Chúa Nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa, năm C: Làm nên tấm bánh Thánh Thể như Chúa Giêsu

Hôm nay chúng ta cảm tạ Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể để nuôi sống chúng ta cả về thể xác lẫn tinh thần. Người đã nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; 1Cr 11,24-25). Khi dâng thánh lễ, hầu như chúng ta nghĩ rằng chỉ có linh mục mới được cử hành bí tích Thánh Thể, mới “làm” ra bánh trường sinh. Trong khi đó, Đức Giêsu như đang mời gọi mọi người chúng ta tham gia vào công việc này. Chúng ta muốn dành ít phút tìm hiểu xem Đức Giêsu đã làm gì và làm như thế nào để thực hiện bánh Thánh Thể.

CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA – Năm C

LÀM NÊN TẤM BÁNH THÁNH THỂ NHƯ CHÚA GIÊSU

Hành Khất Kitô

UBBAXH-Caritas VN

Lời mở

Hôm nay chúng ta cảm tạ Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể để nuôi sống chúng ta cả về thể xác lẫn tinh thần. Người đã nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; 1Cr 11,24-25). Khi dâng thánh lễ, hầu như chúng ta nghĩ rằng chỉ có linh mục mới được cử hành bí tích Thánh Thể, mới “làm” ra bánh trường sinh. Trong khi đó, Đức Giêsu như đang mời gọi mọi người chúng ta tham gia vào công việc này. Chúng ta muốn dành ít phút tìm hiểu xem Đức Giêsu đã làm gì và làm như thế nào để thực hiện bánh Thánh Thể.

Bài Tin Mừng (x. Lc 9,11-17) kể lại phép lạ hoá bánh ra nhiều như gợi ý cho chúng ta về phép lạ Thánh Thể Người sẽ thực hiện sau này để nuôi sống trọn vẹn con người. Tất cả những cử chỉ mà Chúa Giêsu làm khi lập Bí tích Thánh Thể thì Người đã thực hiện trước trong phép lạ hoá bánh hôm nay (x. Lc 14,22 so sánh với Mt 26,26; Mc 14,22; Lc 9,16). Chúng ta đặc biệt lưu ý đến việc tổ chức cho đám đông ngồi thành từng nhóm 50 người (x. Lc 9,14). Vậy Đức Giêsu đã làm gì?

1. Tình trạng đói khổ và tấm bánh toàn diện cho con người

Trước hết, “Đức Giêsu giảng dạy cho đám đông về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa” (Lc 9,11). Con người chúng ta gồm hai phần: thể xác và tinh thần. Nhiều khi chúng ta chỉ chú ý đến tấm bánh vật chất, nhưng lại quên tấm bánh tinh thần. Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, Người giảng lời Thiên Chúa cho con người để nuôi sống con người, vì “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh mà còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).

Thế giới của chúng ta hiện nay có 6 tỷ 750 triệu người, nhưng hơn 2 tỷ người đang sống dưới mức nghèo khổ. Việt Nam có 87 triệu người, trong đó khoảng 15% đang sống dưới mức nghèo khổ – nghĩa là không kiếm được 1 USD/ngày (khoảng 18.000-19.000đ/ngày) – Nhưng nhìn vào xã hội quanh ta, các cửa hàng, nhất là cửa hàng ăn uống, vẫn luôn tấp nập mỗi ngày. Người ta có thể tiêu vài ba triệu cho một bữa tiệc, trả vài triệu đồng cho một chai rượu ngoại mà không để ý đến những người nghèo khổ xung quanh đang cần một miếng bánh mì giá 3.000 đồng ăn cho đỡ đói nhưng không ai cho. Người giàu càng ngày càng giàu thêm, người nghèo càng ngày càng nghèo hơn, càng đông hơn.

Nhân loại hôm nay không thiếu bánh vật chất vì mỗi năm có hàng trăm ngàn tấn lương thực đổ xuống biển để giữ cho giá thực phẩm không bị giảm. Hàng trăm triệu người đói khổ chỉ vì người ta đang ngày càng nghèo về tình yêu, càng đói về bánh tinh thần. Có tình yêu, người ta sẽ san sẻ vật chất cho nhau và không ai phải đói nghèo. Có tình yêu, người ta chỉ cần trích ra vài phần trăm trong số tiền mua vũ khí cũng đủ làm cho người đói rách được ấm no. Vì thế, trước hết Chúa Giêsu giảng Lời của Thiên Chúa để nuôi sống con người toàn diện, vì Người chính là tấm bánh hằng sống và trọn vẹn. Chúng ta cũng đang được mời gọi để tiếp tục giảng lời Thiên Chúa bằng đời sống của mình để con người hiểu được tình yêu và chia sẻ cơm bánh cho nhau.

