Chúa Nhật III Thường Niên, năm A: Nước Trời đã gần đến

Anh chị em thân mến! Trong phụng vụ ngày hôm nay, Thánh sử Mátthêu là người cùng đồng hành với chúng ta trong suốt năm phụng vụ này, trình bày buổi đầu sứ mạng công khai của Đức Kitô. Sứ mạng này cốt ở việc rao giảng Nước Trời và chữa lành các bệnh nhân, để chứng tỏ rằng Nước Chúa đã đến gần, đúng hơn là từ nay, Nước Chúa đang ở giữa chúng ta. Đức Giêsu bắt đầu rao giảng ở vùng Galilê, vùng đất nơi Người đã lớn lên, một vùng đất “ngoại biên“ so với vùng trung tâm của quốc gia Dothái là Giuđê, và trong vùng đất này có thành Giêrusalem.

Nước Trời đã gần đến

 

Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Chúa nhật III Thường niên, 27/1/2008

 

 

Anh chị em thân mến!

 

Trong phụng vụ ngày hôm nay, Thánh sử Mátthêu là người cùng đồng hành với chúng ta trong suốt năm phụng vụ này, trình bày buổi đầu sứ mạng công khai của Đức Kitô. Sứ mạng này cốt ở việc rao giảng Nước Trời và chữa lành các bệnh nhân, để chứng tỏ rằng Nước Chúa đã đến gần, đúng hơn là từ nay, Nước Chúa đang ở giữa chúng ta. Đức Giêsu bắt đầu rao giảng ở vùng Galilê, vùng đất nơi Người đã lớn lên, một vùng đất “ngoại biên“ so với vùng trung tâm của quốc gia Dothái là Giuđê, và trong vùng đất này có thành Giêrusalem. Nhưng  Ngôn sứ Isaia đã tiên báo vùng đất được cấp cho các chi tộc Dabulon và Neptali sẽ có một tương lai xán lạn, và dân tộc đắm chìm trong tăm tối sẽ thấy một ánh sáng huy hoàng (x. Is 8, 23-9,1), sẽ thấy ánh sáng của Đức Kitô và ánh sáng Phúc Âm của Người (x. Mt  4, 12-16). Vào thời Đức Giêsu, thì hạn từ “phúc âm” được các hoàng đế Rôma sử dụng trong những dịp họ được tuyên dương.  Không xét đến nội dung, những cuộc tuyên dương này được định nghĩa là những “Tin mừng“, nghĩa là những cuộc loan báo giải thoát, là vì hoàng đế vẫn được xem là chủ thế giới, và mỗi một sắc chỉ của hoàng đế đều được xem là việc loan báo điều tốt lành. Như thế, khi ta đem lời nói này áp dụng cho công cuộc rao giảng của Đức Giêsu, thì nó có một ý nghĩa phê phán, như thể nói rằng: “Vị Chúa tể của thế giới là Thiên Chúa, chứ không phải là hoàng đế, và Tin Mừng đích thực là tin mừng của Đức Giêsu Kitô “.

 

Tin Mừng mà Đức Giêsu loan báo được tóm tắt qua lời sau đây: “Nước Chúa- hay Nước trời – đã đến gần“ (Mt 4, 17; Mc 1, 15). Câu nói này có ý nghĩa gì? Dĩ nhiên, câu nói này không ám chỉ đến một vương quốc trần gian được xác định trong không gian và thời gian, nhưng câu nói ấy loan báo rằng Chúa đang thống trị, rằng chính Thiên Chúa là Chúa tể và quyền chủ tể của Người đang hiện diện, đang hiện có, và chủ quyền ấy đang được thể hiện. Như thế, nét mới mẻ của sứ điệp Đức Kitô, đó là trong Người, Thiên Chúa ở gần chúng ta, từ nay, Thiên Chúa đang hiển trị giữa chúng ta, như việc Người làm phép lạ và chữa lành bệnh tật đã chứng minh điều đó.Thiên Chúa hiển trị trên trần gian qua Con Thiên Chúa mang kiếp phàm nhân và với sức mạnh của Thánh Thần được gọi là “ngón tay Thiên Chúa“ (x. Lc 11, 20).  Nơi nào có Đức Giêsu ngự đến, thì nơi đó có Thần Khí sáng tạo mang lại sự sống,và con người được chữa lành khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền về thể xác lẫn tinh thần. Như thế, quyền chủ tể của Thiên Chúa được biểu lộ qua việc chữa lành con người một cách trọn vẹn. Như thế, Đức Giêsu muốn mạc khải gương mặt của Thiên Chúa thật, của vị Thiện Chúa ở gần chúng ta, vị Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu đối với hết mọi người; vị Thiên Chúa trao ban cho chúng ta sự sống, sự sống của Người một cách dồi dào.  Như thế, Nước Chúa là sự sống chiến thắng cái chết, là ánh sáng chân lý xua tan bóng tối mê muội và dối gian.

