Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước: Tìm cơ hội từ giảm thuế

Hàng loạt hiệp định thương mại mậu dịch tự do (FTA) giữa VN với các nước đã được ký kết và có hiệu lực, thị trường xuất khẩu rộng mở do hàng rào thuế quan các nước giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng có không ít doanh nghiệp, ngành hàng bỏ lỡ…

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước

 

Tìm cơ hội từ giảm thuế

Báo Tuổi Trẻ, ngày 11/10/2010

Hàng loạt hiệp định thương mại mậu dịch tự do (FTA) giữa VN với các nước đã được ký kết và có hiệu lực, thị trường xuất khẩu rộng mở do hàng rào thuế quan các nước giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng có không ít doanh nghiệp, ngành hàng bỏ lỡ…

Chiều 7-10, có mặt tại Phòng quản lý xuất nhập khẩu TP.HCM (số 8 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1), một trong hai điểm cấp C/O (để được giảm thuế theo FTA, hàng xuất khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ C/O) tại TP.HCM, chúng tôi ghi nhận có khoảng vài chục nhân viên phụ trách xuất nhập khẩu của các DN đang chờ lấy C/O đã xin cấp trước đó.

Tăng xuất khẩu sang Nhật, Hàn

Không khí làm việc tại đây khá khẩn trương, tất bật. Chị T., nhân viên một DN xuất khẩu hàng dệt may tại TP.HCM, cho biết gần như tuần nào cũng có mặt tại đây 2-3 lần để làm thủ tục xin cấp C/O. Hầu hết doanh nghiệp ở đây đều xin C/O mẫu AK (dành cho hàng xuất đi Hàn Quốc) và mẫu AJ (xuất đi Nhật Bản) cho các mặt hàng may mặc, đồ gỗ, thủy sản…

Tìm đến Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 (TP.HCM), chúng tôi khá ngạc nhiên khi xem sổ kế hoạch giao hàng cho cuối quý 3 và đầu quý 4-2010, bởi hầu hết địa chỉ nơi đến đều ở Nhật với số lượng hàng chục ngàn chiếc quần cho mỗi lô hàng xuất.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh:

Cần có cách làm khác

* Thưa ông, vì sao xuất khẩu của VN chưa tận dụng tốt các FTA?

– Số liệu thống kê năm nay và năm 2009 cho thấy tỉ lệ hàng hoá xuất khẩu của VN tận dụng được ưu đãi FTA đã cao hơn các năm trước. Chẳng hạn, 21% hàng xuất khẩu vào Trung Quốc đã được hưởng ưu đãi thuế, tỉ lệ khá cao so với các nước ASEAN. Với Hàn Quốc, tỉ lệ này là 79%, Nhật Bản là 28%, sang các nước ASEAN là 13%… Tuy chưa được như mong muốn nhưng đã có sự tiến bộ. Các DN VN đã chủ động chuyển hướng khi thị trường Mỹ và EU gặp khó khăn trong năm 2009.

* Có ý kiến cho rằng DN chưa tận dụng tốt cơ hội là vì vấn đề cung cấp thông tin, tuyên truyền chưa tốt?

– Thời gian vừa qua Bộ Công thương đã cố gắng tổ chức nhiều hội thảo cung cấp thông tin. Nhưng đúng là chưa đủ bởi số lượng DN tham gia các hội thảo chỉ chừng vài trăm. Tôi nghĩ cần tìm một phương thức nào đó để thông tin đến được với nhiều DN nhất, thí dụ như tổ chức thông tin trên các trang web.

Nếu các quy định về xuất xứ, nhất là thủ tục cấp giấy chứng nhận, được giải thích rõ ràng, tôi tin là các DN sẽ hào hứng hơn.

* Nhưng làm thế nào để  thông tin vừa không nghèo nàn vừa trở thành cẩm nang cho DN?

– Đúng là thời gian qua thông tin cung cấp có phần khô khan, đôi chỗ quá kỹ thuật nên chưa tới được với phần đông DN. Cần có cách làm khác thân thiện hơn, thí dụ như diễn nôm các khái niệm, đưa ra các ví dụ cụ thể… để tạo sự chú ý của DN.

Bên cạnh đó, theo chúng tôi, DN cũng nên chủ động hơn trong việc phân tích thông tin. Tôi nghĩ nhiệm vụ của cơ quan nhà nước là cung cấp thông tin, thí dụ như mặt hàng A thuế đã giảm từ 20% về 0% trên thị trường Nhật. Tuy nhiên, việc giảm thuế đó có ý nghĩa thế nào với từng DN  cụ thể thì chúng tôi không phân tích được, mà chính mỗi DN phải khai thác theo cách phù hợp với mình.

LÊ NGUYÊN MINH thực hiện

Theo ông Phạm Xuân Hồng – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần may Sài Gòn 3, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nhật tăng thêm khoảng 20% và đang chiếm đến 65% (tương ứng 55 triệu USD) trong tổng kim ngạch xuất khẩu 85 triệu USD của công ty năm 2010.

