Nông dân không mặn mà với cà phê sạch

Việc người trồng càphê ở Tây Nguyên không mặn mà với việc sản xuất cà phê sạch hẳn là một trong những nội dung quan trọng được bàn tại hội thảo quốc tế về “Sản xuất và tiêu thụ càphê bền vững” – dự kiến sẽ tổ chức tại Đắc Lắc sắp tới.

Nông dân không mặn mà với cà phê sạch

 

Báo Lao Động, ngày 12.10.2010

 

Việc người trồng càphê ở Tây Nguyên không mặn mà với việc sản xuất cà phê sạch hẳn là một trong những nội dung quan trọng được bàn tại hội thảo quốc tế về “Sản xuất và tiêu thụ càphê bền vững” – dự kiến sẽ  tổ chức tại Đắc Lắc sắp tới.

 

Việc nông dân không mặn mà với càphê sạch đã đặt ra cho không chỉ cho các công ty riêng lẻ mà cho cả ngành cà phê, cùng các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương nhiều vấn đề đáng suy nghĩ trong chương trình phát triển cà phê sạch.

Theo ông Nguyễn Kim Tú – Phó tổng GĐ Công ty càphê Thái Hoà Lâm Đồng – việc tổ chức sản xuất càphê sạch ở Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng vẫn còn không ít bất cập. Cũng theo ông, chỉ chưa đầy 2 năm – từ cuối 2008 đến tháng 8.2010, Thái Hoà Lâm Đồng đã thu hút khoảng 5.000 nông hộ trên địa bàn Lâm Đồng – vùng nguyên liệu cà phê lớn thứ hai trong cả nước (sau Đắc Lắc) – tham gia cùng Công ty trong chương trình sản xuất cà phê sạch UTZ (UTZ Certifild của Hà Lan) và 4C (Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê thế giới) với tổng diện tích cà phê được đưa vào canh tác theo chương trình này lên đến 9.000ha.

 
Chỉ qua một thời gian ngắn canh tác theo tiêu chuẩn của hai bộ nguyên tắc này, những hộ nông dân Lâm Đồng đã sản xuất được 26.000 tấn cà phê 4C và 44.000 tấn cà phê UTZ (được cấp phép theo tiêu chuẩn). Tuy nhiên, nông dân trồng cà phê đã không mặn mà với sản xuất cà phê sạch, vì giá không cao hơn sản phẩm cà phê thường là bao. Một nông dân tham gia chương trình cà phê sạch nói: Khi có sản phẩm, chúng tôi đem bán chỉ thu lại một khoản lợi nhuận cao không nhiều so với các loại cà phê bình thường, trong khi vốn đầu tư cho cà phê sạch không hề thấp. Tính ra, chúng tôi bị lỗ, nên nhiều hộ nông dân đã tự nguyện xin rút khỏi chương trình cà phê sạch”.

Mặt khác, không phải nông dân nào cũng tuân thủ theo quy trình, nên sản phẩm làm ra không đồng đều; do đó, tỉ lệ thải loại của cà phê Việt Nam nói chung và cà phê sạch nói riêng trên thị trường cà phê thế giới cao hơn nhiều so với các quốc gia khác”.

Tuy vẫn còn những trở ngại nhất định, nhưng việc sản xuất cà phê có chứng nhận (theo các tiêu chuẩn Châu Âu và quốc tế) là xu thế tất yếu. Theo dự báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, giá cà phê Lâm Đồng và Việt Nam trong niên vụ tới (2010 – 2011) sẽ không có những biến động lớn và nằm ở mức có thể chấp nhận được (khoảng từ 24.000 – 29.000 đồng/kg).

Đây là một trong những điều kiện thuận lợi nhất định để tỉnh triển khai chương trình sản xuất sạch đối với cây cà phê theo chương trình tổng thể sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Vấn đề lúc này là phải làm thế nào để người nông dân thực sự ý thức được việc sản xuất cà phê sạch là xu thế tất yếu hiện nay của thế giới; đồng thời, làm thế nào để “kéo” doanh nghiệp thực sự vào cuộc để cùng với nông dân làm ra sản phẩm cà phê có chất lượng cao nhất, có đủ khả năng cạnh tranh với cà phê của các quốc gia khác trên thế giới về giá cả.

 

Khắc Dũng