Kiến nghị của chúng tôi không được chú ý

LBBT: Nhiều báo ở Việt Nam trong tháng 7-2010 đã viết về vấn đề “trò chơi trực tuyến” (game online), Quốc hội cũng đã bàn luận nhiều về vấn đến này. Hiện nay đang có khoảng 5 triệu người chơi. Số tiền thu lợi từ mặt hàng kinh doanh này không thể bù đắp cho sự thiệt hại do trò chơi trực tuyến gây ra cho tinh thần con người, nhất là cho cộng đồng xã hội. Caritas Việt Nam trích đăng 1 loạt bài về vấn đề này để người tín hữu Kitô giáo suy nghĩ cũng như để đề phòng cho mình và con em của mình.

Kiến nghị của chúng tôi không được chú ý

 

LBBT: Nhiều báo ở Việt Nam trong tháng 7-2010 đã viết về vấn đề “trò chơi trực tuyến” (game online), Quốc hội cũng đã bàn luận nhiều về vấn đến này. Hiện nay đang có khoảng 5 triệu người chơi. Số tiền thu lợi từ mặt hàng kinh doanh này không thể bù đắp cho sự thiệt hại do trò chơi trực tuyến gây ra cho tinh thần con người, nhất là cho cộng đồng xã hội. Caritas Việt Nam trích đăng 1 loạt bài về vấn đề này để người tín hữu Kitô giáo suy nghĩ cũng như để đề phòng cho mình và con em của mình.

Đó là phát biểu của ông Lê Mạnh Hà – Gíám đốc sở thông tin – truyền thông TP.HCM – về những tác động xấu của trò chơi trực tuyến (game online) đã gây bức xúc trong cuộc sống thời gian gần đây.

Cũng chính điều này khiến nhiều đại biểu HĐND TP.HCM lên tiếng về trách nhiệm quản lý, đồng thời gửi nhiều chất vấn tại kỳ họp lần 18 HĐND TP khóa VII.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông LÊ MẠNH HÀ nói:

– Bắt đầu từ năm 2006, chỉ hai trò chơi trực tuyến được cấp phép. Đến nay số trò chơi trực tuyến được cấp phép đã lên đến 65 trò chơi, tăng hơn 30 lần qua năm năm. Trong số này, có 10 trò chơi đã ngưng hoạt động, ba trò chơi khác đang được thử nghiệm. Có khoảng 5 triệu người chơi thường xuyên, chủ yếu là thanh thiếu niên.

* Có ý kiến cho rằng nội dung nhiều game online có tình tiết đâm chém, bắn giết và nhân vật nữ ăn mặc hở hang. Là cơ quan quản lý nhà nước ở TP, ông đánh giá thế nào?

– Chúng tôi đã có khảo sát về game online. Có 43 trò chơi mang tính bạo lực, chiếm 66% trong tổng số 65 trò chơi; chơi cờ và chơi bài có năm trò chơi (8%); các thể loại khác (phiêu lưu, bóng đá, đua xe, khiêu vũ…) có 17 trò chơi (26%). Con số trên cho thấy số lượng trò chơi có tính bạo lực được cấp phép ở mức cao.

* Nhưng thưa ông, không phải ai cũng đồng tình gọi đó là những game có tính bạo lực hay nói chung là có tác động xấu?

– Khi trả lời về việc có đến 77% trò chơi bạo lực được cấp phép (con số thống kê trước đây – PV), cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho rằng “việc thẩm định tính bạo lực, tình dục trong game rất khó chứ không đơn giản…, không thể cân đo đong đếm một cách cơ học” (Tuổi Trẻ 30-6-2010). Tôi cho rằng trả lời như vậy là thiếu trách nhiệm.

Các trò chơi đã gây tác hại cho xã hội, mọi người đều lên tiếng mà vẫn cấp phép lưu hành, vẫn nói là không đo đếm được là không thể chấp nhận. Có những trò chơi mà Sở TT&TT đánh giá là bạo lực thì lãnh đạo cục báo chí trả lời bằng văn bản những game có bắn súng đấy là môn… thể thao điện tử. Cấp sở như chúng tôi còn có thể đưa ra tiêu chí thế nào là bạo lực, tại sao cấp bộ không làm được điều này?

* Nhưng thưa ông, tất cả trò chơi như ông vừa đề cập được cấp phép và trước đó phải qua một quy trình thẩm định của các cơ quan thuộc Bộ TT&TT được cho là hết sức chặt chẽ. Lẽ nào những trò chơi tác hại như ông vừa nêu bị “lọt lưới” nhiều đến như vậy?

– Không thể nói việc thẩm định và cấp phép là chặt chẽ. Không có tiêu chí thế nào là bạo lực nhưng vẫn tiến hành thẩm định và cấp phép thì trò chơi bạo lực lan tràn là đương nhiên. Chúng tôi nhiều lần đề nghị bộ phải ban hành tiêu chí thế nào là bạo lực, là cờ bạc nhưng không được tiếp thu. Tôi cũng không hiểu tại sao!

