Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, năm A: Toả sáng trong bầu trời đêm

Lời mở: Trong ngày lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, chúng ta được mời gọi nhìn lên ngôi sao dẫn đường cho các đạo sĩ. Ngôi sao là biểu tượng của mùa Giáng Sinh và cũng là biểu tượng của Chúa Giêsu toả sáng cho nhân loại (x. Ga 1,4.7.9) vì Người là ánh sáng mang lại sự sống và ơn cứu độ cho toàn thể loài người và vũ trụ. Đồng thời ngôi sao cũng là biểu tượng cho sứ mạng của mỗi người chúng ta. Chúng ta trở thành những ngôi sao dẫn đường cho con người gặp được Đấng Cứu Thế.

CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH – A

TOẢ SÁNG TRONG BẦU TRỜI ĐÊM

Hành Khất Kitô

 

 

Lời mở

Trong ngày lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, chúng ta được mời gọi nhìn lên ngôi sao dẫn đường cho các đạo sĩ. Ngôi sao là biểu tượng của mùa Giáng Sinh và cũng là biểu tượng của Chúa Giêsu toả sáng cho nhân loại (x. Ga 1,4.7.9) vì Người là ánh sáng mang lại sự sống và ơn cứu độ cho toàn thể loài người và vũ trụ. Đồng thời ngôi sao cũng là biểu tượng cho sứ mạng của mỗi người chúng ta. Chúng ta trở thành những ngôi sao dẫn đường cho con người gặp được Đấng Cứu Thế.

1. Sao sáng trên bầu trời

Nếu quan sát bầu trời quang đãng trong một buổi tối nào đó, chúng ta thấy rất nhiều ngôi sao chiếu sáng, tất cả các ngôi sao đó đều thuộc về thiên hà của chúng ta. Thiên hà này có hình xoắn ốc, chứa khoảng 400 triệu ngôi sao giống như mặt trời, mà chúng ta gọi là định tinh, nghĩa là những ngôi sao cố định và tự toả sáng. Xung quanh những ngôi sao đó, còn có các ngôi sao khác gọi là hành tinh, giống như trái đất của chúng ta xoay quanh mặt trời. Có cả những vệ tinh xoay quanh hành tinh giống như mặt trăng xoay quanh trái đất.

Trong thực tế, người ta căn cứ vào độ sáng lấp lánh mà tính được tuổi của ngôi sao. Những ngôi sao mới sinh, từ những khối tinh vân trong vũ trụ tụ lại, có ánh sáng màu xanh. Sau vài ba tỷ năm những khối vật chất gồm nhiều hạt nhân tạo ra phản ứng nhiệt hạch để toả ánh sáng và nhiệt năng. Chúng sẽ nguội dần như bức xạ của mặt trời thì ánh sáng trở thành màu trắng. Đến vài tỷ năm nữa khối bức xạ nguội dần, ánh sáng trở nên vàng đỏ và sau cùng tắt ngấm trong vũ trụ, trở thành ngôi sao đen giống như trái đất sau khi tách ra khỏi mặt trời, dù trong lòng vẫn còn cháy âm ỉ. Trong vũ trụ có nhiều ngôi sao đen như vậy, chúng lao vào nhau và tan vỡ gây nên những biến động trong vũ trụ.

Chúng ta cũng đừng quên trong vũ trụ, ngoài thiên hà của chúng ta, còn có hàng trăm ngàn thiên hà khác, mỗi thiên hà cũng có hàng trăm triệu ngôi sao. Thiên hà của chúng ta có hình tròn, nếu tính đường kính bằng vận tốc ánh sáng, mỗi giây 300 ngàn cây số, thì phải mất 100 ngàn năm mới đi hết từ đầu này sang đầu kia của thiên hà.

Thiên hà gần chúng ta nhất tên là Andromede, cách thiên hà chúng ta khoảng 3,5 triệu năm ánh sáng. Người ta đã chụp được hình ảnh những thiên hà đó qua kính thiên văn Hubble mà người Mỹ đã phóng lên quỹ đạo. Chỉ trong thiên hà của chúng ta thôi đã có đến khoảng 8.000 hành tinh có điều kiện giống như trái đất, nghĩa là có thể có sinh vật phát triển.

Nói như vậy để khi nhìn vào những ngôi sao, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa kỳ diệu biết chừng nào. Ngài vượt ra ngoài cõi không gian hầu như vô tận và vượt qua 15 tỷ năm, theo ước tính về tuổi của các ngôi sao, để mời gọi chúng ta khám phá ra những ý nghĩa mới.

