Họ đòi nhìn nhận? Thật hài hước!

Trong khi nhiều bạn đọc và phụ huynh lên án các loại hình game online bạo lực làm giới trẻ đắm chìm trong đó và mong muốn các nhà quản lý có biện pháp mạnh với trò chơi lợi ít, hại nhiều này, thì các nhà kinh doanh cũng ra sức bảo vệ, đòi “muốn được nhìn nhận công bằng” (báo Tuổi Trẻ 1-7-2010).

Họ đòi nhìn nhận? Thật hài hước!

Trong khi nhiều bạn đọc và phụ huynh lên án các loại hình game online bạo lực làm giới trẻ đắm chìm trong đó và mong muốn các nhà quản lý có biện pháp mạnh với trò chơi lợi ít, hại nhiều này, thì các nhà kinh doanh cũng ra sức bảo vệ, đòi “muốn được nhìn nhận công bằng” (báo Tuổi Trẻ 1-7-2010).

Đọc bài viết, tôi không khỏi thắc mắc: không biết khi ngành game phát triển thì Chính phủ và xã hội sẽ thụ hưởng được lợi ích gì? Có lẽ cái lợi ở đây sẽ chỉ có một số ít đối tượng được hưởng, còn cái hại về mặt đạo đức, tinh thần, băng hoại cả một lớp người trẻ tuổi thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Cạnh nhà tôi ở là gia đình của ba mẹ con đều làm nghề giáo. Suốt thời gian sống gần nhau cô giáo – người mẹ là người tôi luôn kính trọng. Nhưng từ khi cô nghỉ hưu, anh con trai (là giáo viên dạy tin học) và vợ (cũng là một cô giáo dạy cấp III) mở tiệm Internet cho mẹ quản lý. Khỏi nói là khách ra vào nườm nượp, phần đông là thanh niên và học sinh. Tiệm mở đến 1-2 giờ sáng là chuyện bình thường.

Có những em học sinh đeo khăn quàng từ 6 giờ sáng đã có mặt tại tiệm tranh thủ chơi. Có em bỏ cả học, ngồi lì từ ngày này qua ngày kia tại tiệm. Những ồn ào cũng bắt đầu từ đây. Có những hôm cha kiếm con, bà tìm cháu cãi nhau với người mẹ từng là cô giáo ấy om sòm tại quán; có người vừa xông vào quán lôi con (cháu) mình ra vừa đòi đi thưa chính quyền vì xót và tức giận.

Chứng kiến những cảnh này tôi thấy thật buồn. Có vài thanh niên tôi biết từ nhỏ đến lớn rất ngoan, đi bộ đội về có việc làm ổn định, nhưng cũng vì mê nét mà bỏ việc, tối ngày ngồi đồng trong quán, mỗi lần mua thẻ (tôi không biết là thẻ gì) một hai trăm ngàn đồng để luyện game, không màng đến chuyện gì khác.

Nhìn các em mà tôi không khỏi xót xa, thân thể ốm nhom, tóc dài bù xù không thèm cắt, mặt lờ đờ lúc nào cũng như thiếu ngủ…Không biết tương lai của em về đâu khi tối ngày chỉ quan tâm mỗi việc luyện game online?

Muốn được nhìn nhận công bằng ư? Bao nhiêu đó chưa đủ sao, hỡi các nhà phát hành và kinh doanh trò chơi online!

PHƯƠNG THẢO

Tâm sự của một người làm quảng bá game

“Hút máu người chơi càng nhiều càng tốt”, đó là câu cửa miệng của gần như toàn bộ đội ngũ làm game chúng tôi thường nói. Tôi hiện là một người phụ trách toàn bộ quảng cáo, tiếp thị cho công ty game hàng đầu VN và tôi bắt đầu suy nghĩ về điều này.

Tôi đã trăn trở rất nhiều khi báo đài liên tục viết và phản ánh về hiện trạng game online hiện nay. Quả thật, trên game online có tất cả mọi yếu tố tiêu cực như xã hội đã nhìn thấy: bạo lực, chém giết lẫn nhau, tranh giành và đặc biệt là hình thức cờ bạc online. Chúng tôi đã thu về một khoản lợi nhuận rất lớn từ việc đứng ra “hợp thức hóa” cờ bạc này, và liên tục đưa ra khuyến mãi để kích thích khách hàng chơi cờ bạc nhiều hơn. Nhiều lúc tôi nhìn đứa con trai nhỏ và nghĩ liệu sau này cháu sẽ chìm đắm vào game online, máu me cờ bạc thì tương lai sẽ như thế nào? Tôi thật sự trăn trở ngay cả với chính việc làm của mình hiện nay.

Tôi hoàn toàn ủng hộ Nhà nước cần phải siết chặt game online và đặc biệt quan tâm đến việc cấp phép cũng như quản lý các công ty phát hành game.

P.H.