sự cấp bách trong công việc giáo dục cấu tạo nên tâm điểm sứ điệp của Ngày thế giới đời sống tận hiến lần 15 (2/2/2011), với chủ đề: “Những chứng nhân của Tin Mừng sự sống”, do Ủy ban giáo sĩ và đời sống tận hiến của Hội đồng Giám Mục Ý ấn hành.

 

Sứ điệp nhấn mạnh đến tiến trình của các thế hệ trong việc chuyển giao các giá trị, một tiến trình “mà vào một lúc phát triển lịch sử nào đó, đã đánh mất đi những nội dung đúng đắn, nên đã bị phương hại một cách nặng nề do một quan niệm sai lầm về sự tự trị của con người, về một sự giản lược thiên nhiên vào một thứ vật chất không hơn không kém, một thứ vật chất mà ta có thể thao tác được, và thậm chí còn do một quan niệm sai lầm về Mạc khải Kitô giáo nữa”.

 

Ta có thể đọc thấy trong Sứ điệp một hiện tình ngày càng báo động hơn khi “những địa điểm truyền thống trong việc đào tạo, chẳng hạn như gia đình, học đường và cộng đồng dân sự, hình như đang bị cám dỗ muốn từ bỏ trách nhiệm “giáo dục”, và giản lược công việc giáo dục vào việc truyền đạt thông tin không hơn không kém, một hiện tình đặt các thế hệ mới vào trong sự cô đơn và hỗn loạn”.

 

Do đó, ta cần phải “đi trên một con đường đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và với tâm tình của Người đối với Chúa Cha”, bởi vì “ta không đào tạo Tin Mừng sự sống một cách trừu tượng, nhưng bằng cách đứng về phía Đức Giêsu Kitô, bằng cách để cho con người của Người lôi kéo chúng ta, bằng cách đi theo sự hiện diện dịu hiền của Người”.

 

Và trong bối cảnh này, “chính cuộc sống huynh đệ, là đặc điểm của đời sống tận hiến, sẽ chỉ cho chúng ta thấy đâu là phương dược thuốc chữa trị cá nhân chủ nghĩa, một thứ bệnh tàn phá xã hội, và lắm khi lại tạo nên sự chống đối mãnh liệt nhất đối với mỗi đề xuất giáo dục”. Sứ điệp diễn tả tiếp như sau: “Như thế, đời sống tận hiến nhắc lại cho chúng ta nhớ rằng sự hiệp thông là con đường duy nhất cho phép chúng ta đào tạo mình theo Tin Mừng sự sống”.

 

Tiếp đến Sứ điệp đề cập đến giá trị giáo dục của đời sống tận hiến, và cắt nghĩa làm sao mà con người có thể tìm thấy được “trong chứng tá vui vẻ sống đức khiết tịnh một sự quy chiếu chắc chắn, để học biết cách đặt mình trong mối tương giao với chân lý của tình yêu, khi giải phóng mình khỏi sự tôn sùng bản năng”.

 

Bản văn của Hội đồng Giám mục Ý nói tiếp: chính trong đức nghèo khó Phúc Âm mà con người “giáo dục mình” để nhận biết “kho tàng thực sự của mình” ở trong Thiên Chúa, kho tàng “giải phóng chúng ta khỏi chủ nghĩa duy vật chất ham hố chiếm hữu”, và “học biết tình liên đới đối với những ai lâm cơn quẫn bách”.

 

Cuối cùng, Sứ điệp cắt nghĩa làm sao trong đức vâng lời, ta có thể giáo dục sự tự do để “nhìn nhận ra rằng sự phát triển đích thật” có nghĩa là “đi ra khỏi chính mình”, là không ngừng đi tìm “chân lý và Thánh ý của Thiên Chúa”, Người là “một ý chí bằng hữu, từ tâm”, Người muốn “chúng ta thể hiện chính mình”.

 

Sứ điệp nói tiếp: “Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, chúng ta cần giáo dục mình hiểu rõ cuộc sống như là ơn gọi và là hồng ân của Thiên Chúa, để có thể biện phân và quy hướng ơn gọi của mỗi người vào trong bậc sống riêng của mình”.

 

Sứ điệp kết luận: “Khi triệt để đi theo Đức Kitô, thì chứng tá của những người nam và nữ tận hiến đời mình cho Chúa biểu thị một nguồn lực giáo dục cơ bản, để khám phá ra rằng sống chính là được Đức Giêsu Kitô muốn và yêu mến trong từng khoảnh khắc một.

 

G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