 

Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria Chí Thánh cầu cùng Chúa luôn ban cho Giáo Hội được chính niềm đam mê phục vụ Nước Chúa, niềm đam mê mà Đức Giêsu Kitô đã dùng để thi hành sứ mạng của Người: đam mê đối với Thiên Chúa, đối với quyền chủ tể tình yêu và sự sống của Người;  đam mê đối với con người, mà ta gặp được trong chân lý, và ta muốn mang lại cho con người kho tàng quý giá nhất, đó là tình yêu Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa và là Cha của con người.

 

 

Cuối giờ Kinh Truyền Tin

 

 

Tôi ưu ái chào các em thiếu nhi và các bạn trẻ Công giáo tiến hành Rôma, cứ mỗi năm khi kết thúc “Tháng hoà bình“,đều đến đây, cùng với Đức Hồng Y Tổng đại diện, cha mẹ và các nhà giáo dục. Hai trong số các em đang ở gần tôi. Các em mang đến cho tôi một sứ điệp, và vừa rồi, cùng với tôi, các em đã thả hai con chim bồ câu, là biểu tượng của hòa bình. Các bạn nhỏ thân mến, Cha biết là các con đang dấn thân giúp đỡ các bạn đồng tuổi hiện đang đau khổ vì chiến tranh và nghèo đói. Các con hãy tiến bước trên con đường mà Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta để xây dựng hòa bình đích thực!

 

Ngày hôm nay, chúng ta cử hành Ngày quốc tế bệnh nhân phong, được ký giả và luật sư Raoul Follereau khởi xướng cách đây 55 năm. Tôi ưu ái gởi lời chào đến tất cả những ai đang đau khổ vì cơn bệnh này, và tôi hứa sẽ cầu nguyện một cách đặc biệt cho họ, cũng như cho tất cả những ai, dưới nhiều hình thức khác nhau, đang dấn thân phục vụ các bệnh nhân này, đặc biệt là các tình nguyện viên thuộc Hiệp hội những người bạn Raoul Follereau.

 

Thứ hai, ngày 21/1 vừa qua, tôi đã gởi đến địa phận và kinh thành Rôma một Lá thư nói về công việc giáo dục khẩn cấp. Qua Lá thư này, tôi muốn đóng góp một cách đặc biệt cho việc đào tạo các thế hệ trẻ, một sự cam kết khó khăn và chủ yếu cho tương lai thành phố của chúng ta. Thứ bảy ngày 23/2 tới đây, trong một buổi triều yết đặc biệt tại Vatican, tôi sẽ gặp tất cả những ai có liên quan trực tiếp  đến thách đố lớn lao về công việc giáo dục này, chẳng hạn như các nhà giáo dục, các trẻ em, các thanh thiếu niên và các bạn trẻ đang được đào tạo, và tôi sẽ trao cho họ Lá thư của tôi.

 

Tôi xin chào anh chị em là những khách hành hương nói tiếng Pháp đến đây đọc kinh Truyền Tin thân mến. Trong ngày Chúa nhật hôm nay, chúng ta cử hành Ngày quốc tế Bệnh nhân phong lần thứ 55, tôi mời gọi những nhà hữu trách về mặt chính trị và y tế ngày càng dấn thân hơn nữa để chăm sóc các bệnh nhân này. Ước gì những người đang sống đương thời với chúng ta biết sống gần gũi với những anh chị em đồng loại của họ. Mỗi người trong anh chị em đều được Đức Kitô mời gọi, và phải trở nên một nhà thừa sai rao giảng Tin Mừng bằng chính lời nói và đức ái chủ động của mình. Tôi xin ban Phép Lành Tòa Thánh của tôi cho anh chị em.

 

Tôi xin chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa nhật tốt đẹp. Và giờ đây, chúng ta hãy thả chim bồ câu hoà bình được các bạn trẻ Rôma mang tới.

 

Thầy Lưu Văn Lộc chuyển ngữ