2. Theo chân các đạo sĩ tìm ánh sao lạ

Các đạo sĩ trong bài Tin Mừng là những nhà chiêm tinh, những nhà khoa học thời xưa. Họ nhìn lên bầu trời và khám phá ra ánh sáng từ một ngôi sao mới. Quan niệm ngày xưa là mỗi người có một ngôi sao chiếu mệnh. Khi nhìn vào ngôi sao họ khám phá ra rằng ngôi sao mới báo tin một vị vua ở Israel giáng sinh, vị vua này mang lại ơn phúc không phải chỉ cho dân tộc Do Thái mà còn cho toàn thể nhân loại. Đọc được những ý nghĩa đó, họ đã lên đường đến Giêrusalem, từ những miền khác nhau trên thế giới. Đi trong đêm tối, ngày xưa không có vệ tinh hay la bàn hướng dẫn, họ chỉ biết dõi theo ánh sáng của ngôi sao. Vì vậy, lúc đến Giêrusalem, ánh sao bị khuất, họ lo sợ nên vào tận hoàng cung để hỏi vua Hêrôđê về vị vua mới sinh hiện đang ở đâu. Sau khi biết được là ở Bêlem, họ lại tiếp tục lên đường và “ánh sao họ đã thấy ở phương Đông lại dẫn đường cho họ đến tận chỗ Hài Nhi ở mới dừng lại. Trông thấy ánh sao, họ mừng rỡ vô cùng” (Mt 2,9-10).

Ánh sáng toả ra từ ngôi sao như gợi ý cho chúng ta về những ngôi sao trong bầu trời đêm của thế giới hôm nay để soi sáng cho nhân loại tìm được Đấng Cứu Thế. Nhìn vào xã hội hôm nay, có thể nói rằng loài người chúng ta đang ở trong đêm tối mà không biết hướng về đâu. Người ta cứ ăn, cứ chơi rồi lại thấy rằng ăn mặc, chơi đùa rồi cũng chết nên tuyệt vọng. Có người lao đầu vào công việc, thu tích thật nhiều tiền của, vàng bạc, chứng khoán để cuối cùng thấy mình rồi cũng chết mà không mang theo được gì. Có người lao vào con đường sắc đẹp, cố gắng làm cho thân xác mình tươi trẻ bằng cách nhịn ăn nhịn uống, sửa mắt sửa môi cho hấp dẫn… rồi cuối cùng vẫn thấy mình mỗi ngày một già đi, xấu đi. Tất cả những gì họ mơ ước hầu như không tồn tại. Họ không biết đời sống của mình sẽ đi về đâu.

Có người nghiên cứu khoa học, miệt mài trong giảng đường, trong phòng thí nghiệm để cuối cùng thấy rằng bao nhiêu sách mình viết ra cũng chỉ là những khối giấy chứa đầy bụi trong thư viện. Những công trình nghiên cứu của người khác tiếp nối công trình của họ và họ thấy mình lỗi thời, cổ hủ. Có người cố gắng học hành để đạt được bằng này cấp nọ, cuối cùng thấy rằng đó cũng chỉ là những tờ giấy cất giữ trong tủ và mình cũng chết trần trụi như ai. Có những người miệt mài tập luyện trong lĩnh vực nghệ thuật. Dưới ánh đèn màu, họ trở thành những ngôi sao rực rỡ, được nhiều người chào đón, tặng hoa… nhưng khi ánh đèn trên sân khấu hay sân cỏ tắt ngấm, họ lại trở thành những ngôi sao đen vì không có nguồn sáng thật sự.

Trong thế giới đen tối ấy, người ta muốn tìm ra một ánh sao và ý nghĩa thật sự cho đời mình và đời người nhưng không biết tìm ở đâu. Các đạo sĩ trong ngày Lễ Hiển Linh hôm nay lại trở thành hình ảnh tượng trưng cho loài người đang lên đường để tìm được ngôi sao toả ánh sáng vĩnh hằng.

3. Chúng ta là ngôi sao của Đức Kitô

Chúng ta đang được mời gọi để trở thành ánh sao hướng con người tìm về Đấng Cứu Thế. Đấng đó mới thật sự mang lại cho muôn loài sự sống vĩnh hằng, vinh quang bất diệt là trở nên con cái Thiên Chúa; Đấng đó mới mang lại vẻ đẹp muôn đời và sự khôn ngoan tuyệt vời mà không một ai có thể cung cấp cho con người ngoài chính Đức Giêsu Kitô là nguồn sự khôn ngoan, sự thật và sự sống. Khi gặp được ngôi sao như vậy, giống như các đạo sĩ hôm nay, họ mừng rỡ vô cùng. Ngôi sao ấy sẽ dẫn họ đi cho đến tận nơi Hài Nhi ở và dừng lại. Chúng ta có muốn trở thành ngôi sao đó không?