2. Nhận trách nhiệm về tình trạng đói nghèo

Hành động tiếp theo là Đức Giêsu yêu cầu nhận trách nhiệm lo cho người nghèo đói.

Đức Giêsu đã nói với các tông đồ: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Các tông đồ ngỡ ngàng: “Thưa Thầy, ở đây chúng con chỉ có vỏn vẹn 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ làm sao nuôi nổi 5.000 người đàn ông, không kể đàn bà, con nít! Đó là một chuyện không tưởng, và cũng không phải là trách nhiệm của chúng con. Vì thế chúng con mới xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn!”. Chúng ta vẫn suy nghĩ như các tông đồ: tình trạng nghèo khổ quanh ta không phải là trách nhiệm của ta, nhưng là của Nhà nước, của Bộ, Sở Ban Ngành hay tổ chức nào đó không liên quan gì đến ta. Chúa Giêsu không quy trách nhiệm cho ai nhưng mời gọi mỗi người chúng ta hãy làm như Người thì sẽ giúp cho những người đói khổ được no đủ.

3. Tổ chức hoạt động bác ái xã hội

Chúa Giêsu nói với các tông đồ yêu cầu đám đông ngồi lại từng nhóm 50 người một. Nếu Đức Giêsu nhân bánh ra và tận tay phát cho dân chúng, ta hãy tưởng tượng 5.000 người đói khổ sẽ nhào tới, chen lấn, giành giật nhau, rất nhiều người bị xô đẩy, té ngã. Có người lấy được nhiều, được ít, người bị đè bẹp và chẳng có mẫu bánh nào. Công việc bác ái lo cho người đói khổ cần phải được tổ chức chu đáo. Nhiều người nghĩ rằng việc bác ái từ thiện nên để tự phát, tự nhiên, chẳng cần tổ chức. Nhiều người còn nghi ngờ tổ chức như hiện nay tốn kém thêm nên người nghèo chẳng được bao nhiêu, lại còn thất thoát vì lạm dụng, tham nhũng… Người ta thích tận tay phân phát cho người nghèo đói.

Tôi nhớ lời dặn dò của nữ tu Nguyễn Thị Loan, Phó Giám đốc Trại Cùi Bến Sắn: Cha ơi, làm việc bác ái, xin cha nói các tín hữu đừng đến Trại Cùi Bến Sắn phát quà như hiện nay. Thấy tôi ngạc nhiên, chị giải thích: Mỗi tuần có 5,7 đoàn đến, có ngày 2,3 đoàn cùng đến, đoàn nào cũng cố gắng soạn cho mỗi bệnh nhân một túi quà, trong đó thường là kem đánh răng, xà bông, khăn mặt, bột giặt và một bữa ăn nhẹ như mì hay bánh cuốn làm sẵn mang đến, kèm thêm quả chuối, bìa đậu. Ăn một lần thì được, còn ăn ngày này qua ngày khác sẽ là một cực hình. Nên khi đoàn vừa quay lưng đi, người ta đổ tất cả những đồ ăn đó vào thùng rác! Những gói quà kia cũng vậy. Có ai dùng 5,10 cái khăn lau mặt bao giờ! Người đến cho thì thích đứng cạnh bệnh nhân chụp hình, cười vui với họ. Khi đoàn vừa quay lưng đi, một đầu nậu thu hết tất cả những phẩm vật đó với nửa giá tiền! Đoàn nào cũng cố gắng tặng cho mỗi bệnh nhân một phong bì khoảng 20.000-50.000 đồng, nhưng tiền đó hầu như chỉ để chơi Tứ Sắc! Chúng con là những nữ tu ở đây, chúng con mới biết rằng người này cần cái chậu thau, gia đình kia cần học bổng cho đứa con hoặc cần mua chiếc xe đạp cho nó đi học.