Chúng tôi đề nghị phải có ý kiến của địa phương nơi có nhiều người sử dụng Internet tham gia thẩm định thì họ cũng không đồng ý. Tôi không nghĩ các trò chơi bạo lực “lọt lướt”, tôi cho rằng người ta công khai cho phép nó lưu hành. Trách nhiệm của người cấp phép và để trò chơi tác động xấu đến xã hội là rất lớn. Ý kiến của một cử tri được phát trong khi chất vấn tôi (trong kỳ họp HĐND TP.HCM hồi tháng 6-2010) cho rằng phải truy cứu trách nhiệm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự của những ai cấp phép cho game bạo lực. Tất nhiên như vậy có thể là ý kiến cực đoan nhưng điều đó cho thấy xã hội rất bức xúc.

Tôi cho rằng việc cấp phép trò chơi trực tuyến (có nội dung xấu) là bất thường. Rất mong cơ quan có trách nhiệm lưu ý để phát hiện và xử lý những hành vi tiêu cực nếu có trong việc cấp phép này.

* Là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, nếu có đầy đủ cơ sở cho rằng một số trò chơi tác động xấu đến người chơi – nhất là giới trẻ – chẳng lẽ Sở TT&TT TP chấp nhận tình trạng này?

– Chúng tôi từng đề nghị: địa phương có quyền đình chỉ hoạt động của một trò chơi trên địa bàn nếu phát hiện trò chơi có tác động xấu đến xã hội như gây nghiện, làm học sinh bỏ học, gây tội ác do học theo trò chơi. Nhưng đến nay kiến nghị của chúng tôi không được bộ chú ý. Tôi đang có ý định thực hiện một cách quyết liệt nhất: Sở TT&TT sẽ đình chỉ trò chơi nào mà chúng tôi xác định mang tính bạo lực. Chúng tôi sẽ làm và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Bất cập lớn nhất, trở ngại lớn nhất hiện nay là số lượng game bạo lực quá lớn. Như vậy phải có biện pháp giảm ngay số lượng này. Với số lượng trò chơi mang tính bạo lực được cấp phép lớn như vậy không ai có thể quản lý được, địa phương bó tay, xã hội gánh chịu hậu quả.

Chúng tôi đã đề xuất nhiều biện pháp và sẽ tiếp tục đề xuất. Nhưng bây giờ quan trọng hơn cả là hành động. Trước đây chúng tôi từng rất mạnh tay và bây giờ cần phải mạnh tay hơn nữa. Tất cả đại biểu HĐND khi chất vấn tôi đều đồng tình với biện pháp kiên quyết của sở. Chủ tịch UBNDTP cũng đã chỉ đạo ngay tại kỳ họp là Sở TT&TT phải trình các biện pháp xử lý ngay 43 game bạo lực. Sự ủng hộ như vậy là thuận lợi lớn đối với sở.

“Việc cho lưu hành nhiều trò chơi trực tuyến như vậy cũng do có người cho rằng nó đem lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách. Quan điểm của tôi là chúng ta không cần những đồng tiền do trẻ em nhịn ăn sáng, do lấy trộm tiền của cha mẹ, thậm chí cướp của, giết người để có tiền chơi game. Phải đối xử với kinh doanh trò chơi trực tuyến như một ngành gây ô nhiễm vì tác hại của nó đã gây ra đối với xã hội”

Ông Lê Mạnh Hà

 

Ông NGUYỄN VĂN BẠCH (đại biểu HĐND TP.HCM, phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP):

Không thể thu lợi trên nỗi lo lắng cực độ của xã hội

Tôi rất đồng tình với giám đốc Sở Thông tin – truyền thông Lê Mạnh Hà sẽ quyết liệt xử lý 43 trò chơi trực tuyến mà sở này báo báo có tính chất bạo lực, khiêu dâm, kích dục, cờ bạc… Biện pháp cụ thể được đề xuất là xem xét đình chỉ ngay các nội dung bạo lực chứa trong trò chơi trực tuyến. Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cũng đã hứa sẽ không buông lỏng quản lý ở lĩnh vực này, sẽ xem xét ngay các đề xuất xử lý các trò chơi trực tuyến chứa nội dung bạo lực.

Do vậy, tôi sẽ đeo đuổi xem TP.HCM xử lý trò chơi trực tuyến bạo lực như thế nào. Chúng ta không thể tiếp tục đứng nhìn những tác động xấu của loại trò chơi này đến thể chất, tinh thần, nhân cách… con cháu chúng ta. Hội Cựu chiến binh TP sẽ cùng cộng đồng trách nhiệm, không để game bạo lực thu lợi hàng chục triệu USD trên nỗi lo lắng cực độ của xã hội.

QUỐC THANH thực hiện