Sau khi nhận biết Đức Giêsu, Chúa của chúng ta, là nguồn ánh sáng chân thiện mỹ, là con đường dẫn đến sự thật và sự sống vĩnh hằng, nhân loại đang mong chờ chúng ta giới thiệu Đức Giêsu Kitô để tìm đến với Người. Nếu chúng ta không toả ánh sáng của Người thì tất cả vẫn chìm trong bóng tối.

Chúng ta sẽ làm gì để toả sáng cho con người?

Những ngôi sao toả sáng bởi chính chúng, đó là những định tinh, chúng nhận được ánh sáng từ nguồn là Đấng Tạo Hoá ban cho. Nếu chúng ta gắn bó với nguồn sống của chúng ta là Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô bằng đời sống cầu nguyện và bí tích hằng ngày, bằng hoạt động bác ái và rao giảng Tin Mừng, chúng ta sẽ toả sáng. Chúa sẽ ban cho chúng ta tất cả những ân sủng, cho chúng ta cảm nghiệm được rằng Ngài thật sự là nguồn khôn ngoan, nguồn sống vĩnh hằng, nguồn hạnh phúc vô biên. Mỗi người chúng ta sẽ có kinh nghiệm về điều này.

Toả sáng như thế nào?

Chúng ta đang được mời gọi toả sáng trong đời sống của mình. Qua lời mở đầu của Phúc Âm thánh Gioan, Chúa Giêsu chính là “ánh sáng thật đã đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), Người là ánh sáng ban sự sống, “sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,4-5). “Những ai tiếp nhận Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa, ban cho họ ân sủng và chân lý” (Ga 1,9.17).

Chúng ta hãy toả sáng trong cuộc đời qua lời nói của chúng ta khi gắn bó với Chúa Giêsu là Ngôi Lời. Từng lời của chúng ta phải là lời tốt đẹp mang lại niềm vui, hạnh phúc, hy vọng, ơn cứu độ cho con người thay vì lời nói xấu, nói dối, nói tục, lời tiêu cực làm cho người khác buồn phiền, chán nản, thất vọng.

Chúng ta hãy toả sáng trong hành động. Những hành động xấu xa, gian ác, tiêu cực đều xúc phạm đến Thiên Chúa trong lòng con người cũng như trong vạn vật. Dù không có ai biết, ai thấy hay khen tặng, ta cũng vẫn hành động tích cực, vẫn chăm chỉ học hành, suy nghĩ tốt, làm việc tốt, làm tất cả những gì Chúa muốn vì Chúa đang nhìn ta và ban thưởng cho ta. Hành động như thế là chúng ta toả sáng.

Khi ý thức được như vậy chúng ta mới chăm chỉ học hành, làm việc, đào luyện tài năng, chơi đùa, giải trí cho đúng đắn thì chúng ta mới đạt được kết quả tốt đẹp để làm chứng cho Thiên Chúa và Đức Kitô.

Người Công giáo chúng ta phải có nhiều người tốt nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ tài năng thật sự để làm chứng cho Chúa là nguồn của sự thật. Người Công giáo phải có nhiều những doanh nhân thành đạt để làm chứng cho Chúa là nguồn của giàu sang. Người Công giáo phải có nhiều người đoạt giải trong các kỳ thi hoa hậu, sắc đẹp, tài năng để chứng minh Chúa là nguồn của ân sủng và nguồn đẹp. Như thế, trong lĩnh vực nào chúng ta cũng cần phải trở thành những ngôi sao toả sáng trong cuộc đời.

Kết luận

Hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi trở thành những ngôi sao thật sự toả sáng trong đêm tối cuộc đời để người khác nhận ra Chúa Cứu Thế bằng đời sống kết hợp mật thiết với Chúa và chân thành yêu thương nhau. Như thế là chúng ta mang lại niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ cho gia đình cũng như cho xã hội hôm nay. Như thế bầu trời Việt Nam và nhân loại sẽ tràn ngập ánh sáng và niềm vui mà Chúa muốn chúng ta thể hiện từ Mùa Giáng Sinh này.