Ông Hồng cho hay kể từ khi Hiệp định đối tác kinh tế Việt – Nhật (VJEPA) có hiệu lực từ năm 2009, hàng xuất khẩu của công ty sang thị trường này tăng mạnh do thuế suất giảm. Hiện sản phẩm dệt may xuất khẩu từ VN có nguồn gốc nguyên liệu từ VN, Nhật hoặc các nước ASEAN khi vào Nhật đều hưởng mức thuế nhập khẩu bằng 0%, thay vì 10% như trước.

Ông Lê Văn Đạo, tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN, nói thị trường Nhật là một trong số những thị trường được các doanh nghiệp trong nước khai thác rất tốt những ưu đãi mà VJEPA mang lại. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc cũng tăng trưởng ấn tượng khi kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 220 triệu USD trong chín tháng đầu năm 2010, tăng đến 60% so với cùng kỳ 2009.

Theo ông Đạo, nhóm hàng này được hưởng lợi tương đối lớn từ các cam kết trong FTA ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) do mức thuế trung bình đối với hàng dệt được giảm từ 8% xuống 0% và với hàng may giảm từ 13% xuống 0%.

Tôm xuất khẩu lên ngôi

Con tôm cũng đang lên ngôi ở thị trường Hàn Quốc. Ông Lê Văn Quang, tổng giám đốc Công ty CP thủy hải sản Minh Phú, hồ hởi: “Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường tiêu thụ tôm đông lạnh thứ hai của Minh Phú (sau Mỹ) với mức tăng trưởng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Tám tháng đầu năm 2010, Minh Phú xuất khẩu sang Hàn Quốc trên 2.100 tấn tôm đông lạnh với trị giá gần 17 triệu USD “nhờ tận dụng tốt AKFTA với thuế suất của mặt hàng này giảm mạnh”. Cụ thể, trước AKFTA thuế suất đối với tôm khi vào Hàn Quốc là 20-28%, hiện chỉ còn 13-20%. Tuy nhiên, nếu xuất khẩu cho công ty nằm trong hạn ngạch của Hàn Quốc (quota nhập khẩu) thuế còn 0%.

Riêng mặt hàng tôm vào thị trường Nhật, theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), VN đã vươn lên đứng đầu về cung cấp tôm nguyên liệu đông lạnh (raw frozen). Tám tháng đầu năm, nhập khẩu tôm đông lạnh các loại của Nhật Bản đạt trên 125.000 tấn, trị giá khoảng 1,13 tỉ USD và VN là nhà cung cấp lớn nhất với khối lượng đạt trên 25.000 tấn.

Với mặt hàng nông sản rau quả, ông Huỳnh Quang Đấu, phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), cho biết nhờ FTA Trung Quốc – ASEAN nên một số mặt hàng đang có thế mạnh của VN xuất sang Trung Quốc như dưa hấu, thanh long, chôm chôm, dứa, một số loại rau, củ… đã tìm được chỗ đứng tại thị trường rộng lớn này khi mức thuế suất chỉ còn 0% so với mức trước đó 12-24%.

Cơ hội vẫn bị cho qua…

Xét về mặt tổng thể, những hiệp định FTA mà VN đang tham gia trong thời gian gần đây đều có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết các DN thuộc nhiều lĩnh vực ngành hàng trong nước vẫn chưa thật sự khai thác hết cơ hội từ việc giảm thuế vì nhiều lý do khác nhau.

Dù không phủ nhận các lợi ích mang lại từ các hiệp định thương mại cho DN nhưng ông Phạm Xuân Hồng cho rằng: “Thật ra nhiều DN vẫn thụ động ngồi chờ lợi ích tới hơn là chủ động tìm kiếm và nắm bắt lấy nó”.

Sự thụ động, theo ông Hồng, thể hiện ở chỗ DN ngồi chờ các nhà nhập khẩu tìm đến đặt hàng theo khuôn mẫu có sẵn, chứ không chủ động đi chào mời họ. Lý do khách quan ở đây, ông Hồng nhấn mạnh, cũng chỉ vì chưa chủ động nguồn nguyên phụ liệu lẫn chưa làm chủ được các công đoạn thiết kế – tạo mẫu.

“Chính các nhà nhập khẩu nước ngoài thấy trước những ích lợi từ việc giảm thuế từ các hiệp định thương mại sẽ mang lại cho họ những gì nên họ mới tung quân đi tìm kiếm nơi cung ứng nào mang lại cho họ hiệu quả kinh tế cao nhất. Từ đó chúng ta mới được hưởng lây” – ông Hồng thẳng thắn nói.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Rau quả VN, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc gặp khá nhiều khó khăn bởi nước này dựng hàng rào kỹ thuật về quy định xuất xứ hàng, bao bì, nhãn mác khá chặt chẽ. Nhiều nhà xuất khẩu VN chưa thể đáp ứng được các quy định này.

