Người chăn nuôi lo mất Tết

Người chăn nuôi lo mất Tết

Chỉ còn chưa đầy một tháng là đến Tết Nguyên đán 2023, nỗi lo mất Tết của người chăn nuôi trở nên rõ ràng.

 

 

 

 

Người chăn nuôi lo mất Tết - Ảnh 1.

Công nhân lò giết mổ tập trung Thy Thọ (TP Long Khánh, Đồng Nai) chuẩn bị đơn hàng cho một hệ thống siêu thị trên địa bàn Đồng Nai, TP.HCM, Vũng Tàu – Ảnh: A LỘC

Trong nhiều tuần qua, giá heo hơi liên tục giảm mạnh. Hiện giá heo xuất chuồng thấp hơn giá thành sản xuất từ 7.000 – 8.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. 

Tại “thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai, hàng chục ngàn hộ dân đang “khóc ròng” bởi giá heo hơi ngày càng giảm sâu, tiêu thụ khó khăn trong khi vật giá leo thang, chi phí chăn nuôi tăng cao.

 

Lỗ cả triệu đồng với mỗi con heo

Ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trại heo Hoa Phượng (ấp Cây Xoài, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu), cho biết do ảnh hưởng của dịch và thua lỗ trước đó, trại Hoa Phượng đã giảm hơn một nửa đàn heo so với lúc cao điểm, nhưng đang lỗ nặng do giá heo hơi giảm mạnh.

“Hơn một tháng nay giá heo xuống thấp, dao động từ 50.000 – 52.000 đồng/kg. Với giá này mỗi con heo xuất chuồng người nuôi lỗ gần cả triệu đồng. Từ nay đến Tết, nếu giá heo không quay đầu tăng trở lại, người nuôi heo mất Tết là chắc”, ông Thắng nói.

Cũng như ông Thắng, trong hai năm trở lại đây, người chăn nuôi heo ở Đồng Nai đã thu hẹp khá nhiều quy mô sản xuất do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (ASF) và đặc biệt là dịch COVID-19. Dù vậy, hầu hết người nuôi heo đều lỗ nặng do giá heo hơi liên tục giảm, thường xuyên dưới giá thành.

Anh Trần Ngọc Phi, một người chăn nuôi ở xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, cho biết gia đình anh đã cắt giảm đàn heo còn trên dưới 200 con, giảm 1/3 so với những năm trước và kỳ vọng giá heo xuất chuồng sẽ hồi phục để có tiền đón Tết. Nhưng với nhu cầu giảm mạnh như hiện nay, giá heo hơi không những không tăng mà càng giảm.

Theo nhiều người chăn nuôi, giá con giống vẫn ổn định (khoảng 1,5 – 1,6 triệu đồng/con) nhưng các chi phí vật tư khác tăng rất cao. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 40 – 50% trong khi chi phí thức ăn chiếm 65 – 70% giá thành sản xuất, đẩy giá thành chăn nuôi vượt 60.000 đồng/kg. Với mức giá heo xuất chuồng như hiện nay, người chăn nuôi lỗ từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, thậm chí lên đến 10.000 đồng/kg nếu nuôi kém.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có khoảng 2,56 triệu con heo, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Trường Giang, chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai, khẳng định lượng heo phục vụ cho mùa Tết năm nay rất dồi dào nên sẽ không xảy ra tình trạng thiếu thịt heo. Do đó, giá heo hơi xuất chuồng khó có khả năng tăng ngay cả vào các ngày cao điểm cận Tết.

 

Người tiêu dùng vẫn mua thịt giá cao

Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng xu hướng chung mọi năm, trừ các năm bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, giá heo hơi thường tăng vào thời điểm này do nhu cầu chế biến các loại thực phẩm phục vụ mùa Tết tăng cao. 

“Nhưng giá heo hơi năm nay lại có xu hướng giảm vào thời điểm này. Nếu có tăng cũng chỉ tăng vào những ngày cận Tết Nguyên đán chứ những ngày này không tăng được do tiêu thụ kém”, ông Đoán nói.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong ngành chăn nuôi cho rằng do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng phải thu hẹp sản xuất, sa thải lao động… khiến các bếp ăn tập trung, bếp ăn công nhân giảm công suất, chưa kể thu nhập giảm khiến công nhân cắt giảm chi tiêu, khiến cho nhu cầu thịt heo giảm mạnh. 

“Trong khi đó, nhiều công ty chăn nuôi FDI quy mô lớn đã tăng đàn khá nhiều thời gian qua. Và để kích cầu, các doanh nghiệp này buộc phải hạ giá bán xuống thấp”, vị này nói.

Theo số liệu của ngành nông nghiệp, chăn nuôi trang trại (công ty chăn nuôi FDI, trang trại lớn) tại Đồng Nai chiếm tới 90% tổng đàn, chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ chiếm chưa tới 10%. Trong đó, các công ty chăn nuôi lớn, nhất là doanh nghiệp FDI đều có chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất thức ăn, con giống, thu mua giết mổ và bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

Do đó, theo vị chuyên gia này, ngoài việc giảm được giá thành sản xuất xuống ít nhất 10%, các doanh nghiệp này cũng thu được lợi nhuận lớn trong các khâu giết mổ, tiêu thụ…, nhờ đó đã bù đắp một phần chi phí khâu chăn nuôi. “Lợi nhuận từ bán lẻ rất lớn. Với việc có cả ngàn cửa hàng bán lẻ thịt heo, một số công ty chăn nuôi vẫn thu lợi rất lớn dù giảm giá bán”, vị này khẳng định.

Trong thực tế, giá thịt heo trên thị trường thời gian này vẫn ổn định với mức giá từ 60.000 – 180.000 đồng/kg. Trong đó, nhiều sản phẩm thịt có giá vượt 100.000 đồng/kg như thịt ba rọi, đuôi heo, sườn non, đùi nạc, chân giò… 

“Dù giá heo hơi xuất chuồng giảm sâu, người tiêu dùng vẫn đang phải mua thịt heo với mức giá trung bình từ 120.000 – 150.000 đồng, thậm chí lên đến 200.000 đồng/kg vào lúc cao điểm”, một thương lái tại Đồng Nai nói.

 

Nhiều lò mổ bò ngừng hoạt động do thua lỗ nặng

Ông Minh, chủ lò mổ bò ở Đồng Nai, cho biết khoảng 50% lò mổ bò trên địa bàn đã ngừng hoạt động do thua lỗ liên tiếp. Các lò mổ bò chủ yếu mua hàng “nội địa” mổ bán, còn bò nhập từ nước ngoài về Việt Nam giá cao hơn thị trường nên thua lỗ nặng.

“Nhà lò làm riết không dám làm nửa, hơn nửa nghỉ làm. Lò của tôi chỉ bắt túc tắc vài con bò của người dân mổ bán, với giá 75.000 đồng/kg, mỗi con bò nội địa cũng lời được vài trăm ngàn đồng”, ông Minh nói và cho biết do kinh tế khó khăn, công nhân mất việc, giảm lương thưởng nên sức tiêu thụ đối với thịt bò giảm mạnh. Hầu hết người dân ăn thịt bò ít hơn mà chuyển sang các loại thực phẩm khác rẻ hơn như cá, gia cầm…

A LỘC
TTO