Làm bác ái cũng phải biết tổ chức cho hiệu quả như Đức Thánh Cha Bênêđictô nhắc nhở trong Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” (x. TCLTY, số 30-31). Biết tổ chức thì mọi người mới ăn no nê và còn thừa ra những thúng bánh vụn để dành cho người khác.

4. Các hành động tiếp theo

Đức Giêsu đã làm như thế nào? “Người cầm lấy 5 cái bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông”. Từng hành động này mang rất nhiều ý nghĩa, chúng ta chỉ nói sơ qua ở đây.

Cầm lấy tấm bánh nhỏ là dùng những gì nhỏ bé đơn sơ trong tầm tay với lòng tin vào quyền năng Thiên Chúa. Nhiều khi chúng ta chỉ nghĩ đến vật chất, chúng ta muốn có nhiều thuốc, nhiều tiền cho công cuộc bác ái chứ không để ý đến quyền năng vô biên của Thiên Chúa ở trong ta. Chúng ta cũng không để ý đến những người nghèo xung quanh mình. Nhiều khi họ không cần cơm áo, tiền bạc (x. TCLTY, số 31) mà chỉ cần nụ cười, thái độ đón nhận, lời an ủi thân tình, cử chỉ niềm nở của chúng ta. Thiên Chúa, với quyền năng vô biên biến đổi những nụ cười bé nhỏ, những lời an ủi đơn sơ kia trở thành những gì phi thường để giúp cho con người sống và sống dồi dào.

Ngước mắt lên trời, Đức Giêsu mời gọi chúng ta không phải nhìn thẳng vào người nghèo, nhìn vào kế hoạch kinh tế tài chính ở dưới đất mà trước hết hãy ngước mắt lên trời cao, tin vào quyền năng của Thiên Chúa để giữ vững niềm hy vọng.

Đọc lời chúc tụng. Điều này càng khó hơn khi nhiều người nghèo đến với ta, quấy rầy ta. Họ hôi hám, bẩn thỉu, bệnh tật. Họ kể lể làm ta mất giờ. Thậm chí họ ăn cắp món đồ lặt vặt của ta. Chúng ta chẳng có lời tốt đẹp gì mà chỉ muốn dúi cho họ vài đồng bạc lẻ để họ đi cho nhanh. Chúng ta không nói lời chúc tụng Thiên Chúa, hay lời chúc lành cho họ chỉ vì không coi họ là anh em, không yêu thương họ như Đức Giêsu dám đưa chính mình làm tấm bánh cho họ.

Bẻ ra. Hành động này càng kỳ lạ hơn. Với quyền năng như vậy Chúa Giêsu chỉ việc nhân thừa ra những tấm bánh nguyên vẹn và con người cũng thích như thế. Nhưng Chúa Giêsu đã bẻ ra. Bẻ ra có nghĩa là chia sẻ, là hy sinh như Đức Giêsu dám bẻ ra sự sống của mình để chia sẻ cho chúng ta. Chúng ta có dám hy sinh như thánh Phaolô trong bài đọc thứ II: “Mỗi lần ăn bánh và uống chén này là anh em loan truyền cái chết của Chúa Giêsu” (1Cr 11,26). Hiểu được nghĩa hy sinh rồi ta sẽ thấy: có hy sinh thì bác ái mới là chia sẻ, không hy sinh thì bác ái chỉ còn là bố thí, đổ đi. Có bẻ ra mới nhân thừa lên được, càng bẻ ra bao nhiêu càng nhân thừa lên bấy nhiêu.

Trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Đức Giêsu không cứu đói một mình, Đức Giêsu không dọn Tiệc Thánh Thể một mình. Người làm chung với nhiều người khác vì bác ái là thể hiện tình yêu cộng tác với nhiều người để tất cả cùng yêu như mình.

Kết luận

Chúng ta đang được mời gọi nhìn vào những hành động của Chúa Giêsu để so sánh với  những hành động của chúng ta trong công tác xoá đói giảm nghèo, không chỉ đói nghèo về vật chất mà còn đói nghèo về tinh thần. Nhiều người đang rất cần tấm bánh Thánh Thể được chúng ta mang đến cho họ. Hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa Giêsu Thánh Thể chúc phúc cho chúng ta, cho chúng ta trở thành hiện thân của Người và trở thành tấm bánh thật sự chia sẻ cho tất cả mọi người.