Vấn đề này cũng được ông Lê Quang Lân, vụ phó Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công thương), cảnh báo: “Hàng rào phi thuế quan là điều cực kỳ quan trọng nhưng đôi khi các nhà xuất khẩu VN không chú ý. Nếu chúng ta làm tốt điều này cộng với yếu tố thuế giảm thì hàng xuất khẩu của VN sẽ còn cạnh tranh hơn nữa”.

Bên cạnh đó, ông Lê Văn Quang cho biết vẫn còn nhiều khó khăn về thủ tục giấy tờ và giấy chứng nhận xuất xứ, cũng như gần đây còn tốn thời gian hơn so với trước kia. “Trước kia chúng tôi xin cấp C/O chỉ trong một ngày nhưng giờ phải mất hai ngày mới xong” – ông Quang dẫn chứng.

T.V.NGHI – T.MẠNH – B.HOÀN – L.N.MINH

Tìm thông tin: “mò kim đáy bể”!

Để kiểm chứng nhận xét của doanh nghiệp (DN) về sự thiếu thông tin các hiệp định thương mại mậu dịch tự do (FTA) mà VN đang thực thi, chúng tôi thử lướt qua một số trang web của cơ quan quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế mới thấy đánh giá của DN quả là không ngoa. Vào trang web của Bộ Công thương, không thấy đề mục nào liên quan đến các hiệp định thương mại mà VN ký kết. Vào mục “Tư liệu” mới thấy một tuyển tập dày 290 trang về hợp tác kinh tế VN với ASEAN và ASEAN mở rộng.

Nội dung có lẽ dùng để dạy thì phù hợp hơn để DN tra cứu. Qua trang web của Cục Xúc tiến thương mại, “mặt tiền” của trang này cũng không thấy giới thiệu gì về FTA. Tiêu đề “Cẩm nang xuất khẩu” đập vào mắt ngay khi vào mục “Hỗ trợ xuất khẩu”. Nhưng những nội dung chính của cẩm nang này là “Một số lưu ý khi đàm phán kinh doanh tại Nam Phi” hay “Bạn biết gì về đàm phán kinh doanh?”…

Tra cứu mục “Cẩm nang xuất khẩu” trên trang web của Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản là tài liệu duy nhất về FTA có liên quan đến VN. Tuy nhiên, cái mà DN cần ở cơ quan hỗ trợ nhà nước là giải mã những thông tin của hiệp định để nó trở thành cẩm nang cho hoạt động xuất khẩu thì chẳng thấy.

Có lẽ trang web duy nhất có đầy đủ thông tin về các FTA là của Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (www.niec.gov.vn). Nhưng thật đáng buồn, đa số DN được chúng tôi hỏi đều ngờ ngợ về sự tồn tại của tổ chức này và không biết địa chỉ trang web trên. Một địa chỉ quan trọng về hội nhập kinh tế như vậy nhưng các trang web của Bộ Công thương, Cục Xúc tiến thương mại hay ITPC… đều không có đường kết nối.

Tại các trang web của những tổ chức hỗ trợ DN như Phòng Thương mại và công nghiệp VN hay các hiệp hội DN cũng thiếu vắng thông tin về FTA.

L.N.M.

FTA là gì?

FTA – hiệp định thương mại tự do: là hiệp định trong đó các nước tham gia ký kết thỏa thuận dành cho nhau những ưu đãi, đó là các hàng rào thương mại kể cả thuế quan và phi thuế quan đều được loại bỏ. FTA có thể là song phương (ký kết giữa hai nước) hoặc đa phương (giữa nhiều nước).

Về AFTA: Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN họp tại Singapore quyết định thành lập một khu vực mậu dịch tự do ASEAN (gọi tắt là AFTA). Các nước ASEAN 6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) sẽ hoàn thành việc cắt giảm thuế quan xuống 0-5% vào năm 2003 và đối với VN là năm 2006. ASEAN đã thống nhất 12 lĩnh vực ưu tiên xóa bỏ thuế quan sớm ba năm (năm 2007 đối với ASEAN 6 và năm 2012 đối với các nước VN, Lào, Campuchia và Myanmar) gồm: gỗ, ôtô, cao su, dệt may, nông nghiệp, thủy sản, điện tử, công nghệ thông tin, y tế, vận tải hàng không, du lịch…

* Các hiệp định thương mại tự do của VN

Tính đến nay, VN mới ký kết một FTA song phương là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA). Trên phạm vi đa phương, VN cùng ASEAN đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện những hiệp định với các đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand.

* Các mốc thời gian trong quá trình đàm phán FTA

2003: ASEAN hoàn tất Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN (CEPT/AFTA).

2004: ASEAN triển khai thu hoạch sớm với Trung Quốc.

2007: Hoàn tất đàm phán Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc, triển khai thực hiện vào tháng 7-2007.

2008: Hoàn tất đàm phán Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản, triển khai vào tháng 12-2008.

2009: Hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – Nhật Bản, triển khai thực hiện vào tháng 10-2009.

2009: Hoàn tất đàm phán Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN – Úc – New Zealand (AANZFTA), triển khai vào tháng 1-2010.

(Nguồn: Bộ Công thương)